Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng sớm ngày thứ Năm 20 tháng 10, quân Kurd và quân Iraq đã đồng loạt mở các cuộc tấn công trên khắp các mặt trận phía Đông, phía Bắc và phía Nam thành phố Mosul. Hàng loạt các thị trấn Kitô Giáo đã được giải phóng khỏi tay quân khủng bố Hồi Giáo IS.
Phóng viên Reuters tường trình từ mặt trận cho biết như sau:
Tại thị trấn Bartella, quê hương của đông đảo các tín hữu Kitô nghi lễ Assyrô, cách Mosul 9km về phiá Đông, quân đội Iraq và quân Kurd đã vấp phải một sự chống cự quyết liệt của bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Đến trưa ngày thứ Sáu 21 tháng 10, thị trấn hoàn toàn im bặt tiếng súng.
Bước vào nhà thờ Thánh Matthêu, ngôi nhà thờ lớn nhất của thị trấn này, trong 2 năm qua đã bị quân khủng bố Hồi Giáo IS biến thành một trại huấn luyện, Thiếu Tướng Maan Saadi đã cho binh sĩ giật chuông liên hồi báo hiệu chiến thắng.
Tiếng súng tiểu liên, súng cối và tiếng rít của bom đạn tại thị trấn Bartella đã được thay thế tạm thời vào trưa ngày thứ Sáu bởi một âm thanh chưa được nghe trong hơn hai năm qua: đó là tiếng ngân vang của chuông nhà thờ.
Tướng Maan Saadi nói trong chương trình truyền hình trực tiếp về Erbil, nơi đông đảo Kitô hữu đang hồi hộp theo dõi chiến dịch giải phóng quê hương họ.
“Chúc mừng anh chị em Kitô hữu. Bartella vừa được giải phóng. Chúng tôi đã kiểm soát hoàn toàn thị trấn này. Anh chị em có thể nghe thấy tiếng chuông nhà thờ đã được ngân vang.”
Bartella từng là quê hương của 30,000 Kitô hữu Assyrô. Thị trấn này đã bị bỏ hoang từ tháng 8 năm 2014, khi người dân cuối cùng bỏ chạy về Erbil.
Khi chiếm được Mosul và vùng phụ cận vào ngày 10 tháng Sáu năm 2014, cái gọi là Nhà nước Hồi giáo, đã ban hành một tối hậu thư cho các Kitô hữu: hoặc là nộp thuế, hoặc là chuyển sang đạo Hồi, hoặc là chết vì gươm. Hầu hết, các cư dân của Bartella, đã bỏ chạy về phía khu vực tự trị của người Kurd.
Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã loại bỏ cây thánh giá trên đỉnh tháp chuông của tất cả các nhà thờ trong vùng, đập phá các tượng ảnh. Các quân nhân trong lữ đoàn Kitô Giáo đã rước một tượng Đức Mẹ vẫn còn nguyên vẹn, được tìm thấy trong nhà dân, vào trong nhà thờ Thánh Matthêu.
Sàn nhà thờ đầy rác rưởi, các ghế dài bằng gỗ bị lật đổ và sách hát bị xé nát.
Trong một nghĩa trang kế bên nhà thờ, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đặt một giàn phóng tên lửa về phía các lực lượng Iraq.
Một tòa nhà chính quyền kế bên nhà thờ cũng bị hư hại một phần, các cửa sổ trống toác, và một số phòng cháy hết.
Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã viết nguệch ngoạc cờ thánh chiến đen của chúng trên một bức tường trước nhà thờ.
Trong một căn phòng khác, có thể là một lớp học giáo lý trước đây, người ta còn thấy những vết tích của một lớp học về việc dùng các loại vũ khí, các chiến thuật quân sự và các bài học về Hồi giáo. Một tấm bảng khác chỉ ra các điểm yếu về thể chất trên cơ thể con người, bắt đầu với đôi mắt và mũi.
Con đường tiến vào Bartella đầy những tàn tích của trận chiến: vỏ đạn, các thiết bị nổ tự chế, các mảnh bom đạn và xe cộ cháy bên đường.
Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tung ra hơn một chục xe bom tự sát nhằm cản đường tiến của quân giải phóng trong buổi sáng ngày thứ Năm, trước khi rút lui vào các tòa nhà để bắn tỉa.
Tướng Maan Saadi nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tại nhà thờ Thánh Matthêu rằng bọn khủng bố Hồi Giáo IS tử thủ trong thị trấn đã bị tiêu diệt hoàn toàn.
Hơn 80 chiến binh thánh chiến đã bị giết chết trong trận chiến. Một số không đếm được bị giết trong các địa đạo đào sâu trong lòng đất.
Tướng Maan Saadi cho biết thêm là các ngôi nhà thờ khác trong vùng bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS chất đầy chất nổ nên không an toàn cho các phóng viên thăm viếng.
Gần đó Qaraqosh, thị trấn Kitô giáo lớn nhất của Iraq, tiếng súng giao tranh vẫn còn ác liệt.
2. Tuyên bố của Tòa Thượng Phụ Babylon về chiến dịch giải phóng Mosul
Hôm 21 tháng 10, Đức Hồng Y Louis Sako, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê, một Giáo Hội hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh đã ra một tuyên bố bảo đảm lời cầu nguyện của ngài cho quân đội Iraq và đồng minh trong chiến dịch giải phóng Mosul. Ngài cũng kêu gọi hòa giải, đoàn kết quốc gia, tránh các hình thức trả thù sau khi tái chiếm được Mosul.
Tòan văn tuyên bố của Đức Thượng Phụ như sau:
Trước hết, chúng tôi xin kính chào quân đội dũng cảm đáng tự hào của Iraq, các lực lượng cảnh sát liên bang, các chiến binh người Kurd, các lực lượng tổng trừ bị và các lực lượng liên quân đang chung vai giải phóng Mosul và các thị trấn trong vùng Nineveh. Chúng tôi khẳng định sự ủng hộ của chúng tôi cho nhiệm vụ cao cả và khó khăn này và bảo đảm lời cầu nguyện hàng ngày của chúng tôi xin Chúa Toàn Năng bảo vệ anh chị em.
Chúng tôi mong mỏi rằng tất cả các khu vực bị chiếm đóng của Iraq sớm được giải phóng một cách nhanh chóng với những thiệt hại tối thiểu về nhân mạng và vật chất. Chúng tôi cầu mong cho việc loại bỏ các loại bom mìn sớm được thực hiện để đẩy nhanh tiến trình tái thiết ngõ hầu cho phép các gia đình di dời có thể trở về cố hương, đặc biệt là trong bối cảnh mùa đông sắp ập đến.
Trong biến cố trọng đại này của quốc gia chúng ta, chúng tôi kêu gọi tất cả những người dân Iraq hãy theo đuổi một lựa chọn khó khăn nhất, đó là một sự hòa giải thực sự cần thiết để duy trì sự hiệp nhất của quê hương chúng ta và bảo vệ cuộc sống của những người dân đã quá kiệt sức bởi cuộc xung đột đang diễn ra. Họ đang mong muốn được đảm bảo quyền công dân đầy đủ, sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ cũng như sự tôn trọng các quyền con người.
Họ mong muốn và chờ đợi một quê hương cho tất cả các công dân thuộc mọi tín ngưỡng, sắc tộc, và một quốc gia ổn định, trong đó các mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, chấp nhận sự khác biệt và thẳng thừng bác bỏ mọi hình thức cuả chủ nghĩa cực đoan.
Xin Chúa ban Hòa bình cho Iraq.
3. Tổng thống Mahmud Abbas của Palestin đóng góp cho việc trùng tu Mộ Chúa
Tổng thống Palestin, ông Mahmud Abbas đóng góp để hỗ trợ việc trùng tu Mộ Chúa trong nhà thờ Mộ Thánh.
Tin tức được các phương tiện truyền thông chính thức của Palestin loan tin bên lề cuộc viếng thăm tổng thống Abbas của các đại diện các Giáo Hội đang điều hành nhà thờ Mộ Thánh. Trong đoàn được Tổng thống tiếp kiến có Đức Thượng phụ Theophilos III của Chính thống Hy lạp ở Giêrusalem, Đức Thượng phụ Nourhan Manougian của Giáo Hội Armeni tông truyền và cha Francesco Patton, dòng Phanxicô coi sóc Thánh địa.
Tổng thống Abbas đã nói khi gặp phái đoàn: “Nhà thờ Mộ Thánh là một biểu tượng quốc gia và tôn giáo đối với dân tộc Palestin. Chúng tôi có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và đóng góp vào việc trùng tu nó. Bởi vậy chúng tôi quyết định đóng góp vào việc trùng tu Mộ Chúa đang được thực hiện.”
Việc trùng tu Mộ Chúa ở nhà thờ Mộ Thánh đã được bắt đầu ngày 8 tháng 5. Dự kiến phí tổn cho việc tu bổ là khoảng 3 triệu mỹ kim, được các Giáo Hội Công Giáo, Chính thống Hy lạp và Armeni tong truyền hỗ trợ.
Hồi tháng 4, vua Abdallah II của Giordani cũng đã đóng góp cho dự án này. Dòng Phanxicô chăm sóc Thánh địa thông báo định kỳ về tiến trình của công việc trên các kênh chính thức của dòng.
4. Tuần Cửu Nhật kính Mẹ Maria cầu cho cuộc bầu cử tổng thống Hoa kỳ
Hội Hiệp sĩ Columbus tổ chức tuần cửu nhật ngày dâng kính Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội, bổn mạng của Hoa kỳ, để cầu nguyện cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Tuần cửu nhật sẽ bắt đầu từ 30/10 cho đến ngày 7/11, ngày trước ngày bầu cử.
Vào năm 1791, Đức Cha John Carroll, Giám mục đầu tiên của Hoa kỳ, đã phó thác giáo phận của ngài - lúc đó cũng là giáo phận duy nhất, bao gồm toàn lãnh thổ Hoa kỳ - cho Đức Maria. Năm 1846, các Giám mục Hoa kỳ đã tuyên bố nhận Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội là quan thầy của Hoa kỳ.
Tuần cầu nguyện 9 ngày xuất phát từ lễ cung hiến đền thánh quốc gia Đức Mẹ Vô nhiễm ở Washington vào năm 1959. Sau đó Đức Hồng Y Patrick O'Boyle, khi ấy là Tổng Giám mục Washington đã phê chuẩn.
Các giáo xứ, các phân bộ của hội Hiệp sĩ Columbus, các gia đình và các cá nhân được mời tham gia làm tuần cửu nhật này. Ông Carl Anderson, chủ tịch điều hành của Hội Hiệp sĩ Columbus cho biết: “Giáo Hội dạy rằng các tín hữu Công Giáo được kêu gọi xây dựng lương tâm của mình dựa trên giáo huấn của Giáo Hội và bỏ phiếu theo lương tâm được huấn luyện tốt đó. Đề cập đến cuộc bầu cử tại Hoa kỳ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói là chúng ta nên ‘nghiên cứu các chương trình (của các ứng cử viên) kỹ càng, cầu nguyện và chọn lựa theo lương tâm’, và tuần cửu nhật này nhắm giúp các tín hữu Công Giáo Hoa kỳ thực hành điều này.
5. Học viện Công Giáo Glynn ở Úc châu
Một học viện Công Giáo mới được thành lập tại đại học Công Giáo Úc, được đặt theo tên của Patrick McMahon Glynn, một trong những người làm hiến pháp Úc.
Học viện mới nhằm giúp cho cộng đoàn Công Giáo của châu lục mới này khả năng phân tích các vấn đề chính sách công cộng và nghiên cứu các đường hướng và triển vọng cho công ích.
Học viện đã được chính thức khánh thành vào ngày 13/10, sẽ là nhóm chuyên viên độc lập và có vai trò hỗ trợ cho các hoạt động mà Giáo Hội Công Giáo thực hiện vì lợi ích của toàn cộng đồng dân Úc.
Học viện đã bắt đầu hoạt động với một khóa nghiên cứu về 4 từ khóa về sự hiện diện của các tín hữu trong đời sống công cộng; đó là sợ hãi và giận dữ, hi vọng và tin tưởng, với mục đích “tái tạo thông điệp đúng đắn” cho công chúng.
Công việc của học viện là đóng góp suy tư sâu sắc về các vấn đề được trình bày trong các cuộc thảo luận chính trị và xã hội công khai: thảo luận các đề tài, các thách đố, các vấn đề quan trọng đối với dân Úc và nước Úc trong tổng thể, ví dụ như vấn đề di dân, sự hiện diện và hòa nhập xã hội của các người tị nạn Syria, vai trò của lương tâm cá nhân trong y khoa, các vấn đề nhân quyền.
6. Thánh tích của cha Pio được đưa đến Úc
Các thánh tích của cha Pio đã đến Úc và được trưng bày cho tín hữu kính viếng tại nhà thờ chánh tòa Đức Maria của tổng giáo phận Perth từ 22 đến 26/10.
Đức ông Michael Keating, cha sở nhà thờ chánh tòa xác nhận là các thánh tích bao gồm một đôi găng tay, tóc, vải được dùng để lau khô máu chảy ra từ cạnh sườn của thánh nhân.
Trong dịp này sẽ có các Thánh lễ chữa lành, nghi thức xức dầu bệnh nhân, canh thức cầu nguyện và chầu Thánh Thể.
Đức ông Keating chia sẻ: “Đây sẽ là một cơ hội rất quan trọng, không chỉ đối với các tín hữu Công Giáo ở Perth, mà với tất cả các tín hữu quan tâm đến cuộc sống của cha Pio. Đối với nhiều người, đây sẽ là cơ hội để trải nghiệm và học hỏi từ đức tin của cha Pio.”
Cha Gioan Maria Di Giorgio dòng Cappuccio sẽ tháp tùng thánh tích. Cha Gioan Maria nguyên là học trò của cha thánh Pio và từ khi là chủng sinh đã được cha Pio đồng hành thiêng liêng. Cha sẽ kể với các tín hữu Úc về đời sống và đức tin của cha Pio.
Cha Pio được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II phong thánh vào năm 2002.
7. Bề trên Tổng quyền Huynh đoàn Piô X gặp Bộ trưởng Bộ Giáo lý Ðức Tin.
Hôm thứ Năm 13 tháng 10 năm 2016, Giám mục Bernard Fellay, Bề trên Tổng quyền Huynh đoàn Thánh Piô X, đã gặp Ðức Hồng Y Gerhard Ludwig Muller, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Ðức Tin lần thứ hai tại Vatican. Trước đó, người lãnh đạo Huynh đoàn cũng gặp Ðức giáo hoàng Phanxicô.
Cuộc gặp gỡ này với vị đứng đầu Bộ Giáo lý Ðức Tin đã được sắp xếp từ lâu, sau cuộc gặp lần đầu vào ngày 23 tháng Chín năm 2014, và “nằm trong khuôn khổ các mối tương quan mà Huynh đoàn Thánh Piô X luôn duy trì với Roma, đặc biệt trong những năm gần đây, như một phần của các cuộc thảo luận về giáo lý đã diễn ra tại các cuộc hội thảo khác nhau, và sẽ còn được tiếp tục trong những tháng tới”, theo thông cáo của Huynh đoàn được đưa ra ngày hôm sau cuộc gặp này. Các cuộc trao đổi diễn ra trong những đỉều kiện không chính thức hơn là những cuộc thảo luận với Vatican.
Tham dự cuộc gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo Huynh đoàn và vị Bộ trưởng Bộ Giáo lý Ðức Tin, về phía Huynh đoàn có cha Alain-Marc Nély, tổng phụ tá thứ hai của Giám mục Fellay; về phía Toà Thánh, có Ðức Tổng Giám mục Luis Ladaria Ferrer, Thư ký Bộ Giáo lý Ðức Tin và Ðức Tổng Giám mục Guido Pozzo, thư ký Uỷ ban Giáo hoàng Ecclesia Dei, đặc trách quan hệ với Huynh đoàn.
Ngay trước cuộc họp, Giám mục Fellay đã đến chào Ðức Thánh Cha Phanxicô tại Nhà Santa Marta.
Hồi tháng Tư năm 2016, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến nhà lãnh đạo Huynh đoàn trong một cuộc gặp “riêng và không chính thức”. Nhưng vào tháng Sáu năm 2016, Giám mục Fellay đã ra tuyên bố nói rằng Huynh đoàn Thánh Piô X “không tìm kiếm sự công nhận của Roma về mặt giáo luật với bất cứ giá nào”, dẫu rằng Vatican và Huynh đoàn vẫn đang thảo luận. Giám mục Fellay cũng cáo buộc Ðức giáo hoàng Phanxicô khuyến khích “những sai lầm” trong Giáo Hội. Các nhà quan sát xem tuyên bố này như một cánh cửa mà Nhóm bảo thủ Lefèbvre đã đóng lại.
8. Tòa thánh tái tục các cuộc thảo luận với Đại học Azhar Al Ai Cập
Tòa thánh Vatican đã công bố việc tái tục các cuộc đối thoại chính thức với Đại học Al Azhar Ai Cập, là học viện thần học hàng đầu thế giới của Hồi giáo Sunni.
Một phái đoàn các quan chức Vatican do Đức Giám Mục Miguel Ayuso Guixot, thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn đến Cairo hôm 22 tháng 10, một ngày trước cuộc họp diễn ra ngày 23 tháng 10 với các viên chức của Al Azhar. Trong cuộc hội thoại này hai bên sẽ chuẩn bị cho một cuộc họp tiếp theo tại Rôma. Vatican công bố rắng hội nghị tại Rôma “rất có thể sẽ diễn ra vào cuối tháng Tư năm 2017,”.
Al Azhar đã tham gia vào cuộc đối thoại thường xuyên với Tòa Thánh cho đến năm 2011, khi các giáo sĩ Ai Cập phản đối nhận xét của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 lên án sự đàn áp các Kitô hữu tại Cairo. Kế hoạch tiếp tục trao đổi thường xuyên đã được công bố vào đầu năm nay, và cuộc thảo luận không chính thức vào tháng Bảy đã mở đường cho việc công bố hôm 21 Tháng Mười rằng các quan chức sẽ nối lại các cuộc đàm phán.
9. Nghị viện Anh thảo luận dự luật cấm phá thai trẻ khuyết tật
Hôm 21 tháng 10, nghị viện Anh đã thảo luận về dự luật cấm phá thai vì thai nhi được chẩn đoán là khuyết tật.
Dự luật cám phá thai trẻ khuyết tật, được giới thiệu bởi Lord Shinkwin, sẽ loại bỏ một quy định của pháp luật hiện hành cho phép phá thai hợp pháp trong suốt thời gian mang thai nếu thai nhi được tìm thấy là bị khuyết tật.
Lord Shinkwin lập luận rằng đây là một ví dụ rõ ràng về việc phân biệt đối xử với người khuyết tật.
Ông lý luận rằng:
“Nếu chúng ta tin vào sự bình đẳng, chúng ta không thể giết một thai nhi vì đứa bé bị khuyết tật” .
10. Đức Hồng Y tân cử Venezuela bày tỏ lo ngại về tình hình chính trị xã hội tại quốc gia này
Các nhà lãnh đạo Giáo Hội ở cả Rôma và Venezuela đã bày tỏ những lo ngại sâu sắc về tình trạng bế tắc trong cố gắng tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở nước Nam Mỹ này. Vị Đức Hồng Y tân cử của Venezuela đã cho biết như trên.
Đức Tổng Giám mục Baltazar Porras Cardozo của Merida nói:
“Chưa có triều đại giáo hoàng nào phải quan tâm nhiều đến tình trạng Venezuela như triều đại của Đức Phanxicô. Đó cũng là triều đại hiểu biết sâu sắc nhất về đất nước này”.
Đức Tân Hồng Y rằng các nhà lãnh đạo Giáo Hội đang làm việc khẩn trương để khuyến khích đối thoại giữa chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro và phe đối lập. Cho đến nay, không có cuộc đàm phán đã diễn ra. “Đó là một chặng đường dài cam go, và đầy khó khăn. Nhưng chúng ta bắt buộc phải vượt qua được”.
Phe đối lập Venezuela đòi hỏi phải có một cuộc tổng tuyển cử quốc gia để có thể lật đổ chính phủ Maduro. Trong khi đó, chính phủ cho biết sẽ không có đầu phiếu như vậy trong năm nay.
11. Các Giám Mục Âu Châu bàn về việc chăm sóc mục vụ cho những người tị nạn
Năm mươi Giám Mục Công Giáo nghi lễ Đông phương tại Âu châu đã tụ tập tại Fatima cùng với các Giám Mục nghi lễ La Tinh hôm 20 Tháng 10 để thảo luận về việc chăm sóc mục vụ cho những người di cư Công Giáo Đông phương tại châu Âu.
Đức Thượng Phụ Gregorios Laham Đệ Tam của Công Giáo nghi lễ Melkite đã nói về những khổ đau ở Syria, trong khi Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk của Ukraine kêu gọi mối quan tâm quốc tế cho cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.
Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Hội Đông Phương, nhân dịp này đã lên tiếng phàn nàn về “hình thức tinh giản” đang được nhiều giáo phận áp dụng, chẳng hạn như cố gắng để cung cấp chăm sóc mục vụ cho người di cư Công Giáo Đông phương thông qua các Thánh Lễ nghi thức Latinh bằng tiếng Ả Rập.
12. Hồi giáo tổ chức cầu kinh ngày thứ Sáu tại hí trường Côlôsêô ở Rôma
Hàng trăm người Hồi giáo đã tổ chức cầu kinh ngày thứ Sáu tại hí trường Côlôsêô ở Rôma, nơi vẫn thường diễn ra các buổi đi đàng Thánh Giá ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Những hình ảnh này gây sốc cho nhiều người Ý.
Một chính gia Ý là ông Barbara Saltamartini gọi cuộc cầu kinh tại Côlôsêô hôm thứ Sáu “một sự khiêu khích không thể chấp nhận được”
Buổi cầu kinh tại hí trường Côlôsêô là một phần trong một chiến dịch phản đối những gì người Hồi Giáo tại Ý gọi là phân biệt đối xử về quyền tự do hành đạo của họ tại Ý sau khi chính phủ đóng cửa năm “đền thờ Hồi giáo” xây cất trái phép trên đất Ý.
Cảnh sát xác nhận việc đóng cửa một số nơi cầu nguyện của Hồi Giáo. Trong một tuyên bố, cảnh sát Ý cho biết các cơ quan đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng nhưng trong một khuôn khổ pháp lý. Các đền thờ này được cải biến từ các giấy phép xin cất nhà ở. Sau khi hàng xóm khiếu nại vì tụ tập đông người, cảnh sát đã cấm không cho các “đền thờ’ này được tiếp tục hoạt động.
Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano nói “đền thờ Hồi giáo nhỏ hẹp trong phạm vi nhà để xe” là không thể chấp nhận được vì lý do an toàn.
Theo số liệu chính thức, có hơn 800,000 người Hồi giáo sinh sống ở Ý một cách hợp pháp, và các quan chức ước tính thêm 800,000 sống ở đó vĩnh viễn mà không có giấy tờ chính thức. Ý, do đó, là quốc gia có đông người Hồi Giáo nhất Âu Châu. Như thế, cộng đồng người Hồi giáo chiếm hơn 1.5 phần trăm dân số và Hồi Giáo là tôn giáo thứ hai có đông tín hữu chỉ sau Công Giáo.
Bên cạnh đó, đền thờ Hồi Giáo tại Rôma, thủ đô của Giáo Hội Công Giáo, được coi là đền thờ Hồi giáo lớn nhất trong thế giới phương Tây.
13. Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị quốc tế về ơn gọi
Đức Thánh Cha cổ võ học lối sống của Chúa Giêsu trong việc mục vụ ơn gọi: ra ngoài, nhìn xem và kêu gọi.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 21-10, dành cho 255 tham dự viên Hội nghị quốc tế về mục vụ ơn gọi do Bộ giáo sĩ tổ chức với chủ đề: “Chúa xót thương và kêu gọi Ông”, một câu nói của thánh Beda về việc Chúa Giêsu gọi Mathêu người thu thế trở thành môn đệ của Ngài, và Đức Thánh Cha cũng đã chọn câu này làm khẩu hiệu Giám Mục và Giáo Hoàng của ngài.
Trong bài huấn dụ, ngài nói:
“Mục vụ ơn gọi là học lối sống của Chúa Giêsu, Người tiến qua các nơi sinh hoạt của đời sống thường nhật, dừng lại không chút vội vã, và nhìn các anh em với lòng thương xót, dẫn đưa họ đến gặp gỡ Chúa Cha”.
Từ ý tưởng tổng quát trên đây, Đức Thánh Cha rút ra những bài học cho việc mục vụ ơn gọi.
- Trước tiên việc mục vụ này cần một Giáo Hội chuyển động, có khả năng mở rộng biên cương, không đo lường theo sự tính toán chật hẹp của con người hoặc sợ lầm lẫn, nhưng theo trương độ rộng lớn của con tim từ bi của Thiên Chúa. Không thể có một sự gieo vãi ơn gọi phong phú nếu chúng ta chỉ tiếp tục khép kín trong “tiêu chuẩn mục vụ ung dung 'từ trước đến nay người ta vẫn luôn làm như thế', để rồi không táo bạo và có sáng kiến trong công tác này, xét lại các mục tiêu, cơ cấu, lề lối và phương pháp truyền giáo của cộng đoàn liên hệ”.
Trong chiều hướng này, Đức Thánh Cha đặc biệt nhắn nhủ các Giám Mục và linh mục đừng ủy thác việc mục vụ cho một văn phòng bàn giấy, nhưng hãy đi ra ngoài, lắng nghe người trẻ, giúp họ phân định và hướng dẫn bước đường của họ. Đức Thánh Cha nói: “Thật là buồn khi một linh mục chỉ sống cho mình, khép kín trong pháo đài an ninh của nhà xứ, nhà thánh, hoặc trong nhóm chật hẹp của những người rất thân tín”. Trái lại chúng ta được kêu gọi trở thành những mục tử ở giữa dân, có khả năng linh hoạt một nền mục vụ gặp gỡ và dành thời gian để đón tiếp, lắng nghe mọi người, nhất là những người trẻ.
- Đức Thánh Cha nhắc nhở cho các vị hữu trách mục vụ ơn gọi đừng hoạt động vội vã, như thể không có thời giờ, nhưng hãy có khả năng dừng lại và đọc trong chiều sâu, đi vào cuộc sống của người khác, nhưng không bao giờ làm cho họ cảm thấy vị đe dọa hoặc bị phán đoán.
- Sau cùng, là kêu gọi, như Chúa Giêsu đã kêu gọi ông Mathêu người thu thuế xưa kia: Hãy theo tôi! “Ước muốn của Chúa Giêsu là đặt con người lên đường, lôi kéo họ ra khỏi tình trạng ngồi lỳ tai hại, phá vỡ ảo tưởng cho rằng ta có thể sống thoải mái bằng cách ngồi giữa những an ninh của mình”.
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Tôi biết rõ công việc mục vụ của anh chị em không phải là một công tác dễ dàng, và đôi khi mặc dù dấn thân quảng đại, nhưng kết quả có thể là ít ỏi và chúng ta có nguy cơ thất vọng, nản chị. Nhưng nếu chúng ta không khép mình trong sự than vãn, trái lại tiếp tục đi ra ngoài loan báo Tin Mừng, thì Chúa ở cạnh chúng ta và ban cho chúng ta can đảm thả lưới cả khi chúng ta mệt mỏi và thất vọng vì không đánh được con cá nào”.
14. Đức Thánh Cha tiếp dòng Thánh Augustino Nhặt Phép
Đức Thánh Cha khuyến khích các tu sĩ dòng thánh Augustino Nhặt Phép luôn đặt Chúa Giêsu ở trung tâm cuộc sống để có thể đương đầu với các thách đố ngày nay.
Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 20-10-2016, dành cho 60 tham dự viên tổng tu nghị dòng Thánh Augustino Nhặt phép (O.A.R). Dòng này bắt đầu hồi năm 1588 từ cuộc cải tổ dòng các ẩn sĩ thánh Augustino ở Tây Ban Nha, rồi trở thành một hội dòng (congregazione) tự trị hồi năm 1621, sau đó thành một dòng (ordine) độc lập năm 1921. Theo niên giám năm 2016 của Tòa Thánh, dòng có 1,105 tu sĩ hoạt động tại 183 nhà trên thế giới.
Tổng tu nghị hiện nay của dòng có chủ đề là câu của thánh Augustinô trong cuốn “Tự Thú”: “Toàn thể niềm hy vọng của chúng con ở nơi lòng thương xót bao la của Chúa. Xin ban cho chúng con điều Chúa truyền và xin truyền cho chúng con điều Chúa muốn” (Confesiones, 10,29,40).
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã diễn giải ý nghĩa chủ đề này và ngài đặc biệt nhấn mạnh rằng “Khi Chúa ở trung tâm đời sống chúng ta, thì tất cả đều có thể: bất kể thất bại hay tai ương nào khác, vì Chúa là Đấng ở trung tâm, và chính Ngài hướng dẫn chúng ta. Trong thời điểm đặc biệt này, Chúa muốn chúng ta trở thành “những người kiến tạo tình hiệp thông”. Qua sự hiện diện của chúng ta giữa lòng thế giơi, chúng ta được kêu gọi kiến tạo một xã hội có khả năng nhìn nhận phẩm giá của mỗi người và chia sẻ hồng ân cho nhau. Qua chứng tá cộng đoàn sinh động của chúng ta và cởi mở đối với điều Chúa truyền cho chúng ta, qua sự thúc đẩy của Chúa Thánh Linh, chúng ta có thể đáp ứng những nhu cầu của mỗi người với cùng một lòng yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta”.
Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng “Bao nhiêu người đang chờ đợi chúng ta ra đi gặp gỡ họ và chúng ta nhìn họ vời cùng một sự dịu dàng mà chúng ta đã cảm nghiệm và nhận lãnh từ tương quan của chúng ta với Thiên Chúa”.
15. Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn người cao niên
Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của những người cao niên trong đời sống Giáo Hội, xã hội và ngài chống lại nền văn hóa gạt bỏ, loại người già ra ngoài lề xa hội.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 15-10, dành cho 7 ngàn người cao niên về Roma tham dự Ngày Năm Thánh Lòng Thương Xót, với sự giúp đỡ của Hiệp hội toàn quốc Italia các công nhân cao niên.
Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nói:
“Giáo Hội nhìn những người cao niên với lòng yêu mến, biết ơn và rất quí chuộng. Họ là thành phần thiết yếu của cộng đoàn Kitô và xã hội, đặc biệt họ tượng trưng những căn cội và ký ức của một dân tộc”.
Đức Thánh Cha đề cao kinh nghiệm của người cao niên như một kho tàng quí giá, không thể thiếu được để nhìn về tương lai trong niềm hy vọng và trách nhiệm. Ngài cũng nhắc đến sự kiện nhiều người cao tuổi quảng đại dùng thời giờ và tài năng Chúa ban để giúp đỡ và hỗ trợ những người khác: bao nhiêu người cao niên phục vụ ở các giáo xứ, người thì giữ cho Nhà Chúa được khang trang xứng đáng, người khác dạy giáo lý, linh hoạt phụng vụ, chứng nhân về đức bác ái. Trong gia đình, bao nhiêu ông bà chăm sóc các cháu, thông truyền cho các cháu những giá trị tinh thần và văn hóa của một cộng đoàn và một dân tộc. Ngoài ra, tại những nước bị bách hại, chính các ông bà thông truyền đức tin cho các thế hệ trẻ, dẫn đưa các trẻ em lãnh nhận bí tích rửa tội trong bối cảnh âm thầm, bí mật”.
Đức Thánh Cha không quên nhắc đến những người cao tuổi đang ở trong tình trạng bệnh tật, khó đi lại và cần được giúp đỡ. Ngài nói: “Ngày nay tôi cảm tạ Chúa vì những người và các cơ cấu đang tận tụy phục vụ những người gia, giúp họ sống trong một bối cảnh thực sự nhân bản, trong đó mỗi người có thể sống xứng đáng giai đoạn quan trọng này của đời người”.
Đức Thánh Cha hy vọng các tổ chức và các thực tại xã hội có thể làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ người cao tuổi biểu lộ tốt đẹp hơn khả năng của họ, tạo điều kiện để phẩm giá của họ được tôn trọng và đề cao giá trị. Ngài nói:
“Để được như thế, cần chống nạn nền văn hóa tệ hại, văn hóa gạt bỏ, đẩy người già ra ngoài lề vì cho rằng họ không còn sản xuất được nữa. Các vị hữu trách công quyền, các thực tại văn hóa, giáo dục và tôn giáo và tất cả những người thiện chí được kêu gọi dấn thân xây dựng một xã hội ngày càng đón nhận và bao gồm hơn. Một điều quan trọng nữa, đó là tạo điều kiện cho những tương quan giữa các thế hệ khác nhau. Tương lai của một dân tộc đòi phải có sự gặp gỡ giữa người trẻ và người già: người trẻ là sức sinh động của một dân tộc đang tiến bước và người già củng cố sức sinh động ấy bằng ký ức và sự khôn ngoan.
Trước khi Đức Thánh Cha tiến vào Đại thính đường Phaolô 6 ở nội thành Vatican, các tham dự viên đã sinh hoạt, nghe chứng từ và phần âm nhạc. Đặc biệt có bà cụ Maria Bernacchi, 104 tuổi, được một người trợ giúp và một người bạn đồng hành. Bà Maria được mãn nguyện vì được gặp Đức Thánh Cha. Bà đã được các em bé tặng hoa trong buổi tiếp kiến.