Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Tuần hành ở Mễ Tây Cơ chống ý thức hệ “gender” và bảo vệ gia đình

“Tôi hợp ý với các giám mục của Mễ Tây Cơ trong việc ủng hộ những dấn thân của Giáo Hội và xã hội dân sự vì gia đình và sự sống, tại thời điểm này các vị yêu cầu sự quan tâm đặc biệt về mục vụ và văn hóa trên toàn thế giới”, đó là những lời Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa Nhật 26/9, để bày tỏ sự ủng hộ của mình với hàng chục ngàn người Mễ Tây Cơ tuần hành chống lại việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính vào thứ bảy 25/9 tại thành phố Mễ Tây Cơ.

Sau những cuộc tuần hành tại 122 thành phố trên toàn lãnh thổ vào ngày 10 /9 vừa qua, Mễ Tây Cơ chứng kiến một thành công mới đầy ấn tượng của Mặt trận quốc gia vì Gia đình, được kết hợp bởi các hiệp hội khác nhau, có mục đích ngăn cản tổng thống Enrique Peña Nieto hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và áp đặt ý thức hệ giới tính cho học sinh vị thành niên.

Các người tuần hành đã yêu cầu tổng thống nhìn nhận hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là nền tảng của gia đình; cổ võ việc ủng hộ chính sách về gia đình; quyền của phụ huynh giáo dục con cái theo sự tin tưởng của mình và các giá trị; quyền của các trẻ em mồ côi được nhận nuôi bởi một người cha và một người mẹ. 4 điểm này được bao gồm trong một dự luật do sáng kiến của dân chúng – được 200 ngàn người ký tên – đã được nộp tại Thượng viện vào tháng 2 vừa qua và đang đợi được thảo luận.

Fernando Guzman, một trong những người tổ chức của cuộc tuần hành đã miêu tả cuộc tuần hành như “một ngày vui mừng, mạnh mẽ và có ý nghĩa”, mà trong đó dân chúng Mễ Tây Cơ đã có thể nhắc lại lời yêu cầu tổng thống mở cuộc đối thoại với Mặt trận quốc gia vì Gia đình. Ông nói thêm về ý thức hệ giới tính: “một đàng là sự tôn trọng hoàn toàn những người đồng tính, đàng khác là dạy các trẻ em rằng chúng không phải là nam hay nữ mà là những gì mà họ muốn.” Ông Guzman khẳng định: điều này là không đúng, nó ngược lại với điều 3 của hiến pháp và chống lại quyền giáo dục con cái của các phụ huynh.”

Hiện nay, hôn nhân giữa những người đồng tính chỉ hợp pháp ở một vài bang của Mễ Tây Cơ. Nhưng năm ngoái Tòa án tối cao đã tuyên bố các hôn nhân đồng tính là vi phạm hiến pháp và dự án cải cách do Tổng thống Peña Nieto hướng dẫn đã bắt đầu như thế . Ý định của ông là sửa đổi điều 4 của Hiến pháp để nhìn nhận hôn nhân giữa các người đồng tính như một “nhân quyền”. Nhân dân Mễ Tây Cơ tiếp tục bảo vệ quyền của những người không thể tự vệ, là các trẻ em, được lớn lên trong một gia đình được tạo nên bởi một người cha và một người mẹ.

2. Ký giả Công Giáo Jordan bị bắn chết ngay tại tòa án vì bị cáo buộc xúc phạm Hồi Giáo

Một nhà báo Jordan đã bị bắn chết khi đến một tòa án ở Amman để trả lời cáo buộc rằng ông đã xúc phạm Hồi giáo với một tranh biếm họa được đăng trên Facebook của ông.

Ký giả Nahed Hattar, sinh năm 1960, là một nhà văn và một nhà chính trị có khuynh hướng tự do, ủng hộ việc tách nhà nước khỏi Hồi Giáo. Là người Công Giáo nghi lễ Maronite, ông ủng hộ người Kitô giáo trong việc võ trang chống lại những nhóm khủng bố Hồi Giáo như Al-Nursa, Al-Qaeda và quân khủng bố Hồi Giáo IS.

Tháng 8 vừa qua, Hattar chia sẻ trên Facebook một tranh biếm họa trong đó mô tả một tên khủng bố có râu dài nằm trên giường hút thuốc với hai người đàn bà. Đây là viễn ảnh cuộc sống ở thế giới bên kia mà bọn khủng bố Hồi Giáo IS thường hứa hẹn với các chiến binh thánh chiến. Tên khủng bố được mô tả trong bức biếm họa còn oai đến mức dám bắt Thiên Chúa phải cung phụng rượu chè và bảo Ngài phải làm một cánh cửa để mỗi khi muốn vào thì phải gõ cửa.

Bức biếm họa này không phải chính tay Hattar vẽ nhưng Hattar đưa lên Facebook của mình trong một bài nhằm bôi bác bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Tuy nhiên, bức biếm họa này gây ra nhiều tranh cãi vì nhiều người cho rằng Hattar xúc phạm đạo Hồi.

Hattar bị cáo buộc tội xúi giục “xung đột giáo phái và phân biệt chủng tộc” vi phạm điều 150 Bộ luật Hình sự Jordan, trong đó trừng phạt bất kỳ hình thức gây căng thẳng bè phái hay chủng tộc hoặc xúi giục xung đột giữa các tôn giáo khác nhau.

Ngoài ra Hattar còn bị cho là vi phạm điều 278 Bộ luật Hình sự Jordan, cấm xuất bản các tài liệu in ấn, hình ảnh hoặc bản vẽ nhằm xúc phạm đến niềm tin tôn giáo.

Hattar đã bị giam giữ trong một tuần sau các cáo buộc trên.

Nhà văn Hattar đã thanh minh trên Facebook nói rõ rằng ông không có ý định xúc phạm Thiên Chúa qua bức biếm họa này, mà chỉ muốn trình bày cảm nhận về Thiên Chúa của bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Hôm 25 tháng 9, khi đến tòa để bảo vệ mình chống lại các cáo buộc chế giễu Allah, Hattar đã bị bắn ba lần. Ông được xác nhận là đã chết khi vừa đến một bệnh viện gần đó.

Cảnh sát đã bắt giữ Riad Abdullah, một nhà lãnh đạo Hồi giáo tại Amman, và cáo buộc ông này tội giết chết nhà văn Hattar.

Biểu tình đã nổ ra tại Jordan để bày tỏ lòng thương tiếc nhà văn Hattar.

3. Đức Hồng Y Pietro Parolin nói: Chúng tôi không hề nhượng bộ Trung Quốc

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã bảo đảm với các nhà ngoại giao rằng Vatican sẽ không cho phép chính phủ Trung Quốc có vai trò nào trong việc bổ nhiệm các giám mục mới.

Phát biểu tại một cuộc họp với các sứ thần Tòa Thánh về Rôma tham dự ngày Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh khẳng định rằng Vatican đang tham gia vào các cuộc đàm phán cấp cao với Bắc Kinh. Mục tiêu của các cuộc đàm phán này là để đạt được một thỏa thuận về việc bổ nhiệm các giám mục mới. Trong thời điểm hiện nay, do còn nhiều vấn đề phức tạp, các cuộc đàm phán không hề nhắm đến việc khôi phục quan hệ ngoại giao.

Ký giả Sandro Magister của tờ L'Espresso tường thuật lời Đức Hồng Y Parolin cho biết trong những cuộc đàm phán, Vatican sẽ không nhượng bộ chính quyền Trung Quốc đòi phải có một tiếng nói trong việc bổ nhiệm các giám mục mới.

Theo Magister, Vatican sẵn sàng chấp nhận đề nghị cho phép Hội Đồng Giám Mục Trung Quốc đề nghị các ứng viên giám mục nhưng với điều kiện là các giám mục Công Giáo “thầm lặng” phải được bao gồm trong Hội Đồng Giám Mục Trung quốc và những ‘giám mục’ nào được tấn phong trái phép nghĩa là không được Đức Thánh Cha bổ nhiệm thì không được có mặt trong Hội Đồng Giám Mục Trung quốc.

Bài của Sandro Magister trên tờ L'Espresso có thể xem tại đây:

http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1351379?eng=y

4. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Joseph Kabila để bàn về tình trạng bạo lực tiếp diễn tại Cộng hòa Dân chủ Congo

Hôm 26 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Tổng thống Joseph Kabila của nước Cộng hòa Dân chủ Congo, để thảo luận về tình trạng bạo lực vẫn tiếp tục tại quốc gia này cũng như tình trạng bất ổn tại các quốc gia châu Phi.

Tuyên bố của Tòa Thánh mô tả ngắn gọn các cuộc thảo luận là “thân mật”. Tuy nhiên, các phóng viên ghi nhận là Đức Giáo Hoàng đã bỏ qua những nghi lễ đón tiếp thông thường đối với nhà lãnh đạo châu Phi, thay vào đó, ngài trò chuyện ngay với ông Kabila trong thư viện của điện Tông Tòa.

Tuyên bố của Vatican cho thấy hai vị tập trung vào “các cuộc đụng độ xảy ra gần đây ở thủ đô,” và “Tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các đại diện chính trị và xã hội dân sự với các cộng đồng tôn giáo.”

Tuyên bố cũng bày tỏ sự phàn nàn về tình trạng “bạo lực dai dẳng hại ở phía đông của đất nước.”

Các giám mục Công Giáo của Cộng hòa Dân chủ Congo vừa đình chỉ sự tham gia của các ngài trong các cuộc đàm phán “đối thoại quốc gia”, sau khi hàng chục người bị thiệt mạng trong các cuộc xô xát vì chính trị ở thủ dô Kinshasa. Hội Đồng Giám Mục Cộng hòa Dân chủ Congo lên án tổng thống muốn mưu tìm một nhiệm kỳ thứ ba là điều trái với hiến pháp.

5. Đức Hồng Y Bozanic Joip kêu gọi các nhà lãnh đạo Giáo Hội phải thực tiễn đối với cuộc khủng hoảng người tị nạn

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội “cần phải rất thực tiễn về cuộc khủng hoảng của người tị nạn tại châu Âu”, Đức Hồng Y Bozanic Joip của thủ đô Zagreb của Crotia nói trong một cuộc họp các viên chức Công Giáo châu Âu làm việc với người di cư.

Đức Hồng Y người Croatia giải thích rằng “không phải tất cả các nước châu Âu đều có khả năng bảo rằng những người mới đến sẽ được đối xử bình đẳng”. Ngài nói rằng Giáo Hội nên nhạy cảm với nhu cầu của người tị nạn và người di cư, và khuyến khích “một nền văn hóa của tình đoàn kết và chào mừng”, nhưng cũng nên quan tâm đến “sự chênh lệch quá lớn về kinh tế giữa các nước trong Liên minh châu Âu.”

6. Thiên thần của Dachau được tuyên phong Chân Phước Tử Đạo

Một linh mục Đức được nhiều người biết đến với biệt danh “Thiên thần của Dachau” đã được tuyên phong Chân Phước tử vì đạo tại Wurzburg, bên Đức, vào ngày 24 tháng 9.

Chân Phước Engelmar Unzeitig sinh năm 1911 và qua đời năm 1945 khi mới 34 tuổi đã gia nhập dòng Thừa Sai Mariannhill và được thụ phong linh mục vào năm 1939. Được giao coi sóc một giáo xứ ở bên Áo, ngài đã lên tiếng nhân danh những người Do Thái trong bài giảng của ngài.

Chân Phước Unzeitig đã bị giam cầm trong trại tập trung Dachau trong bốn năm cuối cùng của cuộc đời ngài và tự nguyện phục vụ cho các bệnh nhân mắc bệnh thương hàn.

Trong diễn từ sau kinh Truyền Tin ngày 25 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Ngài đã bị giết trong trại tập trung Dachau do sự thù ghét đức tin; ngài đã lấy tình yêu chống lại thù hận, sự dịu hiền chống lại tàn ác. Cầu mong gương của ngài giúp chúng ta là các chứng nhân của tình bác ái và niềm hy vọng cả giữa các khốn khó.”

7. Nhu cầu về trừ tà tăng vọt ở Mỹ

Nhu cầu về trừ tà ở Mỹ đã tăng vọt trong những năm gần đây, hai linh mục Công Giáo đã nói như trên với tờ Daily Telegraph.

Daily Telegraph, có trụ sở ở London, thường đăng tải những câu chuyện hiếm khi được đề cập trên các báo tại Mỹ. Tờ này cho hay số linh mục người Mỹ được chính thức giao trọng trách trừ tà đã tăng gấp bốn lần trong thập kỷ qua. Mặc dù không có số liệu thống kê cụ thể về số linh mục tham gia vào việc trừ tà, các vị được phỏng vấn đồng ý rằng đã có sự gia tăng đáng kể như thế.

Hai linh mục được tờ Telegraph phỏng vấn cho rằng nguyên nhân gây ra sự gia tăng đột biến này có thể là do tình trạng nghiện ma túy, việc sử dụng thường xuyên các nội dung khiêu dâm, ngoại giáo, phép thuật và sự gia tăng tò mò về những điều huyền bí.

8. Thống kê về tình trạng Giáo Hội Công Giáo tại Georgia và Azerbaijan

Trước chuyến viếng thăm Georgia và Azerbaijan của Đức Thánh Cha Phanxicô, diễn ra từ 30 tháng 9 đến 2 Tháng 10, phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố hồ sơ thống kê về sự hiện diện của Giáo Hội Công Giáo tại Georgia và Azerbaijan.

Số giáo dân Georgia là 112,000 người, chiếm 2.5% trên tổng số 4.5 triệu dân. Giáo Hội tại đây có hai giám mục, 28 linh mục, 39 tu sĩ, và 14 chủng sinh. Giáo Hội Công Giáo điều hành ba trường học, chín phòng khám, một nhà dưỡng lão, và một nhà nuôi trẻ mồ côi.

Tại Azerbaijan chỉ có 570 người Công Giáo: một phần rất nhỏ trong tổng dân số 9.4 triệu dân. Chỉ là một giáo xứ duy nhất và một trung tâm mục vụ, được điều hành bởi 7 linh mục và 10 nữ tu. Giáo Hội Công Giáo điều hành một trường trung học Công Giáo và một nhà dưỡng lão.