Theo ký giả Inés San Martín, với điều kiện được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chấp thuận vào ngày 17 tháng Mười này, cựu Thủ Tướng Bồ Đào Nha, Ông Antonio Guterres, sẽ trở thành tân Tổng Thư Ký của Liên Hiệp Quốc, và bối cảnh của ông, một người Công Giáo theo phe Xã Hội với một quan tâm sâu sắc đối với người tị nạn và vấn đề công lý hoàn cầu nói chung, cho thấy ông có thể trở thành một đồng minh chủ yếu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Ông trở thành ứng viên sáng giá nhất vào hôm thứ Tư vừa qua khi tất cả 15 thành viên của Hội Đồng Bảo An nhất trí đệ đạt tên ông lên Đại Hội Đồng chấp thuận.

Với sự hỗ trợ của các siêu cường: Trung Hoa, Pháp, Nga, Anh và Hoa Kỳ, ông sẽ là người đứng hàng đầu thay thế Ông Ban Ki-moon của Đại Hàn về hưu vào cuối năm nay.

Ông Guterres xuất thân là một kỹ sư, trở thành phụ tá giáo sư trước khi gia nhập Đảng Xã Hội vào năm 1974, làm thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995 tới năm 2002. Sau đó, ông tham gia nền ngoại giao quốc tế, trở thành Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc vào năm 2005, một chức vụ ông giữ trọn một thập niên, với 2 nhiệm kỳ.

Thông thạo tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Anh, tiếng Pháp và Bồ Đào Nha, ông có hai con. Người vợ đầu tiên của ông qua đời năm 1998 và ông tục huyền năm 2001.

Ông được mọi người coi là người chính trực về luân lý, thông thạo lãnh vực quốc tế, và có óc cải tổ: trong các năm làm Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, ông giảm tới 1 phần ba nhân viên văn phòng, phái nhiều nhân viên đi làm việc tại chỗ hơn. Nhờ thế giải quyết nhanh chóng được nhiều cuộc khủng hoảng. Khi ra đi vào năm 2015, ông để lại hơn 10 ngàn nhân viên cho cơ quan này, được coi là một trong các cơ quan lớn nhất của Liên Hiệp Quốc.

Trong lời tuyên bố về viễn kiến của mình khi nạp đơn xin chức vụ tổng thư ký, Ông Guterres nói tới các thách đố đang đặt ra cho thế giới về gia tăng bất bình đẳng, chủ nghĩa khủng bố và tội ác có tổ chức, thay đổi khí hậu và lan tràn các nhân tố vũ trang quốc tế.

Tất cả các vấn đề trên đều được Đức Phanxicô hết sức quan tâm và năng đề cập tới, thậm chí còn ban hành một thông điệp về môi trường.

Tháng Chín năm ngoái, khi nói chuyện với Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhân chuyến tông du Hoa Kỳ, Đức Phanxicô kêu gọi một cuộc cải tổ cho tổ chức này, sao cho mọi quốc gia đều có một ảnh hưởng chân chính và công bằng đối với các diễn trình đưa ra quyết định.

Ngài cũng cảnh cáo cơ quan này đừng để mất cột trụ của nó là phát triển con người tòan diện và cứu các thế hệ tương lai khỏi chiến tranh bằng việc trở nên “thứ tán gẫu vô công rỗi nghề chỉ nhằm che đậy đủ thứ lạm dụng và thối nát, hoặc thi hành việc thực dân hóa đầy tính ý thức hệ qua việc áp đặt các mẫu mực và lối sống dị thường hoàn toàn xa lạ đối với bản sắc con người và xét cho cùng, hoàn toàn vô trách nhiệm”.

Ông Guterres từng viếng thăm Đức Giáo Hoàng Phanxicô hồi tháng Mười Hai, năm 2013. Cuối cuộc viếng thăm này, ông nhận định: “Giáo Hội Công Giáo luôn là một tiếng nói rất quan trọng trong việc bảo vệ người tị nạn và di dân. Một tiếng nói của khoan dung, của tôn trọng đối với sự đa dạng trong một thế giới dửng dưng, nếu không muốn nói là thù nghịch, đối với tất cả những gì là ngoại quốc”.

Lúc ấy, Ông Guterres cũng nói rằng ở Âu Châu, cũng như ở nhiều quốc gia đang mở mang, đang có việc nổ ra chủ nghĩa bài ngoại. “Đức Giáo Hoàng Phnxicô không những chỉ ra điều phải là học lý chính đáng cho cộng đồng Kitô Giáo, mà ngài còn là một chứng nhân đích danh”, ông nói thế trước khi ca ngợi tông huấn Niềm Vui Tin Mừng của ngài và chuyến ngài viếng thăm Đảo Lampudesa ở Ý.

Nói với Đài Phát Thánh Vatican, sau khi yết kiến Đức Phanxicô, Ông Guterres còn nói tới cuộc viếng thăm Vatican trước đó của ông, lúc ông yết kiến Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Ông cho hay: lúc ấy, hai vị cùng nhất trí về quan điểm đối với người tị nạn.

Về các quan tâm xã hội khác mà Giáo Hội vốn coi là chủ yếu, như việc bảo vệ sự sống các trẻ em chưa sinh, các quan điểm của ông Gueterres cũng đã có từ cuối thập niên 1990.

Phe đối lập tại quốc gia ông tố cáo ông là người chủ chốt trong việc chiến thắng của lá phiếu “không” trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1998 về phá thai, dù ông là đảng viên Đảng Xã Hội. Ông để cuộc đầu phiếu diễn ra, nhưng công khai chống đối phá thai dựa vào các xác tín bản thân của mình.

Khi có cuộc tham khảo ý dân tương tự vào năm 2007, ông giữ im lặng. Phiếu ủng hộ phá thai theo yêu cầu trong 10 tuần đầu của thai kỳ thắng thế, nhưng vô giá trị vì người đi bầu quá ít. Tuy nhiên, một dự luật cho phép việc này cuối cùng cũng được thông qua cùng một năm.

Ông cũng bị các nhóm đồng tính luyến ái và những người cổ vũ hôn nhân đồng tính chỉ trích nặng nề. Năm 1995, Ông Gutterres mô tả đồng tính luyến ái là “một bất ổn tâm thần” và các nhà tranh đấu đồng tính Mỹ đang vận động Tổng Thống Obama phủ quyết việc bổ nhiệm ông làm Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc.

Thực vậy, trong một cuộc phỏng vấn của Đài Truyền Hình SIC, Bồ Đào Nha, ngày 16 tháng Chín, năm 1995, Ông Gutterres công khai tuyên bố rằng “đồng tính luyến ái không phải là một phương diện tôi đặc biệt thích” và nhường câu hỏi cho vợ ông, một nhà phân tâm học, trả lời.

Các người đồng tính hết sức bất mãn cho rằng từ năm 1973, đồng tính luyến ái đã không còn bị Hội Phân Tâm Học Hoa Kỳ coi như một bất ổn tâm thần nữa và do đó, Tổ Chức Y Tế Thế Giới, ngày 17 tháng Năm năm 1990, đã loại đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách các bệnh tâm thần. “Thành thử quả là điều phi lý và vô trách nhiệm khi tránh né câu hỏi bằng cách nhường câu hỏi cho một nhà phân tâm học khi nó không còn là một vấn đề y khoa từ lâu rồi!”. Các người đồng tính nói thế.



Ông rất được Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha ca ngợi vì “cảm thức sâu sắc về nhân tính và đức tin”. Các ngài nhận định rằng “Chúng tôi hy vọng ông có thể đương đầu, bằng can đảm, đối thoại và quyết tâm, với mọi thách đố lớn lao trên nghị trình của thế giới ngày nay, luôn luôn tìm kiếm hòa bình, các giải pháp hoà bình và phát triển các mối liên hệ thân hữu giữa các quốc gia, như đã được quả quyết ở đầu Hiến Chương Liên Hiệp Quốc”.

Tuy là một đảng viên Đảng Xã Hội Bồ Đào Nha, Ông Gutterres, 67 tuổi, vẫn là một người Công Giáo nhiệt thành. Ông là một trong các sáng lập viên của Grupo da Lux (Nhóm Ánh Sáng) do Dòng Phanxicô yểm trợ; nhóm này được thành lập đầu thập niên 1970, lúc ông còn là sinh viên đại học ở Lisbon. Nhóm này làm việc cho người nghèo tại thủ đô Bồ Đào Nha. Trong số các đồng nghiệp của ông thuộc nhóm này, có Marcelo Rebelo de Sousa, hiện là Tổng Thống Bồ Đào Nha.

“Liên Hiệp Quốc hiện nay đang có một cơ hội độc nhất để suy nghĩ lại, để duyệt lại, và để cải tổ việc phục vụ của mình đối với cộng đồng quốc tế”, Rebelo de Sousa nói với các nhà báo như thế, đầu tháng Mười qua, khi đứng chờ phiên nói với Liên Hiệp về người bạn của mình.