Chúa Nhật 5 Mùa Chay A
Một Đức Kitô “rất Chúa” và cũng “rất người”
Trước khi đi vào cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh, Chúa Giêsu đã thực hiện một trong những phép lạ lớn nhất trong tất cả các phép lạ mà Ngài đã thực hiện, đó là phục sinh cho anh Ladarô. Qua phép lạ này, thánh sử Gioan muốn phác họa cho ta thấy một Đức Kitô với hai bản tính rõ rệt: nhân tính và thần tính. Hay nói cách khác, qua phép lạ này, thánh Gioan muốn cho ta thấy một Đức Kitô “rất người” và cũng “rất Chúa”.
1. Một Đức Kitô “rất người” (nhân tính)
“Rất người” được thể hiện cụ thể ở chỗ Ngài biết “vui với người vui, khóc với người khóc”. Ngài đã từng thổn thức xao xuyến trước cái chết của con trai bà góa thành Naim, và nay Ngài cũng thổn thức, thậm chí rơi lệ khi chứng kiến cảnh tang tóc của gia đình cô Matta. Ngài thổn thức rơi lệ vì Ngài rất yêu thương Ladaro; Ngài thổn thức rơi lệ vì Ngài cũng rất yêu thương hai người chị của anh là Matta và Maria. Ngài thấu hiểu được tâm trạng của họ nhất là trước cái chết của Ladaro. Không còn cha mẹ, ba chị em phải sống nương tựa vào nhau. Đã vậy, Ladaro lại lâm trọng bệnh và đột ngột ra đi, khi đang “nửa chừng xuân”, tức là độ tuổi đang còn dồi dào sức sống, để lại vết thương đau sâu hoắm trong tâm hồn hai người chị. Tin Mừng cho thấy cho dù Ladaro đã an nghỉ trong mộ bốn ngày rồi mà hai cô chị là Matta và Maria, vẫn còn sụt sùi khóc thương trước cái chết đoản mệnh của người em trai mình. Chúa Giêsu rất đồng cảm với họ và điều này cũng cho ta thấy phần nhân tính “rất người” nơi Ngài.
2. Một Đức Kitô “rất Chúa” (thần tính)
Phép lạ phục sinh Ladaro cũng còn cho thấy một Đức Kitô “rất Chúa”. Chúng ta biết, trước đó Chúa Giêsu chỉ làm những phép lạ thông thường, chẳng hạn như đặt tay chữa bệnh, khu trừ ma quỷ, hóa bánh ra nhiều… Dẫu sao, những phép lạ này cũng chỉ minh chứng rằng Ngài có quyền năng của một ngôn sứ. Vì chưng các ngôn sứ thời Cựu Ước vẫn có thể làm được những phép lạ này. Nhưng nay khi phục sinh cho Ladaro, Chúa Giêsu muốn chứng thực rằng Ngài là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, thật 100%. Bởi lẽ làm cho một người chết đã chôn trong mồ bốn ngày, được hồi sinh là một điều vượt quá khả năng của con người. Đành rằng thi thoảng vẫn xảy ra trường hợp người chết hồi sinh, nhưng thường là chết lâm sàng, tức là chết trên giường bệnh. Ở đây Ladaro đã chết đến bốn ngày, thân xác đã bắt đầu phân hủy, nhưng Chúa Giêsu vẫn làm cho sống lại được. Rõ ràng Ngài phải có quyền năng siêu phàm. Một điều đáng nói nữa là Chúa Giêsu thực hiện hành động phục sinh Ladaro hoàn toàn chủ động, chứ không phải theo kiểu hên xui may rủi. Chẳng phải trước đó Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “Nào ta đi đánh thức Ladaro dậy” sao! Đối với Chúa Giêsu, cái chết của anh Ladaro chỉ như một giấc ngủ, và Ngài có thể đánh thức anh dậy bất cứ lúc nào Ngài muốn. Và quả thực, với quyền năng Thiên Chúa tự tại, Chúa Giêsu đã hồi sinh thân xác của anh Ladaro chỉ với một lệnh truyền: “Anh Ladaro, hãy ra khỏi mồ”. Tức khắc, người chết chỗi dậy và đi ra khỏi mồ, trước sự kinh ngạc tột cùng của những người chứng kiến. Tắt một lời, qua phép lạ này, thánh sử Gioan muốn nói ta thấy bên cạnh một Đức Kitô “rất người”, ta còn thấy một Đức Kitô “rất Chúa”. Để rồi qua đó, ta thêm niềm xác tín vào ơn cứu độ mà Đức Kitô đã đem đến cho chúng ta.
Trong Kinh Tiền Tụng Chúa Nhật V Mùa Chay năm A, Giáo Hội xưng tụng rằng: “Là người thật, Ðức Kitô đã khóc Ladarô, bạn hữu Người; là Thiên Chúa hằng sống, Người đã truyền cho Ladarô sống lại ra khỏi mồ. Ngày nay, cũng vì thương xót nhân loại, Người đã đưa chúng con vào đời sống mới nhờ các bí tích nhiệm mầu”.
Quả đúng như vậy. Là người thật, Chúa Giêsu dễ dàng đồng cảm với thân phận yếu hèn của chúng ta; là Thiên Chúa thật, Ngài có quyền năng để ban ơn giúp chúng ta thoát khỏi mọi hiểm nguy, nhất là giải thoát chúng ta khỏi ách thống trị của sự chết, và cho ta được thông phần sự sống của Thiên Chúa. Vừa là người vừa là Chúa, Đức Giêsu đã trở thành trung gian đích thực giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người.
Vì thế chúng ta được mời gọi thêm niềm xác tín vào Đức Giêsu là Đấng luôn biết cảm thông thương xót đối với chúng ta, để rồi chúng ta biết năng chạy đến với Ngài, nhất là những khi ta gặp thử thách gian truân, để được Ngài ban ơn nâng đỡ; đồng thời, ta cũng được mời gọi liên kết mật thiết với Đức Giêsu qua các Bí tích, ngõ hầu ta được thông phần thiên tính với Ngài, và mai sau được hưởng sự sống đời đời. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
Một Đức Kitô “rất Chúa” và cũng “rất người”
Trước khi đi vào cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh, Chúa Giêsu đã thực hiện một trong những phép lạ lớn nhất trong tất cả các phép lạ mà Ngài đã thực hiện, đó là phục sinh cho anh Ladarô. Qua phép lạ này, thánh sử Gioan muốn phác họa cho ta thấy một Đức Kitô với hai bản tính rõ rệt: nhân tính và thần tính. Hay nói cách khác, qua phép lạ này, thánh Gioan muốn cho ta thấy một Đức Kitô “rất người” và cũng “rất Chúa”.
1. Một Đức Kitô “rất người” (nhân tính)
“Rất người” được thể hiện cụ thể ở chỗ Ngài biết “vui với người vui, khóc với người khóc”. Ngài đã từng thổn thức xao xuyến trước cái chết của con trai bà góa thành Naim, và nay Ngài cũng thổn thức, thậm chí rơi lệ khi chứng kiến cảnh tang tóc của gia đình cô Matta. Ngài thổn thức rơi lệ vì Ngài rất yêu thương Ladaro; Ngài thổn thức rơi lệ vì Ngài cũng rất yêu thương hai người chị của anh là Matta và Maria. Ngài thấu hiểu được tâm trạng của họ nhất là trước cái chết của Ladaro. Không còn cha mẹ, ba chị em phải sống nương tựa vào nhau. Đã vậy, Ladaro lại lâm trọng bệnh và đột ngột ra đi, khi đang “nửa chừng xuân”, tức là độ tuổi đang còn dồi dào sức sống, để lại vết thương đau sâu hoắm trong tâm hồn hai người chị. Tin Mừng cho thấy cho dù Ladaro đã an nghỉ trong mộ bốn ngày rồi mà hai cô chị là Matta và Maria, vẫn còn sụt sùi khóc thương trước cái chết đoản mệnh của người em trai mình. Chúa Giêsu rất đồng cảm với họ và điều này cũng cho ta thấy phần nhân tính “rất người” nơi Ngài.
2. Một Đức Kitô “rất Chúa” (thần tính)
Phép lạ phục sinh Ladaro cũng còn cho thấy một Đức Kitô “rất Chúa”. Chúng ta biết, trước đó Chúa Giêsu chỉ làm những phép lạ thông thường, chẳng hạn như đặt tay chữa bệnh, khu trừ ma quỷ, hóa bánh ra nhiều… Dẫu sao, những phép lạ này cũng chỉ minh chứng rằng Ngài có quyền năng của một ngôn sứ. Vì chưng các ngôn sứ thời Cựu Ước vẫn có thể làm được những phép lạ này. Nhưng nay khi phục sinh cho Ladaro, Chúa Giêsu muốn chứng thực rằng Ngài là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, thật 100%. Bởi lẽ làm cho một người chết đã chôn trong mồ bốn ngày, được hồi sinh là một điều vượt quá khả năng của con người. Đành rằng thi thoảng vẫn xảy ra trường hợp người chết hồi sinh, nhưng thường là chết lâm sàng, tức là chết trên giường bệnh. Ở đây Ladaro đã chết đến bốn ngày, thân xác đã bắt đầu phân hủy, nhưng Chúa Giêsu vẫn làm cho sống lại được. Rõ ràng Ngài phải có quyền năng siêu phàm. Một điều đáng nói nữa là Chúa Giêsu thực hiện hành động phục sinh Ladaro hoàn toàn chủ động, chứ không phải theo kiểu hên xui may rủi. Chẳng phải trước đó Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “Nào ta đi đánh thức Ladaro dậy” sao! Đối với Chúa Giêsu, cái chết của anh Ladaro chỉ như một giấc ngủ, và Ngài có thể đánh thức anh dậy bất cứ lúc nào Ngài muốn. Và quả thực, với quyền năng Thiên Chúa tự tại, Chúa Giêsu đã hồi sinh thân xác của anh Ladaro chỉ với một lệnh truyền: “Anh Ladaro, hãy ra khỏi mồ”. Tức khắc, người chết chỗi dậy và đi ra khỏi mồ, trước sự kinh ngạc tột cùng của những người chứng kiến. Tắt một lời, qua phép lạ này, thánh sử Gioan muốn nói ta thấy bên cạnh một Đức Kitô “rất người”, ta còn thấy một Đức Kitô “rất Chúa”. Để rồi qua đó, ta thêm niềm xác tín vào ơn cứu độ mà Đức Kitô đã đem đến cho chúng ta.
Trong Kinh Tiền Tụng Chúa Nhật V Mùa Chay năm A, Giáo Hội xưng tụng rằng: “Là người thật, Ðức Kitô đã khóc Ladarô, bạn hữu Người; là Thiên Chúa hằng sống, Người đã truyền cho Ladarô sống lại ra khỏi mồ. Ngày nay, cũng vì thương xót nhân loại, Người đã đưa chúng con vào đời sống mới nhờ các bí tích nhiệm mầu”.
Quả đúng như vậy. Là người thật, Chúa Giêsu dễ dàng đồng cảm với thân phận yếu hèn của chúng ta; là Thiên Chúa thật, Ngài có quyền năng để ban ơn giúp chúng ta thoát khỏi mọi hiểm nguy, nhất là giải thoát chúng ta khỏi ách thống trị của sự chết, và cho ta được thông phần sự sống của Thiên Chúa. Vừa là người vừa là Chúa, Đức Giêsu đã trở thành trung gian đích thực giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người.
Vì thế chúng ta được mời gọi thêm niềm xác tín vào Đức Giêsu là Đấng luôn biết cảm thông thương xót đối với chúng ta, để rồi chúng ta biết năng chạy đến với Ngài, nhất là những khi ta gặp thử thách gian truân, để được Ngài ban ơn nâng đỡ; đồng thời, ta cũng được mời gọi liên kết mật thiết với Đức Giêsu qua các Bí tích, ngõ hầu ta được thông phần thiên tính với Ngài, và mai sau được hưởng sự sống đời đời. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long