Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Đức Thánh Cha diễn giải “Niềm hy vọng Kitô có chiều kích cá nhân, cộng đoàn, Giáo Hội và xã hội”.

2- Thủ tướng Ấn độ nói Chính phủ Ông tán thành cuộc viếng thăm của ĐGH Phanxicô.

3- Lãnh đạo Công Giáo và Tin Lành mời Đức Giáo Hoàng thăm Đức.

4- Giáo Hội Nhật Bản tôn phong kiếm sĩ Justo Takayama lên hàng chân phước.

5- Thánh lễ tạ ơn 17 chân phước tử đạo Lào tại Vương Cung Thánh Đường Paris.

6- Hàng ngàn dân Bangladesh kính viếng thánh tích của thánh Antôn.

7- Một nữ tu Colombia bị bắt cóc ở Mali.

8- Dự luật cấm tài trợ cho phá thai vừa được Hạ Viện Mỹ thông qua.

9- Lãnh đạo Công Giáo Hoa kỳ lo lắng việc TT Donald Trump ủng hộ sắc lệnh phân biệt giới tính.

10- Có tin Tổng Thống Donald Trump sẽ gặp Đức Giáo Hoàng vào tháng 5.

11- Salesian Việt Nam-Mông Cổ và chân trời rộng mở cho giới trẻ.

Sau đây mời qúi vị theo dõi phần tin chi tiết của chúng tôi:

- Đức Thánh Cha diễn giải “Niềm hy vọng Kitô có chiều kích cá nhân, cộng đoàn, Giáo Hội và xã hội”.

Niềm hy vọng kitô không chỉ có chiều kích cá nhân, nhưng cũng bao gồm chiều kích cộng đoàn tập thể và xã hội dân sự nữa. Nó khiến cho kitô hữu không xây tường ngăn cách, nhưng xây cầu liên kết, không lấy ác báo ác, nhưng lấy sự thiện thắng sự dữ, tha thứ thắng xúc phạm, và sống hoà bình với tất cả mọi người.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8 ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư, ngày 8/2/2017.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã tiếp tục trình bầy niềm hy vọng trong thư thứ I thánh Phaolô gửi tín hữu Thêxalônica. Thánh nhân khích lệ tín hữu đâm rễ sâu trong niềm hy vọng vào sự sống lại với một câu nói rất đẹp: “Chúng ta sẽ luôn mãi ở với Chúa”. Đồng thời ĐTC cũng cho thấy niềm hy vọng kitô không chỉ có chiều kích cá nhân, nhưng cũng bao gồm chiều kích cộng đoàn, Giáo Hội và xã hội nữa.

Thế rồi sự chú ý được hướng tới các anh chị em có nguy cơ đánh mất đi niềm hy vọng nhất… về những ai chán nản ngã lòng, những ai yêu đuối, những ai cảm thấy bị đè bẹp bởi gánh nặng của cuộc đời và các lỗi lầm của mình và không không đứng lên được nữa. Trong các hoàn cảnh này, sự gần gũi và hơi ấm của toàn thể Giáo Hội phải càng mạnh mẽ và yêu thương hơn nữa, và phải có hình thái tuyệt diệu của sự cảm thương. Nó không phải là thương hại: sự cảm thương là chịu khổ với người khác, đau khổ với người khác, đến gần người đau khổ… một lời nói, một cái vuốt ve, phát xuất từ con tim; đó là sự cảm thương. Họ cần sự khích lệ và ủi an.

Sau bài huấn dụ, ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ Pháp, Ba Lan,Anh quốc, Ailen, Hoa Kỳ, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và các nước châu Mỹ Latinh.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

- Thủ tướng Ấn độ nói Chính phủ Ông tán thành cuộc viếng thăm của ĐGH Phanxicô.

Delhi – Ngày 8/2/2017, các ĐHY Baselios Cleemis, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn độ, ĐHY George Alencherry, TGM trưởng của Giáo Hội Sirô-Malaba và ĐHY Oswald Gracias, Chủ tịch Hội đồng các Giám mục nghi lễ Latinh, đã có cuộc gặp với Thủ tướng Narendra Modi tại văn phòng Thủ tướng.

Trong cuộc gặp này, các Hồng Y đã yêu cầu Thủ tướng Chính phủ có biện pháp khẩn cấp đối với việc trả tự do cho cha Tom Uzhunallil, bị bắt cóc hồi tháng ba tại Yemen.

Thủ tướng Modi đã bảo đảm rằng chính phủ của ông đang có những hành động cấp thời và cần thiết. Ông cũng thông báo với ĐHY rằng chính phủ của ông có ý kiến rất thuận lợi đối với chuyến viếng thăm Ấn Độ của ĐGH Phanxicô.

Về phần mình, 3 ĐHY đã bảo đảm với Thủ tướng rằng Giáo Hội Công Giáo và các Kitô hữu sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của đất nước.

- Lãnh đạo Công Giáo và Tin Lành mời Đức Giáo Hoàng thăm Đức Quốc.

Ngày 7/ 2/ 2017, Đức Hồng Y Reinhard Marx của Tổng Giáo Phận Munich, Chủ Tịch Hội Đồng Giám mục Đức, hoan nghênh lời tuyên bố của ĐGH Phanxicô vào ngày 6 tháng 2 rằng, lễ kỷ niệm 500 năm Cải Cách Tin Lành là một "cơ hội để tiến xa hơn" trong phong trào đại kết.

ĐHY Marx và ĐGM Heinrich Bedford-Strohm của Giáo Hội Tin Lành Lutheran đã cùng hội kiến với ĐTC Phanxicô tại Tòa Thánh Vatican vào lúc 10 giờ sáng ngày 6 tháng 2 năm 2017.

Nhân dịp này ĐHY Marx tuyên bố: “Cuộc họp hôm nay đã đưa lại phong trào đại kết một động lực mới”. ĐHY nói thêm: "Chúng tôi có một trách nhiệm đặc biệt cho phong trào đại kết vì việc tách rời hai Giáo Hội đã khởi sự từ nước chúng tôi nên chúng tôi cần có một khởi động để công việc hoà giải được hoàn tất".

ĐHY Marx và ĐGM Bedford-Strohm đã cùng mời ĐTC Phanxicô thăm Đức.

- Giáo Hội Nhật Bản tôn phong kiếm sĩ Justo Takayama lên hàng chân phước.

Tin Osaka - Ngày 7/2/2017 tức ngày 11 tháng giêng Đinh Dậu, Giáo Hội Nhật Bản đã cử hành trọng thể Thánh lễ tôn phong Kiếm sĩ Justo Takayama (1552-1615) lên hàng chân phước. Ngài được nói đến với danh hiệu Hiệp sĩ Đức Kitô (Samouraï du Christ). Cách nay một năm, ĐTC Phanxicô đã ký sắc phong chân phước. Giáo Hội Nhật Bản chuẩn bị chu đáo cho biến cố này từ một năm nay. ĐHY Angelo Amata, bộ trưởng Thánh bộ Phong thánh đã cử hành Thánh lễ tại Osaka.

Cách nay vài năm, Hội đồng Văn hóa Tòa thánh cùng với Sứ quán Nhật cạnh Tòa thánh, Hội đồng Giám mục Nhật bản và Dòng Tên đã ấn hành một tài liệu nhan đề “Ukon le Samouraï: cây thánh kiếm” thuật lại tiểu sử vị chân phước. Đây là giai đoạn mở đầu cho án phong chân phước. Huy hiệu của thánh nhân trong Thánh lễ phong chân phước do Nữ tu Ester Kitazuma, dòng Môn đệ Thầy Chí thánh, thực hiện gồm 7 ngôi sao tượng trưng cho dòng họ Takayama, đồng thời là 7 phép bí tích và 7 ơn Chúa Thánh thần.

Giáo Hội Nhật Bản hiện có 42 vị thánh và 393 Chân phước tử đạo.

- Thánh lễ tạ ơn 17 chân phước tử đạo Lào tại Vương Cung Thánh Đường Paris.

Chúa Nhật ngày 5/2/2017, ĐHY André Vingt-Trois, Tổng giám mục Paris, đã cử hành trọng thể Thánh lễ Tạ Ơn sau khi 17 vị Tử đạo Lào được Hội Thánh phong chân phước. 25 vị giám mục trên khắp nước Pháp, linh mục Bề trên Tổng quyền Hội Thừa sai Paris, linh mục bề trên Hội Thừa sai Tận hiến Đức Mẹ Vô Nhiễm và nhiều linh mục đã đồng tế.

Tưởng cũng nên nhắc lại Chúa Nhật 11/12/2016, ĐHY Orlando Quevedo người Phi Luật Tân đã đại diện ĐTC Phanxicô chủ lễ phong chân phước cho 17 vị tử đạo nước Lào tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Tâm ở Vạn Tượng.

Mùa xuân 1953, du kích Lào cộng (Pathet Lao) chiếm tỉnh Sầm Nứa. Các vị thừa sai phải di tản đi nơi khác. Cha Giuse Thảo Tiên, thụ phong linh mục năm 1949, quyết định ở lại với các tín hữu. Ngài sẵn sàng hy sinh tính mạng để làm chứng cho đức tin. Cha Tiên bị cộng quân giam giữ tại trại Talang. Ngày 02/06/1954, ngài bị xứ bắn. Ngoài ra, còn có cha Gioan Baotixita Malo từng truyền giáo ở bên Tầu bị bắt cùng 4 vị khác. Ngài chết vì bị tra tấn dã man. Năm 1960 và năm 1961, có thêm các linh mục và thầy bị cộng quân bạo hành đến chết, hoặc bị xử bắn.

- Hàng ngàn dân Bangladesh kính viếng thánh tích của thánh Antôn.

Bangladesh – Trong tháng 2 và tháng 3, tín hữu của Bangladesh, Ấn độ và tiểu bang Texas, Hoa kỳ có cơ hội kính viếng thánh tích của thánh Antôn thành Padua, một vị thánh gốc Bồ đào nha.

Cha Mario Conte, giám đốc tạp chí “Sứ giả của thánh Antôn”, sẽ mang các thánh tích của thánh nhân đến các thành phố Austin, Bryan, Waco, và Belton của tiểu bang Texas, từ ngày 10 đến ngày 19/2/2017. Một phần thánh tích khác được đưa đến Bangladesh từ ngày 2 đến ngày 8/2/2017. Sau khi được rước đến các thành phố khác của Bangladesh, thánh tích của thánh Antôn sẽ tiếp tục cuộc hành hương đến Ấn độ từ ngày 10 đến ngày 15/2/2017.

Hàng ngàn tín hữu Công Giáo di chuyển khắp Bangladesh để kính viếng và chạm đến các thánh tích của thánh Antôn thành Padua. Đây là lần đầu tiên thánh tích của thánh Antôn được rước đến nước này.

Thánh Antôn là một trong những vị thánh được yêu mến nhất bởi toàn dân Bangladesh, Công Giáo cũng như Hồi giáo và Ấn giáo.Trong số những người đến kính viếng. cũng có nhiều người không Công Giáo.

- Một nữ tu Colombia bị bắt cóc ở Mali.

Bamako (Agenzia Fides) - Một nữ tu người Colombia, thuộc dòng Các nữ tu thánh Phanxicô Đức Mẹ vô nhiễm, đã bị bắt cóc hôm qua, ngày 7 tháng 2 tại Koutiala, miền nam Mali.

Cha Edmond Dembele, Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Mali nói với hãng tin Fides: “Chúng tôi không biết những kẻ bắt cóc là ai. Các hiến binh và cảnh sát đang điều tra. Các Giám Mục cũng có mặt tại vùng này để biết thông tin”.

Cha Dembele cho biết khu vực nơi nữ tu bị bắt cóc vốn là nơi yên bình và sự kiện này gây nên ngạc nhiên. Khu vực này chưa bị ảnh hưởng bởi sự bất an như các khu vực khác của Mali. Khoảng 21 giờ tối qua, một nhóm người có vũ trang đã đột nhập vào giáo xứ Karangasso ở Koutiala, bắt giữ nữ tu và bỏ trốn bằng chiếc xe của giáo xứ.

- Dự luật cấm tài trợ cho phá thai vừa được Hạ Viện Mỹ thông qua.

Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự luật đầu tiên ủng hộ sự sống, dự luật sẽ củng cố chính sách hiện hành là không dùng thuế liên bang để tài trợ nạo phá thai.

Việc cấm dùng thuế liên bang để tài trợ cho phá thai hiện nay dựa vào tu chính án Hyde đã có từ 40 năm qua, Hyde là tên của ông dân biểu Henry Hyde, là người tài trợ cho tu chính án. Tuy nhiên, tu chính án đó cầ̀n được Quốc hội thông qua mỗi năm. Dự luật có tên 'Không dùng thuế tài trợ cho phá thai', được thông qua hôm thứ Ba với một túc số 238-183, nhắm mục đích đặt chính sách Hyde thành luật, do đó không cần phải được Quốc hội biểu quyết lại mỗi năm nữa.

Dự luật này sẽ mở rộng sự bảo vệ chống lại việc dùng thuế tài trợ cho phá thai ở nhiều lãnh vực khác nữa, chẳng hạn như trong chương trình y tế của nhân viên liên bang. Nó cũng sẽ đảm bảo rằng, sẽ không có trợ cấp bảo hiểm phá thai trong các kế hoạch bảo hiểm trên sàn giao dịch cuả quốc gia.

- Lãnh đạo Công Giáo Hoa kỳ lo lắng việc TT Donald Trump ủng hộ sắc lệnh phân biệt giới tính.

Washington - Đức TGM Charles J. Chaput của Philadelphia, chủ tịch Ủy ban về Giáo dân, Hôn nhân, Đời sống Gia đình và Giới trẻ của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, và Đức TGM William E. Lori của Baltimore, chủ tịch Ủy ban về Tự do Tôn giáo, đã bày tỏ sự thất vọng với quyết định của TT Donald Trump ủng hộ sắc lệnh 13672, do cựu Tổng thống Obama ký năm 2014. Sắc lệnh này cấm sự phân biệt đối xử về khuynh hướng tính dục và căn tính phái tính chống lại các nhân viên liên bang và người lao động cho các nhà thầu chính quyền liên bang.

Đức TGM Chaput và Đức TGM Lori nói trong thông cáo hôm 1 tháng 2 rằng: “Giáo Hội kiên định phản đối tất cả những sự phân biệt bất công và chúng ta cần tiếp tục phát triển công lý và công bằng tại nơi làm việc. Nhưng sắc lệnh của ông Obama tạo nên những vấn đề hơn là giải quyết chúng; nó tạo nên những hình thức kỳ thị mới chống lại các tín hữu. Giữ lại hoàn toàn sắc lệnh không phải là câu trả lời”.

- Có tin Tổng Thống Donald Trump sẽ gặp Đức Giáo Hoàng vào tháng 5.

Theo tin của Catholic World News thì hầu như chắc chắn TT Donald Trump sẽ gặp ĐGH Phanxicô tại Tòa Thánh Vatican vào tháng 5 nhân dịp ông tham dự hội nghi kinh tế khối G-7 được tổ chức tại Ý.

Tòa Bạch Ốc đã xác nhận tin TT Donald Trump sẽ tham dự hội nghị G-7. Tuy nhiên Washington lẫn Vatican không nơi nào xác nhận nguồn tin nói trên. Trái lại, tin của cơ quan truyền thông Vatican Insider cho biết cuộc họp như thế chắc chắn sẽ diễn ra.

Trước đây, TT George W. Bush và TT Barack Obama khi đi tham dự hội nghị kinh tế khối G-7 tại Ý, đều đã đến gặp Đức Giáo Hoàng.

- Salesian Việt Nam-Mông Cổ và chân trời rộng mở cho giới trẻ.

Trong một bảng thống kê mới, tỉnh dòng Salesian Việt Nam-Mông Cổ có một con số hội viên đông nhất trong các tỉnh dòng của vùng Nam Á và Châu Đại Dương, với con số 306 hội viên hoạt động và sinh sống trong 19 cộng thể tại Việt Nam và 2 cộng thể tại Mông Cổ. Con số trên gồm có 174 linh mục, 66 sư huynh, 77 ứng viên linh mục, 11 tập sinh và 30 ứng viên tiền tập viện, với độ tuổi trung bình là 43.

Hầu hết các công việc tông đồ của tỉnh dòng Việt Nam hiện nay tập trung vào 32 giáo xứ, 5 trung tâm dạy nghề hay trường kỹ thuật; với nhiều trung tâm thanh thiếu niên, nội trú và nhiều cơ sở giáo dục không chính thức cho thanh niên nghèo và bị bỏ rơi.

Một số hội viên đang hoạt động tại Mông Cổ gồm 11 hội viên, đến từ 9 quốc gia khác nhau.

Sau Tổng Hội 27 năm 2016, tỉnh dòng Việt Nam đã bắt tay vào việc tái định giá nghiêm trọng tất cả các công cuộc của mình khởi đi từ các chương trình cá nhân, cộng thể tới các phân nhiệm của tỉnh dòng, mọi công cuộc của tỉnh dòng. Cha bề trên Tổng quyền, kế vị thứ 10 của thánh Gioan Bosco, cũng mời gọi các tỉnh dòng trên toàn thế giới hãy trở về nguồn Tin mừng và ơn đoàn sủng của Cha thánh tổ phụ để kín múc và đề xuất những công cuộc phát triển mà thăng tiến trong tinh thần hiệp nhất.