Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người nghĩ tới các phụ nữ nạn nhân của bạo lực, nô lệ của các người quyền thế, các bé gái phải làm việc vô nhân, các phụ nữ nạn nhân của tình dục, và cầu xin Chúa giải thoát họ khỏi các tình trạng nô lệ đó.
Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa thứ Hai 15 tháng 8, lễ trọng Đức Mẹ hồn xác lên trời. Quảng diễn trình thuật Tin Mừng kể lại biến cố Đức Maria vội vã băng núi đồi đi thăm bà Elisabét Đức Thánh Cha nói: trong cuộc đời Mẹ đã biết bao lần Mẹ băng qua các miền núi non cho tới chặng cuối cùng là núi Sọ, kết hiệp với mầu nhiệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Hôm nay chúng ta thấy Mẹ đạt tới núi của Thiên Chúa, “mình mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). Chúng ta thấy Mẹ bước qua ngưỡng cửa quê hương thiên quốc.
Mẹ đã là người đầu tiên tin nơi Con Thiên Chúa và là người đầu tiên được lên trời cả hồn lẫn xác. Mẹ đã là người đầu tiên tiếp nhận Chúa Giêsu trên tay khi Chúa còn bé và Mẹ cũng là người đầu tiên được Chúa Giêsu tiếp đón trong vòng tay và đưa vào Vương quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa Cha.
Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời là một mầu nhiệm cao cả liên quan tới từng người trong chúng ta và tương lai của chúng ta.
Kinh Magnificat của Đức Mẹ khiến cho chúng ta nghĩ tới biết bao nhiêu tình trạng sống đớn đau hiện nay, đặc biệt là các phụ nữ bị đè bẹp bởi gánh nặng cuộc sống, bởi thảm cảnh bạo lực, các phụ nữ nô lệ các người quyền thế, các be gái phải làm các công việc vô nhân, các phụ nữ bị bắt buộc đâu hàng trong thân xác và trong tinh thần trước lòng ham muốn của đàn ông. Ước chi họ mau chóng có được một cuộc sống an bình, công bằng và yêu thương và được các bàn tay không hạ nhục nhưng nâng họ dậy với lòng hiền dịu và dẫn họ đi trên con đường cho tới Trời. Mẹ Maria một bé gái, một phụ nữ đã khổ đau biết bao trong cuộc sống khiến cho chúng ta nghĩ tới các phụ nữ đau khổ này. Chúng ta hãy xin Chúa giải thoát họ khỏi các tình trạng nô lệ qáy cầm tay dẫn họ và đem họ đi trên con đường sự sống.
Sau kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha cũng kêu gọi hoà bình cho dân chúng miền bắc Kivu bên Cộng hoà dân chủ Congo mới bị các vụ tàn sát mới, trong sự thinh lặng đáng xấu hổ và không lôi kéo sự chú ý của chúng ta. Các nạn nhân này là một phần của biết bao nhiêu người vô tội không có sức nặng trên dư luận thế giới. Xin Mẹ Maria giúp chúng ta có được các tâm tình cảm thương, hiểu biết, ước mong và hoà hợp. Đức Thánh Cha chúc mừng lễ mọi người hiện diện cũng như những người đang nghỉ hè và những người không đi nghỉ hè, cách riêng các bệnh nhân, các người trợ giúp họ.
2. Kitô hữu là người biết thưa tiếng ‘xin vâng’
“Hãy tự hỏi mình xem liệu tôi có phải là người biết thưa tiếng ‘xin vâng’ hay là người luôn quay mặt giả điếc làm không thèm trả lời.” Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng: “Chính tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ Maria đã mở ra cách cửa dẫn đến tiếng ‘xin vâng’ của Đức Giêsu.”
Áp-ra-ham đã vâng phục Thiên Chúa, đã thưa tiếng ‘vâng’ trước lời mời gọi của Chúa và sẵn sàng rời bỏ vùng đất bấy lâu nay đã sống để lên đường đi đến nơi ông không hề biết. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung bài giảng của mình vào ‘chuỗi dây của những tiếng xin vâng’, được bắt đầu với Áp-ra-ham. Khi đề cập trến biến cố Truyền Tin, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng căn tính của con người, ngay cả của những người thời cổ xưa như Áp-ra-ham và Mô-sê, chính là biết đáp tiếng ‘xin vâng’ trước sự kỳ vọng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cũng nghĩ đến Isaia, khi Thiên Chúa sai ông đi nói chuyện với dân chúng, dường như ông đã do dự và trả lời rằng ‘môi miệng ông ô uế’.
Tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ Maria mở ra cánh cửa để dẫn tới tiếng ‘xin vâng’ của Đức Giêsu
Thiên Chúa thanh tẩy môi miệng của Isaia và ông đã thưa ‘xin vâng’. Điều này cũng xảy ra với tiên tri Giê-rê-mia khi ông nhận thấy mình không biết ăn nói, nhưng sau đó ông đã đáp ‘‘xin vâng’’ với Thiên Chúa. Ngày hôm nay, Tin Mừng nói với chúng ta điểm cuối cùng của chuỗi dây ‘xin vâng’ ấy, được bắt đầu từ một tiếng ‘xin vâng’ khác: đó chính là tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ Maria. Với tiếng ‘xin vâng’ này, Thiên Chúa không chỉ còn là ghé mắt nhìn đến Dân Người, hay bước đi đồng hành với Dân Người nữa, nhưng Thiên Chúa đã thực sự trở nên một người trong chúng ta và mang lấy thân xác phàm nhân. Tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ Maria đã mở ra cánh cửa dẫn tới tiếng ‘xin vâng’ của Đức Giêsu: ‘Con đến để thực thi ý Chúa.’ Đức Giêsu đã cùng với tiếng ‘xin vâng’ này bước trọn cuộc hành trình dương thế, đến tận cây Thánh Giá. Trong giây phút sắp phải chịu khổ hình, Đức Giêsu đã xin Cha cất chén đắng đi. Nhưng ngay lập tức, Ngài cũng thưa tiếng ‘xin vâng’, ‘một theo ý Cha, đừng theo ý con. Như vậy, nơi Đức Giêsu, có tiếng ‘‘xin vâng’’ của Thiên Chúa. Chính Ngài là hiện thân của sự vâng phục.
Trong tiếng 'xin vâng' của Mẹ Maria, có tiếng 'xin vâng' của tất cả lịch sử cứu độ
Hôm nay là một ngày tuyệt đẹp để chúng ra cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã hướng dẫn chúng ta bước đi trên con đường ‘xin vâng’, và cũng là dịp thuận tiện để chúng ta suy nghĩ, phản tỉnh về đời sống của mình. Tất cả chúng ta, trong những ngày sống, cần phải nói ‘xin vâng’ hoặc ‘từ chối’, và đôi khi chúng ta nói ‘vâng’ hoặc nhiều lần chúng ta cúi thấp đầu xuống lẩn trốn như Adam và Eva, để không nói ‘từ chối’ khi phải làm điều gì đó ta không hiểu được. Điều chúng ta không hiểu là điều mà Thiên Chúa đòi hỏi. Hôm nay là ngày lễ ‘xin vâng’. Trong tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ Maria, có tiếng ‘xin vâng’ của tất cả lịch sử cứu độ, và từ đó, tiếng ‘xin vâng’ cuối cùng của con người và của Thiên Chúa đã bắt đầu.
Chúng ta có là những người ‘xin vâng’
Với tiếng ‘vâng’ từ thủa ban đầu, Thiên Chúa đã tác tạo vũ trụ và con người. Đó là một công trình tạo dựng tuyệt đẹp. Và ngày hôm nay, cũng với tiếng ‘xin vâng’, Thiên Chúa đã tái tạo vũ trụ và tất cả chúng ta thành những thụ đạo đẹp đẽ nhất. Tiếng ‘xin vâng’ của Thiên Chúa, Đấng đã thánh hóa chúng ta, giúp chúng ta không ngừng tiến lên phía trước trong Đức Giêsu Kitô. Hôm nay là ngày để chúng ta tạ ơn Thiên Chúa và cũng để tự tra vấn mình: Tôi có phải là người biết thưa tiếng ‘xin vâng’ hay chỉ biết nói ‘từ chối’, hay tôi là người giả điếc làm ngơ không thèm trả lời? Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để bước đi trên con đường của những người biết thưa tiếng ‘xin vâng’.
Sau bài giảng, các nữ tu Dòng Thánh Vinh Sơn đã lặp lại lời khấn. Các sơ cũng là những người phục vụ tại Nhà trọ Thánh Marta. Đức Thánh Cha chia sẻ rằng: “Các sơ thực hiện việc nhắc lại lời khấn đều đặn mỗi năm. Thánh Vinh Sơn rất khôn ngoan khi ngài biết bằng sứ vụ mà các sơ đảm nhận khó khăn vất vả. Bởi vậy, ngài muốn con cái của mình phải nhắc lại nhữnglời khấn hứa ấy hằng năm.
3. Marilyn, Chúng Tôi Thông Cảm Với Cô
Kính thưa quý vị và anh chị em,
“Marilyn, chúng tôi thông cảm với cô”: đó là hàng tít xuất hiện trên nhiều tờ báo sau khi nữ minh tinh Marilyn Monroe từ giã cuộc đời.
Ngày 15/8/1962, người nữ minh tinh với mái tóc bạch kim óng ả lặng lẽ ra đi không một lời giã biệt. Cuộc quên sinh của cô, cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Giữa lúc danh vọng đang lên, giữa lúc tiền bạc đang vào ngút ngàn, Marilyn đã chọn lấy cái chết...
Sau cái chết của cô bao nhiêu cánh hoa đã được du khách mang đến, phủ kín nơi an nghỉ của người nữ minh tinh xấu số này tại nghĩa trang Westwood, nằm ở phía Tây thành phố Los Angeles.
Tuy nhiên, ngày nay không còn mấy ai đến thăm mộ phần cô đào bạc mệnh. Đó cũng là chuyện thường tình như thi hào Nguyễn Du đã từng than thở:
“Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”
“Chẳng biết sau ba trăm năm nữa, Thiên hạ còn ai khóc Tố Như?”
Marilyn đã trở thành lý tưởng của rất nhiều ca sĩ và minh tinh điện ảnh hiện nay. Nhưng mãi mãi, cô đã trở thành một câu hỏi lớn cho con người của thời đại: Con người bởi đâu mà ra? Con người sinh ra để làm gì? Ðâu là ý nghĩa của cuộc sống? Tiền bạc, danh vọng có làm cho con người được hạnh phúc không? Marilyn Monroe là hiện thân của những câu hỏi ngàn đời ấy...
“Marilyn, chúng tôi thông cảm với cô”, bởi vì cô đã không ngừng bị dằn vặt bởi những khắc khoải quá lớn về cuộc sống. Chúng tôi thông cảm với cô, bởi vì thiếu một niềm tin vào cuộc sống, thì không còn chọn lựa nào hơn là cái chết...
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Tuần này, chúng ta mừng kính Mẹ hồn xác lên trời là một niềm an ủi và hy vọng lớn lao cho chúng ta.
Chết là số phận tất yếu của thân phận con người. Chúa Giêsu đã chết. Có ai thoát khỏi sự chết! Nhưng có nhiều cái chết. Chúa Giêsu đã chết để phục sinh. Ðức Mẹ đã chết để được cất nhắc cả hồn xác về trời. Với Chúa Giêsu và Ðức Mẹ, cái chết là khởi đầu của hy vọng. Cái chết là ý nghĩa của cuộc sống, bởi vì có chết mới được sống đời đời...
Nếu cái chết của Marilyn Monroe là một dấu hỏi được đặt ra về ý nghĩa của cuộc sống, thì cái chết của Mẹ Maria chính là câu trả lời. Qua cái chết để được cất nhắc về trời, Mẹ Maria đã cho chúng ta thấy được ý nghĩa của cuộc sống, của cái chết và như vậy Mẹ trở thành chính niềm hy vọng của chúng ta.
Trong một cuộc sống không giàu có như cuộc đời của Marilyn, thậm chí có khi nghèo túng và đầy rẫy những khó khăn chồng chất, chúng ta vẫn nhận ra được ý nghĩa của cuộc sống. Trong ý nghĩa đó, cái chết đã trở thành khởi điểm cho một sự biến đổi mà chính Ðức Maria đã là dấu hiệu báo trước cho chúng ta... Xin cho niềm tin này củng cố chúng ta trong cuộc sống hiện tại. Xin cho chúng ta luôn biết hướng nhìn về Mẹ Maria, như là đèn pha cho chúng ta giữa những u tối và cuồng phong của cuộc sống.
4. Cửa Năm Thánh dẫn vào kho tàng vô tận lòng thương xót của Thiên Chúa
Trên Cửa Năm Thánh có khắc ghi kho tàng vô tận của lòng thương xót Chúa đối với từng người. Đó là Cửa cuộc gặp gỡ giữa nỗi khổ đau của nhân loại với sự cảm thương của Thiên Chúa. Khi bước qua ngưỡng cửa ấy chúng ta thực hiện cuộc hành hương trong lòng thương xót của Thiên Chúa là Đấng nói với tất cả chúng ta: “Ta nói với con, hãy chỗi dậy”, như đã nói với chàng thanh niên con bà goá thành Nain.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 8,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần trong đại thính đường Phaolô Đệ Lục. Vì số chỗ có hạn nên hàng ngàn người khác đã phải đứng ngoài quảng trường thánh Phêrô theo dõi buổi tiếp kiến trên màn truyền hình.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa phép lạ vĩ đại Chúa Giêsu làm khi cho chàng thanh niên con một bà goá thành Nain sống lại, như thánh sử Luca kể trong chương 7. Ngài nói:
Tuy nhiên, trọng tâm của trình thuật này không phải là phép lạ, mà là sự hiền dịu của Chúa Giêsu đối với bà mẹ của chàng thanh niên ấy. Lòng thương xót ở đây có tên gọi là sự cảm thương lớn lao đối với một phụ nữ đã mất chồng giờ đây đang tiễn người con trai duy nhất ra nghĩa trang. Chính nỗi khổ đau lớn lao này của một bà mẹ khiến cho Chúa Giêsu chạnh lòng thương và khiến Ngài làm phép lạ cho anh ta sống lại.
Trong phần dẫn nhập vào câu chuyện này, thánh sử Luca dừng lại trên nhiều chi tiết. Ở cửa thành Nain có hai nhóm đông người đến từ hai hướng đối nghịch nhau, không có gì chung với nhau. Chúa Giêsu và các môn đệ cùng với đám đông đi theo đang đi vào thành, trong khi đoàn đám táng theo sau một người chết và bà mẹ anh ta đang đi ra ngoài thành. Gần cửa thành hai nhóm chỉ đi phớt ngang qua nhau, mỗi nhóm theo con đường của mình, nhưng chính lúc đó thánh Luca ghi nhận tâm tình của Chúa Giêsu: “Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa! “ Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại.” Sự cảm thương lớn lao hướng dẫn các hành động của Chúa Giêsu: chính Ngài dừng đám táng lại, bằng cách sờ vào quan tài và bị thúc đẩy bởi lòng thương xót sâu xa đối với bà mẹ, Ngài quyết định đối đầu với cái chết, mặt giáp mặt. Và Ngài sẽ đương đầu với nó, mặt giáp mặt trên thập giá.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:
Trong Năm Thánh này thật là điều tốt, khi bước qua Cửa Thánh, Cửa của Lòng Thương Xót, các tín hữu hành hương nhớ tới giai thoại này của Phúc Âm, đã xảy ra tại cửa thành Nain. Khi Chúa Giêsu trông thấy bà mẹ đang khóc ấy, bà đã đi vào con tim của Ngài! Ở Cửa Thánh mỗi người trong chúng ta đến đem theo cuộc sống của mình với các niềm vui và khổ đau, các đự định và thất bại, các nghi ngờ và sợ hãi để dâng lên lòng thương xót của Chúa. Chúng ta chắc chằn rằng bên cạnh Cửa Thánh Chúa đến gần gặp gỡ từng người trong chúng ta để đem tới và cống hiến cho chúng ta lời an ủi quyền năng của Ngài: “Đừng khóc nữa!” (c. 13). Đó là Cửa của cuộc gặp gỡ giữa nổi khổ đau của nhân loại và sự cảm thương của Thiên Chúa. Và chúng ta hãy nghĩ tới điều này: một cuộc gặp gỡ giữa nỗi khổ đau của nhân loại và sự cảm thương của Thiên Chúa.
Khi bước qua ngưỡng Cửa Thánh chúng ta thực thi cuộc hành hương bên trong lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng lập lại với tất cả mọi người, như Ngài đã nói với chàng thanh niên đã chết: “Ta bảo con, hãy chỗi dậy!” (c. 14). Với từng người trong chúng ta Chúa nói: “Hãy chỗi dậy!” Thiên Chúa muốn chúng ta đứng lên. Ngài đã tạo dựng nên chúng ta để chúng ta đứng: vì thế sự cảm thương của Chúa Giêsu đưa tới cử chì chữa lành này, chữa lành chúng ta. Và từ chìa khóa là “Hãy chỗi dậy! Hãy đứng lên, như Thiên Chúa đã tạo dựng con!” Đứng lên. “Nhưng mà thưa cha chúng con ngã biết bao lần” “Tiến lên, đứng dậy!” Đó luôn luôn là lời của Chúa Giêsu. Khi bước qua ngưỡng Cửa Năm Thánh chúng tay hãy tìm cảm thấy trong tim chúng ta lời này: “Hãy chỗi dậy!”
Đức Thánh Cha khẳng định như sau:
Lời quyền năng của Chúa Giêsu có thể làm cho chúng ta đứng dậy và cũng thực hiện nơi chúng ta sự vượt qua từ cái chết sang sự sống. Lời của Ngài làm cho chúng ta sống lại, trao ban hy vọng, giải khát con tim mệt mỏi của chúng ta, mở ra một quan điểm về thế giới và cuộc sống, vượt xa hơn khổ đau và cái chết. Trên Cửa Thánh có khắc ghi kho tàng vô tận lòng thương xót của Thiên Chúa đối với từng người.
Được lời Chúa đụng tới “người chết chỗi dậy và bắt đầu nói. Và Ngài trả chàng lại cho bà mẹ” (v. 15). Câu này thật là đẹp: nó chỉ cho thấy sự dịu hiền của Chúa Giêsu: “Ngài trao trả anh cho bà mẹ”. Bà mẹ tìm lại được đứa con. Khi nhận anh ta lại từ tay Chúa Giêsu, bà trở thành mẹ lần thứ hai. Nhưng người con mà giờ đây được trao trả lại cho bà đã không nhận được sự sống từ bà. Mẹ và con như thế nhận được căn tính riêng nhờ lời quyền năng của Chúa Giêsu và cử chỉ yêu thương của Ngài. Như thế, đặc biệt trong Năm Thánh, Mẹ Giáo Hội tiếp nhận các con cái mình, bằng cách nhận ra nơi chúng sự sống đã được ơn thánh Chúa trao ban. Chính trong sức mạnh của ơn thánh đó, ơn thành của bí tích Rửa Tội mà Giáo Hội trở thành mẹ, và từng người trong chúng ta trở thành con của Giáo Hội.
Trước chàng thanh niên đã sống lại và được trao trả cho bà me, mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa và nói rằng: “Một ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta” và “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Điều Chúa Giêsu đã làm không chỉ là một hành động cứu độ dành cho bà goá và con của bà, hay một cử chỉ của lòng tốt hạn chế trong thành đó. Trong sự trợ giúp xót thuơng của Chúa Giêsu Thiên Chúa đến gặp gỡ dân Ngài. Nơi Ngài tất cả ơn thánh của Thiên Chúa xuất hiện và sẽ tiếp tục xuất hiện cho nhân loại. Khi cử hành Năm Thánh này tôi đã muốn nó được sống trong tất cả các Giáo Hội địa phương, nghĩa là trong toàn Giáo Hội trên thế giới, chứ không phải chỉ ở Roma mà thôi. Nó như là toàn thể Giáo Hội rải rác trên thế giới hiệp nhất trong tiếng ca duy nhât chúc tụng Chúa. Cả ngày nay nữa Giáo Hội thừa nhận đã được Thiên Chúa viếng thăm. Vì vậy, khi chúng ta tiến tới gần Cửa Thánh Lòng Thương Xót, mỗi người biết mình tiến tới cửa con tim thương xót của Chúa Giêsu: thật thế, chính Ngài là Cửa thật dẫn tới ơn cứu độ và trao trả lại cho chúng ta sự sống mới. Lòng thương xót, nơi Chúa Giêsu cũng như nơi chúng ta, là một lộ trình khởi hành tử con tim để đi tới đôi tay… Điều này có nghĩa là gì? Chúa Giêsu nhìn bạn, chữa lành bạn với lòng thương xót của Ngài, Ngài nói với bạn: “Hãy chỗi dậy!” và con tim của bạn được nên mới mẻ. Nhưng điều này của lộ trình từ con tim tới đôi tay… Vâng, và tôi làm gì bây giờ? Với con tim mới, với con tim được Chúa Giêsu chữa lành, tôi làm các việc của lòng thương xót với đôi tay, và tìm trợ giúp, săn sóc biết bao người cần được trợ giúp và săn sóc. Lòng thương xót là một lộ trình khởi hành từ con tim để tới đôi tay, nghĩa là tới các công việc của lòng thương xót.
5. Phục vụ và gặp gỡ
Nếu chúng ta biết học cách phục vụ và biết đi đến gặp gỡ tha nhân, thế giới của chúng ta sẽ được biến đổi. Đây là nhận định của Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài chia sẻ những suy tư của ngài về Mẹ Maria.
Mẹ là một phụ nữ can đảm, có khả năng đến với người khác, đôi tay lúc nào cũng rộng mở để giúp đỡ, quan tâm, chăm sóc. Và trên hết, Mẹ là một người của niềm vui, niềm vui tràn gập tâm hồn, mang lại cho cuộc đời một ý nghĩa và một hướng đi mới.
Niềm vui và gương mặt nhăn nhó
Tất cả những điểm chia sẻ trong bài giảng đều được Đức Thánh Cha rút ra từ đoạn Phúc Âm, thuật lại cuộc thăm viếng của Mẹ Maria dành cho bà Ê-li-sa-bét. Đức Thánh Cha nói: “Bài Phúc Âm cùng với bài đọc một trích sách Xô-phô-ni-a và bài đọc hai trích thư Roma đã tạo nên một buổi phụng vụ chan chứa niềm vui mừng, ùa đến như một làn gió mới mẻ tràn ngập cuộc đời chúng ta.
Nhưng sẽ chẳng có gì xấu bằng những Kitô hữu với gương mặt nhăn nhó, buồn phiền. Thật là xấu lắm! Họ không phải là những Kitô hữu đúng nghĩa. Họ tưởng mình là Kitô hữu nhưng thật sự không phải là một Kitô hữu tròn đầy. Đây là một thông điệp cho chúng ta. Và trong bầu không khí vui mừng mà phụng vụ ngày hôm nay trao cho chúng ta như một món quà, tôi muốn nhấn mạnh đến hai điểm. Điểm thứ nhất là thái độ và điểm thứ hai là hành động. Thái độ chính là thái độ phục vụ.
Những phụ nữ can trường trong Giáo Hội
Mẹ Maria sẵn sàng phục vụ mà không có chút do dự. Thật vậy, Tin Mừng thuật lại rằng Mẹ đã lên đường, vội vã đi đến miền núi cho dù Mẹ đang mang thai, và trên hành trình ấy có khả năng sẽ bị rơi vào tay bọn cướp. Lúc ấy, Mẹ mới chỉ là cô gái 16, 17 tuổi đầu chứ không hơn, nhưng Mẹ lại hết sức can trường. Mẹ lên đường và vội vã đi không hề chần chừ hay biện lý do.
Lòng can đảm của người phụ nữ. Trong Giáo Hội, có những phụ nữ can trường giống như Mẹ Maria. Những người nữ này đã làm cho gia đình mình triển trở, đã giáo dục con cái thật tốt, đã sẵn sàng đương đầu với bao khó khăn, thử thách; đã chăm sóc biết bao bệnh nhân… Họ can đảm đứng dậy và phục vụ. Phục vụ là một dấu chỉ Kitô giáo. Ai không sống để phục vụ sẽ không phục vụ để mà sống. Phục vụ trong vui tươi chính là thái độ hay cung cách sống mà tôi muốn nhấn mạnh với anh chị em ngày hôm nay. Có niềm vui và cũng có phục vụ. Luôn luôn phục vụ.
Sự gặp gỡ là một dấu chỉ Kitô giáo
Điều thứ hai tôi muốn chia sẻ là sự gặp gỡ giữa Mẹ Maria và người chị họ. Hai người phụ nữ này gặp gỡ nhau và họ đã gặp nhau trong niềm vui. Thời khắc đó chính là thời khắc vui mừng của ngày lễ hội. Nếu chúng ta biết học lấy điều này: phục vụ và đến gặp gỡ tha nhân; thế giới của chúng ta sẽ được biến đổi.
Sự gặp gỡ chính là một dấu chỉ khác của người Kitô hữu. Ai nói mình là Kitô hữu nhưng lại không có khả năng ra đi gặp gỡ tha nhân thì hoàn toàn không phải là Kitô hữu. Cả việc phục vụ lẫn sự gặp gỡ đều đòi hỏi người ta phải đi ra khỏi chính mình: đi ra để phục vụ và đi ra để gặp gỡ, để ôm chầm lấy tha nhân.
Ngang qua sự phục vụ của Mẹ Maria và cuộc gặp gỡ giữa Mẹ với người chị họ, Thiên Chúa đã làm mới lại lời đoan hứa của mình. Lời đoan hứa ấy đang xảy ra, và xảy ra ngay trong những giây phút hiện tại này. Như chúng ta đã nghe trong bài đọc một: ‘Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đang ngự giữa ngươi’. Đức Chúa đang ngự giữa chúng ta trong sự phục vụ và trong những cuộc gặp gỡ.”
6. Giáo Hội cần các thừa sai đam mê nhiệt thành
Giáo Hội không cần các chuyên viên bàn giấy rườm rà và các công chức mẫn cán, nhưng cần các thừa sai đam mê, bị dầy vò bởi lòng hăng say đem tới cho tất cả mọi người lời ủi an của Chúa Giêsu và ơn thánh của Ngài.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 14 tháng 8. Mở đầu bài huấn dụ, sau khi chào mọi người, Đức Thánh Cha nói: Tin Mừng Chúa Nhật này (Lc 12,49-53) thuộc phần giáo huấn Chúa Giêsu nói vói các môn đệ trên đường lên Giêrusalem, nơi cái chết thập giá đang chờ đợi Ngài. Để cho các môn đệ thấy mục đích sứ mệnh của Ngài, Chúa đã dùng ba hình ảnh: lửa, phép rửa và sự chia rẽ. Hôm nay tôi muốn đề cập tới hình ảnh thứ nhất là hình ảnh của lửa.
Chúa Giêsu diễn tả nó với các lời này: “Thầy đã tới ném lửa trên trái đất, và Thầy ước ao nó bùng cháy lên chừng nào!” (c. 49).
Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa lửa như sau:
Lửa mà Chúa Giêsu nói tới là lửa của Chúa Thánh Thần, là sự hiện diện sinh động của Thánh Thần Chúa và sự hoạt động của Ngài trong chúng ta, từ ngày chúng ta được rửa tội. Nó là một sức mạnh sáng tạo, giúp thanh tẩy và canh tân, cũng như thiêu đốt mọi bần cùng của con người, mọi ích kỷ, mọi tội lỗi, biến đổi chúng ta từ bên trong, tái sinh chúng ta, và khiến cho chúng ta có khả năng yêu mến. Chúa Giêsu ước mong rằng Chúa Thánh Thần thiêu đốt như lửa trong con tim chúng ta, bởi vì chỉ khi khởi hành từ con tim việc đốt cháy của tình yêu Thiên Chúa mới có thể phát triển và khiến cho Nước Thiên Chúa được mở mang không ngừng. Nó không khởi hành từ cái đầu, nhưng khởi hành từ con tim. Chính vì thế, Chúa Giêsu muốn rằng lửa đi vào trong tim chúng ta.
Nếu chúng ta hoàn toàn rộng mở cho hoạt động của lửa này, là Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ ban cho chúng ta sự liều lĩnh và lòng hăng say hải hành giữa biển rộng, không sợ hãi để loan báo cho tất cả mọi người Chúa Giêsu và sứ điệp ủi an của lòng thương xót cũng như ơn cứu độ của Ngài.
Muốn hoàn thành sứ mệnh của mình trong thế giới, Giáo Hội - nghĩa là tất cả chúng ta cần sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần để chúng ta không chùn bước vì sợ hãi hay tính toán hơn thiệt, để chúng ta đừng quen với việc chỉ dám bước đi trong các biên giới an toàn. Hai thái độ này đẩy đưa Giáo Hội tới chỗ xem ra là hoạt động hữu hiệu đấy, nhưng không bao giờ dám liều lĩnh. Trái lại, lòng can đảm tông đồ mà Chúa Thánh Thần thắp lên trong lòng chúng ta như một ngọn lửa giúp chúng ta thắng vượt các bức tường và các hàng rào, khiến cho chúng ta có óc sáng tạo và thúc giục chúng ta bước đi, cả trên những con đường chưa được khám phá và không thoải mái. Chỉ như thế, chúng ta mới có thể cống hiến hy vọng cho những người chúng ta gặp gỡ trên đường đời. Với lửa này của Chúa Thánh thần, chúng ta được mời gọi càng ngày càng trở thành cộng đoàn của những người được hướng dẫn và biến đổi, tràn đầy sự cảm thông, một cộng đoàn của những con người có con tim mở rộng và gương mặt tươi vui.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh như sau:
Hơn bao giờ hết ngày nay cần có các linh mục, những người thánh hiến và tín hữu giáo dân, với cái nhìn chú ý của người tông đồ, biết cảm thương và dừng lại trước các khó khăn và trước cái nghèo vật chất cũng như tinh thần của tha nhân, và như thế mới có thể mang ơn chữa lành đến cho nhân loại qua con đường loan báo Tin Mừng.
Có lửa của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn, chúng ta mới biết sống gần gũi với tha nhân, với những người đau khổ, những người cần được giúp đỡ, với biết bao những bần cùng của nhân loại, biết bao nhiêu vấn đề, với những người tỵ nạn, di cư, những người đau khổ.
Trong lúc này đây với một lòng cảm phục vô bờ bến, tôi cũng nghĩ đến nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân trên toàn thế giới đang tận hiến cho việc loan báo Tin Mừng với tình yêu thương và lòng trung thành lớn lao, đôi khi tới độ hy sinh cả mạng sống nữa. Chứng tá gương mẫu của các vị nhắc cho chúng ta biết rằng Giáo Hội không cần các chuyên viên bàn giấy rườm rà và các công chức mẫn cán, nhưng cần các thừa sai đam mê, bị dầy vò bởi lòng hăng say đem tới cho tất cả mọi người lời ủi an của Chúa Giêsu và ơn thánh của Ngài. Đó là lửa của Chúa Thánh Thần. Nếu Giáo Hội không nhận được lửa này hay không để cho nó vào trong chính mình, thì Giáo Hội ấy trở thành một Giáo Hội lạnh lẽo hay chỉ hâm hẩm, không có khả năng trao ban sự sống. Hôm nay thật là tốt nếu chúng ta để ra năm phút để tự hỏi: “Trái tim tôi ra sao? Nó lạnh lẽo? Nó hâm hẩm? Nó có khả năng nhận lửa này không?” Chúng ta hãy dành ra năm phút cho việc này. Nó sẽ tốt cho chúng ta tất cả.
Và chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria cầu xin Chúa Cha trên trời với chúng ta và cho chúng ta, để Ngài đổ đầy trên tất cả mọi tín hữu Chúa Thánh Thần, là lửa của Thiên Chúa, là Đấng sưởi ấm con tim và giúp chúng ta liên đới với các niềm vui và khổ đau của các anh chị em của chúng ta. Xin thánh Massimiliano Kolbe, tử đạo vì yêu thương, mà chúng ta mừng lễ hôm nay, nâng đỡ chúng ta trên con đường cuộc sống: xin ngài dậy cho chúng ta sống bằng ngọn lửa tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với người thân cận.