Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz: Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là một cơ hội thánh đố tinh thần thế tục Âu Châu

“Châu Âu có nguồn gốc Kitô giáo sâu sắc, nếu chúng ta cắt đi những cội rễ này, cây sẽ chết,” Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Krakow, BaLan cho biết như trên trong cuộc họp với các nhà báo đến từ nhiều quốc gia châu Âu trước Ngày Giới trẻ Thế giới, dự kiến vào tháng Bảy tới.

Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz nói: “Chúng ta đang chiến đấu để bảo vệ các giá trị đạo đức và rễ Kitô giáo, nền tảng của châu Âu. Chúng ta phải bảo vệ mình khỏi những khuynh hướng tiêu cực, thậm chí nếu châu Âu này cáo buộc chúng ta là những kẻ tiêu cực”.

Đề cập đến tình hình chính trị hiện nay ở Ba Lan, Dziwisz nhấn mạnh rằng ngay cả khi có những vấn đề, Giáo Hội Công Giáo không phải là đối mặt với một cuộc khủng hoảng.

Ngài nói:

“Có sự khác biệt giữa Bắc và Nam, ví dụ về khía cạnh số người tham dự thánh lễ. Chúng ta lo ngại về sự suy giảm dân số, không phải vì đói nghèo, nhưng vì cách suy nghĩ. Chính phủ hỗ trợ sự tăng trưởng dân số, ví dụ thông qua các chương trình trợ cấp cho các gia đình mang thai đứa con thứ hai.”

Theo Đức Hồng Y, “Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới kích thích thanh niên về phương diện đạo đức và tôn giáo, cả ở Ba Lan lẫn châu Âu.”

Đối với lo ngại của người dân châu Âu về một số chính sách phát triển của chính phủ Ba Lan, Đức Hồng Y Dziwisz nhấn mạnh rằng “đây là một đất nước tự do, có chủ quyền nhằm bảo đảm tự do của nó cả về đạo đức lẫn chính trị”

2. Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow: 1,000 tình nguyện viên và 2 tới 3 triệu bạn trẻ sẽ tham dự Krakow 2016

Số bạn trẻ ghi danh tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Krakow đã lên đến hơn 600,000 người. Bên cạnh đó còn có hơn 1,000 tình nguyện viên, bao gồm cả những người đã làm việc dài hài hơn một năm nay lẫn những tình nguyện viên vào “phút cuối”.

Các tình nguyện viên sẽ đảm trách việc hướng dẫn các đoàn đi thăm các giáo phận Ba Lan và tìm kiếc các gia đình tại Krakow cho các bạn trẻ tá túc. Mọi người đang làm việc cật lực trước thềm Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2016 tại Krakow, mà đỉnh cao là năm ngày từ 20 đến 25 tháng Bảy, với buổi chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô và Thánh Lễ tại ''Cánh Đồng Lòng Thương Xót''.

Trụ sở của các tổ chức chuẩn bị cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được đặt tại trung tâm của Krakow trong khu phố dành để kính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Khoảng 54 tình nguyện viên quốc tế đã nhận nhiệm vụ tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Krakow ngay sau lễ bế mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Rio vào năm 2013. Tất cả đều rất trẻ, không quá 34-35 tuổi.

Ít nhất 600,000 bạn trẻ từ 180 quốc gia đã đăng ký tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Krakow 2016 trên trang web chính thức. Ba Lan là nhiều nhất, tiếp theo là Italia, nhưng có rất nhiều người thậm chí đến từ Hoa Kỳ. Có cả các nhóm Kitô hữu từ Iraq (250 người) và từ các nước châu Âu lân cận, như Ukraine.

Các hoạt động “Một chiếc vé cho người anh em của mình” đã được thiết lập để giúp đỡ những ai không đủ khả năng tham dự Krakow. Trong số các hoạt động khác, có thể kể đến các hoạt động thông tin liên lạc, thông qua trang web chính thức, bằng chín ngôn ngữ, các mạng xã hội và một kênh Youtube chuyên dụng với bản tin hàng tuần “WYD trong một phút”.

Trong một số thị trấn, nơi cuộc sống thường ngày dường như vẫn yên tĩnh, các buổi cầu nguyện và dạy giáo lý đã bắt đầu để chuẩn bị tinh thần trước khi Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, với sự tham dự rất đông.

3. Công Giáo và Chính Thống Giáo Coptic có thể đưa ra chứng tá chung cho phẩm giá của sự sống, hôn nhân và thiên nhiên

Nhắc lại kỷ niệm năm thứ ba cuộc gặp gỡ tại Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một lá thư cho Thượng Phụ Giáo Chủ Tawadros II thành Alexandria, người đứng đầu Giáo Hội Chính Thống Coptic.

Giáo Hội Chính Thống Coptic, với 9 triệu thành viên, là một trong những Giáo Hội Chính thống Đông phương đã ngừng hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh sau Công Đồng Chalcedon (451).

Đức Thánh Cha viết trong lá thư đề ngày 10 tháng Năm, 2016:

“Mặc dù, chúng ta vẫn đang hành trình hướng tới ngày mà chúng ta cùng ngồi quanh một ở bàn tiệc Thánh Thể, ngay bây giờ chúng ta có thể nhìn thấy sự hiệp thông hữu hình đoàn kết chúng ta. Các tín hữu Coptic và Công Giáo có thể cùng làm chứng cho những giá trị quan trọng như sự thánh thiện và phẩm giá của mọi sự sống con người, sự thánh thiêng của hôn nhân và cuộc sống gia đình, và sự tôn trọng đối với thiên nhiên được Thiên Chúa tạo ra và giao phó cho chúng ta coi sóc”.

Đề cập đến cuộc bách hại các Kitô hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm:

Thưa Đức Thượng Phụ, mỗi ngày suy nghĩ và những lời cầu nguyện của tôi đều hướng về các cộng đồng Kitô giáo ở Ai Cập và Trung Đông, nơi rất nhiều người trong số họ đang gặp khó khăn lớn và những tình huống bi thảm. Tôi cũng nhận thức được mối quan tâm nghiêm trọng cho tình hình ở Trung Đông, đặc biệt là ở Iraq và Syria, nơi anh chị em Kitô hữu của chúng ta và chị em và các cộng đồng tôn giáo khác đang phải đối mặt với thử thách hàng ngày. Nguyện xin Thiên Chúa là Cha chúng ta ban hòa bình và an ủi cho tất cả những ai đau khổ, và truyền cảm hứng cho cộng đồng quốc tế để đáp trả một cách khôn ngoan, và công minh cho thứ bạo lực chưa từng có như vậy.

4. Đức Hồng Y Parolin ca ngợi lòng trung thành của các tín hữu Estoni

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ca ngợi lòng trung thành của các linh mục và tín hữu Kitô tại Estoni và mời gọi họ tiếp tục làm chứng nhân cho Chúa trong hoàn cảnh ngày nay.

Đức Hồng Y đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ sáng ngày 10-5-2016 tại nhà thờ chính tòa thủ đô Tallin của Cộng hòa Estoni quốc gia thứ hai vùng Baltique được ngài viếng thăm trong những ngày này.

Estoni chỉ có hơn 5,700 tín hữu Công Giáo, chiếm 0.4% dân số. Tại nước này có nhiều người không tín ngưỡng và vô thần.

Đức Hồng Y Parolin nhắc lại tấm gương can trường của thánh Phaolô Tông Đồ, trung thành loan báo Tin Mừng giữa bao nhiêu nghịch cảnh, như được trình bày trong lời giã từ của thánh nhân với cộng đoàn Ephêsô đọc trong thánh lễ hôm qua (10-5), Đức Hồng Y nói: “Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì chứng tá trung thành của các linh mục, tu sĩ và giáo dân, đứng trước bách hại, lưu đày và những chướng ngại đủ loại trong những năm Estoni bị chế độ độc tài Liên xô chiếm đóng. Cách đây 25 năm, Estoni đã phục hồi nền độc lập.

Đức Hồng Y nói: “Ngày nay đất nước anh chị em được tự do. Nhưng lời kêu gọi trung thành và can đảm làm chứng nhân vẫn không kém phần quan trọng. Đứng trước trào lưu tục hóa, sự dửng dưng đối với tôn giáo đang lan tràn, và nhiều khi có những thái độ công khai thù nghịch đối với tín ngưỡng tôn giáo đang xảy ra tại nhiều miền ở Âu Châu, cần phải cấp thiết tái truyền giảng Tin Mừng”.

Cũng trong bài giảng, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhận xét rằng “Tại Estoni này, Cộng đoàn Công Giáo thật là nhỏ bé. Vì thế, điều quan trọng là mỗi phần tử giữ vai trò của mình trong việc loan báo Tin Mừng và làm cho các giá trị Phúc Âm được thấm vào xã hội. Tôi muốn cám ơn các linh mục, những người nam nữ thánh hiến và giáo dân vì sự dấn thân phục vụ Giáo Hội địa phương này và vì tất cả những gì anh chị em đang làm để thăng tiến sứ mạng của Giáo Hội, mưu ích cho toàn thể xã hội.

Đức Hồng Y Parolin đặc biệt nhấn mạnh đến khía cạnh đại kết trong việc loan báo Tin Mừng. Điều này đặc biệt đúng tại Estoni này, là nơi có truyền thống mạnh mẽ của Chính Thống và Tin Lành Luther... Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục cầu nguyện với các tín hữu Kitô khác, thăng tiến đối thoại và cộng tác với nhau qua nhiều sáng kiến để phổ biến đức tin và thăng tiến công ích theo tinh thần Tin Mừng. Chúng ta cần luôn nhớ rằng trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho tất cả các môn đệ, cho tất cả những người thuộc về Ngài ở mọi nơi và mọi thời đại”.. Sự chia rẽ giữa các tín hữu Kitô là điều trái ngược với ý muốn của Chúa Kitô. Trong những nỗ lực dấn thân đại kết của chúng ta, những lời của Chúa phải luôn luôn soi sáng tư tưởng và hành động của chúng ta, và khích lệ chúng ta tiếp tục, cho dù chúng ta thấy ít có hoặc không có tiến bộ về phương diện đại kết.”

5. Truyền thống cầu nguyện cho Đức Thánh Cha vào ngày 13/5 tại giáo xứ Thánh Anna, Vatican

Vào lúc 20:30 ngày 13/5 đã có buổi cầu nguyện trọng thể tại giáo xứ Thánh Anna ở Vatican cho Đức Giáo Hoàng.

Truyền thống này bắt đầu từ cách đây đúng 35 năm. Chiều ngày 13/5/1981, khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đang trong tình trạng nguy kịch, nửa sống nửa chết tại bịnh viện Gemelli ở Roma, sau khi bị ám sát tại quảng trường Thánh Phêrô, thì tại quảng trường này, hàng ngàn người đã tụ họp lại cùng cầu nguyện cho Đức Thánh Cha. Họ đọc kinh Mân Côi, cầu nguyện với Đức Mẹ Fatima. Năm này qua năm khác, buổi đọc kinh này trở thành không thể thiếu được, để cảm tạ phép lai, để cầu nguyện cho Đức Thánh Cha.

Mỗi lần như thế, cửa sổ phòng làm việc của Đức Thánh Cha lại mở ra và điện được bật sáng lên, dấu chỉ là Đức Thánh Cha, cách âm thầm, cho chúng ta biết lời cám ơn của ngài. Đây là một cuộc đối thoại cầu nguyện, nhẹ nhàng và tinh tế. Giữa các tín hữu cầu nguyện cũng có sự có mặt của Angelo Gugel, người hầu phòng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người đã trợ giúp ngài vào ngày 13/5 đó, sau khi ngài bị bắn.

Truyền thống này được tiếp tục nhiều năm ngay cả sau khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời. Nó không còn là một cuộc rước nữa nhưng là một buổi cầu nguyện trọng thể, cầu cho sức khỏe của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 và bây giờ là Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngôi nhà thờ nhỏ thánh Anna.

Năm nay cũng thế. Vào lúc 20:30 ngày 13/5, Đức Hồng Y Angelo Comastri, Giám quản đền thờ Thánh Phêrô và đại diện của Đức Thánh Cha tại thành Vatican, đã chủ sự buổi cầu nguyện, để xin Đức Trinh nữ Maria gìn giữ Đức Thánh Cha Phanxicô, cho ngài sức khỏe dồi dào và đức tin sống động, được soi sáng và can đảm để củng cố anh chị em tín hữu và thúc đẩy trên toàn thế giới những giá trị của tình yêu và hòa bình.

6. Tình hình tại Aleppo ngày càng thê thảm

Một linh mục dòng Phanxicô đang coi sóc một giáo xứ tại Aleppo, thành phố lớn nhất của Syria, nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ rằng “chưa bao giờ kể từ đầu cuộc chiến khủng khiếp này tình trạng tồi tệ như bây giờ.”

“Tôi không còn biết dùng những từ nào để mô tả tất cả những đau khổ tôi nhìn thấy hàng ngày,” Cha Ibrahim Alsabagh nói. “Tên lửa và bom dội như mưa xuống trên các nhà thờ, đền thờ, trường học và bệnh viện.”

Cha cho biết ngài đang mang đến sự an ủi cho dân chúng, không chỉ “bằng lời Chúa, mà còn bằng những hành động cụ thể”. Ngài nhận xét rằng “mặc dù thập giá các Kitô hữu địa phương đang phải gánh chịu là rất nặng nề, đau khổ này cũng tạo ra một sự hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau mà tôi chưa bao giờ thấy trước đây.”

7. Sứ điệp của Hội đồng Toà Thánh về Ðối thoại Liên tôn gửi các tín hữu Phật Giáo nhân dịp lễ Vesak 2016

Hội đồng Toà Thánh về Ðối thoại Liên tôn đã gởi sứ điệp cho các tín hữu Phật Giáo nhân lễ Vesak 2016 (Phật lịch 2560) vào ngày 21 tháng 05. Sứ điệp năm nay được linh hứng bởi thông điệp Laudeto Si của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Toàn văn sứ điệp như sau:

Hội đồng Toà Thánh về Ðối thoại Liên tôn

Phật tử và Kitô hữu: Hãy cùng nhau cổ võ giáo dục sinh thái.

Sứ điệp nhân dịp lễ Vesak 2016

Thành phố Vatican

Các bạn Phật tử thân mến,

1. Nhân danh Hội đồng Toà Thánh về Ðối thoại Liên tôn, chúng tôi một lần nữa lại vui mừng gửi đến các bạn những lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp lễ Vesak, khi các bạn mừng ba sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Ðức Phật Thích Ca là đản sinh, ngộ đạo và viên tịch. Chúng tôi xin chúc các bạn được thân tâm an lạc, thanh thản và hoan hỉ, trong tâm hồn, trong gia đình và trong đất nước của các bạn.

2. Năm nay chúng tôi viết cho các bạn theo cảm hứng từ Thông điệp Laudato Si của Đức Thánh Cha Phanxicô, về việc Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung của chúng ta. Ngài lưu ý rằng “các sa mạc bên ngoài trên thế giới ngày càng mênh mông, vì các sa mạc bên trong đã trở nên quá rộng lớn. Vì thế, cuộc khủng hoảng sinh thái cũng là lời kêu gọi hoán cải nội tâm sâu sắc” (n. 217). Hơn nữa, ngài còn chỉ ra rằng “những nỗ lực của chúng ta trong việc giáo dục sẽ là thiếu sót và không hiệu quả nếu chúng ta không cố gắng cổ vũ một lối suy nghĩ mới về con người, về cuộc sống, về xã hội và mối tương quan của chúng ta với thiên nhiên” (s. 215). “Chỉ khi biết vun trồng những nhân đức lương hảo, con người mới có thể đưa ra những dấn thân vị tha cho môi sinh” (n. 211). Ðể được như thế, cần thực hiện việc giáo dục về môi sinh trong nhiều bối cảnh: nhà trường, gia đình, các phương tiện truyền thông, các lớp giáo lý và những nơi khác nữa (xem n. 213).

3. Các bạn Phật tử thân mến, các bạn cũng đã bày tỏ mối quan ngại về tình trạng suy thoái môi trường, được minh chứng qua các văn kiện như “Bây giờ là lúc hành động: Tuyên ngôn của Phật giáo về tình trạng thay đổi khí hậu và Tuyên bố của Phật giáo gửi các nhà lãnh đạo thế giới về biến đổi khí hậu”. Những tài liệu này minh chứng cho sự hiểu biết chung của chúng ta rằng trung tâm của cuộc khủng hoảng sinh thái, thực ra, là sự khủng hoảng về cái tôi, thể hiện nơi lòng tham, sân, si và u minh của con người. Vì thế, lối sống và những kỳ vọng của chúng ta phải được thay đổi để khắc chế sự suy thoái môi trường xung quanh. “Khi vun trồng nhận thức về sự phụ thuộc lẫn nhau và lòng từ bi, chúng ta mới có thể hành động xuất phát từ tình yêu, chứ không phải vì sợ hãi, để bảo vệ hành tinh của chúng ta” (Tuyên bố của Phật giáo gửi các nhà lãnh đạo thế giới về biến đổi khí hậu). Nếu không, “khi Trái Ðất bệnh tật, chúng ta cũng sẽ mắc bệnh, vì chúng ta là thành phần của trái đất này” (Tuyên bố Bây giờ là lúc hành động).

4. Khi cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu là do các hoạt động của con người, các Kitô hữu và Phật tử chúng ta phải cùng nhau nỗ lực để đương đầu với nó bằng một nền linh đạo sinh thái. Việc tăng tốc các thảm họa môi sinh toàn cầu khiến cho việc hợp tác liên tôn càng thêm cấp bách. Việc giáo dục trách nhiệm đối với môi trường và xây dựng quyền “công dân sinh thái” đòi hỏi phải có các đức tính hướng đến một nền đạo đức sinh thái tôn trọng và chăm sóc thiên nhiên. Ðòi hỏi cấp bách đối với tín đồ của mọi tôn giáo là phải vượt ra khỏi ranh giới của mình và chung tay xây dựng một trật tự xã hội có trách nhiệm về phương diện sinh thái dựa trên các giá trị chung. Ở những quốc gia mà Phật tử và Kitô hữu sống và làm việc bên nhau, chúng ta có thể nâng đỡ sức khỏe và sự bền vững của hành tinh thông qua các chương trình giáo dục chung nhằm nâng cao nhận thức về sinh thái và thúc đẩy các sáng kiến chung.

5. Các bạn Phật tử thân mến, xin cho chúng ta biết hợp tác làm việc với nhau để giải thoát con người khỏi những đau khổ do tình trạng biến đổi khí hậu gây nên, và góp phần vào việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Trong tinh thần ấy, một lần nữa chúng tôi chúc các bạn một lễ Vesak an bình và vui tươi.

+ Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran

Chủ tịch

+ Đức Giám Mục Miguel Ángel Ayuso Guixot, MCCJ

Thư ký

8. Các Giám mục Ấn độ mạnh mẽ lên án vụ cưỡng hiếp và sát hại nữ sinh viên thuộc giới cùng đinh

Theo bản tin của thông tấn xã Asia News ngày 9 tháng 05, Hội đồng Giám mục Ấn độ đã mạnh mẽ lên án vụ cưỡng hiếp và sát hại một nữ sinh viên luật khoa 28 tuổi, thuộc tầng lớp cùng đinh của Ấn độ, tại quận Ernakulam, bang Kerala, vào ngày 28 tháng 4 năm 2016.

Ủy ban Phụ nữ của Hội đồng Giám mục Ấn đã ra một tuyên ngôn nói rằng: “Chúng tôi lên án hành động dã man và khủng khiếp chống lại một phụ nữ, và bày tỏ sự quan ngại sâu xa về cuộc sống và phẩm giá của phụ nữ ở đất nước này. Có vẻ mỉa mai là phụ nữ bị khinh bỉ, quấy nhiễu và lạm dụng tình dục trên mọi nẻo đường của cuộc sống, và không có sự an toàn ngay trong chính ngôi nhà của mình; và như thế khơi lên những câu hỏi về mức độ an toàn của phụ nữ trong xã hội Ấn độ ngày nay. Các phụ nữ ở trong các hoàn cảnh kinh tế và xã hội lạc hậu lại càng dễ bị tổn thương hơn”.

Các Giám mục Ấn độ đã tham gia vào cuộc phản kháng của xã hội dân sự lên án vụ tấn công tàn bạo chống lại một nữ sinh tên Jisha bị hiếp dâm và giết chết vào chiều tối ngày 28 tháng Tư. Các bác sĩ cho biết tìm thấy 38 nhát đâm trên người cô.

Báo chí Ấn đã gọi trường hợp này là “Nirbhaya tại Kerala”, vì trường hợp này rất giống với một trường hợp bạo lực khác khét tiếng thế giới của Nirbhaya, một sinh viên điều dưỡng bị cưỡng hiếp trên xe bus ở Delhi vào năm 2012. Cô đã qua đời trong một bệnh viện ở Singapore vài ngày sau sự đau khổ kinh hoàng.

Tiến sĩ Pascoal Carvalho, một thành viên của Học viện Giáo hoàng về sự sống, nói với hãng tin Asia: “Bạo lực đối với phụ nữ không chỉ là ví dụ phổ biến nhất về sự vi phạm nhân quyền. Việc chọn giới tính thai nhi, nghĩa là chỉ giữ lại bé trai, và phá thai nếu là bé gái, cũng rất phổ biến ở Ấn Ðộ, gây ra mối lo ngại nghiêm trọng cho sự an toàn của phụ nữ ở nước này. Cuộc tấn công khủng khiếp và tàn bạo này trên người phụ nữ trẻ là một sự xấu hổ về sự an toàn của phụ nữ của chúng ta và cũng là một vết nhơ về cách chúng ta đối xử với phụ nữ tại Ấn Ðộ”.

Theo tiến sĩ Pascoal Carvalho, xã hội và não trạng gia trưởng của người dân là nguồn gốc liên quan đến các tội ác ghê tởm đối với phụ nữ cả trong gia đình cũng như bên ngoài, và cả tại nơi làm việc. Ông cho biết trong các vụ lạm dụng bạo hành trong gia đình, nạn nhân của bạo lực, những cái chết vì của hồi môn và vì bị quấy rối sách nhiễu, không phải là hiếm ở Ấn độ.

Tiến sĩ Carvalho, cũng là thành viên của Ủy ban sự sống của giáo phận, nhận xét rằng: sự tấn công chống lại phụ nữ bắt đầu ngay cả trước khi họ được sinh ra, não trạng chống sự sống chống lại các bé gái - việc thực hành phá thai theo chọn lựa giới tính là hậu quả của những quy định văn hóa trọng nam khinh nữ. Thêm vào đó, việc giết các bào thai nữ tấn công vào chính ngay từ đầu cuộc sống của bé gái sơ sinh. Theo Cục Thống Kê Tội Phạm Ấn Độ, cứ mỗi 3 phút là có một tội ác đối với phụ nữ.

Tiến sĩ Carvalho kết luận: “ngay cả việc đẻ thuê cũng là một hình thức khác của việc khai thác; đó là một ngành công nghiệp phát triển mạnh ở Ấn Ðộ, được ước tính là cả hơn tỷ đồng. Ngành kinh doanh đẻ thuê không chỉ củng cố thành kiến giới tính trong đó phụ nữ chỉ là thứ cấp, mà còn dẫn đến việc khai thác những người đẻ thuê, những người thường không hiểu những điều họ đang làm.”

9. Tâm tình của Ðức Cha Ðaminh Nguyễn Chu Trinh

Ngày 7 tháng 5 năm 2016, Tòa Thánh chính thức công bố Ðức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận đơn xin nghỉ hưu của Ðức Cha Ðaminh Nguyễn Chu Trinh, nguyên Giám Mục Giáo phận Xuân Lộc.

Sau khi nhận được thông báo, Ðức Cha Ðaminh Nguyễn Chu Trinh đã gửi thư gửi quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, các chủng sinh và anh chị em giáo hữu trong giáo phận với nội dung như sau:

Tòa Giám Mục Xuân Lộc

210 Hùng Vương, Xuân Bình, Long Khánh, Ðồng Nai

Số 04-2016/TC

Xuân Lộc, ngày 07 tháng 5 năm 2016

Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, các Chủng sinh, và anh chị em giáo hữu giáo phận Xuân Lộc

Anh chị em thân mến,

Tôi xin báo cho anh chị em: vào lúc 12g00 trưa nay, ngày 07 tháng 5 năm 2016, giờ Vatican, tức 17g00 chiều nay, giờ Việt Nam, Tòa Thánh đã chính thức công bố: Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận đơn xin nghỉ hưu của tôi, theo giáo luật điều 401, triệt 1, và như vậy, Ðức cha phó Giuse Ðinh Ðức Ðạo đương nhiên trở thành Giám mục Chính tòa của Giáo phận Xuân Lộc. Xin Quý Cha từ nay, trong các Kinh Nguyện Thánh Thể, đến phần cầu nguyện cho Ðức Thánh Cha và các Ðức Giám mục Giáo phận. sẽ đọc như sau: “...Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, Ðức Giám mục Giuse chúng con, Ðức Giám mục Ðaminh...”

Anh chị em thân mến,

Trước nhất, tôi chân thành cám ơn anh chị em đã dành cho tôi những tình cảm rất đặc biệt trong dịp tôi mừng Kim khánh Linh mục ngày 29.04.2016. Hôm nay, ngày 07.05.2016, tôi muốn gửi tới anh chị em lời cám ơn và chào thăm nhân dịp tôi hết nhiệm vụ coi sóc Giáo phận.

Thưa anh chị em, hơn 11 năm trong nhiệm vụ Giám mục vừa qua, tôi có thể đứng vững và hoàn thành được là nhờ ơn Chúa, nhờ lời bầu cử của Ðức Maria Vô nhiễm Nguyên tội, Thánh cả Giuse và các Thánh, nhờ sự quan tâm ưu ái của các Ðức Thánh Cha, nhờ sự trợ giúp của Quý Ðức Cha, của Ðức ông Tổng Ðại diện, của Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh và anh chị em giáo dân qua lời cầu nguyện hằng ngày, qua sự hy sinh, giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất. Tôi có thể quả quyết rằng: không có ơn Chúa và sự trợ giúp của mọi người, tôi không thể làm được gì. Tôi xin hết lòng cảm tạ Chúa và chân thành tri ân mọi người.

Thứ đến, xin anh chị em cùng hợp ý với tôi cảm tạ Chúa đã thương ban cho Giáo phận Ðức cha Giuse Ðinh Ðức Ðạo, làm đấng thay mặt Chúa dẫn dắt Giáo phận. Ngài có đủ các đức tính của một vị tông đồ: hiền lành, khôn ngoan, thông minh, đạo đức... Tuy nhiên ngài vẫn là con người, nếu không có ơn Chúa sẽ chẳng làm được gì. Vì vậy, xin anh chị em cầu nguyện rất nhiều cho ngài, nâng đỡ trợ giúp ngài mọi mặt, tinh thần, vật chất, nhất là trong thời đại khó khăn hôm nay.

Sau cùng, thưa anh chị em, tôi được Chúa thương chọn làm Giám mục coi sóc Giáo phận, nhưng tôi rất hạn chế về nhiều mặt. Vì vậy trong việc điều hành Giáo phận không thiếu những điều làm anh chị em thất vọng, buồn lòng hoặc vấp phạm. Trong Năm thánh Lòng Thương xót, xin Chúa tha thứ cho tôi; cũng như anh chị em lượng thứ và cầu nguyện cho tôi để những ngày còn lại tôi được sống trong cầu nguyện và đền tạ.

Xin anh chị em thêm lời cầu nguyện cho Ðức cha Giuse của chúng ta và cho tôi nữa.

Thân mến chào anh chị em.