Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong giờ Kinh Sáng, giờ Kinh Sách, sau ba bài Thánh Vịnh (thánh vịnh và điệp ca) là đến bài đọc vắn. Liệu người ta có phải bắt đầu đọc với câu như trước các bài đọc Thánh lễ: “Bài trích sách [tên cuốn sách Kinh Thánh]", hoặc người ta đọc ngay bài mà không đọc: "Bài trích sách..." không? Thứ hai, khi kết thúc bài đọc, liệu người ta phải đọc "Đó là Lời Chúa" và sau đó đọc xướng đáp, hoặc người ta đọc ngay xướng đáp mà không đọc "Đó là Lời Chúa" không? Ngoài ra, khi đọc giờ Kinh trưa, liệu người ta đọc Kinh Lạy Cha sau các Thánh vịnh và bài đọc vắn, hoặc không đọc, vì trong cấu trúc cùa giờ Kinh trưa không nói gì đến Kinh Lạy Cha chăng? - J. V., Giáo phận Poona, Ấn Độ.


Đáp: Tập tục của các bài đọc vắn trong giờ kinh là rằng chúng được đọc hoặc hát, mà không có dẫn nhập hay kết thúc nào cả. Do đó người đọc hoặc ca viên đi đến giảng đài (hoặc thậm chí từ nơi người ấy đang đứng trong nhà nguyện), và chỉ đơn giản là hát hay đọc bài đọc vắn. Khi người ấy đọc xong, mọi người giữ một chút thinh lặng hay nghe một bài giảng, và sau đó đọc xướng đáp.

Kinh Lạy Cha chỉ đọc trong giờ Kinh Sáng, Kinh Chiều, và trong Thánh lễ, như thế mỗi ngày có ba lần đọc Kinh Lạy Cha trong phụng vụ. Không đọc Kinh Lạy Cha trong các giờ Kinh khác.

Về các vấn đề này, Văn kiện trình bày và quy định Các Giờ Kinh Phụng vụ nói:

"45. Bài đọc vắn được chọn theo ngày trong tuần, theo mùa hay theo ngày lễ. Phải đọc và nghe bài này như đích thực là một bản công bố Lời Chúa. Bài đó nhấn mạnh đến vài ý tưởng của Kinh Thánh, và làm sáng tỏ một vài lời vắn tắt, mà nhiều khi nghe đọc trong những bài dài liên tục người ta không để ý mấy. Bài đọc vắn này thay đổi mỗi ngày theo chu kỳ các thánh vịnh.

"46. Tuy nhiên, tùy ý chủ tọa và nhất là khi có giáo dân tham dự, có thể chọn một bài Sách Thánh dài hơn, lấy trong Kinh Sách hoặc các bài đọc trong lễ, đặc biệt các bài vì lý do riêng không đọc được hôm đó. Cũng được phép thỉnh thoảng chọn một bài đọc khác thích hợp hơn, nhưng phải lưu ý điều nói trong các số 248-249 và 251.

"52. Sau khi đọc những lời cầu, mọi người đọc Kinh Lạy Cha.

"Các bài đọc vắn

"156. Các bài đọc vắn (capitula) cũng có tầm quan trọng trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ, như đã nói ở trên, số 45. Vì thế, đã chọn những bài này để trình bày một ý tưởng hay nhắn nhủ đôi lời một cách vắn tắt rõ ràng. Ngoài ra, người ta cũng đã liệu sao cho có sự thay đổi.

"157. Vì thế, đã soạn các bài đọc vắn cho bốn tuần lễ mùa Thường Niên, rồi điền vào phần Thánh Vịnh, để mỗi ngày trong bốn tuần đều có bài đọc thay đổi. Mùa Vọng, Mùa Giáng sinh, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh đều có các loạt bài riêng cho mỗi tuần. Những ngày lễ trọng, lễ kính và một số lễ nhớ cũng có những bài đọc riêng. Các ngày trong tuần vào giờ Kinh Tối cũng vậy.

"158. Khi chọn các bài đọc vắn, đã căn cứ vào những điểm sau đây:

"a) theo truyền thống, không lấy trong Tin Mừng;

"b) hết sức giữ các đặc tính của ngày Chúa Nhật, hay cả ngày thứ sáu, cũng như chính các giờ kinh;

"c) vì các bài đọc vắn thuộc Kinh Chiều đặt ngay sau Thánh ca Tân Ước, nên đã chỉ lựa chọn trong Tân Ước mà thôi.

"Kinh Lạy Cha

"194. Kinh Sáng, Kinh Chiều là những giờ có tính cách đại chúng hơn, nên sau các lời cầu bầu có đọc Kinh Lạy Cha, vì địa vị đặc biệt của Kinh này trong truyền thống cổ kính.

"195. Từ nay trở đi, mỗi ngày sẽ long trọng đọc Kinh Lạy Cha ba lần: trong Thánh lễ, Kinh Sáng và Kinh Chiều.

"196. Cả cộng đoàn cùng đọc Kinh Lạy Cha. Trước khi đọc, có thể tùy tiện thêm một vài lời nhắn nhủ vắn tắt” (Bản dịch Việt ngữ của nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ). (Zenit.org 5-9-2017)

Nguyễn Trọng Đa