Suy niệm Chúa Nhật XIV Thường Niên C

Cầu Nguyện Cho Việc Truyền Giáo

Chúa Giêsu là sứ giả Tin mừng đầu tiên. Ngài nhận lãnh sứ mạng đó từ Thiên Chúa Cha. Để tiếp tục công việc của mình, Ngài đã chọn nhóm Mười Hai mà chúng ta gọi là Tông đồ. Sau đó, Ngài còn gọi thêm 72 môn đệ như Tin mừng hôm nay kể lại. Ngoài ra, trong cuộc hành trình truyền giáo, còn có rất nhiều người đi theo để giúp Chúa và các Tông đồ, họ đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Kitô và các môn đệ (x. Lc 8,2-3).

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã nói: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Đó là mệnh lệnh, không ai được miễn trừ. Nhưng đã có một thời người ta quan niệm rằng, truyền giáo là công việc của Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ…Đó là một quan niệm hết sức sai lầm. Truyền giáo là bổn phận không chỉ của Đức Giáo Hoàng, Giám Mục, Linh mục, Tu sĩ mà còn là bổn phận của tất cả mọi người giáo dân. Nghĩa là bổn phận của tất cả những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Vì thế, tuỳ địa vị, tuỳ khả năng, tuỳ hoàn cảnh…Các kitô hữu cần phải ra sức chu toàn lệnh truyền này của Chúa Giêsu. Nếu ai lơ là, hay khinh dễ mà không chu toàn thì phạm tội thiếu sót. Thánh Phaolô đã từng nói: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng!”(1Cr 9,16).

Tâm tình của Thánh Phaolô cũng phải là tâm tình của mỗi người chúng ta hôm nay. Nhưng phải truyền giáo bằng cách nào? Chúng ta có thể truyền giáo bằng nhiều cách khác nhau: bằng việc rao giảng, bằng việc thăm viếng, bằng chứng tá đời sống…Nhưng trước hết và trên hết, chúng ta phải cầu nguyện cho công việc truyền giáo. Đây là việc quan trọng hàng đầu. Vì khi nhìn thấy đồng lúa chín bao la mà thiếu thợ gặt, Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ cầu nguyện: “Anh em hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đến” (Lc 10, 2). Lệnh truyền này nằm trong bối cảnh Chúa Giêsu đang huấn luyện cho các thợ gặt đầu tiên. Lúc đó, số lượng thợ gặt được Chúa huấn luyện rất ít ỏi: Mười Hai Tông đồ; Bảy Mươi Hai Môn đệ và một số cộng tác viên khác.

Còn hiện nay thì sao? Theo niên giám toà thánh năm 2013: Giáo Hội Công Giáo có trên 1.253.000.000 tín hữu; 5.173 giám mục; 415.348 linh mục; 55.253 nam tu sĩ; 693.575 nữ tu; 118.251 chủng sinh. Như vậy, đã gần 2000 năm qua, cánh đồng truyền giáo vẫn đang còn bát ngát mênh mông, vẫn đang còn thiếu nhiều thợ gặt. Người Công Giáo mới chiếm koảng 17.7% dân số thế giới. Vì vậy, lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Anh em hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đến” (Lc 10, 2) vẫn đang còn mang tính cấp bách và thời sự. Cho nên, chúng ta cần phải tiếp tục cầu nguyện cho việc truyền giáo.

Thứ nhất, cầu nguyện cho có nhiều thợ gặt: thợ gặt ở đây có thể là Giám mục, Linh muc, Tu sĩ và cũng có thể là người giáo dân, tức là những người dám xã thân trong công việc loan báo Tin mừng. Đó là những: “Trái tim quảng đại biết cảm thương những cảnh đời bơ vơ không người chăn dắt, những tâm hồn thiện chí hăng hái dấn thân ra đi loan báo Tin mừng”(Thư chung HĐGMVN 2003, số 10). Đó là những bạn trẻ tự nguyện hiến thân mình trong ơn gọi tu sĩ và linh mục để phụng sự Chúa và phục vụ Giáo Hội.

Thứ hai, cầu nguyện cho những “nhà truyền giáo” để họ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc loan báo Tin mừng. Đặc biệt là những người đang có sứ mệnh loan báo Tin mừng tại các vùng sâu vùng xa, vùng các dân tộc thiểu số, tại các nước mà đạo Chúa đang bị cấm cách và bách hại…Họ cần sự trợ giúp không chỉ bằng vật chất mà còn cần sự nâng đỡ của chúng ta trong lời cầu nguyện.

Thứ ba, cầu nguyện cho những người kitô hữu luôn sống xứng đáng với danh nghĩa của mình. Số tín hữu của Giáo Hội Công Giáo hiện nay trên thế giới là 1.253.000.000 người. Số tín hữu Công Giáo Việt Nam có trên 6.606.495 người. Giáo xứ chúng ta có 8.600 người. Nhưng thử hỏi trong số đó, được bao nhiêu người là kitô hữu đúng nghĩa? Thực tế cho chúng ta thấy, vẫn còn nhiều người mang danh kitô hữu nhưng không sống giáo lý của Đức Kitô, không giữ luật Chúa và Giáo Hội, không đi lễ và lãnh nhận các Bí tích, vẫn rối vợ rối chồng, vẫn buôn gian bán lận, vẫn lỗi đức công bằng bác ái yêu thương, vẫn hằn thù ghen ghét, chém giết lẫn nhau…Vì thế, mọi kitô hữu phải biết cầu nguyện cho nhau để trở thành những kitô hữu đích thực.

Thứ tư, cầu nguyện cho những người không phải là kitô hữu: có thể họ là những người làng xóm láng giềng, đang ở bên cạnh chúng ta; có thể họ là bạn bè của chúng ta; có thể họ là những người chúng ta gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày; có thể họ là những người theo các đạo khác: Phật giáo, Khổng giáo, Hoà hảo…Thậm chí họ là những người vô thần, những người chúng ta không quen biết; có thể họ là những người đã biết về đạo, biết về giáo lý của Đức Kitô, nhưng họ không trở lại đạo vì một gương xấu gương mù nào đó của người Công Giáo hoặc họ chưa có cơ hội để gia nhập đạo Chúa.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, để họ có cơ hội trở thành người kitô hữu, là con cái của Chúa.

Thứ năm, cầu nguyện đặc biệt cho những người tội lỗi: có thể họ là thành viên trong gia đình, hội đoàn, giáo xứ, Giáo Hội. Có thể họ là người chồng, người cha, người mẹ, người vợ, con cái…Chúng ta hãy cầu nguyện để họ biết ăn năn thống hối tội lỗi của mình mà trở về với Chúa. Vì cầu nguyện có sức biến đổi người tội lỗi trở thành thánh nhân. Thánh Augustinô đã được ơn trở lại nhờ lời cầu nguyện của Thánh Mônca. Tử tội Pranzini đã tỏ dấu ăn năn trước khi lên đoạn đầu đài nhờ lời cầu nguyện của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu.

Thứ sáu, cầu nguyện cho chính chúng ta biết siêng năng cầu nguyện: cầu nguyện chung; cầu nguyện riêng; cầu nguyện trong gia đình; cầu nguyện ở nhà thờ; cầu nguyện mọi nơi mọi lúc nhất là khi thi hành công việc loan báo Tin mừng. Chính Mẹ Têrêxa đã cho biết, bí quyết thành công trong công việc của mẹ là cầu nguyện. Cầu nguyện như việc nạp bình, hoạt động là việc thắp sáng.

Lạy Chúa là Cha đầy tình yêu thương, để tiếp tục sứ mạng truyền giáo mà Con Cha giao phó, xin Cha sai đến cánh đồng truyền giáo thêm nhiều thợ gặt lành nghề. Xin cho mỗi người chúng con nhiệt tâm hơn trong việc loan báo Tin mừng. Đặc biệt, xin cho chúng con luôn siêng năng cầu nguyện và cầu nguyện nhiều cho công cuộc truyền giáo. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành