CẦN NGƯỜI SAMARITANÔ THỜI ĐẠI

Chúa Nhật XV THƯỜNG NIÊN NĂM C

Mỗi lần có dịp suy niệm dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu, tôi đều giật mình, cảm thấy nhói. Bởi câu chuyện Chúa kể nhắm thẳng vào hàng ngũ lãnh đạo trong Hội Thánh nói chung, và nhắm thẳng vào bản thân tôi, thành viên trong số hàng lãnh đạo ấy. Chúa “lật đổ” thái độ vô cảm tích tụ trong hàng giáo sĩ của Chúa.

Vì thế, với bản thân, tôi thiết nghĩ, hình ảnh tư tế, Lêvi trong dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu đáng để cho mình nghĩ suy, nghiền ngẫm mà từng bước cãi thiện đời sống, từng bước ăn năn thống hối, để rồi chết cho con người cũ, phục sinh con người mới trong ơn phục sinh của Chúa Kitô.

Hãy nghe Chúa nói về hàng giáo sĩ của Chúa: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêricô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống, nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi một thầy Lêvi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua một bên mà đi…”.

Tư tế là ai? Lêvi là ai? Đó là những người tương đương bậc “chân tu” thời đại. Họ là giám mục, linh mục của Chúa.

Qua hình ảnh tư tế, Lêvi, đã làm ngơ, đã thể hiện sự vô cảm đến độ độc ác trước thực trạng của người bị cướp đánh có nguy cơ mất mạng sống, trở thành một gương mù, một phản chứng lớn vô cùng đối với chính đời dâng hiến của họ.

Mặc dù Chúa không trực tiếp kết tội, nhưng trong mấy từ “tránh qua bên kia mà đi”, cho thấy Chúa không bằng lòng. Tại sao lại tránh?

“Tránh qua bên kia” nghĩa là người bị tấn công đang bất động ngay dưới chân mình, cản bước mình. Ngay dưới chân nên mới phải “tránh” mà đi!

Từ đây, tôi thấy mình có lỗi. tôi thấy mình sống ngoài tấm gương trao ban lòng thương xót của Chúa. Tôi thấy mình, hình thức theo Chúa, nhưng trong lòng chưa sống giáo huấn của Chúa, hay chưa sống giáo huấn của Chúa đầy đủ.

Tội của tôi là bất tuân lệnh Chúa, vô tâm với anh em.

Tôi đã bước vào đời hiến dâng, hằng ngày dạy người khác phải hy sinh, phải hướng thiện, phải chấp nhận bỏ mình vì tha nhân, sao chính tôi lại không hiến thân?

Tôi dạy phải nhân từ, phảy yêu thương, sao bản thân lại vô cảm trước nỗi đau của đồng loại?

Thôi thì hãy cố tìm lý lẽ tốt để biện minh giúp người đang bị “kết tội”: Do sợ hãi! Bởi sợ nên vô tâm. Tư tế và Lêvi vô tâm đối với người bị cướp vì sợ nhiễm ô uế.

Luật Do thái quy định, ai đụng chạm vào người ngoại giáo, nhất là đụng chạm vào xác chết sẽ bị nhiễm ô uế.

Cứ cho rằng, người bị cướp có thể là người ngoại, lại còn sắp chết. Vì thế, để khỏi nhiễm ô uế, tư tế và Lêvi trong dụ ngôn đã “tránh qua bên kia mà đi”.

Dù vậy, sự không bằng lòng mà Chúa tỏ rõ trong dụ ngôn, dành cho những nhà “chân tu” của dụ ngôn, khó có ngôn từ khả dĩ giúp họ có thể “chạy tội”.

Mặt khác, vì lời Chúa dạy: “Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng ra, các con phải sợ Đấng có thể tiêu diệt cả xác lẫn hồn trong hỏa ngục…”, và các tư tế, Lêvi xưa không được phép sợ mà “tránh sang bên kia”, thì tôi, kẻ trước mắt mọi người, là nhà “chân tu” càng không được phép vô cảm.

Thế nhưng, biết bao lần tôi vẫn sống trong sự nơm nớp lo sợ tương tự như thế. Chẳng hạn như sợ không được xây nhà thờ mà đành nhắm mắt làm ngơ trước cảnh bất công của giới cầm quyến.

Hoặc vì quyền lợi tư riêng mà ngậm miệng trước cảnh người nghèo bị áp bức. Hoặc vì để dễ sống, để yên thân sống mà không thèm đếm xỉa gì đến những anh chị em đang bị đố kỵ, bị rẻ rúng, bị chà đạp quyền sống…

Thế giới quanh tôi vẫn còn đó, rất nhiều những người bị “cướp” như hình ảnh người bị cướp trong dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu.

Đó là những bào thai không phương thế tự vệ, vẫn bị giết, bị trục xuất ra khỏi lòng mẹ không thương tiếc. Dù ngày nay Việt Nam đã “được nâng lên” hàng “top” thế giới về phá thai, tôi vẫn thấy không hề hấn gì đến bản thân mình. Thật mỉa mai! Thật chua xót! Một quốc gia nghèo, lạc hậu, không phải vươn lên hết nghèo, hết lạc hậu, mà lại “vươn lên” hàng đầu về thảm trạng phá thai. Càng mỉa mai hơn, vì sợ mà tôi, người được hiến thánh, vẫn cho mọi thứ cứ tự nhiên trôi qua cuộc đời mình.

Đó là những trẻ em bị cướp mất tuổi thơ khi người ta buộc các em phải lao động nặng nhọc, phải tham gia vào con đường tội ác, phải đem chính giá trị tuổi thơ của mình phục vụ những kẻ mang hình người nhưng lương tâm thú tính trong các nhà chứa, trong các đường dây tình dục… Và còn biết bao nhiêu mảnh đời trẻ thơ phải chấp nhận sống chui rúc ở bãi rác, gầm cầu, phố chợ…

Đó còn là những mảnh đời ngụp lặn trong dòng đời nhầy nhụa, mất định hướng sống, mất niềm hy vọng sống. Cũng có thể họ là những người sống lương thiện, nhưng bị nghi ngờ, bị hiểu lầm, bị chèn ép, bị bóc lột, bị hiếp đáp…

Đó còn là những cụ già bị bỏ quên trên góc phố, bị mất tất cả sức lao động, nhưng vẫn phải lê thân từng ngày đội nắng, đội mưa bán vé số, lượm ve chai, ngửa tay xin lòng trắc ẩn của mọi người…

Tất cả những người ấy, đều rất cần những bàn tay của người Samaritanô thời đại. Tôi chỉ có thể làm anh em với tất cả họ, khi chính tôi biết dẹp bỏ thái độ vô tâm của tư tế, Lêvi để cúi xuống trên những đau khổ của họ. Bởi chỉ khi trở thành người Samaritanô, tôi mới thật sự là anh em của những người “bị cướp” ấy.

Lẽ ra tôi phải mang trong lòng mình, khắc sâu trong nội tâm mình tình yêu của Thiên Chúa, thái độ âu yếm, cảm thông của Thiên Chúa, Lời Thiên Chúa dạy yêu thương để sống nhân ái hơn, quan tâm hơn, gần cận anh chị em của mình hơn…

Trong khi đó, nhiều người không đứng trong hàng ngũ “chân tu” như tôi, thậm chí họ chỉ là người ngoại giáo như người Samari ngoại giáo, lại sống đức tin, sống lời của Chúa, sống phù hợp thánh ý Chúa, sống đúng theo lề luật Chúa.

Bất cứ khi nào ý thức mình là người sống trong đời tu, ý thức mình đã hiến dâng cho Chúa, thì tôi càng phải can đảm bênh vực sự thật, công lý, tình yêu, con người… Tôi cần loại trừ hình ảnh tư tế, Lêvi ích kỷ, chỉ tìm vinh thân mà bỏ qua mọi điều tốt phải thực thi, không hề đoái hoài đến những con người bất hạnh, dù họ có ở ngay trước mắt mình.

Từ đây, tôi phải đinh ninh luôn luôn lời Chúa kết luận cho dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu: “Hãy đi, và làm như vậy” (Lc 10, 37), để dấn thân, để can đảm, để ra khỏi chính mình, để sáng danh Chúa, để làm cho không còn tình trạng “cướp”.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG