TỘI DỬNG DƯNG

Chúa Nhật 26 thưởng niên năm C

Trong vòng nửa tháng nay, người ta xôn xao về trường hợp chị Lò Thị Phanh ở xã Mường Sai, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La bị trọng bệnh, được gia đình đưa vào Bệnh viện Lao và bệnh phổi Sơn La chạy chữa.

Biết bệnh nhân khó qua khỏi, sáng ngày 12.9.2016, gia đình gồm anh Lò Văn Muôn, anh trai của chị Phanh, cùng cha và một người em trai của anh Muôn quyết định đưa chị về nhà. Bệnh viện không cho xe, trong khi trong túi của họ chỉ có 400.000 đồng và một chiếc xe máy. Họ không thể thuê xe ô tô.

Cả ba người đành thuê xe ôm chở chị. Anh Muôn ngồi phía sau xe ôm giữ chị. Xe máy để lại cho cha và em trai còn đang ở bệnh viện, để lo nốt các khâu cuối cùng, khi xuất viện.

Đi một đoạn, chị Phanh chết. Anh Muôn đành đặt em ở lề đường, gọi điện cho cha và em trai (còn đang ở bệnh viện). Những người này mua một chiếc chiếu đề gói xác chị Phanh. Một lần nữa, họ lại đành quyết định chở con và em của họ bằng xe máy. Có khác chăng là bây giờ chị Phanh đã chết, và xe máy là xe của gia đình.

Giữa trưa đứng bóng, anh Muôn chở xác chị Phanh trên suốt con đường dài gần 70 cây số. Xác chết nằm phía sau xe máy thò đôi chân tím tái ra khỏi chiếu, xe cứ chạy, có lúc dừng chờ ở bến đò, rồi xe cùng xác qua đò, trước sự chứng kiến của không biết bao nhiêu người.

Lãnh đạo bệnh viện phân trần: Họ không nghĩ và cũng không biết chị Phanh có thể chết trên đường đi. Kể cũng lạ: Người nhà không còn hy vọng chị Phanh có thể được chữa khỏi, lo ngại chị sẽ chết ở bệnh viện, nên mới một mực đưa chị về. Còn bệnh viện lại hoàn toàn không biết chị sẽ chết? Và vì thế, bệnh viện vẫn đứng ngoài trách nhiệm dẫu bệnh nhân chết ngay sau khi rời bệnh viện?

Bệnh viện còn nại vào lý do người nhà bệnh nhân hoàn toàn tự nguyện, thậm chí viết đơn xin về và chở bằng xe máy chứ bệnh viện không ép. Có ai đó còn cho rằng, chở xác chết bằng xe máy là… phong tục của đồng bào thiểu số nên phải tôn trọng.

Thân nhân của người mới chết không hề đổ lỗi cho bệnh viện, chỉ than thở nghèo quá, khổ quá, không có tiền thuê xe ô tô chuyên chở, cực chẳng đã mới phải sử dụng xe máy...

Chuyện buồn hơn cả chuyện buồn ấy tưởng chỉ có thế. Nào ngờ, chỉ cách sau đó bốn ngày, ngày 16.9.2016, trang zing.vn lại xuất hiện hình ảnh và bài viết tương tự. Lần này không phải ở ngoài đường, nhưng ngay trong sân của chính bệnh viện Lao và bệnh phổi Sơn La nói trên. Trường hợp này xảy ra vào ngày 8.9, trước trường hợp của chị Phanh bốn ngày.

Giám đốc bệnh viện xác nhận, người được bó trong chiếu là Lù Văn Xương (57 tuổi, ở xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai). Hôm đó, anh Xương được người nhà đưa vào viện trong trạng thái suy hô hấp. Anh Xương chết sau khi đến bệnh viện khoảng một giờ đồng hồ.

Tác giả Hoàng Lam (người đăng ảnh và viết bài trên zing.vn) cho biết: “Theo bác sỹ Tuận, thấy gia đình khó khăn nên kíp trực hôm đó đã quyên góp số tiền đủ để thuê xe chở thi thể từ viện về bản nhưng gia đình kiên quyết từ chối.

‘Đại diện gia đình nói chở bằng xe máy vốn là chuyện thường lệ ở địa phương nên không cần bệnh viện hỗ trợ xe’, vị bác sỹ thông tin và cho biết thêm người thân bệnh nhân vẫn nhất quyết dùng xe máy để chở”…

Hôm nay, Chúa Nhật 26 thường niên, chúng ta suy niệm dụ ngôn về Phú hộ và Lazarô nghèo khó. Điều lạ là: Chúa không lên án người phú hộ. Chúa không hề cho biết, anh đã gian tham, dâm đãng, giết người hay phạm bất cứ một tội ác nào. Nhưng vì sao người phú hộ phải chịu cực hình trong hỏa ngục? Anh đã làm gì để phải bị trầm luân muôn kiếp?

Câu trả lời chỉ có thể gói gọn trong hai tiếng “dửng dưng”. Đó chính là sự dửng dưng của người phú hộ, một sự dửng dưng đến mức vô tâm, vô tình, vô nhân.

Người phú hộ không thèm nhìn, không thèm quan tâm đến người anh em nghèo khó của mình, dù họ hiện diện ngay bên thềm nhà mình. Chẳng những không quan tâm, không hề có cái nhìn yêu thương, không mảy may một chút để ý gì đến người nghèo ấy, hằng ngày anh lại còn yến tiệc linh đình ngay bên cạnh cái nghèo của người anh em.

Anh chịu cực hình không phải vì ông giàu, không phải vì ông ăn uống thoải mái. Nhưng anh bị trầm luân đời đời trong địa ngục, vì anh không biết cho đi, không biết san sẻ. Anh làm ngơ trước người anh em của anh đang đau khổ, đang chết đói. Anh đã hết sức dửng dưng.

Những hình ảnh về những con người đau khổ bên trên là lời tố cáo mạnh dành cho thái độ dửng đưng của thời đại, của những kẻ vô tâm, của tất cả chúng ta.

Những hình ảnh về những con người đau khổ ấy chính là Lazarô hiện thực, Lazarô thời đại ở bên cạnh, ở trước cửa nhà, ở trên đường phố, ở trong góc chợ… mà chúng ta không thèm nhìn, chúng ta đã làm ngơ, đã bước qua họ mà đi. Chúng ta quá nghèo lòng trước những anh chị em nghèo tiền.

Cũng như bao nhiêu người dửng dưng trên đường phố Sơn La trước những cái xác của đồng loại chở trên xe hai bánh, – giữa ban ngày, giữa ánh mặt trời chan chứa, trên đoạn đường dài khoảng từ 70 đến 100 cây số của những ngày hôm trước, mà bất cứ ai đi qua cũng không thể không nhận ra, nhưng chẳng có một ai chặng những chiếc xe ấy lại, chẳng một ai muốn làm một điều gì đó lớn hơn, đẹp hơn để giúp đỡ những con người tội nghiệp kia – chúng ta, dù là Con Thiên Chúa, dù tuyên xưng mọi người là anh em, đã biết bao nhiêu lần dửng dưng trước những số phận bi đát của anh chị em mình?

Một lần nữa, lời của Chúa Giêsu, cùng biết bao nhiêu cảnh thực tế tàn khốc đã và đang diễn ra đang lên án thái độ ích kỷ, mặc ai nấy sống, sự dửng dưng đến vô tâm và tàn nhẫn trong lòng mỗi một người.

Một lần nữa, chúng ta phải đấm ngực mình về lời Chúa Giêsu dạy: Hãy sống yêu thương theo gương của Chúa. Chúng ta phải chân nhận rằng, vì sự dửng dưng của mình, mà hàng ngày có vô số người phải chết đói; vô số bệnh nhân chết vì không có điều kiện chữa bệnh; vô số trẻ em phải lao đao kiếm sống, hoặc bị lợi dụng, bị lạm dụng…; vô số phụ nữ phải bán thân nuôi mình, nuôi những người thân…

Một lần nữa, chúng ta phải sám hối, vì sự dửng dưng của mình góp phần làm cho thói vô cảm của thời đại lên ngôi. Chính thói vô cảm ấy đã khiến lương tâm số lớn người chai lỳ hơn, dễ làm cho người với người ngày càng tàn nhẫn hơn, xảy ra nhiều hoàng cảnh đáng thương hơn, nhiều mảnh đời bế tắt hơn…

Sẽ có một ngày chúng ta ra khỏi cuộc đời, bước vào một thế giới mới. Giấy thông hành cho chuyến đi này không là tiền của, không là vật chất mà chúng ta đã cố công cả một đời xây đắp, nhưng là tình yêu, lòng bác ái, là sự rộng lượng của bản thân.

Nhân suy niệm về hai hình ảnh tương phản trong Tin Mừng hôm nay: Người nghèo Lazarô được Chúa ân thưởng nơi lòng Tổ phụ Apraham và người phú hộ bị trầm luân đời đời, ta hãy nghe lại lời phát biểu của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhân cuộc thăm viếng nước Mỹ ngày 2.10.1979, mà suy nghĩ về đời sống bác ái của ta: “Chúng ta không thể thờ ơ vui hưởng của cải và tự do của chúng ta, nếu bất cứ ở vùng nào đó, người nghèo Lazarô của thế kỷ XX vẫn còn đang đứng chờ ngoài cửa… Chúng ta hãy đối xử với họ như những thực khách trong gia đình của mình”.

Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con, vì nhiều lần, chúng con đã làm ngơ trước những anh chị em nghèo khổ xung quanh chúng con. Xin cho chúng con từ đây, biết quyết tâm thực hành đức bác ái một cách nghiêm túc như Chúa dạy. Amen.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG