Các nhà khảo cổ sắp sửa giải thích được điều đã xẩy ra ở Giêrusalem sau việc người Rôma phá hủy Đền Thờ năm 70 CN.

Thực vậy, các nhà khảo cổ của Cơ Quan Khảo Cổ Israel hôm thứ hai, 16 tháng Mười, tuyên bố rằng trong hai năm qua, họ đã đào xới và khám phá được một phần của Bức Tường Than Khóc của Giêrusalem ở sâu dưới đất 8 thước, bị lấp kín đã 1,700 năm nay.



Và trong lúc họ đào xới, ngay bên dưới Vòm Wilson, tức khu vực cận kề khu đàn ông của Bức Tường Than Khóc, họ tình cờ khám phá được một nhà hát nhỏ của Rôma xưa. Việc đào xới này không đụng gì tới Temple Mount.

Suốt trong hai năm đào xới, một nền nhà mới được chống đỡ đã được dựng lên để không làm trở ngại việc thờ phượng hàng ngày tại địa điểm thánh thiêng nhất của Do Thái Giáo.

Công việc vẫn còn đang tiếp diễn trong vòng 6 tháng tới, và người ta mong các khám phá về thời kỳ Ngôi Đền Thứ Nhất sẽ được tiết lộ. Khi công trình này hoàn tất, địa điểm sẽ được mở ra cho công chúng tới thăm.

Trong một cuộc họp báo dưới đất vào hôm Thứ Hai ở quần thể hầm sâu của Bức Tường Than Khóc, các nhà khảo cổ, Tiến Sĩ Joe Uziel, Tehillah Lieberman và Tiến Sĩ Avi Solomon, đã bối cảnh hóa việc khám phá ra cơ cấu nhà hát ngay bên dưới Vòm Wilson như chiếc cửa sổ chưa bao giờ thấy trước đây dẫn vào cuộc sống công cộng hàng ngày của thành phố vừa được người Rôma chiếm đóng.



Tiến sĩ Uziel nói rằng “Việc khám phá ra cơ cấu giống như một nhà hát này là một bi hài kịch thực sự”.

Trong thập niên 1860, một nhà vẽ bản đồ địa chánh kiêm khảo cổ người Anh, Ông Charles William Wilson, là người đầu tiên đi tìm nhà hát này ở gần Bức Tường Than Khóc. Nhà hát nhỏ gồm chừng 200 tới 300 chỗ ngồi này vốn đã được Josephus Flavius và nhiều nguồn cổ xưa nhắc đến, nhưng suốt trong 150 năm đào xới vừa qua, chưa nhà khảo cổ nào tìm thấy nó. Các nhà khảo cổ cho rằng đây là điển hình tái khám phá một dinh thự công cộng của Rôma tại Giêrusalem.

Năm 70 CN, Đền Thờ Thứ Hai đã bị san bằng cùng với toàn bộ khu định cư của người Do Thái tại Giêrusalem. Thay vào đó, khu định cư Rôma có tên Aelia Capitolina đã được thành lập và đặt tên theo thần Jupiter của Rôma và Hoàng Đế Hadrian (cũng có tên là Aelius), tức vị hoàng đế bắt đầu tái thiết thành phố vào năm 130 CN. Sau cuộc Nổi Loạn đẫm máu của Bar Kochba khoảng các năm 132-136 CN, người Do Thái bị cấm lui tới thành phố trừ ngày Tisha B’Av, ngày than khóc, kỷ niệm việc phá hủy Đền Thờ.

Các nhà khảo cổ định niên biểu cho các lớp khai quật của họ bằng phương pháp định mẫu đồ gốm và định niên biểu đồng tiền cũng như các kỹ thuật định niên biểu bằng Carbon 14. Các kết quả sau cùng của các thử nghiệm Carbon 14 chỉ được biết rõ trong ít tháng tới, nhưng Tiến Sĩ Uziel nói rằng, nhà hát “chắc chắn có từ cuối thời Rôma”.

Nhóm chuyên gia này hy vọng tiếp tục đào xới cho tới mùa xuân. Tiến Sĩ Uziel nói rằng dù chưa thể biết bên dưới có gì, nhưng ông hy vọng sẽ đào được các di tích của thời kỳ Đền Thờ Thứ Nhất.

Trước cuộc họp báo hôm Thứ Hai, Giáo Sĩ Shmuel Rabinovitch, giáo trưởng của Bức Tường Than Khóc và các nơi thánh, nói rằng “chúng ta hiện có một công trình khảo cổ vĩ đại ở trước mặt và tôi chắc chắn rằng càng đào sâu hơn, ta càng đạt tới những thời kỳ cổ đại hơn, càng củng cố sự nối kết sâu xa của dân tộc Do Thái đối với Lãnh Thổ Israel và Giêrusalem”.

Bánh mì và trò xiếc ở Giêrusalem bình địa

Xây theo lối kiến trúc Rôma cổ điển, nhà hát nằm ngay bên dưới Vòm Wilson; vòm này như thể là mái của nó. Vòm Wilson là cấu trúc hữu hình duy nhất còn lại từ quần thể Temple Mount. Trong thời kỳ Đền Thờ Thứ Hai, vòm này được dùng như cây cầu đi bộ để người thờ phượng bước vào quần thể. Theo các nhà khảo cổ, khoảng không dưới cầu đi bộ của Vòm Wilson được dùng làm đường, phố xá và mương thoát nước.

Ngày nay, 8 thước trên nhà hát là khu vực cạnh quảng trường của Bức Tường Than Khóc, được dùng làm nơi cầu nguyện; trong cuộc họp báo hôm thứ Hai vừa qua, người ta nghe văng vẳng tiếng cầu kinh ở phía trên.

Khu vực bên dưới chiếc vòm bị hư hại nặng do cuộc động đất lớn khoảng năm 360 CN. Cư dân Giêrusalem, sợ chiếc vòm bị sập, nên đã cố ý đổ đất và rác xuống khu vực trống này, do đó, cũng đã che lấp hết những gì còn lại của nhà hát suốt 1,650 năm qua. Tiến Sĩ Solomon nói rằng: niên biểu xưa nhất của đồng tiền khai quật được là năm 380 CN.

Việc khám phá cấu trúc nhà hát này cho thấy một thành phố được người Rôma chiếm đóng đang phát triển: các viên đá lót đường được dùng làm ghế ngồi và các đường mương dẫn nước thải, mà các nhà khảo cổ tin là được nối vào đường hầm nước thải của Thành Đavít gần đó, đã được hạ thấp xuống để nhường chỗ cho một vận động trường có chỗ ngồi tựa vào Bức Tường Than Khóc.

Điều đáng lưu ý, theo Tiến Sĩ Uziel, là hình như nhà hát chưa được hoàn tất. Các cầu thang chưa được đẽo hoàn toàn và có những hòn đá đã được đánh dấu nhưng chưa được đục đẽo trọn vẹn. Ông đoán rằng có lẽ cuộc Nổi Loạn của Bar Kochba đã làm gián đoạn việc xây cất. Theo Cơ Quan Khảo Cổ Israel, các cuộc khai quật trước đây tại Eastern Cardo và Quảng Trường Bức Tường Than Khóc cho ta chứng cớ thêm về các dinh thự chưa hoàn tất của thời kỳ này.

Dấu chỉ cho thấy việc tiếp tục sử dụng Temple Mount

Tiến Sĩ Solomon cho biết: nhà hát và các khám phá khác từ các cuộc khai quật trước cho thấy “dấu chỉ” sự quan trọng của Temple Mount sau sự sụp đổ của Đền Thờ Thứ Hai.

Tiến Sĩ Solomon, người, 15 năm trước đây, trong các cuộc khai quật gần đó, từng khám phá ra một nhà vệ sinh công cộng của người Rôma, nói rằng nhiều thành phố do người Rôma chiếm đóng hay thành lập khắp Bắc Phi và Âu Châu (Hy Lạp, Bảo Gia Lợi, và Thổ Nhĩ Kỳ…) cho thấy 4 yếu tố: nhà vệ sinh, phòng tắm công cộng, nhà hát, và đền thờ. Ông cho biết ở Israel cũng có các điển hình như thế, như ở Beit Shean, nơi phòng tắm công cộng được đặt cạnh 1 đền thờ, cũng như ở Jarash thuộc Jordan.

Dù chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy một đền thờ Rôma tại Temple Mount, nhưng Tiến Sĩ Solomon cho thấy càng ngày càng có bằng chứng cho thấy có người Rôma ở đây, nhờ các khám phá của Dự Án Temple Mount Sifting, trong đó, có đồ trang sức và con súc sắc của Lữ Đoàn Rôma.

Tiến Sĩ Uziel cho biết: “Điều diễn ra tại Temple Mount giữa việc phá hủy Đền Thờ Thứ Hai và thời kỳ Hồi Giáo là một trong các bí ẩn chúng tôi chưa giải thích được”. Ông nói rằng dù một số người cho rằng có một Đền Thờ Thần Jupiter ở đó, nhưng không có chứng cớ gì cả vì chưa có cuộc khai quật khoa học nào tại Temple Mount.

Bước theo con đường trải đá

Các nhà khảo cổ khám phá ra nhà hát khi đang tìm kiếm con đường dẫn tới Đền Thờ Thứ Hai. Đứng giữa đống đá vụn và vận động trường có chỗ ngồi của cấu trúc nhà hát, nhà khảo cổ Lieberman nói rằng họ bắt đầu thấy các viên đá phẳng, nên nghĩ rằng họ đã tìm ra con đường. Nhưng rồi, các phiến đá bắt đầu có hình cong. Nhận ra đây không phải là một con đường, cô nói đùa, “Vậy đây là cái gì, chả lẽ giao thông vòng tròn?”

Khi hiểu ra mình đã tìm được một nhà hát, Cô Lieberman nói toàn bộ cái hiểu của các nhà khảo cổ về thành phố Rôma xưa đã thay đổi.

“Giờ đây, chúng tôi thấy có một sự nhàn hạ, tiêu khiển ở bên dưới Vòm Wilson”. Cô cho đây là một khám phá “không thể nào tin được”.

Cô nói rằng vào thời điểm này, chưa rõ liệu cấu trúc này được dùng như một odeon, tức một nhà hát nhỏ bách âm có mái hay một bouleuterion, tức một hội đồng thành phố, thậm chí là cả hai. Vì vận động trường có chỗ ngồi tiếp giáp với Bức Tường Than Khóc, nên người ta cho nó không có tầm quan trọng đối với khán giả Rôma.

Cô Lieberman nói rằng cuối cùng, địa điểm này sẽ được mở cho công chúng như là một phần trong các chuyến du lịch Đường Hầm Bức Tường Than Khóc.

Theo Cô, các nhà khảo cổ hy vọng rằng hệ thống thoát nước có thể được nối kết với hệ thống mà du khách vốn viếng thăm tại Thành Đavít, hiện kết thúc ở Vòm Robinson, phía nam Bức Tường Than Khóc.

Các khám phá của các nhà khảo cổ sẽ được trình bầy cho công chúng lần đầu tiên tại hội nghị “Các Nghiên Cứu Mới tại Ngành Khảo Cổ Giêrusalem và vùng phụ cận” sẽ được tổ chức tuần này ở Đại Học Hebrew ở Giêrusalem.