(Doha 27/05/2004). Trong buổi khai mạc hội nghị liên tôn thế giới diễn ra Daha thủ đô của Qatar hôm 27/5/2004, Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran tuyên bố rằng niềm tin tôn giáo đích thực là “phương thuốc thần hiệu chữa bệnh cuồng tín”. Nói bằng tiếng Anh với một cử tọa trên 200 đại biểu đến từ nhiều nước trên thế giới, Đức Hồng Y tuyên bố rằng “Các nhà lãnh đạo chính trị không có điều gì phải lo sợ đối với các tín hữu đích thực”.

Ngoài Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, các diễn giả khác của hội nghị gồm có Đức Thượng Phụ Chính Thống Coptic là Shenouda III, Đức Tổng Giám Mục Michael L. Fitzgerald, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Đối Thoại Liên Tôn, Hamed Ben Ahmad Al-Rufai, chủ tịch Công Nghị Hồi Giáo Thế Giới về Đối Thoại.

Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran là khách mời danh dự vì những hiểu biết sâu sắc của ngài và những kinh nghiệm phong phú trên các phương diện chính trị và tôn giáo trong vùng Trung Đông. Ngài cũng là người tham gia tích cực trong việc mở ra quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Qatar trong vai trò là Tổng Thư Ký Thánh Bộ Quan Hệ Với Các Dân Nước.

Trong số các quốc gia tại vùng vịnh, Qatar được xem là quốc gia cởi mở nhất về tôn giáo, nơi đó các tín hữu Công Giáo được hưởng nhiều tự do nhất trong vùng. Trong một thời gian dài hoàng triều Quatar do muốn tân tiến hóa đất nước đã giữ một mối quan hệ gắn bó với Kitô Giáo và các quốc gia Tây Phương. Ngay chính cuộc hội thảo này cũng là một phần trong quá trình hiện đại hóa đất nước. Theo ông Sheikh Abdullah ibn Khalifa Al-Thani, thủ tướng Qatar, cuộc hội thảo này nhắm đến việc đề cao “những giá trị hướng thượng của Hồi Giáo và Kitô Giáo”. Ông còn mạnh dạn đề nghị rằng cuộc hội thảo năm tới đây sẽ có thể bao gồm cả các đại diện của Do Thái Giáo, một điều có lẽ sẽ gây chấn động trong vùng vì tâm tình bài Do Thái đang rất cao trong khu vực các nước Ả rập.

Tự do tôn giáo là một trong những đề tài nhức nhối trong quan hệ giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo. Nhiều quốc gia trong vùng Trung Đông, chẳng hạn như Ả rập Saudi, khét tiếng với những cấm cách và thái độ bất bao dung với các tôn giáo không phải Hồi Giáo. Không một biểu tượng tôn giáo nào khác Hồi Giáo được cho phép tại Ả rập Saudi. Việc cải đạo từ Hồi Giáo sang một tôn giáo khác được coi là “bội giáo” và những kẻ nào làm như thế là tự kết án tử hình cho mình và có khi cho cả gia đình.

Trong bài diễn văn, Đức Hồng Y đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tự do tôn giáo và sự tương kính lẫn nhau trong các quan hệ Hồi Giáo-Kitô Giáo. “Ngăn cấm các anh chị em của họ không được thực hành niềm tin tôn giáo, phân biệt đối xử với người khác đạo, hay tệ hơn nữa là giết người nhân danh tôn giáo, là những điều ghê tởm xúc phạm đến Thiên Chúa, mà không một nguyên cớ hay một thẩm quyền nào, dù là chính trị hay tôn giáo, có thể biện minh được”.

Đại Trưởng Giáo Al-Azhar Al-Sharif của Cairo là Mohammad Sayyed Tantawi biểu đồng tình với Đức Hồng Y khi cho rằng tự do tôn giáo là một nghĩa vụ căn bản của mọi xã hội. Đại Trưởng Giáo Mohammad Sayyed Tantawi được coi là người đứng đầu trong thế giới Hồi Giáo thuộc hệ phái Sunni. Ông nhận định rằng không thể buộc một ai theo một tôn giáo nào trái ý muốn của họ: “Cưỡng bách và niềm tin là hai yếu tố trái ngược”.

Tuy nhiên, trong khóa họp cũng có những tiếng nói trái ngược. Thày giảng Hồi Giáo Yussef Qaradawi tố cáo thế giới Kitô Giáo đang làm biến mất giá trị tôn giáo của Hồi Giáo, ông chất vấn: “Có phải mọi người Kitô Giáo đều coi Hồi Giáo là một tôn giáo thiêng liêng không?”.

Khóa họp đã được Qatar’s Gulf Studies Centre và Ủy Ban Đối Thoại với Hồi Giáo của Tòa Thánh đồng bảo trợ.