BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC GIÁM MỤC

NHẬN LỜI TUYÊN THỆ CỦA TÂN HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ VINH THỦY


Anh chị em thân mến,

Hôm nay lễ tuyên thệ và nhậm chức của anh em thành viên Hội Đồng Mục vụ giáo xứ, mà anh chị em đã tín nhiệm bầu cử.

Nói về nhiệm vụ của anh chị em giáo dân, Tông Huấn Người Kitô hữu giáo dân đã dạy:

Ngày nay, trong Giáo Hội, cũng như trong những thực tại xã hội, kinh tế, chính trị và văn hoá có những hoàn cảnh mới mẽ, đang đòi hỏi hoạt động của các giáo dân cách hết sức đặc biệt. Nếu trước đây, thái độ thờ ơ đối với những đòi hỏi đó vẫn luôn không thể chấp nhận được, thì ngày nay thái độ đó lại càng đáng trách hơn bao giờ hết. Không ai được phép ở yên mà không làm gì” (số 3).

Không ai được phép ở yên mà không làm gì.

Dụ ngôn những người thợ làm vườn nho trong sách Phúc âm theo thánh Matthêu (20,1-16) nói lên ý Chúa muốn mọi người đều làm việc. Những người đến lúc 6 giờ sáng cũng như những người xin việc lúc 4 giờ chiều. Tất cả đều được vào vườn nho. Và mọi người đều mau mắn vào vườn nho làm việc.

Hội đồng mục vụ giáo xứ được bầu để cộng tác với cha xứ lo cho giáo xứ. Nhưng bầu xong Hội đồng mục vụ không có nghĩa là anh chị em được nghỉ ngơi. Một giáo xứ mạnh là một giáo xứ mà tất cả mọi người đều làm việc; lớn làm việc lớn, nhỏ làm việc nhỏ. Vì như Công Đồng Vat. II đã dạy: “Ơn gọi làm Kitô hữu, tự bản chất, là ơn gọi làm tông đo” (AA.1). Công đồng như muốn nhắc chúng ta ghi nhớ điều này là: mọi người Kitô hữu đều phải làm tông đồ.

Trở lại với bản Tông huấn, Đức Thánh Cha đã viết: “Ngày nay trong Giáo hội cũng như trong những thực tại xã hội, kinh tế, chính trị, văn hoá, có những hoàn cảnh mới mẽ đang đòi hỏi hoạt động của các giáo dân, một cách hết sức đặc biệt

Những hoàn cảnh mới mẽ đó là gì?

Những giá trị thiêng liêng đang mai một

Trước hết, chúng ta đang sống trong một xã hội mà những giá trị vật chất đang được đề cao hay tôn thờ như: tiền bạc, ruộng đất, nhà cửa, danh vọng, chức quyền, của cải và những tiện nghi vật chất,… trong khi những giá trị đạo đức và thiêng liêng lại bị bỏ rơi, hay đang tụt hậu như: sự thật, sự công bằng, sự cần kiệm, liêm chính, tình liên đới, sự đoàn kết, lòng thành tín, sự tiết độ, công ích, phẩm giá và những quyền lợi căn bản của con người. Đó là những giá trị đích thực, nhưng lại là những giá trị mà Đất Nước chúng ta đang nghèo, nghèo xơ nghèo xác. Xã hội chúng ta hôm nay đang nghèo sự thật, tràn ngập sự giả dối: hàng giả, tiền giả, thuốc giả, giấy tờ giả, hồ sơ giả, chữ ký giả, bằng cấp giả, v.v…

Sự giả dối đang xuất đầu lộ diện ở khắp nơi, trên các bảng quảng cáo, báo cáo, báo chí, trên các phương tiện truyền thông, trong các cơ quan công cũng như tư, kể cả tòa án. Sự gạt gẫm, lừa bịp thường xảy ra trong gia đình, các công ty, xí nghiệp, các tổ chức, các đoàn thể. Chúng ta nghèo sự công bằng, quyền bình đẳng; xã hội còn đầy những bất công. Chúng ta thiếu tình liên đới, sự đoàn kết, lòng thương yêu nhau. Chúng ta còn nghèo, rất nghèo những giá trị đạo đức và tinh thần!

Của cải vật chất trọng hơn con người

Kế đến, một trong những hoàn cảnh mới mẽ khác nữa, đó là nhiều người, nhiều nơi trong thời đại chúng ta coi trọng vật chất hơn con người. Nhiều quốc gia quá chú trọng đến sự phát triển kinh tế, tài chính, quân sự, chính trị, ngoại giao. Họ chủ trương cần sản xuất thật nhiều của cải vật chất, phát triển hạ tầng cơ sở như: đường sá, bến cảng, sân bay, dinh thự… khai phá những tài nguyên thiên nhiên, xuất khẩu nhiều sản phẩm để gia tăng thu nhập. Nhưng để đạt những mục tiêu nói trên, họ coi thường phẩm giá của người lao động, và chà đạp những quyền lợi căn bản của con người. Từ các xí nghiệp, công ty, xưởng máy, các sản phẩm xuất xưởng ngày càng phong phú, tốt và đẹp hơn. Nhưng ngược lại, người lao động làm ra chúng thì ngày càng tiều tụy, sa sút và kiệt quệ.

Của cải vật chất ngày càng nhiều, nhưng khoảng cách biệt giữa người giàu và người nghèo ngày càng sâu rộng hơn. Bộ mặt của xã hội với những cao ốc, đường sá thênh thang, xe cộ tấp nập, nhưng lòng tham của con người, nhất là của những người giàu có và những người có quyền thế ngày càng tinh vi và ác nghiệt. Nạn tham nhũng, gởi tiền bạc ra nước ngoài đã trở thành những chứng bệnh nan y, mãn tính. Thế hệ hôm nay không những đã làm hư đất, hư rừng, hư đồi núi, sông biển, mà điều đáng lo ngại nhất là làm hư cả con người. Những giá trị nhân bản, nền tảng đạo đức của dân tộc như: lòng nhân hậu, hiếu thảo, lòng nhân từ, lẽ công bằng, đức khiêm tốn, đức bác ái, lòng trắc ẩn, lòng thương xót, sự tha thứ lỗi lầm, sự cần kiệm, liên chính, chí công vô tư đã bị tổn thương cách trầm trọng. Dân chưa giàu, nước chưa mạnh, xã hội Việt Nam chưa công bằng, dân chủ và văn minh. Thật đáng lo và đáng tiếc!

Thiển cận, vụ lợi, không lo xa

Tự hào với những chiến thắng đã qua, say mê trước một số thành tích đang thu được, chúng ta cắm đầu cắm cổ xây dựng nhà cửa, dinh thự, đường sá, đập nước, đài chiến thắng, tượng các anh hùng, mở mang ngành du lịch, xuất khẩu hàng hóa, tài nguyên thiên nhiên, xuất khẩu lao động, vay mượn tài chánh để phát triển. Hiện tại là như thế, nhưng tương lai sẽ đưa đến những cái gì? Nhiều nước nghèo trên thế giới đã đốn cây, phá rừng để xuất khẩu gỗ thu ngoại tệ. Những quốc gia có nhiều tài nguyên thiên nhiên như: dầu khí, hơi đốt, khoáng sản, hải sản, nông sản, lâm sản đang khai thác cách bừa bãi và vô trách nhiệm… những tài nguyên quý hiếm ấy. Họ đang làm nghèo đất nước, làm nghèo những thế hệ con cháu của họ. Họ giống như những người nhà giàu, ăn chơi, xa xỉ, phung phí của cải và tiền bạc, mà không nghĩ đến những thế hệ mai sau. “Uống nước nhớ nguồn” (nhớ những người đã qua), nhưng cũng đừng quên những thế hệ sắp tới. Có những quốc gia nghèo triền miên vì nợ nần quốc tế. Lợi tức của quốc gia không đủ trả cho các chủ nợ. Người dân có quyền tin tưởng nơi sự thông minh sáng suốt của các cấp lãnh đạo quốc gia. Nhưng tiền vay mượn phải được sử dụng vào những công trình có khả năng sinh lợi. Có lợi mới trả được lãi và nợ. Hơn nữa, số tiền vay mượn cần được bảo vệ, đừng để rơi rớt, ăn bớt hay cắt xén dọc đường. Kinh Thánh có câu ngạn ngữ: “Cha ăn nho xanh, con cháu ghê răng” (Gr 31,29). Nợ nần quốc tế, các thế hệ mai sau phải gánh vác!

Nhưng quan trọng nhất là giới trẻ hiện nay và ngày mai (tương lai của đất nước). Hàng chục năm được cải cách,… nhưng nền giáo dục vẫn còn bấp bênh, chưa ổn định, nhất là đức dục. Học nhiều, học bù đầu bù óc, nhưng thu thập không được bao nhiêu. Còn đạo đức thì đáng lo ngại! Giới trẻ hiện nay đang cần gì?

Giới trẻ cần sự giáo dục gia đình, được cha mẹ đặc biệt quan tâm. Chúng cần một nền giáo dục học đường có phẩm chất, thầy ra thầy, trò ra trò. Chúng cần một bầu khí xã hội lành mạnh, như cá tôm cần được sống và phát triển trong một bể nước trong sạch. Chúng cần gương sống lương thiện, cần kiệm, liêm chính của các bậc cha anh, nhất là của các cấp lãnh đạo.

Thái độ thờ ơ là đáng trách

Bản Tông Huấn xác định: “Nếu trước đây, thái độ thờ ơ đối với những đòi hỏi đó vẫn luôn không thể chấp nhận được, thì ngày nay, thái độ đó lại càng đáng trách hơn bao giờ hết”. Là công dân, người tín hữu chúng ta có bổn phận góp phần vào việc bảo vệ và xây dựng đất nước. Công đồng Vat. II đã dạy: “Đối với người Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế, tức là xao lãng bổn phận đối với anh em và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị lâm nguy” (GS. 43). Chúng ta phải làm hết sức mình để xây dựng đất nước vững mạnh trên mọi bình diện.

Nhiệm vụ tông đồ và truyền giáo

Sau hết, là người Kitô hữu, chúng ta có trách nhiệm phục vụ ơn cứu độ của anh chị em chúng ta. Trong giáo xứ Vinh Thủy hôm nay, còn khá nhiều gia đình chưa siêng năng sống đạo, xao lãng sự cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích: nhất là bí tích Hòa giải và Thánh thể. Có những gia đình bỏ đạo hay khô đạo, những gia đình rối hôn phối. Trong giới trẻ, có những em chưa xưng tội rước lễ, chưa thêm sức, nhất là biếng nhác trong việc học giáo lý và Kinh Thánh. Hãy cố gắng làm tông đồ. Hãy quan tâm đến các anh chị em chưa biết Chúa. Hãy giúp họ nhận biết Chúa Kitô qua bản thân và đời sống của anh chị em. Thánh Phaolô đã viết: “Tôi sống, nhưng không phải tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Hãy cổ vũ nhau cầu nguyện trong gia đình, tham dự thánh lễ, nhất là các ngày Chúa Nhật và lễ trọng, tuân giữ luật Chúa và Hội Thánh, yêu thương và hiệp nhất nhau. Vì như Chúa Giêsu dạy: “ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).

Trước khi dứt lời, tôi không thể quên nhắc đến công trạng của anh chị em trong Hội Đồng Mục vụ cũ. Nhiều anh chị em đã phục vụ giáo xứ trong nhiều nhiệm kỳ, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn, đầy thử thách. Xin Chúa chúc lành và thưởng công anh chị em và gia đình, đời này và đời sau. Amen