Tình yêu truyền giáo

“Trong lòng mẹ Giáo Hội, con sẽ là tình yêu”(Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su).

Trong cơ thể, trái tim là nhà máy trung tâm bơm máu và lọc máu. Trái tim có nhiệm vụ bơm máu đỏ tươi giàu O2 đến các cơ phận để chúng hoạt động và nhận lại những máu đỏ sẫm đầy CO2, để rồi qua sự hít thở của phổi, các máu này sẽ giải phóng CO2 và nhận O2, trở thành máu đỏ tươi đi nuôi cơ thể. Trái tim mà ngừng đập, ngừng làm việc thì cơ thể sẽ chết; mọi hoạt động sẽ chấm dứt.

Thánh Tê-rê-xa đã suy gẫm điều này và nhận ra ơn gọi của mình. Tình yêu là tất cả và tồn tại mãi mãi. Dù là đức tin hay đức cậy; ơn nói tiên tri hay làm phép lạ thì có ngày cũng hết. Chỉ có đức mến là tồn tại. Ngay cả khi diện kiến Chúa, thì đức tin, đức cậy cũng không cần nữa, chỉ còn đức mến(x.1Cor1,1-13). Ơn gọi của Ngài là Tình Yêu. Thánh Tê-rê-xa nói : “Trong lòng mẹ Giáo Hội, con sẽ là tình yêu”. Giáo Hội như một cơ thể, đó là Thân Mình của Đức Ky-tô, cơ thể đó có một trái tim, trái tim đó chính là tình yêu và thánh Tê-rê-xa muốn là tình yêu đó. Người ta đã chẳng lấy trái tim làm biểu tượng cho tình yêu sao? Khi yêu trái tim nó thổn thức và đập mạnh.

Thánh Tê-rê-xa nói : “Ơn gọi của con là tình yêu và trong lòng mẹ Giáo Hội con sẽ là tình yêu”, điều đó có nghĩa là Ngài sẽ sống và làm việc bằng tình yêu Chúa và tình mến Giáo Hội. Như trái tim, nhờ tình yêu đó mà Tê-rê-xa có thể tiếp sức cho các hoạt động của Giáo Hội như truyền giáo, phục vụ và mục vụ.

Trái tim không đi nhưng ở một chỗ, thì Tê-rê-xa cũng không đi đâu, ở một chỗ trong Dòng kín, thế nhưng nhờ tình yêu, Tê-rê-xa có thể đi khắp nơi, tiếp sức cho các nhà truyền giáo, cho những người phục vụ, cho những người mục vụ. Bởi đó, thánh Tê-rê-xa được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo như thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê, một người đã đi khắp nơi để truyền giáo. Có thể nói thánh Tê-rê-xa đã đi truyền giáo bằng lòng mến, bằng tình yêu. Trong Giáo Hội có chuyện rửa tội bằng lòng mến(x.GLCG số1259), thì cũng có việc truyền giáo bằng tình yêu.

Rửa tội bằng lòng mến là dù không được rửa tội bằng nước nhưng vì lòng ao ước muốn được rửa tội nhưng không có dịp mà đã chết. Đó là rửa tội bằng lòng mến. Truyền giáo bằng tình yêu là muốn đi truyền giáo nhưng không thể đi được, nữ tu dòng kín không được ra ngoài thì có thể truyền giáo bằng cách cầu nguyện hay làm việc. Vì lòng mến Chúa và các linh hồn, dâng những hy sinh đó cho việc truyền giáo. Đó gọi là truyền giáo bằng tình yêu. Thánh Tê-rê-xa đã truyền giáo bằng cách này. Nên Ngài được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo.

Đối với Chúa và Giáo Hội, làm việc truyền giáo và cầu nguyện cho việc truyền giáo có giá trị như nhau. Nên ai ở trong hoàn cảnh nào thì truyền giáo trong hoàn cảnh đó. Người thì trực tiếp, người thì gián tiếp. Có khi người gián tiếp còn quan trọng hơn. Cứ nhìn vào cơ thể ta thì biết ngay. Trái tim ta mà không đập nữa thì tay có mạnh; chân có dẻo dai mấy thì cũng không thể làm gì, không thể đi đâu được. Không có sự hy sinh, cầu nguyện cho việc truyền giáo thì các nhà truyền giáo cũng chẳng làm gì được, dù có giỏi, có tài đến mức nào.

Đánh giặc mà không có hậu cần; không có ăn, không có uống thì có giỏi và thiện xạ mấy cũng ngã gục mà thôi; không làm ăn gì được hết. Bao tử mà không có gì thì bắn biết gì được. Cho nên cứ đánh kho lương, đốt cháy hay cướp kho lương coi như nắm chắc phần thắng. Cứ để cho 1, 2 ngày đói rã ruột là đầu hàng thôi. Hậu cần không trực tiếp đánh giặc nhưng không phải là thứ yếu, có cũng được mà không có cũng được. Dù gián tiếp nhưng chiếm một vị trí quan trọng.

Cũng vậy những hy sinh, những lời cầu nguyện cho việc truyền giáo là hậu cần, chiếm một vị trí quan trọng trong công cuộc truyền giáo. Giáo Hội rất hiểu điều này: “Trong những Hội dòng hoàn toàn chuyên về chiêm niệm, các tu sĩ chỉ nhất tâm phụng sự một mình Thiên Chúa trong cô tịch và lặng lẽ, trong việc chuyên lo cầu nguyện và hân hoan hãm mình, thì cho dù nhu cầu hoạt động tông đồ có khẩn thiết đi nữa, những Hội dòng đó vẫn giữ một địa vị quan trọng trong Nhiệm thể Chúa Ky-tô”(Đời sống dòng tu, số 7). Có nghĩa là dù nhu cầu hoạt động tông đồ có khẩn thiết mấy đi nữa cũng không đem các tu sĩ đó ra ngoài. Để chứng thực điều đó, Giáo Hội đã đặt thánh Tê-rê-xa là bổn mạng các xứ truyền giáo.

Tình yêu sẽ tồn tại mãi và làm cho người ta vui tươi và hạnh phúc. Tình yêu truyền giáo cũng vậy, nó cũng đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người, kể cả người truyền giáo lẫn người được truyền giáo. Không chỉ cho Giáo Hội ở dưới đất mà còn làm hoan hỷ cả Nước trời(x.Lc15,7). Tình yêu là vĩnh cửu! Tình yêu là muôn năm!

Giáo Hội là Giáo Hội truyền giáo, nên rất cần tình yêu, TÌNH YÊU TRUYỀN GIÁO. Người trực tiếp truyền giáo cũng phải có “tình yêu truyền giáo” để truyền giáo, nếu không sẽ truyền….giống; người gián tiếp cũng phải có “tình yêu truyền giáo” để cầu nguyện cho việc truyền giáo, nếu không thì những hy sinh, những vất vả kia cũng trôi xuống sông xuống biển hết. “Tình yêu truyền giáo” là làm mọi việc vì lòng mến để truyền giáo. Người trực tiếp truyền giáo cũng phải làm mọi việc vì truyền giáo; người gián tiếp thì cũng làm mọi việc dù nhỏ, dù tầm thường, dù bình thường vì lòng mến để truyền giáo.

Yêu mến đây là mến Chúa và yêu người. Vì yêu mà học, vì yêu mà tập, vì yêu mà làm; vì yêu mà hi sinh; vì yêu mà truyền giáo.

“Trong lòng mẹ Giáo Hội, con sẽ là tình yêu”.

Trong chiêm niệm, con sẽ cầu nguyện;

Trong cầu nguyện, con sẽ tin;

Trong lòng tin, con sẽ yêu;

Trong tình yêu, con sẽ phục vụ;

Trong phục vụ, con sẽ bình an;

Trong bình an, con sẽ vui;

Trong niềm vui, con sẽ hạnh phúc;

Trong hạnh phúc, sẽ là thiên đàng.

Vậy noi gương thánh Tê-rê-xa, ta hãy có “tình yêu truyền giáo”; cùng với mọi người, cùng với Giáo Hội, ta yêu, ta truyền giáo. Đó là ơn gọi của ta; ơn gọi của Giáo Hội. Ơn gọi tình yêu; ơn gọi truyền giáo. Tất cả cho tình yêu; tất cả cho truyền giáo. Tất cả cho Giáo Hội; tất cả cho Thiên Chúa. Lm. Bosco Dưong Trung Tín