Trong công nghị Hồng Y ngày 20 tháng Sáu, bao gồm các vị Hồng Y đang có mặt tại Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn y án tuyên thánh cho 5 vị Chân Phước. 5 vị tân thánh của Giáo Hội Công Giáo là:
• Chân Phước tử đạo Solomon (William Nicholas) Leclercq (1745- 1792), người Pháp, là thành viên của Dòng Các Sư Huynh Trường Công Giáo.
• Chân Phước Giám Mục Manuel Gonzalez Garcia (1877-1940), là một giám mục Tây Ban Nha và đấng sáng lập phong trào Thiếu Nhi Phạt Tạ và Tu hội Thừa Sai Thánh Thể Nazareth;
• Chân Phước Linh Mục Ludovico Pavoni, 1784-1849, một linh mục người Ý và là đấng sáng lập Dòng Nam Tử của Mẹ Maria
• Chân Phước Linh Mục Alfonso Maria Fusco (1784- 1849), một linh mục người Ý và là đấng sáng lập Dòng Nữ Tử Thánh Gioan Tiền Hô.
• Chân Phước Nữ Tu Elisabeth (Catez) của Thiên Chúa Ba Ngôi (1880- 1906), một nữ tu dòng Camêlô Pháp.
Đức Thánh Cha truyền rằng các vị Chân Phước trên sẽ được ghi tên vào sổ bộ các thánh vào ngày 16 tháng 10 năm 2016.
2. Bốn vị Hồng Y được nâng lên hàng Hồng Y đẳng linh mục
Trong công nghị Hồng Y ngày 20 tháng Sáu, bao gồm các vị Hồng Y đang có mặt tại Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nâng 4 vị Hồng Y đẳng phó tế lên hàng Hồng Y đẳng linh mục.
Cả bốn vị tân Hồng Y đẳng linh mục đã là Hồng Y đẳng phó tế trong mười năm qua, sau khi nhận mũ đỏ từ tay Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào tháng 3 năm 2006. Tất cả các vị hiện nay đã trên 80 tuổi và vậy không đủ điều kiện để tham gia trong một mật nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng.
Bốn vị tân Hồng Y đẳng linh mục là:
Đức Hồng Y William Levada, nguyên Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, và trước đó, là Tổng Giám Mục San Francisco, Hoa Kỳ.
Đức Hồng Y Franc Rode, nguyên Tổng Trưởng Thánh Bộ Tu Sĩ và Đời Sống Thánh Hiến và, trước đó, Đức Tổng Giám mục của Ljubljana, Slovenia.
Đức Hồng Y Andrea Cordero di Montezemolo, linh mục trưởng Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành và trước đó từng là một nhà ngoại giao lỗi lạc của Tòa Thánh.
Đức Hồng Y Albert Vanhoye, linh mục Dòng Tên người Pháp, nguyên là hiệu trưởng Học viện Giáo Hoàng về Kinh Thánh.
Hồng Y Đoàn bao gồm 3 đẳng là đẳng Giám Mục, Linh Mục, và Phó Tế. Sự phân biệt chỉ có tính chất nghi lễ. Thông thường, khi Đức Giáo Hoàng nâng một vị giám mục giáo phận (hoặc, thường hơn, một tổng giám mục) lên hàng Hồng Y, vị tân Hồng Y ấy sẽ là Hồng Y đẳng Linh Mục. Các vị giám mục là các thành viên của Giáo Triều Rôma thường được nhận đẳng Hồng Y phó tế. Sau mười năm, một Hồng Y đẳng Phó Tế, có thể thỉnh cầu Đức Thánh Cha xin nâng lên Hồng Y đẳng linh mục trong trường hợp bốn vị Hồng Y nêu trên.
Hiện nay, trong toàn Giáo Hội có 9 Hồng Y đẳng Giám Mục (trong đó có 3 Đức Thượng Phụ của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương), 168 Hồng Y đẳng Linh mục, và 36 Hồng Y đẳng Phó tế.
3. Đức Thượng Phụ Chính thống Syria thoát chết trong một vụ nổ bom tự sát
Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Syria là Đức Ignatius II Efrem Karim của thành Damascus sống sót sau một cuộc tấn công đánh bom tự sát vào sáng ngày Chúa Nhật 19 Tháng Sáu.
Bốn người, bao gồm cả kẻ đánh bom bị giết chết trong vụ nổ.
Cuộc tấn công diễn ra khi Đức Thượng Phụ cử hành một buổi lễ tưởng niệm cho các nạn nhân của chiến dịch diệt chủng của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào người Armenia và các Kitô hữu Assyriô.
Quả bom phát nổ bên ngoài nhà thờ của thành phố Qamishi, Syria, nơi Đức Thượng Phụ đang làm phép một đài tưởng niệm các nạn nhân cuộc diệt chủng.
Trách nhiệm về vụ tấn công này vẫn còn trong vòng nghi ngờ. Tuy nhiên, khả năng cao nhất là do bọn khủng bố Hồi Giáo IS gây ra. Kế đó là tình báo Thổ Nhĩ Kỳ.
4. Đại Học Notre Dame Hoa Kỳ mở phân khoa Đức Tin và Lý Trí tại Dublin, Ái Nhĩ Lan
Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin của Dublin đã công bố việc thành lập một Trung tâm mới có tên là phân khoa Đức Tin và Lý, do trường Đại học Notre Dame, Hoa Kỳ, trực tiếp điều hành.
Phân khoa mới sẽ được mở tại Đại học Dublin, là ngôi trường đã được xây dựng bởi Chân Phước John Henry Newman khi ngài là Hiệu trưởng của trường Cao Đẳng Dublin.
Đức Tổng Giám mục Martin cho biết: “Tôi thấy việc thành lập Trung tâm Notre Dame-Newman Đức Tin và Lý Trí là một cơ hội cho trường Đại học của Giáo Hội trở về với ơn gọi ban đầu của mình như là là đầu mối để suy tư về đức tin và lý trí.”
Cha John Jenkins, hiệu trưởng Đại Học Notre Dame, cho biết: “Chúng tôi cảm thấy rất hân hạnh được Đức Tổng Giám mục Martin mời mở rộng sự hiện diện của trường tại Dublin.”
Chương trình học tại cơ sở mới này sẽ bắt đầu trước khi cuối năm 2016.
5. Tổng thống Bashar Assad gặp các nhà lãnh đạo Công Giáo Syria
Tổng thống Syria là Bashar Assad đã có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Syriac nước này, và loan báo rằng hiến pháp mới sẽ đảm bảo quyền của các tôn giáo thiểu số. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã cho biết như trên.
Tổng thống Assad đã gặp Đức Thượng Phụ Ignace Youssif III, và sáu Giám Mục của Công Giáo nghi lễ Syriac. Đây là Giáo Hội hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh.
Trong buổi gặp gỡ hôm 13 tháng 6, Tổng thống Assad tóm tắt cho các vị kế hoạch của ông nhằm chuẩn bị cho hiến pháp mới. Ông nói đó ông dự định biến Syria thành một quốc gia thế tục loại bỏ tất cả các tham chiếu đến Hồi Giáo.
Ông cũng với Đức Thượng Phụ và các Giám Mục về quyết tâm của ông chống lại sự xâm lược của Nhà nước Hồi giáo, và nói rằng tất cả các nhà lãnh đạo Hồi Giáo tại Trung Đông nên phản đối tư tưởng thánh chiến và những trào lưu Hồi Giáo quá khích.
6. Vatican nhận thêm 9 người tị nạn Syria
Vatican đã nhận thêm 9 người tị nạn Syria thêm vào con số mười hai người đã tháp tùng Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài trở về sau chuyến thăm hòn đảo Lesbos của Hy Lạp vào tháng Tư vừa qua.
Cũng như mười hai người trước họ, chín người tị nạn này cũng sống trong một trại tị nạn trên đảo Lesbos. Cộng đồng Thánh Egidio tại Rome đã đồng ý cung cấp cho họ thực phẩm và nhà ở, như mười hai người đầu tiên.
Chín người tị nạn Syria đã đến Rôma vào ngày 16 Tháng 6 bao gồm hai Kitô hữu. Trong số 12 người đầu tiên, không có ai là Kitô hữu.
7. Chính thống Nga không tham dự Công Đồng Liên Chính Thống Giáo
Đức Thượng Phụ Chính thống Nga Kirill đã gửi một thông điệp khuyến khích các giám mục Chính thống đang nhóm họp tại Crete để tham dự Công Đồng Liên Chính Thống Giáo khai mạc vào ngày Chúa Nhật 19 tháng 6, nhân lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống theo lịch Julian .
Dù Giáo Hội Chính Thống Nga đã tuyên bố không tham gia vào cuộc họp, Thượng phụ Kirill viết rằng các tranh cãi giữa các Giáo Hội Chính thống không nên mang “đến sự chia rẽ và hoang mang trong hàng ngũ chúng ta.”
Ngài kêu gọi tôn trọng các quyết định của tất cả các nhà lãnh đạo Giáo Hội, dù có tham gia hay không vào công đồng này.
Theo Đức Thượng Phụ Kirill, cuộc họp ở Crete “có thể trở thành một bước quan trọng hướng đến việc vượt qua những khác biệt hiện nay.”
Ngài nhận định rằng cuộc họp tại Crete có thể giúp trong “việc chuẩn bị cho một Thánh Công Đồng qui tụ và đoàn kết tất cả các Giáo Hội địa phương không trừ một Giáo Hội nào. Đức Thượng Phụ nhắc lại quan điểm của Chính Thống Giáo Nga và một số Giáo Hội Chính Thống Giáo khác không có mặt trong cuộc họp ở Crete, là cuộc họp này chỉ nên được xem như là một khúc dạo đầu cho một Công Đồng Liên Chính Thống; và không nên coi cuộc họp này tự nó là một Công Đồng.
8. Đức sứ thần tại Venezuela nói: Quan tâm đầu tiên của Giáo Hội là hòa bình
Trong cuộc viếng thăm Guanare, thủ phủ của miền Portuguesa vào ngày 18/6, nhân dịp giáo xứ Thánh Tâm Chúa Giê-su được nâng lên thành Đền thánh Đức Tổng Giám mục Aldo Giordano, sứ thần Tòa Thánh tại Venzuela đã chủ sự Thánh lễ. Cùng hiện diện trong Thánh lễ có Đức Tổng Giám mục Manuel Díaz Sánchez, của Calabôz và Đức Cha Jose de la Trinidad Valera Angulo của Guanare.
Đức Tổng Giám mục Aldo Giordano đã nhấn mạnh là nhiệm vụ của Giáo hôi là tìm kiếm đối thoại trong đất nước này, một cuộc đối thoại cho hòa bình và đáp ứng những nhu cầu của dân chúng. Đức Cha nói:”Quan tâm đầu tiên là hòa bình, làm sao để tránh bạo lực, làm sao để hữu ích khi có căng thẳng, làm sao để đạt được hòa giải”.
Được biết những căng thẳng gia tăng ở Venezuela và trong những ngày tới các cuộc tuần hành nhân danh phe đối lập chống lại chương trình của chính quyền sẽ được tổ chức, để yêu cầu việc tổ chức trưng cầu dân ý về việc luận tội Tổng thống Maduro. Một số cuộc biểu tình đã được tổ chức vì Ủy ban bầu cử quốc gia đã hủy bỏ hiệu lực của 600 ngàn chữ ký được phe đối lập thu tập trong cuộc trưng cầu dân ý lần cuối cùng.
9. Các Ki-tô hữu và tín hữu Hồi giáo được mời gọi theo gương lòng thương xót của Thiên Chúa
Nhân dịp tháng Ramadan và lễ hội ‘Id al-Fitr, kết thúc tháng chay tịnh Ramadan của người Hồi giáo, Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Đối Thoại Liên tôn đã gửi một sứ điệp với những lời chúc mừng đến cho các tín hữu Hồi giáo. Ngài cầu chúc các anh chị em Hồi giáo toàn thế giới sự chay tịnh phong phú về tinh thần, được trợ giúp bởi các việc làm tốt và một lễ hội vui tươi.
Sứ điệp của Đức Hồng Y có tựa đề “Ki-tô hữu và tín hữu Hồi giáo - người lãnh nhận và khí cụ của lòng thương xót của Thiên Chúa”, đặt trọng tâm vào niềm tin chung vào một Thiên Chúa thương xót. Đức Hồng Y nói: “Lòng thương xót của Thiên Chúa được bày tỏ cách đặc biệt qua việc Ngài tha thứ các lỗi lầm của chúng ta”.
Đức Hồng Y nhấn mạnh: “Chúng ta, Các Ki-tô hữu và tín hữu Hồi giáo được mời gọi cố gắng bắt chước lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài yêu cầu các Ki-tô hữu và tín hữu Hồi giáo có lòng thương xót và cảm thông đối với ngừơi khác, đặc biệt những người đang đau khổ dưới bất cứ hình thức nào. Thiên Chúa cũng kêu gọi chúng ta tha thứ cho người khác.”
Nhìn vào nhân loại ngày nay, chúng ta đau buồn nhìn thấy qua nhiều nạn nhân của tấn kích và bạo lực, đặc biệt các người già, trẻ em và phụ nữ, cũng như nạn nhân của các vụ buôn người, những người đau khổ vì nghèo khổ, bịnh tật, các thiên tai tự nhiên và thất nghiệp. Chúng ta không thể nhắm mắt trươc các thực tại này hay quay đi trước các đau thương này. Đúng là thực tế thì phức tạp và nhiều khi vượt quá khả năng của chúng ta. Do đó điều quan trọng là chúng ta cùng nhau hành động trong việc trợ giúp các người đau khổ. Thật là một nguồm hy vọng khi chúng ta thấy các Ki-tô hữu và tín hữu Hồi giáo nắm tay nhau giúp đỡ những người đau khổ. Khi nắm tay nhau cùng làm việc, chúng ta thực hiện lệnh truyền của Thiên Chúa chứng tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa và như thế cung cấp một chứng từ đáng tin cậy hơn, cách cá nhân và cộng đoàn, cho niềm tin của chúng ta”.
Đức Hồng Y cầu xin Chúa giúp chúng ta tiến bước trên con đường của sự tốt lành và cảm thông.