Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- ĐTC Phanxicô nói: Thiên Chúa yêu thương quan phòng lo lắng cho mọi thụ tạo.

2- Cử hành sáng kiến “24 giờ dành cho Chúa” tại Hoa Kỳ và Vatican.

3- Đức Thánh Cha Phanxicô có phải là vị Giáo hoàng đầu tiên bị chống đối hay không?

4- Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp thân nhân các nạn nhân vụ khủng bố ở Dhaka, Bangladesh.

5- Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Do thái giáo.

6- Các Giám Mục Australia quyết tâm bài trừ nạn lạm dụng tính dục.

7- Đức Thượng Phụ Alexandria, Ibrahim Isaac Sidrak, nói về tình hình Công Giáo tại Ai cập sau khi xảy ra các cuộc tấn công Ki-tô Hữu: “Chúng tôi, Ki-tô Hữu thiểu số Ai-Cập, đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa”.

8- Căng thẳng trong Giáo Hội Chính thống nghi lễ Syriac sau khi Đức Thượng Phụ Ignatius Ephrem II bị cáo buộc “phản bội đức tin”.

9- Đêm Văn Nghệ Gây Quỹ Bát Cơn Tình Thương Cho Biển Hồ của Ca đoàn Saint Patrick, Nam Úc.

Sau đây là phần tin chi tiết

- ĐTC Phanxicô nói: Thiên Chúa yêu thương quan phòng lo lắng cho mọi thụ tạo.

Thiên Chúa là Cha yêu thương không bao giờ quên con cái Ngài: tín thác nơi Ngài không giải quyết các vấn đề một cách kỳ diệu, nhưng cho phép đương đầu với chúng với tâm tình đúng đắn và lòng can đảm.

ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc kinh Truyên Tin, trưa Chúa Nhật ngày 26/2/2017. Trong bài huấn dụ, ngài đã giải thích ý nghĩa bài Phúc Âm, trong đó, Chúa Giêsu khích lệ các môn đệ đừng lo lắng cho của ăn, thức uống hay áo mặc, nhưng hãy biết tín thác nơi tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa, và tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết. Ngài nói:

Trang Tin Mừng hôm nay (x. Mt 6,24-34) là một lời nhắc nhở mạnh mẽ tín thác nơi Thiên Chúa; … Ngài là Đấng săn sóc các sinh vật trong thụ tạo. Ngài dự phòng thực phẩm cho mọi thú vật, và lo lắng cho bông huệ và cỏ của cánh đồng (cc.26-28); cái nhìn quảng đại và hiền phụ của Ngài canh thức mỗi ngày trên cuộc sống chúng ta. Cuộc sống qua đi dưới nỗi khổ tâm của biết bao âu lo, có nguy cơ lấy mất đi sự thanh thản và thế quân bình, nhưng … Chúa Giêsu tha thiết khích lệ chúng ta đừng lo lắng cho ngày mai (cc.25.28.31), bằng cách nhắc cho chúng ta biết rằng trên tất cả có một người Cha yêu thương không bao giờ quên con cái Ngài.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

Chúng ta xa rời tình yêu của Thiên Chúa, khi chúng ta đi tìm kiếm một cách ám ảnh các của cải và giầu sang trần gian… Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng cái tìm kiếm vất vả này là ảo tưởng và là lý do của sự bất hạnh. Và Ngài ban cho các môn đệ một luật sống nền tảng: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa” (c. 33)… Phải hoạt động như là các quản lý trung thành các của cải mà Ngài đã ban cho chúng ta, kể cả các của cải trần gian… Thái độ tin mừng này đòi hỏi một sự lựa chọn rõ ràng, “Anh em không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của” (c. 24). Hoặc là Chúa, hoặc là các thần tượng hấp dẫn nhưng là ảo tưởng.

Trong khi tôn vinh các thần tượng này đưa tới các kết quả có thể sờ mó được, nhưng cũng mau qua, thì lựa chọn cho Thiên Chúa và Nước của Ngài không luôn luôn cho thấy các kết quả một cách tức khắc. Nó là một quyết định, mà ta lấy trong niềm hy vọng và để cho Thiên Chúa thực hiện tràn đầy nó. Niềm hy vọng kitô hướng tới việc thành toàn tương lai lời hứa của Thiên Chúa, và không dừng lại trước bất cứ khó khăn nào, bởi vì nó được xây dựng trên lòng trung tín của Thiên Chúa, là Đấng không bao giờ suy giảm.

Sau bài huấn dụ, ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

- Cử hành sáng kiến “24 giờ cho Chúa” tại Hoa Kỳ và Vatican.

Trong Tông Chiếu Misericordiae Vultus, nghĩa là “Khuôn mặt xót thương”, nhằm thiết định Năm Thánh Ngoại Thường Về Lòng Thương Xót, ĐTC viết:

Sáng kiến ‘24 giờ cho Chúa’ được cử hành vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy trước tuần thứ Tư của Mùa Chay, nên được thực hiện trong mỗi giáo phận. Rất đông người, kể cả giới trẻ, đang trở lại với Bí tích Hòa giải; qua cảm nghiệm này, họ đang tái khám phá con đường trở về với Chúa khi sống một khoảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt và khi tìm kiếm ý nghĩa trong đời họ. Chúng ta hãy đặt Bí tích Hòa giải ở trung tâm một lần nữa sao cho bí tích này giúp mọi người chạm vào sự hùng vĩ của lòng thương xót Chúa với những đôi tay của riêng họ. Với mỗi hối nhân, bí tích này sẽ là nguồn mạch của bình an nội tâm thật sự.”

Đa số các giáo phận tại Hoa Kỳ sẽ cử hành sáng kiến “24 giờ cho Chúa” vào ngày thứ Sáu 10 tháng 3. Nhiều giáo phận tại Hoa Kỳ tiếp tục cử hành sáng kiến này cả sau khi Năm Thánh Lòng Thương Xót đã kết thúc. Các buổi cử hành sẽ bao gồm việc suy niệm Lời Chúa, cử hành và tôn thờ Thánh Thể, chặng đàng Thánh giá, và đặc biệt nhất là lãnh nhận Bí tích Hòa Giải.

- ĐTC Phanxicô có phải là vị Giáo hoàng đầu tiên bị chống đối hay không?

Đầu tháng 2 năm 2017, có một số bích chương chống đối ĐTC Phanxicô xuất hiện trên các bức tường quanh thành phố Rôma. Khi được hỏi về sự kiện này, ký giả người Mỹ John Allen, vốn một chuyên gia hàng đầu về các vấn đề liên quan đến Tòa Thánh Vatican, và cũng là tác giả 2 cuốn sách về tiểu sử của ĐTC Biển Đức XVI đã trả lời đại ý như sau:

Các bích chương công khai chỉ trích một vị giáo hoàng thì trước đây chưa từng có… Tuy thế, ĐGH Phanxicô chỉ bị phe bảo thủ hay duy truyền thống chỉ trích mà thôi. Cho đến nay, vị giáo hoàng bị chống đối nhiều hơn cả và từ tứ phía phải kể ĐGH Phaolô II. Sáng kiến triệu tập Công Đồng Vatican 2 là của Thánh Gioan XIII, nhưng người lèo lái Công Đồng này qua các khó khăn trăm bề tới thành công mỹ mãn không ai khác ngoài Chân Phúc Phaolô VI. Ngài được cả Giáo Hội biết ơn. Nhưng không thiếu những người cực lực chống đối ngài.

Về phạm vi và cường độ chỉ trích, ký giả John Allen nghĩ rằng ĐGH Phanxicô cũng không bị nặng hơn các vị tiền nhiệm của ngài… Chỉ có điều khác một chút là những người chỉ trích ĐGH Phanxicô mạnh nhất phát xuất từ cánh hữu và phản ứng của ngài đối với họ không kém quyết liệt. Thứ hai, dưới thời truyền thông xã hội thống trị này, bất cứ lời chỉ trích nhân vật nổi tiếng nào cũng được loan truyền nhanh hơn vi khuẩn (viral). Thành thử nguyên điều này không thể chứng minh ngài bị chỉ trích nặng nề và phổ quát hơn. Vả lại, đại đa số tín hữu không bị nao núng bởi các chỉ trích này. Ký giả John Allen cho hay, 85 % giáo dân Mỹ vẫn rất yêu mến ngài.

- ĐGH Phanxicô gặp thân nhân các nạn nhân vụ khủng bố ở Dhaka, Bangladesh.

Vatican - Sáng thứ tư ngày 22 tháng 2, ĐGH Phanxicô đã tiếp gia đình của 9 nạn nhân vụ khủng bố xảy ra ngày 1/7/2016 tại một quán café ở thành phố Dhaka, thủ đô của Bangladesh. Ngài đã ôm chào và an ủi các gia đình. Ngài nói: Thật là dễ để đi con đường từ yêu thương dẫn đến thù hận, trong khi, thật khó để làm điều ngược lại: từ sự cay đắng hận thù đến yêu thương. ĐTC nói tiếp:

“Anh chị em bị để lại trong giận dữ, cay đắng, … nhưng anh chị em, với nỗi đau trong lòng, đã dấn thân trên con đường yêu thương để xây dựng và giúp đỡ người dân Bangladesh, đặc biệt những người trẻ để họ có thể học biết: đây là gieo trồng bình an và tôi cám ơn anh chị em, nó là một gương mẫu cho tôi.”

Có thông tin loan truyền rằng ĐGH sẽ đến thăm Bangladesh trong năm 2017 này. ĐHY Patrick D’Rozario, Hồng Y tiên khởi của quốc gia này nói rằng, cuộc viếng thăm của ĐTC là một sự kiện vĩ đại đối với toàn Giáo Hội tại đây, đặc biệt đối với sự hòa hợp tôn giáo.

Tại Bangladesh, Hồi giáo là tôn giáo chính. Thống kê năm 2013 cho thấy có tới 89% dân số là người Hồi, với chỉ 10% dân số theo Ấn giáo. Kitô hữu và Phật tử chiếm chưa tới 1% dân số.

- ĐTC tiếp phái đoàn Do thái giáo.

Trong buổi tiếp kiến một phái đoàn Do thái sáng ngày 23/2/ 2017, ĐTC đề cao cuộc đối thoại huynh đệ giữa các tín hữu Công Giáo và Do thái. Phái đoàn này gồm 89 người gồm các nhà xuất bản do Rabbi Abraham Skorka người Argentina, hướng dẫn đến trao tặng ĐTC ấn bản đặc biệt sách Torah. Rabbi cũng là ngừơi bạn của Ngài từ lâu ở Argentina. Sách này gồm 5 cuốn đầu tiên của Bộ Kinh Thánh (Ngũ Thư), nhưng cũng có nghĩa rộng lớn hơn. Vì thế, lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nhắc lại lời Thánh Gioan Phaolô II định nghĩa sách Torah là “Giáo huấn sinh động của Thiên Chúa hằng sống”, biểu lộ tình hiền phụ và thành tâm của Thiên Chúa, một tình yêu được làm bằng những lời nói và cử chỉ cụ thể, một tình yêu trở thành giao ước. Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng:

“Cuộc đối thoại huynh đệ và có cơ chế giữa các tín hữu Kitô và Do thái ngày nay đã vững chắc và hữu hiệu, qua một cuộc đối chiếu liên tục và cộng tác với nhau. Món quà anh chị em tặng hôm nay được tháp nhập trọn vẹn trong cuộc đối thoại ấy, một cuộc đối thoại không những được diễn tả qua lời nói, nhưng còn qua các cử chỉ nữa. Phần dẫn nhập rộng rãi vào ấn bản Torah này và chú thích của Nhà Xuất Bản nhấn mạnh thái độ đối thoại ấy, biểu lộ một quan điểm văn hóa cởi mở, trong sự tôn trọng nhau, trong an bình, hòa hợp với sứ điệp tinh thần của Torah”.

- Các Giám Mục Australia quyết tâm bài trừ nạn lạm dụng tính dục.

Melbourne, Australia - Các GM Australia quyết tâm bài trừ nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành viên và không để xảy ra trong Giáo Hội những vụ như thế nữa. Lập trường trên đây được ĐC Denis Hart, TGM Melbourne, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Australia bày tỏ hôm 24/2/2017, sau 3 tuần lễ thẩm vấn của Ủy ban hoàng gia về những vụ lạm dụng tính dục. Ủy ban này đã điều tra trong vòng 4 năm qua và xác nhận rằng, trong 30 năm từ 1980 đến 2010, có khoảng 4.400 vụ xảy ra trong cộng đồng Công Giáo ở Australia; khoảng 1.880 Linh mục, tức là 7% các Linh mục tại nước này có liên lụy đến những vụ lạm dụng như thế. 70 vị lãnh đạo Giáo Hội đã điều trần trong 3 tuần lễ trước Ủy ban hoàng gia điều tra, và nói về những thiếu sót và sai lầm trong việc xử lý các vụ lạm dụng, đồng thời đề ra viễn tượng ngăn người những vụ đó trong tương lai.

Trong số các vấn đề được phân tích, có các khía cạnh giáo luật, tòa giải tội, luật độc thân giáo sĩ, thái độ duy giáo sĩ, việc đào tạo linh mục, việc nâng đỡ về nghề nghiệp và sự giám sát. Trong thông cáo, Đức TGM Denis Hart bày tỏ quyết tâm trên đây và khẳng định rằng Giáo Hội Công Giáo tại Australia sẽ tiếp tục nâng đỡ các nạn nhân bị lạm dụng. Trong khi chờ đợi phúc trình chung kết của Ủy ban hoàng gia, Giáo Hội bây giờ phải áp dụng các chính sách trong các cộng đoàn của mình để phòng ngừa.

- Đức Thượng Phụ Alexandria, Ibrahim Isaac Sidrak nói về tình hình Công Giáo tại Ai cập sau khi xảy ra Các Cuộc Tấn Công Ki-tô Hữu: “Chúng tôi, Ki-tô Hữu Thiểu Số Ai-Cập, Đặt Trọn Niềm Tin nơi Thiên Chúa”.

Theo các con số thống kê năm 1986 của chính quyền Ai-cập, có khoảng hơn 3 triệu người, tức chừng 8% dân số Ai-cập, là Ki-tô Hữu tại đất nước của các huyền thoại sư tử đầu người. Theo sổ sách Rửa Tội, Giáo Hội Ai-cập ước tính số lượng tín hữu là khoảng 11 triệu người trong tổng số 54 triệu dân chúng. Dù tính theo cách nào, thì Giáo Hội Ai-cập chỉ là một thiểu số, và là một cộng đoàn từ thời xưa cổ, đã sống qua hơn 2000 năm trên một lãnh thổ từng trải qua nhiều cuộc bách hại, như cuộc bách hại vừa xảy ra vào ngày 11 tháng 12 năm ngoái, khi một cuộc tấn công tự sát đã khiến 27 người thiệt mạng tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Mác-cô của Chính Thống Giáo Ai-cập tại thủ đô Cairo.

Ngày 6 tháng 2 vừa qua, thông tấn xã ZENIT, một cơ quan truyền thông độc lập chuyên về các thông tin Công Giáo tại Roma, đã thực hiện cuộc phỏng vấn với Đức Ibrahim Isaac Sidrak, Thượng Phụ Alexandria, nhân dịp ngài có mặt tại Vatican cùng với các giám mục thuộc Giáo Hội Chính Thống Alexandria trong chuyến viếng thăm ad Limina. Khi đề cập đến không khí căng thẳng mà các Ki-tô Hữu Ai-cập đang trải qua. Đức Thượng Phụ Sidrak nói:

“… Vụ tấn công tại Vương Cung Thánh Đường Chính Thống Giáo là một vụ khủng bố dữ dội xảy ra ngay giữa thánh lễ. Việc phụ nữ và trẻ em bị giết hại làm gia tăng niềm đau thương và sự bàng hoàng trong toàn thể dân chúng Ai-cập. Tuy nhiên, phản ứng của mọi người là một phản ứng hoàn toàn ôn hòa, thể hiện tình đoàn kết thực sự của toàn thể dân chúng. Thiên Chúa an ủi từng người chúng tôi trong lúc đau thương, đặc biệt đối với thân quyến của các nạn nhân. Bây giờ thì có thể nói rằng mọi sự đã trở lại bình thường, mặc dù chúng tôi không bao giờ có thể được hoàn toàn bình an, cũng như các nơi khác trên toàn thế giới ngày nay. Nhưng chúng tôi đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa".

Khi được hỏi, về phía Tổng Thống al-Sisi, có bất cứ dấu hiệu khả quan nào cho Ki-tô Hữu Ai-cập hay không, ngài trả lời: “Tổng Thống al-Sisi là người rất cởi mở và quan tâm đến tình thế của Ki-tô Hữu. Ông đã từng tỏ ra, và tiếp tục tỏ ra gần gũi và quan tâm đến tất cả các vấn nạn xã hội, cụ thể là các vấn nạn đối với thiểu số. Vì vậy chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa đã ban một vị Tổng Thống như vậy. Tuy nhiên, tình thế chính trị đình trệ mọi việc do bởi hệ thống hành chánh chậm chạp và bưng bít. Điều này cũng ảnh hưởng việc xây dựng nhà thờ mới.”

Về mối liên hệ đại kết giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo Ai-cập hiện nay, Đức Thượng Phụ Sidrak khẳng định: Trong thời gian gần đây, mối liên hệ đại kết giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo Ai-cập đã tiến những bước đáng kể. Đức Giáo Hoàng mới Tawadros Đệ Nhị của Chính Thống Giáo Ai-cập là một người rất cởi mở trong việc đối thoại và gặp gỡ. Tuy nhiên, chúng ta không thể chối cãi rằng ở tầm mức hành đạo thực tiễn, đặc biệt là về các Bí Tích, vẫn còn một con đường dài phía trước. Chúng tôi tiến bước với lòng tin tưởng hướng về đại kết, và hiểu rằng đại kết là điều thiết yếu để làm chứng nhân thực thụ của Tin Mừng.

- Căng thẳng trong Giáo Hội Chính thống nghi lễ Syriac, sau khi Thượng Phụ Ignatius Ephrem II bị cáo buộc “phản bội đức tin”.

Các GM của Giáo Hội Chính Thống Giáo nghi lễ Syriac, đang cân nhắc việc triệu tập một phiên họp ngoại thường của Thánh Công Đồng nhằm giải quyết những mâu thuẫn nội bộ sau những cáo buộc cho rằng Đức Thượng Phụ Ignatius Ephrem II đã “phản bội đức tin”. Căng thẳng đã nổ ra bên trong Giáo Hội Chính thống sau khi Thượng Phụ Ignatius Ephrem II kính cẩn giơ cao một bản sao của kinh Qu'ran, trong một cử chỉ tôn kính, tại một cuộc họp liên tôn ở Beirut vào đầu tháng Hai vừa qua. Ngày 8 tháng 2, sáu vị TGM của Giáo Hội Chính thống đã lên án cử chỉ này là một “sự phản bội đức tin”, và tuyên bố rằng Đức Thượng Phụ đã đánh mất danh hiệu của mình như một người bảo vệ đức tin chính thống. Những lời chỉ trích công khai của 6 vị TGM này đã bị 30 TGM khác chế riễu là “nổi loạn chống lại Giáo Hội.”

Mặc dù 6 vị TGM bất đồng chính kiến sau đó đã gửi một lá thư xin lỗi, đa số các GM đòi phải triệu tập Thánh Công Đồng nhằm giải quyết những mâu thuẫn nội bộ và có những biện pháp thích hợp.

- Đêm Văn Nghệ Gây Quỹ Bát Cơn Tình Thương Cho Biển Hồ của Ca đoàn Saint Patrick, Nam Úc.

Phát xuất từ tinh thần bác ái Kitô Giáo và cũng là niềm ước mong mang lại một chút niềm vui và an ủi cho những mảnh đời cơ cực, đầy dẫy khổ đau của những đồng hương Việt Nam đang sống ở Biển Hồ, ca đoàn Saint Patrick thuộc giáo xứ Công Giáo Croydon Park, đã tổ chức Đêm Văn Nghệ “Bát Cơm Tình Thương Cho Biển Hồ” vào lúc 6g30 ngày Thứ Bảy 18/02/2017 tại hội trường Trung Tâm sinh hoạt của Cộng Đồng Người Việt Tự Do / Nam Úc.

Đây là sinh hoạt thứ 3 trong dự án chương trình gây quỹ từ thiện mang tên "Bát Cơm Tình Thương cho Biển Hồ" sau Đêm Nhạc Sống & Karaoke Dạ Vũ (3/12/2016) và gian hàng Hội chợ Tết Đinh Dậu (4 &5 /2/2017).

Vùng Biển Hồ thuộc tỉnh Kampong Chnăng, Campuchia. Đa số người Việt sống tại Biển Hồ đều nghèo. Cuộc sống của họ chủ yếu bằng nghề chài lưới và mua bán trên nước. Họ sống trên những chiếc thuyền nhỏ lênh đênh trên Biển Hồ ở Campuchia, nhiều em bé người Việt chưa từng được đặt chân đến trường.

Trong đêm văn nghệ, BTC đã báo cáo công khai tài chánh, và mọi người đã vui mừng vỗ tay khi BTC công bố tổng số tiền quyên góp được trong suốt dự án đã lên đến trên $53,000.00 (năm mươi ba ngàn Úc kim). Tất cả số tiền này sẽ được một số anh chị em, đại diện cho ca đoàn, sẽ tự lo chi phí, trở lại Biển Hồ dự định vào tháng 7/2017, để trao tận tay cho đồng bào món qùa quý gía mà đồng hương Nam Úc châu đã rộng tay đóng góp.

Trên 400 quan khách, gồm đại diện các đoàn thể và đồng hương trong cộng đồng người Việt Tự Do tại Nam Úc, đã đến với Đêm Văn Nghệ Tri Ân.