Dân Aleppo cử người đàm phán với quân chính phủ


Aleppo (2-12-2016) - Đức Cha Georges Abou Khazen OFM, Đại Diện Tông Toà cho người Công Giáo nghi lễ Latinh ở Aleppo vừa thông tin cho biết về những phát triển mới nhất của tình hình chiến sự đang diễn ra tại thành phố, nơi mà quân đội cuả chính phủ đang dần dần lấy lại những khu xóm đã nhiều năm nằm dưới sự kiểm soát của quân phiến loạn, kể cả lực lượng dân quân thánh chiến Jabhat al Nusra Front:

"Tuy nhiều khu phố Aleppo vẫn còn nằm trong tay phiến quân hoặc trong tay các nhóm thánh chiến, năm đại diện đã được cử ra để thương lượng với quân đội Syria. Chúng tôi hy vọng và cầu nguyện rằng cách thức này sẽ dẫn đến một giải pháp và sẽ tiết kiệm xương máu và đau khổ, tránh một sự hủy diệt toàn bộ cho tất cả mọi người".

Về tình hình ở Aleppo, vị Giám mục Dòng Phanxicô này cho biết rằng các báo cáo của các phương tiện truyền thông quốc tế không phản ảnh trung thực được tình hình thực tế vì họ không có mặt ở hiện trường.

"Ít nhất 20.000 người đã trốn khỏi khu vực kiểm soát của phiến quân và được quân đội Syria và các tổ chức viện trợ chào đón. 70.000 người khác vẫn còn ở lại các khu vực mà các lực lượng vũ trang của chính phủ mới 'tái chinh phục' gần đây, chính phủ đã phân phối thực phẩm và tạo thuận lợi cho việc cứu trợ về mặt sức khỏe.

Tại các khu vực vẫn còn nằm trong tay phiến quân, quân al Nusra Front không muốn người dân bỏ đi. Trong một số trường hợp, họ đã sử dụng vũ khí để ngăn chặn. Chúng ta biết rằng trong một số trường hợp đã có các cuộc biểu tình đòi hỏi các lực lượng dân quân đối lập phải rút lui.

Bây giờ chúng tôi hy vọng rằng cuộc đàm phán mới sẽ có thể đem lại một thỏa thuận, và có thể, một sự hòa giải. Vì trong cuộc đàm phán này, những người đại diện rõ ràng đã được chọn vì có sự đồng ý của tất cả các nhóm vũ trang ".



Kitô giáo kêu gọi thủ tướng Modi cuả Ấn Độ: "đừng bỏ qua đa số dân nghèo"


New Delhi (2-12-2016) - "Xin chính phủ Ấn Độ hãy có hành động để đảm bảo tăng trưởng kinh tế toàn diện, mà không bỏ rơi đa số quần chúng của xã ​​hội." là lời kêu gọi cuả tiến sĩ Sajan K. George, chủ tịch Hội đồng toàn cầu Kitô hữu Ấn Độ (GCIC), viết trong lá thư ngỏ gửi cho thủ tướng Narendra Modi cuả Ận Độ.

Bức thư nhắc lại rằng quốc gia đã bị "chia đôi", vì các vấn đề nghiêm trọng của nạn tham nhũng, bất bình đẳng kinh tế và xã hội, và bởi mối quan hệ có nhiều vấn đề với các tôn giáo thiểu số.

Bức thư cũng đề cập đến những tác động của một quyết định cuả chính phủ gần đây là "demonetization" (xoá bỏ các loại tiền mặt) với mục tiêu là "chuyển đổi Ấn Độ đi vào một nền kinh tế không dùng tiền mặt". Tuy nhiên, theo ước tính của chính phủ thì "40 phần trăm người Ấn Độ không hề bao giờ sử dụng dịch vụ ngân hàng", vậy thì, bức thư ghi chú thêm, những thành phần nghèo nhất cuả Ấn Độ này và những cơ quan trợ giúp họ, sẽ bị trừng phạt nặng nề.

"Những viện mồ côi và nhà tế bần cho người nghèo và các hội từ thiện sẽ không có thể hoạt động được, vì Ấn Độ không có một mạng lưới an sinh xã hội để bảo bọc những nhu cầu của người nghèo", bức thư cho biết hiện nay 'mạng lưới an toàn' này được uỷ thác đến những tấn lòng vàng của các nhà tài trợ tư nhân, (họ giúp đỡ tiền mặt qua các cuộc lạc quyên.)

Người ta cũng còn phải xem xét đến tình cảnh cuả "hơn hai triệu nữ doanh nhân và nông dân nhỏ, là những người đang phải đối mặt với một tương lai bấp bênh và sống bên lề cái đói" văn bản viết thêm. "Tiền lương, doanh nghiệp, nông nghiệp: Mọi thực tại ấy đang bị ảnh hưởng bởi quyết định cuả chính phủ. Những cơ sở nhỏ bé nói trên hiện nay chỉ kiếm được có 30 phần trăm so sánh với những gì họ kiếm được trước khi có chương trình demonetization" Ông S. George viết.

Bức thư giải thích rằng "tại các khu vực nông thôn thì nền kinh tế chủ yếu dựa vào tiền mặt, nhưng nó không phải là một nền kinh tế đen, vì nó không trốn thuế. Ở nông thôn, người dân tiết kiệm tiền mặt, thanh toán bằng tiền mặt, nền kinh tế nông nghiệp làm việc bằng tiền mặt".

Hàng triệu người dân và các doanh nghiệp nhỏ "đang cần sự giúp đỡ của chính phủ để tiếp tục doanh nghiệp nhỏ của mình" và để cho tác động tiêu cực của demonetization giảm nhẹ xuống.

Bức thư kết thúc với một lời kêu gọi và mong muốn "một năm mới thịnh vượng" cho tất cả các công dân Ấn Độ, cho một hạnh phúc thực sự hòa nhập và không loại trừ ai.