Năm Thánh Thể: Chúa, cơm hằng sống

Người Việt Nam có một câu chuyện cổ tích về hạt gạo. Vào những ngày đầu tiên của nhân loại, người ta không phải làm lụng vất vả. Ngày ngày họ chỉ rong chơi, hát quan họ, hội hè, chờ đợi hạt gạo được Ông Trời ban tặng. Khi trời hừng sáng, những hạt gạo ngọc ngà bắt đầu buông mình rời bỏ trời cao. Từng hạt gạo tự động lăn vào cửa ngõ của từng gia đình. Sau cùng hạt gạo dừng lại ngay cửa nhà. Hạt gạo, tặng phẩm từ trời cao, được ban phát đồng đều cho mọi người. Ông Trời trong văn hóa Việt Nam không thiên vị ai, già, trẻ, lớn, bé, mọi người đều nhận được hạt gạo đủ dùng trong một ngày. Điều kiện duy nhất Ông Trời đòi hỏi là vào mỗi sáng sớm, người ta phải quét dọn nhà cửa, từ trong ra ngoài, từ đầu cửa cho tới cuối sân, mọi nơi phải sạch sẽ, không bụi bậm, không rác rưởi để đón nhận hạt gạo từ trời cao.

Trong một thôn xóm nhỏ, có cặp vợ chồng son. Người vợ ngoan hiền xinh đẹp nhưng lại lãng trí, dặn trước quên sau. Một hôm người chồng bận công chuyện phải đi xa. Trước khi rời nhà, anh ta căn dặn người vợ phải quét dọn nhà cửa sạch sẽ để đón tiếp hạt gạo ngọc ngà. Sau khi người chồng ra đi, người vợ bắt đầu nhóm bếp chuẩn bị bữa cơm sáng sớm cho những người thợ cầy. Quay ra quay vô trong căn nhà bếp chật hẹp một hồi, người đàn bà quên mất lời dặn dò. Bất chợt nhớ lại lời căn dặn của người chồng, người vợ vội vàng quơ lấy cây chổi bắt đầu quét sân. Ngay khi đó, hạt gạo ngọc trời ban tặng bắt đầu lăn vào cửa ngõ. Khi nhận ra căn nhà mình đang tiến vào còn ngập tràn rác rưởi, hạt gạo bất ngờ thay đổi hướng đi. Thay vì lăn vào nhà, hạt gạo chầm chậm lăn ra khỏi cửa ngõ. Thấy vậy, người đàn bà vội vàng cuống quít lấy cây chổi chặn lại hạt gạo. Nhưng đã quá trễ! Hạt gạo nhấc mình bay bổng lên cao, dần dần biến mất vào bầu trời xanh.

Và bắt đầu từ đó, Ông Trời không gửi gạo ngọc xuống trần thế nữa. Bởi thế, con người phải làm lụng vất vả, ngày ngày cong lưng cày bừa trên cánh đồng lúa cho từng hạt gạo trắng tinh thơm nồng.

Đây cũng chỉ là chuyện cổ tích. Nhưng câu chuyện đã minh họa và nói lên được tầm quan trọng của hạt gạo trong đời sống của người Việt Nam, đó là, gạo là lương thực chính của người Việt Nam.

I. Người Việt Nam và Gạo

Vào năm 1945 ruộng lúa miền Bắc được lệnh phá bỏ. Thay thế vào đó, người ta trồng đay theo lệnh của phát xít Nhật. Khi những nhánh lúa non đang vươn mình lên bầu trời, người ta được lệnh nhổ tận gốc những cây mạ xanh. Không có những nhánh mạ xanh non, không có những cây lúa xanh tươi. Không có những cây lúa ngậm sữa trổ đòng đòng, người Việt Nam không có gạo. Năm 1945 mùa gặt không về trên nhiều thôn làng miền Bắc. Mùa gặt không tới, gạo không về nhà! Và người ta bắt đầu chết đói! Bao nhiêu người ngã rạp xuống bờ cỏ gốc cây trên những con đường dẫn về thủ đô Hà Nội. Bao nhiêu người chết! Bao nhiêu xác người đen đủi, gầy gò nằm chết la liệt. Người ta chết dễ hơn là đi ngủ! Người ta chết dễ dàng như con sâu cái kiến. Người ta chết dễ như chưa bao giờ có dịp được chết! Người ta tranh nhau chết, chết đói!



II. Người Do Thái và Manna, Bánh Mì

A. Manna

Không giống như người Việt Nam, người Do Thái ăn bánh mì. Bánh mì là lương thực chính được dùng trong những bữa ăn hằng ngày. Trên con đường tiến về Đất Hứa, theo như Sách Xuất Hành 16:4-36, trong sa mạc dân Do Thái không trồng được lúa mì. Không có lúa mì đồng nghĩa với không có bánh mì. Không có bánh mì, người Do Thái sẽ chết đói. Bởi thế ngày ngày Giavê Thiên Chúa đã khiến Manna từ trời cao rơi xuống. Tương tự như câu chuyện thần thoại của người Việt Nam, vào mỗi sáng sớm dân chúng bước ra khỏi lều, và họ thấy trên mặt đất những hạt trắng tinh, mùi thơm thanh khiết. Họ hỏi nhau, “Cái chi vậy?”, trong tiếng Cổ Do Thái, Manna có nghĩa là “Cái chi vậy?”. Ông Môisen đã dậy dân chúng tha hồ thu nhặt những hạt Manna về nhà làm bánh mì. Muốn nhặt bao nhiêu thì nhặt. Đừng lo cho ngày mai bởi ngày mai sẽ tới với những hạt ngọc Manna từ trời cao tiếp tục rơi xuống. Những hạt ngọc Manna đã liên tục từ trời cao rơi xuống cho dân chúng 40 năm lang thang trong sa mạc. Nếu không có những trận mưa trời Manna rơi xuống vào mỗi sáng sớm, những người Do Thái đã biến mất trên bản đồ của thế giới. Có mưa trời Manna, có tất cả. Không có mưa trời Manna, người Do Thái đã chết, chết chắc!

B. Bánh Mì

Theo thánh sử Gioan 6:1-15, khi thấy đám đông dân chúng đi theo Ngài trong hoang địa mệt và đói lả, Đức Giêsu nói với ông Philip,

- Làm sao chúng ta có thể kiếm được thức ăn cho từng này người?

Ông Anrê trả lời,

- Ở đây có một cậu bé với 5 ổ bánh mì và 2 con cá…

Đức Giêsu quyết định can thiệp. Từ 5 ổ bánh mì và 2 con cá, bánh mì và cá bỗng dưng ngập tràn đất khô của hoang địa. Người ta ăn no nê bánh mì. Người ta ngập tràn với cá. Bánh mì và cá xuất hiện khắp nơi. Khắp nơi là bánh mì. Mọi nơi là cá. Vây bọc chung quanh đám đông 5000 người không còn là đói khát nữa, mà là những ổ bánh mì thơm nồng và những con cá thơm tho. Không có những ổ bánh mì và những con cá, đám đông đi theo Đức Giêsu đã gục ngã bên những lùm cây bụi cỏ trong hoang địa.

III. Chúa, Manna, Bánh Mì, và Gạo

Bởi có Chúa, người Do Thái có Manna, có bánh mì. Và người ta không chết nữa. Ngược lại người ta sống hân hoan, sống vui, và sống khỏe. Từ Manna, một dân tộc mới phát sinh, dân tộc Do Thái. Từ những ổ bánh mì, một tôn giáo mới chào đời, tôn giáo Kitô. Bất hạnh thay, người Việt Nam không được may mắn như vậy. Vào năm 1945 hơn hai triệu người đã bỏ mạng bởi trận đói năm Ất Dậu.

Bởi có Giavê Thiên Chúa, người Do Thái không bỏ mạng trong sa mạc. Bởi có Đức Giêsu, đám đông 5000 người trong hoang địa cũng không chết. Năm 1945 người Việt Nam không may mắn như vậy. Mùa gặt không tới, gạo trong nhà hết! Mùi cơm thơm nồng vào những buổi chiều đã không ghé ngang ân cần hỏi thăm từng căn nhà. “Nhà hết gạo rồi”, câu nói này tiếp tục vang lên trên từng cửa miệng. Và thế là người ta chết. Hai triệu người Việt Nam đã bỏ mạng năm Ất Dậu 1945 bởi người ta không có gạo, không có cơm.

IV. Chúa, Cơm Hằng Sống

Đức Giêsu phán,

- Ta là bánh hằng sống từ trời ban xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời (John 6:58).

Bánh đây là bánh chi ? Bánh bông lang? Bánh đa? Bánh cuốn? Bánh chưng? Trong tiếng cổ Hy Lạp, bánh hay ártọs, có nghĩa là một ổ bánh mì. Như vậy, bánh ở đây không phải là bánh bông lang, hay tất cả những loại bánh gì khác, mà chính là bánh mì. Nếu vậy, Đức Giêsu đã nói, “Ta là bánh mì hằng sống”. Bởi Đức Giêsu là người Do Thái, một dân tộc lấy bánh mì làm lương thực chính cho những bữa ăn, cho nên Ngài nói, “Ta là bánh mì hằng sống”.

Trong văn hóa Việt Nam, câu nói này phải được hiểu trong một khía cạnh khác. Người Việt Nam thông thường chỉ ăn bánh mì vào buổi sáng. Sáng sớm người ta mua một ổ bánh mì kẹp chả hoặc kẹp thịt xá-xíu, kèm thêm mấy miếng dưa leo, một chút nước tương, vài cọng ớt. Người Việt Nam không ăn bánh mì trong bữa ăn trưa và tối, nhưng người ta ăn cơm. Không ăn bánh mì, không ăn sáng, không ai chết. Nhưng nếu bỏ ăn cơm trưa, bỏ luôn bữa cơm tối trong một khoảng thời gian, người Việt Nam sẽ chết, chết chắc! Bởi vậy, trong văn hóa Việt Nam, câu nói “Ta là bánh hằng sống từ trời ban xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời” không nói nên được trọn vẹn ý nghiã của Đức Giêsu. Nếu Đức Giêsu là người Việt Nam, Ngài sẽ nói,

- Ta là cơm hằng sống từ trời ban xuống. Ai ăn cơm này sẽ sống đời đời!

Qua câu nói được lồng trong nền văn hóa của gạo trắng cơm thơm, người Việt Nam sẽ hiểu toàn vẹn điều Đức Giêsu muốn nói.

V. Mẹ Maria, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, và Evà

Maria, người thiếu nữ của thành phố Nazaret, qua câu nói, “Này tôi là tôi tớ Chúa. Tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” đã chấp nhận ăn bánh mì từ trời ban xuống, mặc dù người con gái biết rất là khó ăn loại bánh mì này. Sau câu nói “Xin Vâng”, cuộc đời của người cô thiếu nữ dần dần ngập tràn với những bị hiểu lầm và mất mát. Nhưng đúng như lời Đức Giêsu đã phán, bởi Maria đã chấp nhận ăn bánh mì hằng sống, Đức Mẹ đã không chết nữa. Mẹ được đưa lên trời cả hồn cả xác. Đức Mẹ đã được tôn kính với danh hiệu “Nữ Vương Thiên Đàng” và “Mẹ Thiên Chúa”.

Các thánh Tử Đạo Việt Nam đã chấp nhận Đức Kitô là cơm hằng sống từ trời ban xuống. Các ngài đã ăn cơm hằng sống, và các ngài không chết nữa. Các ngài sống đời đời trong lòng Giáo Hội hoàn cầu và Giáo Hội Mẹ Việt Nam.

Còn chúng ta thì sao? Mỗi khi đến nhà thờ, chúng ta nhận lãnh Cơm từ trời ban xuống qua hình ảnh tấm bánh mà chúng ta tin rằng đó chính là thân xác của Chúa Giêsu Kitô. Ngày xưa người đàn bà lãng trí quên quét dọn nhà cửa, Ông Trời nổi giận, và gạo trời thôi không lăn vào nhà nữa. Ngày hôm nay chúng ta đến nhà thờ nhận lãnh Cơm từ trời ban xuống, mặc dù chúng ta không xứng đánh lãnh nhận Cơm Trời. Ngày hôm nay Cơm Trời vẫn được ban tặng cho chúng ta để chúng ta được sống đời đời, mặc dù căn nhà tâm hồn của chúng ta luôn luôn ngập tràn rác rưởi. Ông Trời trong văn hóa Việt Nam nổi giận, nhưng Chúa Kitô Thánh Thể thì khác. Ngài luôn luôn là từ bi, đại lượng, khoan dung, và nhân hậu.

Evà đã chọn lựa ăn lương thực từ cây Biết Lành Biết Dữ, một loại bắp, một loại bo bo không bao giờ được tiêu hóa trong dạ dày của con người. Bởi thế, Eva và con cái của cô ta đều chết. Mẹ Maria đã chọn lựa ăn bánh mì, ăn cơm hằng sống. Mẹ và con cái của Mẹ không bao giờ chết nữa. Còn chúng ta, giữa Cơm Trời và cơm không phải từ trời ban xuống, chúng ta sẽ chọn cơm nào?●