Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Để có thể phục vụ Thiên Chúa cách tốt đẹp, chúng ta phải làm ngược lại những gì gian manh và không tìm kiếm quyền lực. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 8 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta. Đức Thánh Cha cũng nhắc rằng chúng ta không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi thế gian.
“Chúng tôi chỉ là những đầy tớ vô dụng” là điều mà những môn đệ đích thực của Chúa có thể lặp lại nơi chính bản thân mình.
Có biết bao vật cản, có biết bao chướng ngại làm chúng ta không phục vụ Chúa cách tự do. Đã bao nhiêu lần có lẽ chúng ta nhìn thấy trong nhà của chúng ta những điều như: Đây là việc thuộc quyền tôi phụ trách! Đã bao nhiêu lần, dù không nói ra, nhưng chúng ta làm cho người khác cảm thấy rằng: Tôi phụ trách việc này! Một tham vọng về quyền bính… Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: chỉ có một người chỉ đạo, còn chúng ta cần trở thành người phục vụ. Hoặc có lần Chúa nói: nếu ai muốn làm đầu thì hãy làm người rốt hết để phục vụ mọi người. Chúa Giêsu đã biến đổi những giá trị trong xã hội và thế giới này. Ham muốn quyền lực không phải là cách để trở thành người phục vụ của Chúa. Thực tế, tham vọng quyền lực là một trong những trở ngại. Chúng ta hãy cầu nguyện để Chúa loại bỏ tham vọng này khỏi chúng ta.
Chúa đã nói với chúng ta rằng, không đầy tớ nào lại có hai chủ. Không thể vừa có chủ là Thiên Chúa vừa có chủ là tiền bạc. Làm như thế là bất trung. Đây chính là trở ngại. Đúng chúng ta là tội nhân và chúng ta sám hối về điều này. Nhưng có công bằng không, khi chơi trò nước đôi, khi sống kiểu hai mặt? Có thể vừa đi bên phải vừa bước bên trái, vừa chơi với Thiên Chúa vừa chơi với thế gian? Không. Đây là trở ngại. Khi tham quyền thì sẽ gây ra bất công, sẽ không còn tự do để phục vụ Thiên Chúa.
Những chướng ngại này, tham vọng quyền lực và sự bất trung, lấy bình an khỏi trái tim chúng ta, làm chúng ta bất an, đưa chúng ta vào căng thẳng của thế gian hư ảo, làm chúng ta sống với những giả dối phô trương.
Có nhiều người sống chỉ để phô trương vì họ nói “À, thế này là tốt thế kia là…” để nổi tiếng. Danh tiếng của thế gian. Nếu thế chúng ta không thể phục vụ Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa để Ngài loại khỏi chúng ta những ngăn trở này, để chúng ta bình an trong cả thể xác lẫn tinh thần, để chúng ta có thể tự do mà làm việc phục vụ.
Người phục vụ của Thiên Chúa thì tự do, vì chúng ta là con cái chứ không phải là nô lệ. Khi chúng ta phục vụ Chúa trong tự do, chúng ta sẽ cảm thấy bình an thẳm sâu trong tâm hồn, và chúng ta nghe được tiếng nói của Chúa: “Hãy đến đây, hỡi những người đầy tớ tốt lành và trung tín.” Tất cả chúng ta đều muốn phục vụ Chúa trong tốt lành và chân thật, nhưng chúng ta cần ân sủng của Chúa, tự sức mình chúng ta không thể. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng ấy, để chúng ta có trái tim hòa bình và phục vụ trong tự do của con cái Thiên Chúa.
Tự do để phục vụ. Chúng ta chỉ là những tôi tớ vô dụng. Nguyện xin Chúa mở rộng cõi lòng chúng ta và ban Chúa Thánh Thần để Ngài giải thoát tâm hồn chúng ta khỏi tham vọng quyền lực, khỏi kiểu bất trung sống hai mặt, để chúng ta có thể phục vụ Chúa và phục vụ anh chị em đồng loại. Với tâm hồn hòa bình, chúng ta mang đến sự phục vụ của những người con tự do, với rất nhiều tình yêu mến. Lạy Thiên Chúa là Cha, con tạ ơn Cha, nhưng Cha biết đấy: con chỉ là đầy tớ vô dụng.
2. Câu chuyện Nồi Cháo Tuyệt Vời
Một hôm, có một người lạ mặt đến gõ cửa nhà của một bà góa nghèo để xin ăn. Nhưng người đàn bà cho biết trong nhà bà không còn gì để ăn cả. Người lạ mặt mới nói: “Bà đừng lo, tôi có mang theo một hòn đá có thể biến nước thành một thứ cháo tuyệt vời nhất trần gian. Nhưng trước tiên bà hãy cho tôi mượn một cái nồi lớn”.
Thấy người lạ mặt đề nghị một cách nghiêm chỉnh, cho nên người đàn bà mới cho nước vào cái nồi lớn nhất và đặt lên bếp. Khi nước vừa sôi, thì người đàn bà chạy đến các nhà láng giềng để mời sang chứng kiến điều lạ lùng sắp xảy ra. Trước đôi mắt mở to của mọi người, người khách lạ mới cho viên đá vào nồi, rồi dùng muỗng lấy nước đưa lên miệng nếm, ông vừa hít hà: “Thật là tuyệt diệu! Nhưng giá có thêm một ít khoai thì tốt hơn”. Nghe thế, một người đàn bà có mặt bèn sốt sắng đề nghị: “Trong bếp tôi còn một ít khoai”. Nói xong, bà đon đả chạy về nhà mang khoai sang. Người khách lạ cho những miếng khoai tây được thái nhỏ vào trong nồi. Một lát sau, ông nếm thử và nói: “Tuyệt! Nhưng giá có thêm chút thịt thì chắc chắn phải ngon hơn”.
Nghe thế , một người đàn bà khác chạy về mang thịt đến. Người lạ mặt cũng cho thịt vào nồi, đảo lên trộn xuống một hồi rồi nếm thử và nói: “Bây giờ thì quý vị thưởng thức nồi cháo của tôi, nhưng nếu có thêm một chút rau cỏ cho vào thì là hoàn hảo”. Dĩ nhiên, ai cũng muốn nếm thử nồi cháo, cho nên ai cũng hăm hở đi tìm rau. Có người mang đến nguyên một giỏ củ cà rốt và hành. Người lạ mặt cho các thứ rau vào nồi rồi ra lệnh cho người đàn bà chủ nhà: “Bây giờ tôi cần một ít muối và tiêu nữa là có được một nồi cháo ngon nhất trần gian”. Khi nồi cháo đã sẵn sàng, ông hối thúc mọi người đi tìm chén bát đến. Có người mang cả bánh mì và trái cây.
Mọi người vui vẻ ngồi vào một bàn tiệc bất ngờ. Trong khi mọi người nói cười rộn rã, thì người khách lạ lẻn đi. Ông vẫn để lại hòn đá mà mỗi khi cần đến, những người hàng xóm có thể sử dụng để cùng nấu chung với nhau một nồi cháo ngon nhất thế giới.
Một hòn đá, cộng với một ít thực liệu và gia vị sẽ tạo nên một nồi cháo ngon nhất trần gian: đó là hình ảnh của sự đóng góp vào phép lạ mà Thiên Chúa không ngừng thực thi cho con người.
Trong Tân Ước, chúng ta có câu chuyện Chúa Giêsu đã nhân bánh và cá cho hơn năm ngàn người ăn từ năm chiếc bánh và hai con cá của một cậu bé... Cũng thế, trong Cựu Ước, chúng ta có câu chuyện bà góa thành Sarepta đã dâng cúng một ít bột mì cho tiên tri Êlia để từ đó được lương thực hằng ngày trong suốt mùa hạn hán.
Với một chút đóng góp từ lòng quảng đại của con người, Thiên Chúa có thể làm những phép lạ cả thể. Tất cả những công trình bác ái và giáo dục trong Giáo Hội đều bắt nguồn một cách khiêm tốn: Chúng ta hãy nhìn vào công trình của Mẹ Têrêxa thành Calcutta, của cha Pierre, sáng lập cộng đồng Emmaus, của cha Van Straatten, sáng lập Hội trợ giúp các Giáo Hội đau khổ: một căn nhà nhỏ, một miếng thịt mỡ, một công việc vô danh... Phép lạ của Thiên Chúa thường bắt đầu bằng những đóng góp nhỏ và âm thầm của con người.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Thiên Chúa luôn ban cho mỗi người chúng ta cơ may để đón nhận phép lạ của Ngài. Ngài chỉ cần một chút lòng quảng đại của cúng ta. Nếu chúng ta sẵn sàng dâng tặng cho Ngài một chút những gì chúng ta có thì có biết bao nhiêu người chung quanh sẽ được chung hưởng phép lạ của Thiên Chúa.
3. Tình yêu của người Kitô hữu phải cụ thể chứ không trừu tượng
Tình yêu của người Kitô hữu phải là rất cụ thể, chứ không phải là loại tình yêu “hời hợt” trong kịch nghệ, vì tình yêu Kitô bắt nguồn từ Ngôi Lời Nhập Thể. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 11 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta khi nói về tình yêu giữa Đấng là mục tử và hiền thê của Người là Giáo Hội, dựa trên bài đọc trích từ thư thứ hai của thánh Gioan Tông Đồ.
Trước tiên, hãy nhớ rằng, điều răn chúng ta đã lãnh nhận là “bước đi trong tình yêu”. Nhưng là loại tình yêu nào? Vì ngày nay, từ ngữ “tình yêu” được sử dụng cho nhiều điều. Người ta nói về tình yêu lãng mạn trong tiểu thuyết hoặc trong vở kịch hoặc nói về những tình yêu kiểu lý thuyết.
Tiêu chuẩn của tình yêu Kitô giáo là gì? Là Ngôi Lời Nhập Thể. Những ai phủ nhận điều này, những ai không biết điều này, thì là “phản Kitô”. Một tình yêu mà không nhận ra rằng, Chúa Giêsu đã đến trong xác phàm, thì không phải là tình yêu mà Thiên Chúa ban cho ta. Nếu thế, tình yêu ấy là tình yêu kiểu thế gian, kiểu triết học, kiểu tình yêu trừu tượng, tình yêu mềm yếu. Còn tình yêu Kitô, là loại tình yêu có chuẩn mực là Ngôi Lời Nhập Thể. Nếu ai đó nói tình yêu Kitô theo nghĩa khác, thì là phản Kitô. Vì khi ấy người ta không nhận ra rằng, Ngôi Lời đã trở nên người phàm. Sự thật đối với chúng ta là: Thiên Chúa sai Con của Ngài đến và làm người sống giữa chúng ta. Yêu như Chúa Cha yêu Chúa Giêsu, yêu như Chúa Giêsu dạy, yêu như Chúa Giêsu yêu. Yêu là đi trên con đường của Giêsu. Con đường Giêsu là đường ban sự sống.
Cách duy nhất để yêu thương như Chúa Giêsu yêu, là không ngừng ra khỏi sự ích kỷ của mình và đi đến phục vụ tha nhân. Có điều này, bởi vì tình yêu Kitô là một tình yêu cụ thể, bởi vì Thiên Chúa hiện diện hữu hình và cụ thể nơi Chúa Giêsu Kitô.
Có những người đã đi ra ngoài học thuyết về nhập thể. Khi làm như thế, họ không còn ở trong giáo huấn của Chúa Kitô nữa, của Thiên Chúa nữa. Giáo Hội là thân mình Chúa Kitô. Khi đi ra ngoài Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, đi ra ngoài Mầu nhiệm Hội Thánh, người ta đi tới những ý thức hệ. Những ý thức hệ này gây hại cho Giáo Hội. Có những kiểu nói như: “Vâng, tôi là người Công Giáo, tôi yêu thế giới với tình yêu phổ quát đại đồng”… Nói như thế có vẻ quá là thanh cao. Tình yêu thì luôn phát sinh từ nội tâm và rất cụ thể. Tình yêu ấy không bên ngoài giáo huấn của Ngôi Lời Nhập Thể.
Có những người không muốn yêu như Chúa Kitô yêu hiền thê của Người là Giáo Hội. Chúa Kitô yêu Hội Thánh là thân mình Người, và trao tặng mạng sống. Những người không yêu như Chúa Kitô yêu, thì họ yêu theo kiểu ý thức hệ. Và khi ấy họ loại bỏ thân mình của Chúa Kitô. Khi ấy có thể họ hủy hoại cộng đồng và phá hoại Giáo Hội.
Nếu chúng ta bắt đầu lý thuyết hóa tình yêu, thì chúng ta bắt đầu làm biến dạng những gì Thiên Chúa muốn nơi Ngôi Lời Nhập Thể. Khi ấy chúng ta đến với một Thiên Chúa mà không có Chúa Kitô, đến với một Chúa Kitô mà không có Giáo Hội, đến với một Giáo Hội mà không có con người. Đó là tiến trình hủy hoại Hội Thánh.
Chúng ta cùng cầu xin Chúa để chúng ta đừng bao giờ bước đi trong loại tình yêu như thế, những thứ tình yêu trừu tượng. Nhưng xin cho chúng ta ở trong tình yêu chân thực. Tình yêu với những hành động xót thương, chúng ta chạm tới da thịt của Chúa Kitô, của Chúa Kitô là Ngôi Lời Nhập Thể. Tại sao thánh Lôrenzô Phó tế nói: “Người nghèo là tài sản của Giáo Hội!”? Tại vì? Vì họ là thân mình đau khổ của Chúa Kitô!
4. Giữ vững niềm hy vọng
Chúng ta phải vượt qua cám dỗ về một thứ tôn giáo theo kiểu biểu diễn luôn tiết lộ những điều mới lạ. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 10 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta. Ngài nói: Nước Thiên Chúa sẽ lớn mạnh nếu chúng ta biết giữ vững niềm hy vọng trong từng ngày sống.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trả lời cho những người Pharisêu khi họ hiếu kỳ hỏi: Khi nào Nước Thiên Chúa đến? Chúa Giêsu nói: Nước Thiên Chúa đã đến và ở giữa chúng ta. Nước Trời tựa như hạt giống nhỏ bé được gieo xuống và lớn lên theo thời gian. Chính Thiên Chúa làm cho hạt giống ấy phát triển, nhưng không gây sự chú ý.
Nước Thiên Chúa không phải là thứ tôn giáo theo kiểu những cuộc biểu diễn luôn tiết lộ cái gì đó mới lạ hoặc săn tin này nọ… Thiên Chúa đã nói nơi Chúa Giêsu: Chúa Giêsu là Lời của Thiên Chúa. Có những lời khác, ba hoa theo kiểu pháo bông, chỉ lóe sáng một lát, rồi sau đó còn lại gì? Ngay lập tức chẳng còn gì cả. Chẳng có sức sống, chẳng có sức tăng trưởng, không còn ánh sáng. Thế mà nhiều lần chúng ta bị cám dỗ bởi thứ tôn giáo theo kiểu này, để tìm những gì bên ngoài mặc khải. Không phải là niềm hy vọng, khi chúng ta muốn sở hữu cái gì đó trong tầm tay.
Ơn cứu độ của chúng ta mang lại cho chúng ta niềm hy vọng, niềm hy vọng mà người gieo hạt giống và người làm bánh mong chờ: mong cho hạt giống nảy mầm, mong cho bột dậy men. Còn ánh sáng nhân tạo của pháo hoa, nó chỉ lóe lên được giây lát rồi vụt tắt. Thứ ánh sáng này không dùng để thắp sáng cho ngôi nhà, mà chỉ là để biểu diễn.
Kiên trung và bền chí. Kiên vững trong hành động, trong đau khổ… Kiên nhẫn như người gieo hạt đợi hạt giống nảy mầm, và biết bảo vệ hạt giống khỏi cỏ dại, để hạt giống có thể phát triển. Hy vọng sức sống nảy sinh. Đây là câu hỏi dành cho chúng ta hôm nay: Nếu Nước Thiên Chúa ở giữa chúng ta, ở trong chúng ta, nếu chúng ta có hạt giống ngay trong lòng mình, chúng ta có Chúa Thánh Thần trong mình, thì chúng ta có gìn giữ hay không? Làm thế nào để phân biệt thóc mẩy và vỏ trấu? Nước Thiên Chúa đang phát triển, và chúng ta làm gì? Giữ vững. Lớn mạnh trong hy vọng. Giữ vững niềm hy vọng. Niềm hy vọng là chủ đề xuyên suốt của lịch sử cứu độ. Đó là hy vọng được gặp gỡ Thiên Chúa.
Chúng ta tự hỏi: Tôi có hy vọng không? Hoặc câu hỏi gần gũi hơn, là tôi có biết phân biệt tốt xấu không, có phân biệt được hạt thóc với vỏ trấu, có phân biệt được ánh sáng dịu hiền của Chúa Thánh Thần với ánh sáng nhân tạo giả dối không? Chúng ta cần hỏi chính mình về niềm hy vọng của chúng ta, về hạt giống trong chúng ta, và làm thế nào để duy trì niềm hy vọng này. Nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta, nhưng chúng ta cần làm việc và nghỉ ngơi, sáng suốt và kiên nhẫn, để hạt giống niềm hy vọng của Nước Trời có thể mọc lên, phát triển và sẽ đến lúc mọi sự được biến đổi. Sẽ tới thời tất cả được biến đổi với Người và trong Người.