Quý vị và anh chị em đang theo dõi phóng sự về Thánh lễ Bế mạc ĐHGT tại cánh đồng Lòng chúa Thương xót sáng Chúa Nhật 31/7 lúc 10 giờ sang.

Trong lúc ca đoàn hát nhập lễ thì Đức Thánh Cha và đoàn đồng tế tiến lên lễ đài. Ca đoàn vừa dứt tiếng hát thì Đức Thánh Cha làm dấu Thánh giá bắt đầu Thánh lễ:

Nhân danh Cha và Con và Thánh thần…

Sau đó là lời mời gọi thống hối , kinh cáo mình và ca đoàn hát Kinh thương xót và Kinh Vinh danh và rồi Đức Thánh Cha đọc lời nguyện đầu lễ:

Chúng ta hãy cầu nguyện.

Lạy Thiên Chúa Cha hằng hữu, qua Con Cha chúa chúng con Ngài đã đồng hành cùng chúng con trong thân phận khổ đau của phận người. Xin nhìn đến những anh chị em chúng con đang dau khổ xác hồn… Xin Chúa trở nên Vị Lương Y chúng con cần chạy tới để được cứu chữa. Xin kiện cường sức mạnh cho chúng con hầu chúng con có thể phục vụ Chúa và anh chị em chúng con trong niềm vui Thần Linh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Sau đó là phần phụng vụ Lời Chúa bài đọc thứ nhất trích từ sách Tiên tri Hosea 6:1-6

1 “Nào chúng ta hãy trở về cùng ĐỨC CHÚA.

Người đã xé nát thân chúng ta, nhưng rồi lại chữa lành.

Người đã đánh đập chúng ta, nhưng rồi lại băng bó vết thương.

2 Sau hai ngày, Người sẽ hoàn lại cho chúng ta sự sống;

ngày thứ ba, sẽ cho chúng ta trỗi dậy,

và chúng ta sẽ được sống trước nhan Người.

3 Chúng ta phải biết ĐỨC CHÚA, phải ra sức nhận biết Người;

như hừng đông mỗi ngày xuất hiện,

chắc chắn thế nào Người cũng đến.

Người sẽ đến với chúng ta như mưa rào,

như mưa xuân tưới gội đất đai.”

4 Ta phải làm gì cho ngươi đây, Ép-ra-im hỡi?

Ta phải làm gì cho ngươi, hỡi Giu-đa?

Tình yêu của các ngươi khác nào mây buổi sáng,

mau tan tựa sương mai.

5 Vì vậy, Ta dùng ngôn sứ mà đánh phạt chúng,

lấy lời miệng Ta mà diệt trừ.

Phán quyết của Ta sẽ bừng lên như ánh sáng.

6 Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ,

thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu.

Tội ác của Ít-ra-en xưa và nay

Đáp ca: Hãy tường thuật các kỳ công Chúa đã làm

Thánh vịnh 95

- 1 Hãy đến đây ta reo hò mừng CHÚA,

tung hô Người là Núi Đá độ trì ta,

2 vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ,

cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.

- 3 Bởi ĐỨC CHÚA là Chúa Trời cao cả,

là Đại Vương trổi vượt chư thần,

4 nắm trong tay bao vực sâu lòng đất,

giữ chủ quyền muôn ngọn núi vút cao.

- 5 Đại dương Chúa đã tạo thành là của Chúa,

lục địa do tay Người nhào nắn cũng thuộc về Người.

6 Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục,

quỳ trước tôn nhan CHÚA là Đấng dựng nên ta.

- 7 Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ,

còn ta là dân Người lãnh đạo,

là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.

Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!

Bài đọc 2 trích từ thư Thánh Phaolo gửi giáo đoàn Epheso (2:4-10)

4 Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta,5 nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ!6 Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời.

7 Như thế, Người tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Ki-tô Giê-su, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Người.8 Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa;9 cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện.10 Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.

Ca đoàn hát Alleluia trong lúc đó thầy phó tế tời Đức Thánh Cha xin phép lành và rước Phúc âm tới lễ đài để xông hương và hát Phúc âm (Luc 19: 1-10)

1 Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy.2 Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có.3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn.4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó.5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! “6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! “8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

Sau bài Phúc âm, Đức Thánh Cha đã quảng diễn Lời Chúa cho cộng đoàn

Các bạn trẻ thân mến, các con đã đến Krakow để gặp Chúa Giêsu. Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta chính cuộc gặp gỡ như thế giữa Chúa Giêsu và một người đàn ông tên là Giakêu, tại Jericho (Lc 19: 1-10). Ở đấy, Chúa Giêsu không chỉ rao giảng hay chào hỏi mọi người; như Thánh sử nói với chúng ta, Người đi qua thành phố (v. 1). Nói cách khác, Chúa Giêsu muốn đích thân đến gần chúng ta, để đi cùng với chúng ta trong cuộc hành trình của chúng ta cho đến lúc chót, để cuộc sống của Người và cuộc sống của chúng ta thực sự có thể gặp nhau.

Một cuộc gặp gỡ tuyệt vời sau đó đã diễn ra, với Giakêu, giám đốc thu thuế. Như thế, Giakêu là một cộng tác viên giàu có của những kẻ chiếm đóng La Mã đáng ghét, người bóc lột chính nhân dân của mình, một người, vì tiếng xấu của mình, thậm chí không thể tiếp cận Thầy. Cuộc gặp gỡ của ông với Chúa Giêsu đã thay đổi cuộc sống của ông, và hàng ngày vẫn có thể thay đổi mỗi cuộc đời của chúng ta. Nhưng Giakêu đã phải đối mặt với một số trở ngại mới được gặp Chúa Giêsu. Ít nhất ba trong số các trở ngại này cũng có thể nói một điều gì đó cho chúng ta.

Trở ngại đầu tiên là tầm vóc nhỏ bé. Giakêu không thể nhìn thấy Thầy, vì ông nhỏ con. Cả ngày nay, chúng ta cũng có thể có nguy cơ không đến gần được Chúa Giêsu, vì chúng ta không cảm thấy đủ lớn, bởi vì chúng ta không nghĩ rằng mình xứng đáng. Đây là một cám dỗ lớn; nó liên hệ không những với lòng tự trọng, mà còn với chính đức tin nữa. Vì đức tin cho chúng ta biết: chúng ta là "con cái của Thiên Chúa ... đó là điều chúng ta là" (1 Ga 3: 1). Chúng ta đã được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa; Chúa Giêsu đã mặc lấy nhân tính của chúng ta và trái tim Người sẽ không bao giờ xa cách chúng ta; Chúa Thánh Thần muốn ngự trong chúng ta. Chúng ta đã được kêu gọi để được hạnh phúc mãi mãi với Thiên Chúa!

Đó chính là "tầm vóc" đích thực của chúng ta, là bản sắc thiêng liêng của chúng ta: chúng ta là con cái yêu dấu của Thiên Chúa, luôn luôn. Vì vậy, các con có thể thấy rằng không chấp nhận chính mình, sống một cách rầu rĩ, tiêu cực, có nghĩa là không thừa nhận căn tính sâu xa nhất của chúng ta. Giống như ngoảnh đi khi Thiên Chúa muốn nhìn tôi, cố tình làm hỏng giấc mơ của Người đối với tôi. Thiên Chúa yêu thương chúng ta trong con người hiện hữu của chúng ta, và không tội, không lỗi hoặc sai lầm nào của chúng ta làm cho Người thay đổi tâm trí. Còn đối với Chúa Giêsu - như Tin Mừng cho thấy - không ai là bất xứng, hoặc xa rời suy nghĩ của Người. Không ai là không đáng kể. Người yêu thương tất cả chúng ta với một tình yêu đặc biệt; Đối với Người, tất cả chúng ta đều quan trọng: các con là quan trọng! Thiên Chúa trông mong các con vì con người các con, chứ không phải vì những gì các con sở hữu. Trong mắt Người, những bộ quần áo các con mặc hoặc các loại điện thoại di động các con sử dụng là hoàn toàn không có liên quan chi. Người không quan tâm việc các con có hợp mốt hay không; Người quan tâm đến các con! Trong mắt Người, các con quý giá, và giá trị của các con là vô giá.

Đôi khi, trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta đặt mục tiêu thấp hơn thay vì cao hơn. Những lúc đó, tốt hơn nên nhận ra rằng Thiên Chúa vẫn trung thành, thậm chí còn cố chấp, trong tình yêu của Người dành cho chúng ta. Sự thực là, Người yêu thương chúng ta thậm chí còn nhiều hơn chúng ta yêu bản thân mình. Người tin chúng ta thậm chí còn nhiều hơn chúng ta tin tưởng vào chính mình. Người luôn "cổ vũ chúng ta"; Người là người hâm mộ lớn nhất của chúng ta. Người ở đó cho chúng ta, kiên nhẫn và hy vọng chờ đợi, ngay cả khi chúng ta quay vào trong chính mình và nghiền ngẫm các rắc rối và chấn thương trong quá khứ của mình. Nhưng nghiền ngẫm như vậy là không xứng đáng với tầm vóc thiêng liêng của chúng ta! Nó là một loại vi khuẩn lây nhiễm và ngăn chặn mọi sự; nó đóng mọi cánh cửa và ngăn cản chúng ta đứng dậy và bắt đầu lại. Mặt khác, Thiên Chúa là Đấng hy vọng một cách vô vọng! Người tin rằng chúng ta luôn luôn có thể đứng dậy, và Người ghét nhìn thấy chúng ta cau có và ảm đạm. Bởi vì chúng ta luôn là những con trai và con gái yêu quý của Người. Chúng ta hãy chú ý đến điều này vào hừng đông của mỗi ngày mới. Quả là điều tốt cho chúng ta nếu mỗi buổi sáng, ta đều cầu nguyện: "Lạy Chúa, con cảm ơn Chúa vì đã yêu thương con; xin giúp con biết yêu cuộc sống của chính con!" Không yêu lỗi lầm của con, là điều cần được sửa trị, nhưng yêu cuộc sống riêng của con, vốn là một hồng phúc tuyệt vời, vì đây là thời để yêu thương và được yêu thương.

Giakêu phải đối mặt với một trở ngại thứ hai trong cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu: sự tê liệt do xấu hổ. Chúng ta có thể tưởng tượng những gì đang diễn ra trong trái tim ông trước khi ông leo lên cây sung đó. Đây hẳn phải là một cuộc đấu tranh - một đàng, là tò mò và uớc muốn lành mạnh được biết Chúa Giêsu; đàng khác, nguy cơ bị phát hiện như một người hoàn toàn kỳ cục. Giakêu là một nhân vật công cộng, một người đàn ông có quyền lực. Ông biết rằng, khi cố gắng leo lên cây đó, ông sẽ trở thành một trò cười cho mọi người. Tuy nhiên, ông làm chủ sự xấu hổ của mình, bởi vì sự lôi cuốn của Chúa Giêsu mạnh hơn. Các con biết điều gì xảy ra khi một người nào đó lôi cuốn đến nỗi chúng ta đem lòng yêu thương họ: kết cục, chúng ta sẵn sàng làm những điều mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm. Một điều gì đó tương tự đã diễn ra trong trái tim Giakêu, khi ông nhận ra rằng Chúa Giêsu quan trọng đến nỗi ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho Người, vì chỉ có Chúa Giêsu mới có thể kéo ông ra khỏi vũng lầy của tội lỗi và bất mãn. Sự tê liệt vì xấu hổ đã không cuỗm được tay trên. Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Giakêu "chạy lên trước", "leo lên" cây, và rồi, khi Chúa Giêsu gọi ông, ông đã "vội vã leo xuống" (cc. 4, 6). Ông đã đánh liều, ông đã đặt cuộc sống của mình trên dây lơ lửng. Đối với chúng ta cũng thế, đây là bí quyết của niềm vui: không để sự tò mò lành mạnh bị ngột ngạt, nhưng đánh liều, bởi vì cuộc sống không phải là để bị giấu khuất. Khi nói đến Chúa Giêsu, chúng ta không thể khoanh tay ngồi chờ; Người hiến cho chúng ta sự sống - chúng ta không thể đáp ứng bằng cách ngồi nghĩ về nó hoặc "nhắn tin" vài lời!

Các bạn trẻ thân mến, đừng xấu hổ đem mọi sự kể cho Chúa trong tòa giải tội, đặc biệt là các điểm yếu của các con, các cuộc đấu tranh của các con và tội lỗi của các con. Người sẽ làm các con ngạc nhiên với sự tha thứ và bình an của Người. Đừng sợ nói chữ "có" với Người bằng cả trái tim của các con, đừng sợ đáp ứng một cách đại lượng và bước chân theo Người! Đừng để tâm hồn các con tê cóng, nhưng hãy nhắm mục tiêu yêu thương đẹp đẽ vốn cũng đòi hỏi hy sinh. Các con hãy nói "không" một cách cương quyết với thứ ma túy thành công bằng bất cứ giá nào và thuốc an thần chỉ biết lo lắng về bản thân và sự thoải mái của riêng các con.

Sau tầm vóc nhỏ bé và sự tê liệt vì xấu hổ của mình, có một trở ngại thứ ba mà Giakêu phải đối mặt. Nó không phải là một trở ngại nội tâm, nhưng là ở quanh ông. Đó là sự tức giận của đám đông; đầu tiên họ ngăn chặn ông và sau đó chỉ trích ông: Làm thế nào Chúa Giêsu lại có thể bước vào nhà ông, nhà của một kẻ tội lỗi! Chào đón Chúa Giêsu, chấp nhận một "Thiên Chúa giàu lòng thương xót" (Eph 2: 4) quả thực khó khăn xiết bao! Người ta sẽ cố gắng ngăn chặn các con, làm cho các con nghĩ rằng Thiên Chúa là Đấng xa xôi, cứng ngắc và vô cảm, tốt với người tốt và xấu với kẻ xấu. Thay vào đó, Cha chúng ta trên trời "khiến mặt trời của Người mọc cả trên người xấu và người tốt" (Mt 5:45). Người đòi hỏi chúng ta can đảm thực sự: can đảm để mạnh mẽ hơn cả sự ác bằng cách yêu thương mọi người, ngay cả kẻ thù của chúng ta. Người ta có thể cười nhạo các con vì các con tin vào sức mạnh nhẹ nhàng và khiêm tốn của lòng thương xót. Nhưng đừng sợ. Các con hãy nghĩ tới huy hiệu của những ngày này: "Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được thương xót" (Mt 5: 7). Người ta có thể xét đoán các con là người mơ mộng, bởi vì các con tin vào một nhân loại mới, một nhân loại bác bỏ hận thù giữa các dân tộc, một nhân loại từ chối không coi biên giới như các rào cản và có thể trân trọng các truyền thống riêng của mình mà không lấy mình làm trung tâm hay có đầu óc nhỏ mọn. Đừng nản lòng: với một nụ cười và vòng tay rộng mở, các con hãy loan truyền niềm hy vọng và các con là một chúc phúc đối với gia đình nhân loại của chúng ta, mà ở đây các con là đại diện một cách đẹp đẽ!

Ngày hôm đó, đám đông xét đoán Giakêu; họ dò xét ông, lúc trọng lúc khinh. Nhưng Chúa Giêsu đã làm điều ngược lại: Người từ dưới nhìn lên ông (v 5.). Chúa Giêsu nhìn bên kia các lỗi lầm và thấy con người của họ. Người không dừng lại trước cái xấu đã qua, nhưng nhìn ra tương lai tốt đẹp. Ánh mắt Người không thay đổi, ngay cả khi nó không được đáp ứng; nó tìm cách đoàn kết và hiệp thông. Không có trường hợp nào nó ngưng ở những dáng vẻ bề ngoài, nhưng nhìn thẳng vào trái tim. Với cái nhìn của Chúa Giêsu, các con có thể giúp mang lại một nhân loại khác, mà không cần tìm kiếm sự thừa nhận nhưng tìm kiếm sự tốt đẹp vì chính nó, bằng lòng duy trì một trái tim tinh khiết và chiến đấu một cách hòa bình cho sự trung thực và công lý. Không dừng lại ở bề mặt của sự vật; không tin vào sự sùng bái của thế gian đối với dáng bề ngoài, các cố gắng thẩm mỹ nhằm cải thiện dáng vẻ của chúng ta. Thay vào đó, hãy "tải xuống" cái "liên kết" tốt nhất, đó là một trái tim biết nhìn thấy và loan tuyền sự tốt lành một cách không mệt mỏi. Niềm vui mà các con đã tự do nhận được từ Thiên Chúa, các con hãy tự do cho đi (x Mt10: 8): rất nhiều người đang chờ đợi nó!

Cuối cùng chúng ta hãy lắng nghe những lời Chúa Giêsu nói với Giakêu, những lời dường như có ý dành cho chúng ta hôm nay: "Hãy xuống đây, vì tôi phải ở lại nhà của ông ngày hôm nay" (câu 5.). Chúa Giêsu ngỏ cùng một lời mời ấy với các con: "Cha phải ở lại nhà của các con ngày hôm nay". Chúng ta có thể nói rằng Ngày Giới trẻ Thế giới bắt đầu ngày hôm nay và tiếp tục vào ngày mai, trong ngôi nhà của các con, vì đó là nơi mà Chúa Giêsu muốn được gặp các các con từ bây giờ. Chúa không muốn ở lại trong thành phố xinh đẹp này, hoặc trong ký ức yêu thương mà thôi. Người muốn vào nhà của các con, cư ngụ trong cuộc sống hàng ngày của các con: trong việc học hành của các con, năm đầu làm việc của các con, tình bạn và tình âu yếm của các con, hy vọng và ước mơ của các con. Người hy vọng xiết bao rằng trong mọi “liên lạc” và “tán gẫu” hàng ngày, chỗ danh dự phải được dành cho sợi chỉ vàng xuyên suốt của cầu nguyện! Người mong muốn xiết bao được thấy lời Người có thể ngỏ với các con ngày qua ngày, để các con có thể biến Tin Mừng thành của riêng các con, để nó có thể phục vụ như một la bàn cho các đường cao tốc của cuộc sống!

Khi yêu cầu được đến nhà các con, Chúa Giêsu đã gọi các con bằng tên, như đã làm với Giakêu. Tên của các con quý giá đối với Người. Cái tên "Giakêu" có thể làm cho người ta nghĩ tới việc tưởng nhớ tới Thiên Chúa. Hãy tin tưởng vào bộ nhớ của Thiên Chúa: bộ nhớ của Người không phải là một "đĩa cứng" có thể "lưu" và "trữ" tất cả các dữ liệu của chúng ta, nhưng là một trái tim đầy lòng từ bi dịu dàng, một trái tim biết tìm niềm vui trong việc "xóa bỏ" trong chúng ta mọi dấu vết của cái ác. Ước mong cả chúng ta bây giờ cũng cố gắng bắt chước các bộ nhớ trung thành của Thiên Chúa và lưu trữ những điều tốt mà chúng ta đã nhận được trong những ngày này. Trong im lặng, chúng ta hãy ghi nhớ cuộc gặp gỡ này, chúng ta hãy duy trì kí ức về sự hiện diện của Thiên Chúa và lời lẽ của Người, và chúng ta hãy lắng nghe một lần nữa tiếng nói của Chúa Giêsu khi Người gọi chúng ta bằng tên. Vì vậy, bây giờ, chúng ta hãy cầu nguyện âm thầm, nhớ lại và cảm ơn Chúa đã muốn chúng ta ở đây và đã đến đây để gặp chúng ta.

Sau đó cả cộng đoàn hòa nhập bài ca tuyên xưng đức tin.

Tiếp sau là Lời Nguyện giáo dân được đọc bằng nhiều thứ tiếng:

Đức Thánh Cha: Anh chị em thân mến chúng ta hãy thành tâm dâng lên Thiên Chúa các tâm tư cầu nguyện của chúng ta.

Lời xướng là: Xin Chúa Kito thương xót chúng con

1. Cầu nguyện cho Giáo Hội (Được đọc bằng tiếng Pháp): Lạy Thiên Chúa giàu lòng xót thương xin kiện cường Giáo Hội của Chúa trong công cuộc loan truyền Tin mừng hầu thế giới chúng ta đang sống được thực sự sống đúng nhân phẩm con người trong tình yêu vị tha. Chúng con cầu xin Chúa.

2. Cầu nguyện cho Chính quyền (Được đọc bằng tiếng Do Thái): Lạy Thiên Chúa hằng thương xót, xin ban cho những người đang gánh vác trách nhiệm điều hành cuộc sống của các quốc gia có được một tình yêu đích thực hầu phục vụ cho mọi người công dân trong quốc gia của mình. Chúng con cầu xin Chúa.

3. Cầu nguyện cho Giới trẻ (Được đọc bằng tiếng Anh): Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin ban ánh nhìn và tình yêu cho những người trẻ đến từ khắp năm châu biết mạnh dạn tuyên xưng rằng họ thuộc về Chúa Kitô. Xin làm cho trái tim tinh khiết của họ biết rộng mở xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Chúng con cầu xin Chúa.

4. Cầu nguyện cho những người nghèo khổ (Được đọc bằng tiếng Ba lan): Lạy Thiên Chúa giầu lòng từ bi xin thương nhìn đến nhiều anh chị em chúng con đang bị đàn áp

vì đức tin. Xin ban cho họ luôn cảm thấy Chúa gần bên nâng đỡ và xin cho họ ơn can đảm biết vượt thắng những khó khăn trong đời. Chúng con cầu xin Chúa.

5. Cầu nguyện cho Những bị bách hại (Được đọc bằng tiếng Hoa): Lạy Thiên Chúa giầu lòng xót thương, xin nâng đỡ những ai đang bị bách hại khổ đau, xin cho họ lòng can đảm để vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống. Chúng con cầu xin Chúa.

6. Cầu nguyện cho các khách hành hương và các thiện nguyện viên (Được đọc bằng tiếng Tây Ban Nha): xin chúc lành cho tất cả các tổ chức và tất cả các khách hành hương, vì trong những ngày này rất nhiều các tình nguyện viên, những người đã và đang giúp chúng con có cơ hội gặp gỡ nhau tại đây trong tình yêu của lòng thương xót Chúa. Xin củng cố tình hiệp thông giữa chúng con. Chúng con cầu xin Chúa.

Đức Thánh Cha: Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin thương nhìn đến chúng con, xin gia tăng niềm tin yêu hy vọng cho chúng con và qua lời cầu bầu của Thánh Gioan Phaolô II và Thánh nữ Faustina Kowalska, xin giúp chúng con trở nên những nhân chứng nhân đích thực của Tin Mừng.

Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen

Sau đó phần dâng của lễ, và Thánh lễ được tiếp tục với kinh nguyện Thánh Thể thứ III được xử dụng hôm nay.

Phần kết thúc Thánh lễ với bài ca về Đức Mẹ và phép lành trọng thể.

ĐỌC KINH TRUYỀN TIN VÀ PHÉP LÀNH

Đức Thánh Cha đọc Kinh lạy Cha, Kính mùng và Sáng Danh sau đó là kinh truyền tin và ban phép lành.Đức Thánh Cha công bố thời điểm và địa danh của lần ĐHGT thế giới lần thừ 32…

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.

Mọi ý kiến đóng góp xin gởi về địa chỉ tv@vietcatholic.net

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô