Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và ông Fethullah Gulen
Thông tấn xã Công Giáo Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc bày tỏ quan ngại rằng các ký giả Thổ Nhĩ Kỳ đã đi quá xa khi vu cáo Giáo Hội Công Giáo với những vai trò đầy huyền thoại trong cuộc đảo chánh hụt hôm 15 tháng 7 vừa qua.

Những vụ cáo này thể hiện một tâm tình bài Công Giáo trong Giới Truyền Thông Thổ Nhĩ Kỳ.

Tưởng cũng nên nhắc lại là vào ngày 15 tháng 7 vừa qua cái gọi là “Hội Đồng Quân Nhân Vì Hòa Bình Quê Hương” đã tổ chức một cuộc đảo chánh với sự tham gia của các quân nhân trong Quân đoàn 1, Quân đoàn 2, Quân Đoàn 3, một số đơn vị không quân, hải quân và quân cảnh. Quân đảo chánh đã dội bom vào tòa nhà Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và pháo kích vào dinh tổng thống. Cuộc đảo chánh đã thất bại sau khi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi dân chúng xuống đường bảo vệ chính quyền và huy động các lực lượng trung thành trấn áp cuộc nội loạn. Trong cuộc đảo chánh này, 300 người đã bị giết 2,100 người bị thương. Toà nhà Quốc hội và dinh tổng thống bị hư hại nặng. 6,000 người bị bắt trong đó có 2,839 quân nhân và 2,745 thẩm phán. 15,000 nhân viên giáo dục bị mất bằng và 21,000 thầy giáo tại các trường học tư bị cấm không được hành nghề.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen là kẻ chủ mưu vụ đảo chánh này. Giáo sĩ Fethullah Gulen là một Imnam và là một nhà giảng thuyết đạo Hồi. Ông cũng là một nhà văn và một nhà chính trị.

Fethullah Gulen đề cao Hồi Giáo ôn hòa, tin tưởng nơi những giá trị của sự khoan dung, sống chung hòa bình, đại kết với các tôn giáo, và việc cần thiết phải tách rời nhà nước khỏi Hồi Giáo.

Fethullah Gulen từng là một đồng minh chiến lược của tổng thống Recep Tayyip Erdoğan cho đến khi xảy ra cuộc điều tra vụ tham nhũng vào tháng 12 năm 2013. Ngày 17 tháng 12 năm 2013, 52 viên chức trong chính quyền của Erdoğan (lúc đó là thủ tướng) đã bị bắt.

Lợi dụng một kẽ hở trong nghị quyết cấm vận Iran của Liên Hiệp Quốc, các viên chức trong đảng cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất cảng 13 tỷ Mỹ Kim vàng sang Iran để đổi lấy dầu thô về bán kiếm lời. Thủ tướng Erdoğan được cho là vô can vì đang ở nước ngoài thăm Pakistan. Các cuộc điều tra sau đó đã đưa tổng cộng 91 người vào tù.

Khi về nước, Erdoğan cho rằng Fethullah Gulen là kẻ chủ mưu trong cuộc điều tra này. Fethullah Gulen đã phải lánh nạn tại Hoa Kỳ.

Sau cuộc đảo chánh hụt hôm 15 tháng 7 vừa qua, các phương tiện truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ thi nhau bày tỏ lòng trung thành với tổng thống Erdoğan và đưa ra nhiều cáo buộc chống lại Fethullah Gulen, kể cả các cáo buộc hoang tưởng nhất.

Tờ Cumhuriyet, trong số ra ngày 7 tháng 8, đã nhắc đến cuộc gặp gỡ vào tháng Hai năm 1998 giữa Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và ông Fethullah Gulen. Ký giả Mine Kirikkanat của tờ này nói rằng ông Fethullah Gulen là một “gián điệp” của Giáo Hội Công Giáo đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Hồng Y “in pectore” (không nêu danh tính) và được cài vào Thổ Nhĩ Kỳ trong âm mưu “Kitô Giáo hóa” nước này.

Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang yêu cầu Hoa Kỳ phải dẫn độ ông Fethullah Gulen về nước để xét xử về âm mưu lật đổ chính quyền. Về phần mình ông Fethullah Gulen cho rằng vụ đảo chánh hôm 15 tháng 7 là một vụ đảo chánh giả do chính tổng thống Erdoğan dàn dựng với mục đích thanh trừng nội bộ và kiếm cớ để ban cho mình nhiều quyền hành.