CN 6 PS C: BÌNH AN ĐÍCH THỰC

Nhớ lại sứ điệp hòa bình 2013 của đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI có đoạn: “Thời nào cũng vậy, những nỗ lực khác nhau trong việc kiến tạo hoà bình nhan nhãn trong thế giới chúng ta chứng minh rằng ơn gọi căn bản của con người là hoà bình. Nơi mỗi người, khao khát hoà bình là một khao khát căn bản, nó là nỗi khao khát về một đời sống hạnh phúc và thịnh vượng tròn đầy”.

Phụng vụ lời Chúa của ngày Chúa Nhật VI Phục Sinh hôm nay cũng gởi đến chúng ta sứ điệp về một nền hòa bình viên mãn, chúng ta có thể gọi bằng tên khác, đó là bình an đích thực.

I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

1. Bài Đọc I: Cv 15, 1-2. 22-29

Sự xáo trộn tại Hội Thánh Antiôkia là do những người đạo gốc ở Giuđêa đến bắt những người mới theo đạo cũng phải chịu phép cắt bì theo tục lệ của Môsê, nếu không sẽ không được cứu độ. Phaolô và Banaba đã lên tiếng bênh vực những người tòng giáo và tranh luận khá gay gắt với những người đạo gốc đến từ Giuđêa. Không giải quyết được nên họ đã cử hai ông với một số người về thủ đô Giêrusalem để hỏi ý kiến của các Tông Đồ. Cuối cùng, Hội Thánh trung ương đưa ra một quyết định, nhưng không phải là quyết định của cá nhân nào, mà: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định”, đó là miễn chuẩn cho những người mới theo đạo khỏi phải cắt bì, mà chỉ giữ những gì cần thiết như “không được ăn đồ cúng cho ngẫu tượng, kiêng tiết canh, kiêng ăn thịt loài vật chết ngộp, tránh gian dâm…” Cám ơn Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn cho Hội Thánh tiên khởi. Cám ơn Hội Thánh dù có những xáo trộn, nhưng nhờ biết theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, biết tôn trọng tập thể, biết hy sinh ý riêng của mình, biết hợp tác với nhau để phục vụ Giáo Hội nên Hội Thánh đã tìm lại được sự bình an.

2. Tin Mừng: Ga 14, 23-29

Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh bữa tiệc ly biệt giữa Đức Giêsu với các môn đệ. Chính vì vậy mà những lời của Ngài rất tha thiết. Nó là những gì cốt lõi, là tâm huyết mà Đức Giêsu muốn để lại cho những người Ngài thương mến. Vì vậy lời của Đức Giêsu trong bối cảnh này chẳng những là “lời người ra đi”, mà còn là lời người ở lại và vẫn đang sống giữa các môn đệ. Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ nhiều lắm, nhưng chúng ta hãy để ý đến đoạn cuối cùng: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi!”. Bình an của Chúa Giêsu ban tặng chính là bình an đích thực chứ không phải thứ bình an giả tạo, bình an tròn đầy viên mãn chứ không phải bình an tạm thời trong chốc lát.

II. BÌNH AN ĐÍCH THỰC

Vậy bình an đích thực là gì?

1. Bình an đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa:

Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”. Ngài còn phân biệt: “Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian”. Như vậy bình an đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa. Và phải phân biệt thứ bình an của thế gian với bình an của Thiên Chúa.

Bình an của Thiên Chúa chính là hoạt động của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mỗi người, khiến người ta nhìn, suy nghĩ và sống theo một cái nhìn siêu nhiên. Từ đó làm cho người ta bình thản trước bất cứ vấn đề nào. Mọi thứ đều nhẹ nhàng đối với một người bình an.

Người ta kể có hai thầy tu đi trên đường, thấy một cô gái lúng túng không biết làm sao để qua suối. Một thầy tình nguyện cõng cô gái qua suối. Cô gái cám ơn. Thầy tu cười nhẹ nhàng: “Dạ không có chi!” Thế rồi cô gái đi một đường, hai thầy tu đi một hướng. Đi được một đoạn dài, ông thầy kia dừng lại, bực bội, khó chịu. Ông thầy cõng cô gái hỏi: “Có chuyện gì vậy sư huynh?” Được lời như mở tấm lòng, thầy bộc bạch: “Ta không thể chấp nhận được, đệ là một thầy tu mà lại cõng con gái người ta như vậy!” Sư đệ nhẹ nhàng trả lời: “Nhưng đệ đã để cô ta lại ở bờ suối rồi, sao huynh còn cõng cô ta mãi tới đây vậy?”

Qua đó cho chúng ta thấy tâm hồn nào là một tâm hồn bình an đích thực. Một tâm hồn bình an đích thực là một tâm hồn sẵn sàng làm những việc lành phước đức mà không hề suy nghĩ gì, làm xong rồi thôi. Chắc chắn đó là một tâm hồn gắn bó với Chúa. Gắn bó đến mức hành xử giống như Chúa, nên có được bình an của Chúa. Còn tâm hồn không bình an là tâm hồn không gắn bó với Chúa, nên người ta sẽ không có lối hành xử giống như Chúa, vì người ta không có được bình an của Chúa.

Nói cách khác bình an của sư huynh là không được phá giới, phải cố gắng kiềm nén bản thân mình lại… Đó là bình an theo kiểu thế gian. Nhưng chính lúc đó sư huynh lại đang phá giới vì cứ nghĩ tưởng đến hình ảnh của cô gái trong đầu, bực bội với anh em mình, hành xử khắt khe với họ… Còn bình an của sư đệ là bình an xuất phát từ Thiên Chúa, một tâm hồn thanh thoát, giống như “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, cứ việc tỏa hương thanh khiết và khoe màu rực rỡ giữa ánh nắng mặt trời, giữa phong ba bão tố.

Từ đó chúng ta khẳng định, bình an đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa. Muốn có được bình an đó phải gắn bó với Ngài.

2. Là sức mạnh để chiến đấu cho một tương lai tươi đẹp

Kế đến, bình an của Đấng Phục Sinh không có nghĩa là không có sóng gió, nhưng là sức mạnh để chiến đấu, để chèo chống giữa những sóng gió của cuộc đời; là niềm tin vào một tương lai tươi đẹp phía trước; là sự trông cậy vào Đấng đã chết và sống lại cho chúng ta; hay nói ngắn gọn lại là một tình yêu mến đặt trọn vào Đấng đã yêu thương ta.

Trước và sau khi Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết, các Tông Đồ rất hoang mang mặc dù đã được Thầy mình nói trước. Nhưng từ khi Thầy mình sống lại, hiện ra, và nhất là sau biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, thì các ông không còn sợ nữa, ngược lại còn hiên ngang, can đảm làm chứng cho Thầy mình. Đó là sự bình an đích thực, mặc dù các ông gặp rất nhiều khó khăn, bách hại, thậm chí là nguy hại đến tính mạng nữa. Sóng gió vẫn có đấy, nhưng các ông cứ vững tay chèo vì các ông có một sức mạnh từ bên trong, ở bên trên khiến các ông được bình an.

Chưa bao giờ hình ảnh con cá được người dân Việt Nam nhắc đến nhiều như bây giờ, nhưng không phải là cá sống, cá ngon, mà là cá chết, cá thối, cá độc hại. Hiện tượng cá chết trôi dạt vào bờ chẳng những làm cho môi trường của các tỉnh duyên hải miền trung vốn đã ô nhiễm, nay lại ô nhiễm trầm trọng. Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả vì nó còn ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, đến sức khỏe và nhất là niềm tin của người dân.

Chúng ta tự hỏi bình an đích thực ở chỗ nào? Đức Giêsu có giải quyết được vấn đề những công ty xả chất thải độc hại ra môi trường hay không? Đức Giêsu có cho chúng ta ăn những con cá sạch hay không? Đức Giêsu có làm cho đời sống của ngư dân miền trung nắng cháy bớt cơ cực hay không?... Việc đó là việc Chúa làm, còn làm như thế nào chúng ta không biết, chúng ta chỉ biết thốt lên: “Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại, tư tưởng Ngài thâm thúy lắm thay!”

Vấn đề chúng ta nói đến ở đây là sự bình an đích thực mà Đức Giêsu ban cho chúng ta, cách riêng là người dân miền Trung. Không phải là hết sóng gió, không phải là hết cơ cực, nhưng là sự can trường để chiến đấu cho một tương lai tốt đẹp phía trước.

Xin Chúa cho chúng con tìm được bình an đích thực trong tâm hồn, nhờ việc gắn bó với Chúa trong cầu nguyện và cử hành phụng vụ, để chúng con được thanh thoát giữa cuộc đời đầy dẫy những cạm bẫy chông gai, không để lòng vướng bận bởi những tiền tài, danh vọng và dục vọng. Giữa những nghịch cảnh, trái ý của cuộc đời, xin cho chúng con càng gắn bó với Chúa để tìm được sức mạnh để can trường chiến đấu cho một tương lai tốt đẹp. Xin Mẹ Maria là Nữ Vương Bình An cầu cho đất nước, gia đình, họ đạo và từng người chúng con được bình an đích thực chính là niềm tin, lòng trông cậy và tình yêu mến.

Lm. Giuse Nguyễn