Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đúng một tuần lễ sau ngày cha Jacques Hamel bị quân khủng bố hồi giáo cắt cổngay khi ngài đang dâng thánh lễ tại Saint-Étienne-de-Rouvray, chiều thứ sáu 02/08, Đức Cha Dominique Lebrun, tổng giám mục Rouen, đã cử hành trọng thể thánh lễ tiễn biệt vị linh mục tử vì đạo. Hàng ngàn tín hữu dầm mưa dự thánh lễ ngoài trời.
Trước thánh lễ, một linh mục phủ trên quan tài đặt trên mặt đất áo trắng dài và dây stola ; một linh mục khác khoác trên thánh giá dây stola của ngài, diễn tả lời Chúa : ‘‘Tin là từ bỏ mình vác thập giá theo Chúa’’ (Mt 16,24).
Người em gái của ngài đang khóc anh lần cuối.
Máu đào cha cố là hạt giống trổ sinh tín hữu, như thi sĩ Tertullien đã viết “Sanguis martyrum semen christianorum”. Mưa buồn tháng tám thương tiếc của thế nhân lại là tiếng reo vui nơi thiên quốc, ‘‘Ai gieo trong nước mắt sẽ gặt trong hân hoan’’.
Mặc dù đã lớn tuổi, cố linh mục Hamel vẫn tiếp tục công tác mục vụ tại giáo xứ Saint-Étienne-de-Rouvray. Lúc sinh tiền, mỗi khi có ai hỏi ngài vì sao tuổi đời chống chất mà vẫn một lòng phục vụ Hội thánh, ngài vui vẻ trả lời : ‘‘Bạn có thấy cha xứ nào nghỉ hưu ? Tôi sẽ tiếp tục làm việc đến hơi thở cuối cùng’’. Ngài về nước Chúa khi cử hành thánh lễ là một hình thức thánh hiến.
Cha Hamel thụ phong linh mục năm 1958, cử hành lễ kim khánh vào năm 2008, đều tại Normandie. Ngài từng làm cha phó Saint-Antoine de Petit-Queville, năm 1967 : cha xứ Saint-Pierre-lès-Elbeuf, cha xứ rồi linh mục phụ tá tại Saint-Etienne-du-Rouvray cho đến ngày chịu chết làm chứng cho đức tin.
Sau thánh lễ, lễ quy lăng được cử hành tại một nơi được giữ kín để tránh mồ mả của ngài bị khủng bố.
2. Đức Hồng Y Franciszek Macharski của Ba Lan qua đời
Đức Hồng Y Franciszek Macharski, nguyên Tổng Giám Mục giáo phận Karkow, Ba Lan đã qua đời sáng ngày 2-8, hưởng thọ 89 tuổi.
Đức Hồng Y là người trực tiếp kế vị Đức Hồng Y Karol Wojtila tại tòa của thánh Stanislao ở Karkow. Ngày 28-7, trên đường đi đến Đền thánh Đức Mẹ Jasna Gora, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến nhà thương ở Karkow để viếng thăm Đức Hồng Y Marcharski đang được điều trị tại đây.
Đức Cố Hồng Y sinh năm 1927 tại Karkow. Sau khi Ba Lan được giải phóng hồi năm 1945, ngài gia nhập đại chủng viện ở địa phương và thụ phong linh mục năm 1950, tức là 4 năm sau Cha Karol Wojtila, vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 tương lai.
Sau một thời gian làm việc mục vụ giáo xứ, cha Marcharski được cử sang học thần học tại Đại học Fribourg Thụy Sĩ năm 1956 và đậu tiến sĩ thần học mục vụ tại đây năm 1960. 10 năm sau đó, ngài được bổ nhiệm làm Giám đốc đại chủng viện Karkow.
Sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã bổ nhiệm cha Macharski làm Tổng Giám Mục Karkow. Ngài từng làm Chủ tịch thừa ủy của Thượng Hội Đồng Giám Mục Âu Châu kỳ 2 hồi tháng 10 năm 1999, và được phong Hồng Y năm 2005.
Với sự qua đi của Đức Hồng Y Macharski, Hồng Y đoàn còn 211 vị, trong đó có 112 Hồng Y cử tri dưới 80 tuổi và 99 vị ở trên mức tuổi này.
3. Giới thiệu sứ điệp ngày Du lịch quốc tế 27 tháng 9
Hội Đồng Toà Thánh mục vụ cho người di cư và lưu động vừa công bố sứ điệp ngày Du lịch quốc tế 27 tháng 9. Nội dung sứ điệp cho năm nay có tựa đề “Du lịch cho tất cả mọi người: thăng tiến khả thể đại đồng”.
Sứ điệp viết: “Du lich cho tất cả mọi người: thăng tiến khả thể đại đồng” là đề tài đã được Tổ chức du lịch quốc tế lựa chọn cho Ngày du lịch quốc tế sẽ được cử hành vào ngày 27 tháng 9. Toà Thánh tham gia vào sáng kiến này ngay từ lần đầu tiên, vì ý thức được tầm quan trọng to lớn của lãnh vực này, cũng như các thách đố nó đề ra, và các cơ may nó cống hiến cho việc loan báo Tin Mừng.
Trong các thập niên qua số người có thể hưởng nếm một thời gian nghỉ ngơi đã gia tăng rất nhiều. Theo thống kê của Tổ chức du lịch thế giới trong năm 2015 đã có 1 tỷ 184 triệu khách du lịch quốc tế, và theo dự kiến trong năm 2030 con số này sẽ lên tới 2 tỷ. Bên cạnh đó cần thêm vào số người du lịch địa phương nữa.
Với việc gia tăng con số là ý thức ảnh hưởng tích cực, mà ngành du lịch có trên nhiều lãnh vực của cuộc sống, với nhiều nhân đức và tiềm năng. Tuy không phải là không biết vài yếu tố hàm hồ hay tiêu cực của nó, nhưng chúng tôi xác tín rằng du lịch nhân bản hóa, vì nó là dịp nghỉ ngơi, là cơ may giúp hiểu biết nhau giữa các dân tộc và các nền văn hóa, là dụng cụ phát triển kinh tế, thăng tiến hòa bình và đối thoại, khả thể giáo dục và giúp con người lớn lên, là thời gian của các cuộc gặp gỡ với thiên nhiên và môi trường giúp lớn lên về mặt thiêng liêng, đó là chỉ kể ra vài đặc điểm tích cực của du lịch.
Tiếp tục sứ điệp Hội đồng Toà Thánh mục vụ cho người di cư và lưu động viết: Dựa trên lượng định tích cực này và ý thức được rằng du lịch đặc biệt, và thời gian rảnh rỗi nói chung, là một đòi buộc của bản tính nhân loại, biểu lộ ra trong chính nó một giá trị không thể từ chối được, được huấn quyền yểm trợ, chúng ta phải kết luận rằng du lịch không chỉ là một cơ may, mà phải là một quyền của tất cả mọi người, và không thể bị hạn chế đối với các giai tầng xã hội nào đó hay đối với vài vùng địa lý xác định. Cả Tổ chức du lịch quốc tế cũng khẳng định rằng du lịch là một quyền rộng mở trong cùng một cách thức cho tất cả các cư dân trên thế giới… và không chướng ngại nào được phép hiện diện trên con đường của nó. Vì thế, có thể nói tới một “quyền du lịch, chắc chắn là việc cụ thể hóa của quyền “nghỉ ngơi, giải trí, bao gồm trong nó một sự hạn chế có lý các giờ làm việc và các ngày nghỉ được trả lương”, được khoản 24 của Bản tuyên ngôn nhân quyền công bố năm 1948 thừa nhận.
Tuy nhiên, những quan sát thực tế chứng minh cho thấy rằng quyền ấy không ở trong tầm tay của tất cả mọi người, và còn có nhiều người tiếp tục bị loại trừ khỏi quyền này.
Vì vậy, cần phải thăng tiến một “nền du lịch cho tất cả mọi người”, để nó là loại du lịch luân lý đạo đức và có thể chịu đựng nổi, trong đó được bảo đảm việc đạt tới thực thụ thể lý, kinh tế và xã hội, bằng cách tránh mọi loại kỳ thị. Đạt tới một đề nghị loại này sẽ chỉ là điều có thể, nếu có thể tin tưởng nơi cố gắng của tất cả mọi người, các nhà chính trị, các nhà kinh doanh, các người tiêu thụ, cũng như nỗ lực của các hiệp hội dấn thân trong lãnh vực này.
Giáo Hội đánh giá tích cực các cố gắng đang thực hiện một nền du lịch cho tất cả mọi người, các sáng kiến “đặt để du lịch thực sự phục vụ việc hiện thực của con người và phát triển xã hội”. Đã từ lâu Giáo Hội cũng đang cống hiến phần mình vào việc suy tư lý thuyết, cũng như vào nhiếu sáng kién cụ thể, trong đó có nhiều sáng kiến đi hàng đầu được thực hiện với các khả năng kinh tế hạn hẹp, với biết bao nhiêu tận tụy, và chúng đã đem lại nhiều thành quả tốt đẹp.
Ước chi dấn thân của Giáo Hội cho một nền du lịch cho tất cả mọi người được sống và hiểu như là chứng tá sự ưu ái đặc biệt của Thiên Chúa đối với những người khiêm tốn nhất”
4. Bài phỏng vấn Đức Thánh Cha dành cho các nhà báo quốc tế trên chuyến bay từ Karkow về Roma
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Như thường lệ trên chuyến bay từ Krakow về Roma chiều Chúa Nhật 31 tháng 7 vừa qua Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế cuộc phỏng vấn dài. Sau đây là nội dung cuộc nói chuyện của Đức Thánh Cha với các nhà báo quốc tế.
Trước hết, cha Federico Lombardi, Giám đốc mãn nhiệm Phòng Báo Chí Toà Thánh nói: “Thưa Đức Thánh Cha, chúng con xin cám ơn Đức Thánh Cha rất nhiều đã ở đây với chúng con sau chuyến công du này. Mặc dù trời chiều nay mưa, nhưng xem ra mọi sự đã xuôi chảy đến độ chúng con tất cả đều rất hạnh phúc và hài lòng, và chúng con cũng thấy Đức Thánh Cha hài lòng trong các ngày này. Như thường lệ chúng con sẽ hỏi Đức Thánh Cha vài câu, nhưng nếu Đức Thánh Cha muốn nói vài điều mở đầu thì xin mời Đức Thánh Cha.
Đức Thánh Cha nói:
Xin chào anh chị em và tôi xin cám ơn anh chị em về công việc làm và sự đồng hành của anh chị em. Tôi muốn chia buồn với anh chị em là đồng nghiệp về cái chết của chị Anna Maria Jacobini. Hôm nay tôi đã tiếp bà chị và các cháu của chị ấy… Họ rất đau buồn về việc này… Đó là một điều buồn của chuyến công du này. Thế rồi, tôi muốn cám ơn Cha Lombardi và anh Mauro, vì đây là chuyến công du cuối cùng của họ với tôi. Cha Lombardi đã làm việc tại đài Vaticăng từ hơn 25 năm qua và trong 10 chuyến bay. Còn anh Mauro thi từ 37 năm qua: 37 năm đặc trách về hành lý trong các chuyến bay. Tôi xin cám ơn cha Lombardi và anh Mauro rất nhiều. Và sau cùng tôi xin cám ơn với một chiếc bánh ngọt. Và tôi sẵn sàng cho cuộc phỏng vấn. Chuyến bay ngắn nên lần này chúng ta sẽ vội vã.
Cha Lombardi cám ơn Đức Thánh Cha và giới thiệu một trong các nhà báo Ba Lan là chị Magdalena Wolinska thuộc đài truyền hình Ba Lan.
Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, trong diễn văn đầu tiên tại lâu đài Wawel sau khi vừa tới Karkow Đức Thánh Cha đã nói rằng ngài hài lòng bắt đầu biết Âu châu trung đông từ chính Ba Lan. Nhân danh dân tộc Ba Lan con xin hỏi Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã sống Ba Lan trong các ngày này như thế nào? Đức Thánh Cha có cảm tưởng gì?
Đáp: Đó đã là một Ba Lan đặc biệt, bởi vì đó đã là một Ba Lan bị xâm lăng, lần này bởi giới trẻ, đúng không? Karkow mà tôi đã thấy thật là đẹp biết bao. Dân Ba Lan rất hăng say. Đấy coi xem chiều nay, mưa như vậy mà dọc đường không phải chỉ có các người trẻ, mà cả các cụ bà nữa… Đây thật là một lòng tốt, một sự cao quý. Tôi đã có kinh nghiệm với người dân Ba Lan khi tôi còn bé: nơi cha tôi làm việc cũng có biết bao người Ba Lan tới làm việc, sau chiến tranh. Họ là những người tốt, và đó là điều đã ở lại trong con tim tôi. Tôi đã tìm lại được lòng tốt ấy của anh chị em. Một vẻ đẹp. Xin cám ơn chị.
Cha Lombardi nói bây giờ tới lượt một đồng nghiệp ba lan khác là chị Ursula thuộc đài Polsat.
Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, các con cái trẻ của chúng con rất cảm động vì những lời của Đức Thánh Cha, rất phù hợp với thực tại và các vấn đề của chúng. Nhưng trong các diễn văn Đức Thánh Cha cũng đã dùng các lời lẽ và các kiểu diễn tả riêng trong ngôn ngữ của người trẻ. Đức Thánh Cha đã chuẩn bị như thế nào? Làm sao Đức Thánh Cha lại đưa ra nhiều thí dụ gần gũi với cuộc sống, với các vấn đề và ngôn ngữ của chúng như vậy?
Đáp: Tôi thích nói chuyện với người trẻ. Tôi thích lắng nghe giới trẻ. Họ luôn luôn đặt tôi vào trong các khó khăn, bởi vì họ nói những điều mà tôi đã không nghĩ tới, hay tôi chỉ nghĩ tới có một nửa. Người trẻ lo lắng, người trẻ sáng tạo…Tôi thích họ, và từ họ tôi lấy thứ ngôn ngữ của họ. Có biết bao lần tôi phải tự hỏi: “Nhưng điều này có nghĩa là gì?” Và họ giải thích cho tôi hiểu nó nghĩa là gì. Tôi thích nói chuyện với họ. Tương lai của chúng ta là họ, và chúng ta phải đối thoại. Cuộc đối thoại này giữa quá khứ và tương lại quan trọng. Chính vì thế mà tôi đã nhấn mạnh biết bao tương quan giữa người trẻ và ông bà, và khi tôi nói “ông bà” thì tôi hiểu họ là những người cao niên nhất và những người ít cao niên hơn… Để cũng trao ban kinh nghiệm của chúng ta, bởi vì những người gia cảm nhận quá khứ, lịch sử và họ lấy lại và đem nó đi tới với lòng can đảm của hiện tại, như tôi đã nói chiều nay. Thật là quan trọng. Quan trọng! Tôi không thích nghe nói: “Ôi, lũ trẻ này nói toàn những điều tầm phào!” Chúng ta cũng nói biết bao chuyện tầm phào đấy chứ! Người trẻ nói những chuyện tầm phào, nhưng họ nói những điều tốt: cùng như chúng ta, cũng như tất cả mọi người vậy. Nhưng nghe họ, nói chuyện với họ, bởi vì chúng ta phải học từ họ và họ phải học từ chúng ta. Như thế đó. Và như thế người ta làm lịch sử, và như thế người ta lớn lên mà không khép kín, không kiểm duyệt. Tôi không biết, nhưng mà nó như vậy đó. Như thế tôi học từ giới trẻ các lời này.
Tiếp đến cha Lombardi giới thiệu anh Marco Ansaldo, phóng viên của nhật báo Cộng Hoà Italia, đại diện cho nhóm nhà báo Ý.
Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, theo hầu hết các quan sát viên quốc tế cuộc đàn áp bên Thổ Nhĩ Kỳ 15 ngày sau cuộc đảo chánh hụt đã tồi tệ hơn là chính cuộc đảo chánh. Đã có hàng loạt các tầng lớp bị đánh: các quân nhân, các thẩm phán, các nhân viên hành chánh công cộng, giới ngoại giao, các nhà báo. Con xin trích các dữ kiện của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ: người ta nói tới hơn 13.000 người bị bắt giữ và hơn 50.000 người bị cách chức. Một cuộc thanh lọc. Hôm trước đây tổng thống Recep Tayyip Erdogan, trước các chỉ trích bên ngoài đã nói: “Quý vị hãy nghĩ tới chuyện của mình!” Chúng con muốn hỏi tại sao cho tới nay Đức Thánh Cha đã không can thiệp, đã không lên tiếng? Có lẽ Đức Thánh Cha sợ rằng có thể có các âm hưởng trên thiểu số Công Giáo bên Thổ Nhĩ Kỳ chăng?
Đáp: Khi tôi đã phải nói điều gì đó không vừa lòng Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng mà tôi đã chắc chắn, thì tôi đã nói, với các hậu quả mà anh chị em biết đó. Tôi đã nói những lời ấy và tôi chắc chắn! Tôi đã không nói, bởi vì tôi chưa chắc chắn, với các tin tức mà tôi đã nhận được, liên quan tới điều gì đang xảy ra ở đó. Tôi lắng nghe các tin tức đến Phủ Quốc Vụ Khanh Toà Thánh, và cả các tin đến từ vài nhà phân tích chính trị quan trọng. Tôi đang nghiên cứu tình hình cả với các nhân viên của Phủ Quốc Vụ Khanh và câu chuyện vẫn chưa rõ ràng. Có đúng thật là phải luôn luôn tránh sự dữ cho các tín hữu Công Giáo – và tất cả chúng ta đều làm điều này – nhưng mà không phải với giá của sự thật. Có nhân đức cẩn trọng – phải nói điều này khi như trong trường hợp của tôi anh chị em là các chứng nhân đó, khi tôi đã phải nói điều gì đó liên quan tới Thổ Nhĩ Kỳ, thì tôi đã nói.
- Tới phiên chị Frances D’ Emilio của Hãng thông tin AP, là hãng thông tin lớn tiếng Anh
Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha câu hỏi của con là một câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra trong các ngày này, bởi vì đã được đưa ra ánh sáng là cảnh sát Australia hình như đang điều tra các lời tố cáo mới chống lại Đức Hồng Y Pell, và lần này các lới tố cáo liên quan tới các lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, rất khác với các lời tố cáo trước đây. Điều con tự hỏi và biết bao nhiêu người khác hỏ:i đó là theo Đức Thánh Cha đâu là điều đúng đắn cần làm cho Đức Hồng Y Pell,, xét vì tình hình nghiêm trọng, địa vị quan trọng như thế của ngài và sự tin tưởng mà Đức Hồng Y hưởng từ phía Đức Thánh Cha?
Đáp: Xin cám ơn chị. Các tin tức đầu tiên tới đã lẫn lộn. Đó đã là các tin tức của 40 năm về trước, và ban đầu cảnh sát cũng đã không chú ý tới. Đó là một điều lẫn lộn. Rồi tất cả các lời tố cáo đã được trình bầy với công lý, và trong lúc này thì chúng ở trong tay công lý. Không được phán xử trước khi công lý phán xử. Nếu tôi đưa ra một phán xử phò hay chống Đức Hồng Y Pell, thì sẽ là điều không tốt, bởi vì như vậy là tôi xét xử trước. Dúng thật là có sự nghi ngờ. Và có nguyên tắc rõ ràng của luật pháp: “trong nghi ngờ thì phò bị can”. Chúng ta phải đợi công lý, chứ không trước hết làm một cuộc phán xử truyền thông, vì điều này không giúp ích gì. Sự phán xử của các lời bép xép. Người ta không biết kết qủa sẽ ra sao. Xin hãy chú ý tới điều công lý sẽ quyết định. Một khi công lý đã nói, thì tôi sẽ lên tiếng.
- Cha Lombardi nói bây giờ chúng ta nhường lời cho anh Hernán Reyes của đài truyền hình Mỹ. Anh đại diện cho các nhà báo Mỹ Latinh.
Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, sức khoẻ của Đức Thánh Cha ra sao sau cú ngã hôm trước? Chúng con thấy Đức Thánh Cha khỏe khoắn. Đây là câu hỏi thứ nhất. Câu hỏi thứ hai là: trong tuần vừa qua ngoại trưởng Ernesto Samper đã nói tới một sự trung gian của Vaticăng bên Venezuela. Đây có phải là một cuộc đối thoại cụ thể hay không? Nó có phải là một khả thể thực sự hay không ? Và Đức Thánh Cha có nghĩ rằng việc trung gian này, với sứ mệnh của Giáo Hội có thể trợ giúp ổn định quốc gia này không?
Đáp: Trước hết là cú ngã.. Tôi đã nhìn Đức Mẹ và tôi đã quên là có bậc thang…Tôi đang cầm bình hương trong tay… Khi tôi cảm thấy là mình tè, tôi để cho mình ngã, và điều này đã cứu tôi. Bởi vì nếu tôi đã chống cự lại, thì chắc là đã có các hậu quả. Không có gì. Tôi rất khoẻ mạnh.
Câu hỏi thứ hai liên quan tới Venezuela. Cách đây hai năm tôi đã có một cuộc gặp gỡ với tổng thống Maduro rất là tích cực. Thế rồi tổng thống đã xin được tiếp kiến năm ngoái: vào ngày Chúa Nhật, một ngày sau khi tôi từ Sarajevo trở về. Nhưng rồi ông đã huỷ bỏ cuộc gặp gỡ ấy, bởi vì ông đã bị viêm tai, và không thể tới. Rồi sau đó tôi đã để cho thời gian qua đi, rồi viết cho ông một bức thư. Đã có các tiếp xúc cho một cuộc gặp gỡ và anh đã nhắc tới. Vâng, với các điều kiện trong các trường hợp này. Và trong lúc này thì tôi không chắc chắn và không thể bảo đảm điều đó: như vậy rõ ràng chưa? Tôi không chắc chắn là người ta đang nghĩ rằng trong nhóm trung gian có ai đó và tôi không biết cả chính quyền nữa có muốn một đại diện của Toà Thánh hay không – tôi không chắc chắn. Điều này là cho tới lúc tôi đã đi khỏi Roma. Nhưng các sự việc còn ở đó. Trong nhóm có ông Zapatero của Tây Ban Nha, ông Torrijos và một người nữa và một người thứ tư người ta nói là của Toà Thánh. Nhưng tôi không chắc chắn về điều này.
- Tới phiên anh Antoine-Marie Izoard của hãng tin Media Pháp và chúng ta biết nước Pháp đang sống những gì trong các ngày này.
Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, trước hết con chúc mừng Đức Thánh Cha và cha Lombardi và cha Spadaro về lễ thánh Ignazio. Câu hỏi của con hơi khó một chút. Sau vụ sát hạị man rợ cha Jacques Hamel trong nhà thờ đang khi ngài đang thánh lễ, các tín hữu Công Giáo không phải chỉ bên Pháp đã bị sốc nặng, như Đức Thánh Cha biết. Cách đây bốn hôm ở đây Đức Thánh Cha đã lại nói rằng mọi tôn giáo đều muốn hoà bình. Tuy nhiên, vị linh mục thánh thiện 86 tuổi này đã bị giết một cách rõ ràng là nhân danh Hồi giáo. Vì thế thưa Đức Thánh Cha, con có hai câu hỏi ngắn: Tại sao khi nói tới các hành động bạo lực này, Đức Thánh Cha đã luôn luôn nói tới các người khủng bố mà không bao giờ nói tới Hồi giáo. Đức Thánh Cha đã không bao giờ dùng từ Hồi giáo… Thế rồi ngoài lời cầu nguyện và việc đối thoại, đương nhiên là rất nòng cốt, đâu là sáng kiên cụ thể Đức Thánh Cha có thể bắt đầu hay gợi ý để chống lại bạo lực hồi giáo?
Đáp: Tôi không thích nói tới bạo lực hồi giáo, bởi vì mọi ngày khi đọc báo tôi thấy các bạo lực, ở Italia đây: người thì giết hôn thê của mình, người khác giết mẹ vợ…Và đây là các tín hữu Công Giáo bạo lực đưọc rửa tội… Họ là các tín hữu Công Giáo bạo lực. Nếu tôi nói tới bạo lực hồi giáo, thì tôi cũng phải nói tới bạo lực Công Giáo. Không phải mọi tín hữu hồi đểu bạo lực; không phải mọi tín hữu Công Giáo đều bạo lực. Nó giống như một loại trái cây hỗn hợp: có mọi thứ; có những kẻ bạo lực của các tôn giáo này. Có một điều thật: đó là trong mọi tôn giáo đều luôn luôn có một nhóm nhỏ quá khích. Qúa khích. Chúng ta cũng có. Và khi chủ trương quá khích đi tới chỗ giết người – và người ta có thể giết chết với cái lưỡi, và điều này chính tông đồ Giacôbê nói tới chứ không phải tôi đâu, và cũng giết với con dao – tôi tin rằng không đúng việc đồng hóa Hồi giáo với bạo lực. Đây là điều không đúng và không thật. Tôi đã có một cuộc nói chuyện dài với Đại Imam của Đại học Al-Azhar, và tôi biết họ nghĩ gì: họ tìm kiếm hoà bình, gặp gỡ. Đức Sứ Thần của một nuớc Phi châu có nói với tôi rằng trong thủ đô luôn luôn có một hàng người dài xếp hàng vào Cửa Thánh: vài người đến các toà xưng tội, người khác thì vào ghế quỳ cầu nguyện Nhưng đa số tiến tới cầu nguyện trước bàn thờ Đức Mẹ: đó là các tín hữu hồi muốn cử hành Năm Thánh. Họ là anh em. Khi tôi ở bên Trung Phi, tôi đã đến với họ và imam cũng đã leo lên xe với tôi. Chúng ta có thể sống chung tốt với nhau. Nhưng có các nhóm nhỏ cuồng tín. Và tôi cũng tự hỏi có biết bao người trẻ - biết bao người trẻ mà người âu châu chúng ta đã để cho họ trống rỗng lý tưởng, không có công việc làm, tìm đến với ma tuý, rượu chè và họ đến đầu quân vào các nhóm cuồng tín này. Phải, chúng ta có thể nói rằng cái gọi là ISIS là một nhà nuớc hồi tự giới thiệu như là bạo lực vì khi nó cho chúng ta thấy thẻ căn cước cho chúng ta thấy họ cắt cổ người Ai Cập hay làm các điều khác trên bờ biển Libi như thế nào. Nhưng đây là một nhóm nhỏ cuồng tín, gọi là ISIS. Nhưng không thể nói rằng - tôi tin là nó không thật và không đúng – nói rằng Hồi giáo là khủng bố.
Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha còn một sáng kiến cụ thể giúp chống lại nạn khủng bố, bạo lực thì sao?
Đáp: Khủng bố ở khắp nơi! Xin anh hãy nghĩ tới nạn khủng bố bộ tộc tại vài nước Phi châu… Khủng bố - tôi không biết có nên nói không vì hơi nguy hiểm.. Khủng bố lớn mạnh, khi không có một lựa chọn khác, khi ở trung tâm của nền kinh tế thế giới có thần tiền chứ không có bản vị con người, người nam và người nữ. Đây đã là nạn khủng bố đầu tiên rồi. Bạn đã xua đuổi sự tuyệt diệu của thụ tạo là người nam và người nữ, và bạn đã đặt vào đó tiền bạc. Đây là sự khủng bố nền tảng chống lại nhân loại. Chúng ta hãy nghĩ tới điều đó.
Cha Lombardi cám ơn Đức Thánh Cha và nói sáng nay Đức Thánh Cha đã loan báo Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần tới sẽ được tổ chức bên Panama. Ở đây có một nhà báo muốn kính tặng Đức Thánh Cha một món quà để chuẩn bị cho ngày này. Nhà báo người Panama hỏi Đức Thánh Cha:
Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã nói trong cuộc gặp gỡ với các thiện nguyện viên là có lẽ Đức Thánh Cha sẽ không có mặt ở Panama. Đức Thánh Cha không thể làm điều này đâu, vì chúng con đợi Đức Thánh Cha bên Panama.
Đáp: Không, không. Nếu tôi sẽ không đi, thì sẽ có Thánh Phêrô chứ…
Hỏi: Nhưng mà chúng con tin là sẽ có Đức Thánh Cha. Thay mặt cho nhân dân Panama con xin kính tặng Đức Thánh Cha một chiếc áo số 17 là ngày sinh của Đức Thánh Cha, và một chiếc mũ mà dân quê Panama thường đội.. Họ đã xin Đức Thánh Cha đội nó. Tuy nhiên nếu Đức Thánh Cha muốn chào dân Panama, con xin cám ơn Đức Thánh Cha.
Đáp: Tôi xin cám ơn người Panama vì điều này. Tôi cầu mong anh chị em chuẩn bị tốt cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ với cùng sức mạnh, tinh thần tu đức, và sự sâu xa mà người Ba Lan đã làm, dân chúng ở Cracova và mọi người Ba Lan đã làm.
Anh Antoine Marie Izoard thay mặt mọi người nói: Thưa Đức Thánh Cha nhân danh các đồng nghiệp nhà báo, bởi vì con hơi bị bó buộc đại diện cho họ, con cũng muốn nói đôi lời nếu Đức Thánh Cha cho phép, liên quan tới cha Lombardi để cám ơn ngài.
Không thể tóm tắt 10 năm hoạt động của cha Lombardi tại Phòng Báo Chí Toà Thánh, với Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16, một việc cai quản nội bộ chưa từng có và rồi với việc Đức Thánh Cha được bầu làm Giáo Hoàng và các kinh ngạc tiếp theo. Điều chắc chắn có thể nói được đó là sự sẵn sàng liên tục, sự dấn thân và tận tụy của cha Lombardi; khả năng không tin được của cha trong việc trả lời và không trả lời cho các câu hỏi của chúng con, cho các câu hỏi thường là lạ lùng: và điều này cũng là cả một nghệ thuật. Thế rồi, cũng còn có tính khôi hài hơi theo kiểu người Anh của cha nữa: trong mọi tình trạng, kể cả những trạng huống tồi tệ nhất. Và chúng con có nhiều thí dụ lắm.
Dĩ nhiên là với niềm vui chúng con tiếp đón các người kế vị cha, hai nhà báo giỏi, nhưng chúng con cũng không quên rằng cha đã còn hơn là môt nhà báo, và hiện tại vẫn là linh mục và linh mục dòng Tên nữa. Thật là tuyệt vời! Chúng con sẽ không quên mừng ngài một cách xứng đáng vào tháng 9, khi ngài bắt đầu các việc phục vụ khác, nhưng ngay hôm nay chúng con muốn chúc mừng ngài. Một lời chúc mừng lễ thánh I Nhã và chúc cha trường thọ, 100 tuổi như người ta nói bên Ba Lan, một trăm tuổi phục vụ khiêm tốn. Bên Ba Lan người ta nói là “Stolat” . “Stolat thưa cha Lombardi”. Sau đó mọi người đã vui vẻ ăn bánh ngọt Đức Thánh Cha tặng.
5. Phản ứng quốc tế về chuyến thăm Ba Lan của Đức Thánh Cha Phanxicô
Chuyến thăm Ba Lan của Đức Thánh Cha Phanxicô là một thành công lớn, đó là lời khẳng định của báo chí địa phương, những tờ báo đã chú ý nhiều đến sứ điệp hòa bình và huynh đệ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến để loan báo.
Các phóng viên Tomasz Krzyżak và Andrzej Gajcy của nhật báo Rzeczpospolita viết: nhờ Ngày Quốc tế Giới trẻ, Karkow không chỉ được tươi trẻ lại nhưng còn trở nên tốt đẹp hơn. Bài báo cũng nhận xét là người Ba Lan, trong những ngày này, đã bắt đầu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô là “Đức Giáo Hoàng của chúng ta” và họ cũng đã bắt đầu cười nhiều hơn. Cha Kłoczowski dòng Đaminh, khi trả lời cho báo Gazeta Wyborcza, đã chia sẻ: Đức Phanxicô đã chỉ cho Giáo Hội Ba Lan một lĩnh vực hoạt động lớn hơn. Còn Jan Turnau so sánh chuyến viếng thăm với những cuộc tĩnh tâm kỳ diêu.
Các báo quốc tế thì nhấn mạnh trên hết đến những điều Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng đình trên chuyến bay về Roma chiều Chúa Nhật 31/7: không đúng khi đồng hóa Hồi giáo với bạo lực và khủng bố. Báo The Guardian nhấn mạnh là lời khẳng định này của Đức Thánh Cha liên kết với những gì ngài đã nói liên quan đến chiến tranh đang xảy ra trên thế giới, là không thể xem nó như một xung đột tôn giáo. Và với sự tin chắc này ngài đưa ra mục tiêu cụ thể là sự chung sống hoà bình giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo, và dần dần có thể trở thành một bức tường thành chống lại nhiều mâu thuẫn đang đánh dấu trái đất này.
2 tờ báo lớn là The New York Times và The Wall Street Journal nhấn mạnh đến lời mời gọi đừng đồng hóa Hồi giáo với bạo lực của Đức Giáo Hoàng, bởi vì thái độ này không chỉ là sai lầm mà còn có thể làm nảy sinh những hành động nguy hiểm trên một thế giới đã bất an và mỏng manh bởi căng thẳng đang gia tăng. Phóng viên Francis X. Rocca của The Wall Street Journal nhận xét: Một lần nữa, Đức Giáo Hoàng muốn chỉ rõ là Hồi giáo không phải là nguyên nhân của khủng bố nhưng chính là nền kinh tế toàn cầu bị hướng dẫn bởi những lợi ích cá nhân và khao khát vô độ với tiền bạc.
3 tờ báo lớn: El País, The New York Times và The Wall Street Journal đề cao lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng dành cho các bạn trẻ: hãy để lại dấu ấn cho thế giới bằng cách dấn thân kiến tạo một tình huynh đệ nhân bản không có biên giới và rào cản. El País còn nhấn mạnh lời mời gọi thế hệ trẻ trở thành khí cụ của hòa bình, chiến đấu chống lai chủ nghĩa cá nhân và thù hận. Phóng viên Pablo Ordaz nhấn mạnh đó là một lời mời mạnh mẽ, được nói bằng ngôn ngữ quen thuộc trực tiếp và đối thoại, luôn có thể đi đến và chiếm đoạt đồng lúc tâm trí và trái tim của người nghe.
Báo Avvenire của Italia thì nhấn mạnh đến sứ mạng của các bạn trẻ được mời gọi thay đổi thế giới. Sức mạnh hướng dẫn sự biến đổi trong đam mê của các thanh thiếu niên hướng đến chinh phục điều thiện, chiến đấu chống lại các hình thức khác nhau của sự ác đang làm biến dạng thế giới ngày nay. Nhật báo cũng khẳng định Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Karkow được nhớ đến bởi lòng thương xót. Lòng thương xót thực sự là thuốc giải cho các xung đột, cũng như loại thuốc để chữa trị sự thờ ơ của những người quan sát các sự kiện, thậm chí ấn tượng nhất, chỉ qua màn hình tivi, điện thoại, máy tính. Như vậy những ngày này đã trở thành một loại trường học mà nơi đó “Đức Phanxicô đã cầm tay các người trẻ của ngài và hướng dẫn họ nhìn thế giới dưới một khía cạnh hoàn toàn khác”