Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sau khi cử hành sốt sắng Năm Thánh, chương trình Thế Giới Nhìn Từ Vatican tuần này xin kính mời quý vị và anh chị em ôn lại những diễn biến chính trong Năm Thánh Lòng Thương Xót vừa được kết thúc, với một cảm thức biết ơn và tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh đã ban cho chúng ta một thời gian ngoại thường của ân sủng.
1. Công bố Năm Thánh Lòng Thương Xót
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Năm Thánh Ngoại Thường Lòng Thương Xót được tổ chức từ ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 08 tháng 12 năm ngoái 2015, đến Lễ Chúa Kitô Vua 20 tháng 11 năm nay 2016.
Đây là năm thánh thứ 27 trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo. Ngày khai mạc năm thánh này cũng là ngày kỷ niệm lần thứ năm mươi thánh lễ bế mạc Công đồng chung Vatican II.
Năm Thánh là khoảng thời gian trong đó Giáo Hội nhiệt thành cầu nguyện để canh tân và đón nhận ơn thánh Chúa. Như được gợi ý từ tên gọi, Năm Thánh Lòng Thương Xót tập trung vào sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Đây là một Năm Thánh Ngoại Thường bởi vì năm thánh này không theo chu kỳ được ấn định trước là mỗi 25 năm một lần. Năm Thánh bình thường gần nhất là Đại Năm Thánh 2000. Như thế, theo chu kỳ, Năm Thánh bình thường sẽ diễn ra vào năm 2025.
Năm Thánh Lòng Thương Xót đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố vào ngày 13 tháng 3 năm 2015 trong khi cử hành 24 giờ cho Chúa.
Ngài nói:
“Anh chị em thân mến, tôi thường suy nghĩ xem làm thế nào để Giáo Hội có thể làm nổi bật hơn sứ mạng của mình là làm chứng nhân về lòng từ bi. Đó là một con đường bắt đầu bằng sự hoán cải tinh thần. Vì thế, tôi quyết định ấn định Năm Thánh đặc biệt, có trọng tâm là lòng từ bi của Chúa. Đây sẽ là một Năm Thánh Từ Bi. Chúng ta muốn sống năm này dưới ánh sáng lời Chúa nói: ‘Các con hãy có lòng từ bi thương xót như Chúa Cha” (Xc Lc 6,36).
Tháng 4, 2015, Đức Thánh Cha đã công bố Tông Chiếu Misericordiae Vultus, có nghĩa là Khuôn Mặt Xót Thương, ấn định các chi tiết cho việc cử hành Năm Thánh Ngoại Thường Về Lòng Thương Xót trong toàn thể Giáo Hội.
Đức Thánh Cha Phanxicô muốn Năm Thánh này được tổ chức không chỉ ở Rôma mà trên toàn thế giới. Do đó, lần đầu tiên cửa thánh được mở tại tất cả các giáo phận trên toàn thế giới.
2. Tông Chiếu Misericordiae Vultus
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Tông Chiếu Misericordiae Vultus gồm 25 đoạn được công bố tại Đền Thờ Thánh Phêrô ở Rôma, ngày 11 tháng Tư, Đêm Vọng Chúa Nhật thứ II Mùa Phục Sinh, hay còn gọi là Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót.
Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là quang cảnh buổi công bố Tông Chiếu.
Đức Thánh Cha giải thích lý do ngài công bố Năm Thánh Lòng Thương Xót như sau:
“Tôi đưa ra Năm Thánh Ngoại Thường này để sống trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta lòng thương xót mà Chúa Cha liên tục tuôn đổ trên tất cả chúng ta. Trong Năm Thánh này, chúng ta hãy để Thiên Chúa làm ngạc nhiên chúng ta. Ngài không bao giờ mệt mỏi mở tung cửa tâm hồn Ngài và lặp đi lặp lại rằng, Ngài yêu thương chúng ta và muốn chia sẻ tình yêu của Ngài với chúng ta. Giáo Hội cảm thấy nhu cầu cấp thiết để công bố lòng thương xót của Thiên Chúa. Cuộc sống của Giáo Hội chỉ chân thật và đáng tin cậy một khi Giáo Hội trở thành một sứ giả thuyết phục của lòng thương xót. Giáo Hội biết rằng nghĩa vụ chính yếu của mình, đặc biệt là tại một thời điểm đầy hy vọng lớn lao xen lẫn với những dấu chỉ rất mâu thuẫn, là giới thiệu với mọi người mầu nhiệm cao cả của lòng thương xót Chúa bằng cách chiêm ngưỡng thiên nhan Chúa Kitô. Giáo Hội được mời gọi trên tất cả mọi sự để trở thành một chứng nhân khả tín cho lòng thương xót, tuyên xưng và sống lòng thương xót ấy như là cốt lõi của mặc khải từ Chúa Giêsu Kitô. Từ trái tim của Thiên Chúa Ba Ngôi, từ những chiều sâu thẳm của mầu nhiệm Thiên Chúa, con sông của lòng thương xót dâng cao và tràn ra không ngừng. Đó là một con suối sẽ không bao giờ khô cạn, bất kể có bao nhiêu người đến kín múc. Mỗi khi có người nào cần đến, thì người ấy có thể đến với con suối ấy, vì lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ không bao giờ ngừng. Sự sâu xa của mầu nhiệm chung quanh lòng thương xót ấy cũng bất tận như sự phong phú nảy sinh ra từ lòng thương xót này.
Trong Năm Thánh này, xin cho Giáo Hội có thể vang vọng những lời của Chúa vang lên mạnh mẽ và rõ ràng như một thông điệp và một dấu chỉ của sự tha thứ, sức mạnh, sự trợ giúp, và tình yêu. Xin cho Giáo Hội không bao giờ mệt mỏi mở rộng lòng thương xót, và luôn kiên nhẫn trao ban lòng từ bi và sự ủi an. Xin cho Giáo Hội trở thành tiếng nói của mỗi người nam nữ, và lặp lại cách tự tin không ngừng rằng: “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu. Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.”
3. Mở cửa Năm Thánh tại Bangui, Cộng Hòa Trung Phi
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Nhiều người trông đợi rằng cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót đầu tiên được mở là cửa Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, tại Thánh Đô Rôma, trung tâm của Giáo Hội Hoàn Vũ, vào ngày 08 tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót đầu tiên, do chính Đức Thánh Cha mở, lại là cửa thánh tại nhà thờ chính toà Thánh Giuse ở thủ đô Bangui của một nước cộng hòa mà nhiều người có lẽ cũng chẳng biết cái quốc gia ấy nằm ở đâu trên bản đồ thế giới; và biến cố nghẹt thở này đã xảy ra hôm Chúa Nhật 29 tháng 11, trước cả ngày chính thức khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Trúc Ly nói biến cố này là “nghẹt thở” vì chỉ 40 ngày trước đó, vùng đất này vẫn còn là một bãi chiến trường nơi liên tục diễn ra các vụ khủng bố của nhóm Hồi Giáo Sénéka.
Giải thích với các ký giả về lý do Đức Thánh Cha chọn mở cửa thánh tại xứ khỉ ho cò gáy, điêu linh vì chiến tranh này, cha Lombardi cho biết lòng thương xót Chúa và mối quan hệ gần gũi giữa con người và Thiên Chúa là những khía cạnh trung tâm trong sứ vụ tông đồ của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đây là lý do tại sao cử chỉ quan trọng của Đức Thánh Cha tại nhà thờ Bangui có ý nghĩa đặc biệt. “Đức Thánh Cha muốn bắt đầu Năm Thánh Lòng Thương Xót ở một vùng đất nghèo, cần lòng thương xót, tha thứ, hòa giải, tình yêu. Đó là một thông điệp mạnh mẽ đối với châu Phi và trên thế giới”.
Dịp này, Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cũng nhận xét rằng trong thời gian qua, câu hỏi thường được nhiều người đặt ra cho ngài là liệu Đức Thánh Cha có tông du Cộng hòa Trung Phi hay không. Cha Lombardi cho biết ngài “không bao giờ nghi ngờ việc Đức Giáo Hoàng sẽ tới thăm Cộng hòa Trung Phi”.
4. Mở cửa Năm Thánh tại Rôma
Các cửa thánh tại bốn Đại Đền Thờ của Rôma đã lần lượt được mở từ ngày 8 tháng 12 năm ngoái. Đầu tiên là cửa thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, việc mở cửa thánh tại Đền Thờ này có sự hiện diện của hai vị giáo hoàng.
Thật vậy, thưa quý vị và anh chị em, theo lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđíctô thứ 16 đã có mặt trong buổi lễ này.
Năm ngày sau đó, tức là ngày 13 tháng 12, Chúa Nhật thứ Ba Mùa Vọng, cửa thánh tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành được Đức Hồng Y James Harvey, người Mỹ, là Giám quản đền thờ này, mở ra.
Đức Thánh Cha đã đích thân mở Cửa Năm Thánh tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma, một giáo phận hiện có hơn 2 triệu 365 ngàn tín hữu Công Giáo với 334 giáo xứ, gần 5 ngàn linh mục và 22,750 nữ tu. Thánh đường này được kiến thiết dưới thời hoàng đế Constantino và được Đức Giáo Hoàng Silvestro I thánh hiến năm 324, ít lâu sau khi chấm dứt các cuộc bách hại đạo trong đế quốc Roma. Đền thờ này là nơi diễn ra nhiều công đồng, trong đó có 5 Công đồng chung. Trong 10 thế kỷ đầu tiên của Công Giáo, các vị Đức Giáo Hoàng, Giám Mục Roma, cư ngụ trong dinh cạnh thánh đường này. Chỉ sau cuộc lưu vong 70 năm ở thành Avignon bên Pháp, các Đức Giáo Hoàng mới cư ngụ cạnh Đền thờ Thánh Phêrô ở Vatican.
Do tầm quan trọng của thánh đường này, Đức Thánh Cha đã đích thân chủ sự nghi thức mở Cửa Năm Thánh vào sáng ngày 13-12.
Theo lịch sử của Giáo Hội, chính Đức Giáo Hoàng Martino Đệ Ngũ là vị đầu tiên chủ sự nghi thức mở cửa Năm Thánh tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano vào năm 1423.
Đền Thờ Đức Bà Cả tại Rôma là đền thờ cuối cùng trong 4 đại đền thờ nơi các cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót đã được mở. Không phải vì đền thờ này kém phần quan trọng nhưng thật là chính đáng và xứng hợp để thực hiện nghi thức này trong ngày lễ kính Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.
Vào lúc 5 giờ chiều ngày thứ Sáu 1 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã đến nhà thờ Đức Bà Cả chủ sự thánh lễ và nghi thức mở Cửa Năm Thánh. Tham dự thánh lễ đặc biệt có 350 người nghèo, ăn xin và vô gia cư ở Roma.
5. Ý nghĩa việc bước qua cửa thánh
Bằng cách đi qua cửa thánh, các tín hữu có thể được ân xá nếu họ tuân giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.
Trong Tông Chiếu Misericordiae Vultus, Đức Thánh Cha cho biết:
“Cửa Thánh là Cửa của Lòng Thương Xót mà bất cứ ai bước vào sẽ cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, Đấng an ủi, tha thứ, và khơi lên niềm hy vọng.”
Đức Thánh Cha nói thêm rằng:
“Việc hành hương có một vị trí đặc biệt trong Năm Thánh, vì nó thể hiện cuộc hành trình mỗi chúng ta thực hiện trong cuộc sống này. Cuộc sống tự nó là một cuộc hành hương, và nhân loại là những người lữ hành, những khách hành hương đang tiến bước hướng về đích điểm mong muốn. Tương tự như vậy, để đến được các cửa Thánh tại Rôma hay tại bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, tất cả mọi người, tùy theo khả năng của mình, sẽ phải thực hiện một cuộc hành hương. Đây sẽ là một dấu chỉ cho thấy lòng thương xót cũng là một mục tiêu cần vươn tới và đòi hỏi sự dâng hiến và hy sinh. Cầu xin cho việc hành hương là một động lực cho hoán cải: bằng cách vượt qua ngưỡng cửa của Cửa Thánh, chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa và hiến mình cho lòng thương xót tha nhân như Chúa Cha đã thương xót chúng ta.”
6. Năng quyền tha tội của các linh mục
Trong Mùa Chay Năm Thánh Lòng Thương Xót, buổi cử hành 24 giờ cho Chúa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, các linh mục có trình độ và kinh nghiệm đặc biệt gọi là ‘Thừa Sai Lòng Thương Xót’ tại mỗi giáo phận được năng quyền tha thứ những tội lỗi nghiêm trọng, cả các trường hợp chỉ có Tòa Ân Giải Tối Cao của Tòa Thánh mới có quyền xá giải.
Trong suốt Năm Thánh Lòng Thương Xót tất cả các linh mục được năng quyền ban Bí Tích Hòa Giải cho những ai dính líu đến tội phá thai, là một tội nghiêm trọng bị vạ tuyệt thông ngay khi phạm tội. Thông thường, chỉ có các Giám Mục và các linh mục được các ngài ủy quyền mới có năng quyền tha tội này.
Trong cùng một lá thư, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã ban năng quyền giải tội cho các linh mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô X, trong điều kiện bình thường họ không có thẩm quyền cần thiết để trao ban bí tích này.
7. Logo và bài hát chính thức của Năm Thánh Lòng Thương Xót
Logo chính thức, được thiết kế bởi Cha Marko I. Rupnik, cho thấy Chúa Giêsu, hiện thân của Lòng Thương Xót, đang mang trên vai một “con người bị lạc mất”, nhấn mạnh đến chiều sâu Đấng Cứu Thế chạm đến nhân loại; mắt ngài được sáp nhập với con mắt con người ngài đang vác trên vai. Hậu cảnh được lấp đầy bởi ba hình bầu dục đồng tâm, với màu sắc nhẹ dần ra phía ngoài, có nghĩa là Chúa Giêsu đang mang con người khỏi bóng tối của tội lỗi. Hình ảnh này cũng được phụ họa bởi câu phương châm chính thức của Năm Thánh Lòng Thương Xót: Misericordes Sicut Pater (Hãy xót thương như Chúa Cha), trích từ Phúc Âm Thánh Luca Chương 6 câu 36, như là một lời mời gọi theo gương Chúa Cha yêu thương và tha thứ không có giới hạn.
Bài thánh ca chính thức, với hầu hết các câu thơ có nguồn gốc từ các sách Phúc Âm, từ Thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô tông đồ gửi các tín hữu thành Côrintô và từ Thánh Vịnh, được viết bởi cha Eugenio Costa, một linh mục dòng Tên, và được Paul Inwood phổ nhạc.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Sau một năm thánh nhiệt thành và sốt mến, giờ đây, chúng ta phó thác đời sống của Giáo Hội, của nhân loại, và của toàn bộ vũ trụ cho quyền Chủ Tể của Chúa Kitô, xin Ngài tuôn đổ lòng thương xót trên chúng ta như sương mai, để mọi người có thể làm việc cùng nhau hầu xây dựng một tương lai tươi sáng hơn. Xin Chúa ban cho chúng ta được ngập tràn trong lòng thương xót, để chúng ta có thể vươn ra với mọi người nam nữ, mang đến với họ sự tốt lành và dịu dàng của Thiên Chúa! Xin cho dầu thương xót tuôn đến với tất cả mọi người, cả những tín hữu lẫn những người đã lìa xa, như một dấu chỉ cho thấy Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta rồi!