Theo dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa luôn tỏ mình ra cho con người. Ngài tỏ mình ra nhằm mục đích cho con người biết ý định của Ngài, là muốn cho con người được tham dự vào sự sống đời đời của Ngài.

Nhiều lần Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho con người bằng lời nói: Ngài nói với ông Mô-sê, nói với các tiên tri. Sau đó, Mô-sê và các tiên tri nói lại với dân chúng. Chẳng hạn, Ngài nói với Mô-sê về ý định của Ngài là muốn đưa dân Is-ra-en thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập để về Đất Hứa. Mô-sê đi nói điều đó cho dân chúng biết (x. Xh 6,1-13).

Nhiều lần Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho con người bằng hành động: Chẳng hạn, Ngài cho nước Biển đỏ dựng đứng như bức tường thành để dân Is-ra-en đi qua (x. Xh 14, 15-31) hay cho mưa diêm sinh và lửa từ trời thiêu đốt thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra vì tội lỗi của họ (x. St 19,1-29)…

Ngài còn tỏ mình ta theo từng giai đoạn khác nhau của lịch sử cứu độ: Vào năm 1850 (TCN), Ngài tỏ mình ra cho ông Áp-ra-ham và thử lòng trung thành của ông qua việc đòi ông hiến tế đứa con duy nhất là I-xa-ác. Ông Áp-ra-ham đã vâng nghe và làm đúng như lời Thiên Chúa, nhưng được Thiên thần can ngăn. Thấy được lòng trung thành của ông, nên Thiên Chúa hứa sẽ ban cho ông một dân tộc, một dòng dõi đông đúc như sao trên trời và như cát ngoài bãi biển (x. St 22,1-19); vào năm 1250 (TCN), Ngài tỏ mình ra cho ông Mô-sê qua bụi cây bốc cháy và cho ông biết Ngài là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp, tổ phụ người Do Thái và ý định của Ngài là đưa dân Ít-ra-en ra khỏi ách thống trị nô lệ Ai-cập (x. Xh 3, 1-22); vào năm 1000 (TCN), qua Na-than, Thiên Chúa hứa với vua Đa-vít rằng Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra trong dòng dõi của ông (x. 2Sm 7,11-16); từ năm 721 (TCN), Thiên Chúa tiếp tục nói với dân chúng qua các tiên tri như I-sai-a, A-mốt, Hô-sê, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en…; Cuối cùng, Thiên Chúa tỏ mình ra cách trọn vẹn nơi Đức Giê-su Ki-tô. Vì thế, ngày lễ Giáng sinh là ngày Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân Do Thái. Chính các Thiên thần báo tin cho các mục đồng rằng: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa.” (Lc 2,11). Còn ngày lễ Hiển linh mà chúng ta mừng kính hôm nay gọi là ngày lễ Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại qua ngôi sao dẫn đường. Rồi, ông Si-mê-on nhận ra trẻ Hài nhi là Đấng Cứu Thế nhờ Thánh Thần linh hứng (x. 2,22-28). Bà An-na cũng được ơn nói tiên tri về Hài Nhi cho mọi người (x. Lc 2,36-38).

Trong ba năm đời sống công khai, Đức Giê-su cũng tỏ mình ra cho các môn đệ và dân chúng bằng lời nói và các phép lạ Ngài làm. Ngài cho biết: Ngài là ai? Thiên Chúa là Đấng nào? Thiên Chúa có mấy ngôi? Nhiệm vụ của từng Ngôi như thế nào? Ngài còn mạc khải cho biết nhiều điều liên quan đến Thiên Chúa, đến thế giới thiêng liêng, đến số phận đời đời của con người và vũ trụ này. Sau ba năm đời sống công khai, Ngài đã chịu chết, sống lại và lên trời. Đến ngày tận cùng của thế giới, Ngài lại ngự đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Như vậy, nếu không có những lần Thiên Chúa tỏ mình ra, nếu không có Đức Giêsu mặc khải thì con người sẽ không biết Thiên Chúa là ai, ý định của Ngài như thế nào. Cũng vậy, các mục đồng sẽ không biết Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế nếu không được các Thiên thần loan báo. Các đạo sỹ cũng không biết Đức Giê-su nếu không có ngôi sao dẫn đường chỉ lối. Các tông đồ sẽ không biết về Thiên Chúa và các phẩm tính của Ngài nếu Đức Giê-su không mạc khải cho họ. Mỗi người kitô hữu chúng ta sẽ không biết Đức Giê-su Ki-tô nếu Giáo hội, cha mẹ, thầy cô giáo lý viên…không dạy dỗ chúng ta. Những người ngoại giáo sẽ không biết về Đức Giê-su Ki-tô nếu người kitô hữu không nói cho họ biết.

Vì thế, ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn muốn tiếp tục tỏ mình ra cho nhân loại qua trung gian các kitô hữu. Ngài tỏ mình ra qua lời nói và hành động của chúng ta. Chúng ta có thể giới thiệu về Chúa bằng lời nói như Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê đã làm. Chúng ta có thể giới thiệu về Chúa bằng việc làm bác ái yêu thương như Mẹ Tê-rê-xa Cal-cut-ta đã làm. Trong bài đọc I hôm nay, ngôn sứ I-sai-a mời gọi chúng ta “Hãy tỏa sáng ra” (Is 60,1). Chúng ta hãy “tỏa sáng” giáo huấn của Đức Giê-su cho hết thảy mọi người: hãy tỏa sáng tình thương tới những nơi có oán ghét hận thù; hãy tỏa sáng sự thứ tha tới những nơi có khinh khi nhục mạ; hãy tỏa sáng sự hòa giải tới những nơi đang có mâu thuẫn bất đồng; hãy tỏa sáng chân lý tới những nơi có giả dối sai lầm; hãy tỏa sáng đức tin tới những nơi đang có hoàn nghi ngờ vực; hãy tỏa sáng niềm hy vọng tới những nơi đang có nản chí sờn lòng; hãy đem ánh sáng vào những nơi đang có bóng tối mây mù; hãy tỏa sáng niềm an vui vào những nơi đang có u sầu buồn bã.

Làm được như vậy, mọi người sẽ nhận biết Thiên Chúa là Đấng nào hay ít nữa là họ biết chúng ta là con cái của Ngài. Câu chuyện sau đây làm chứng cho chúng ta thấy điều đó: Một buổi tối lạnh lẽo trong kỳ nghỉ lễ, có một cậu bé độ sáu bảy tuổi đứng bên ngoài một tủ kính bầy hàng của một cửa hiệu. Cậu bé không có giầy, quần áo thì rách rưới bẩn thỉu.

Một phụ nữ đi ngang qua và chợt nhìn thấy cậu bé. Bà đọc thấy được một niềm mong ước trong đôi mắt xanh xao của em. Bà cầm tay em dắt vào cửa hiệu, rồi mua cho em một đôi giầy mới, một bộ đồ mới ấm áp.

Sau đó, cả hai đi ra khỏi cửa hiệu và người phụ nữ nói với cậu bé: “Bây giờ về nhà, chúc cháu hưởng một kỳ lễ vui vẻ.” Cậu bé ngước nhìn bà và hỏi: “Bà có phải là Thượng Đế không ?” Người phụ nữ mỉm cười và trả lời: “Không phải đâu cháu, ta chỉ là một trong những người con của Ngài mà thôi.” Bấy giờ cậu bé mới reo lên: “Cháu biết là thế nào bà cũng phải có họ với Thượng Đế mà.” (Bài viết có sử dụng dữ liệu trên Internet).

Ước mong rằng lời nói và việc làm của chúng ta giúp người khác nhận ra Thiên Chúa. Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, vì yêu thương nhân loại chúng con nên Chúa đã tỏ mình ra cho chúng con nhận biết Chúa. Xin cho chúng con luôn tin yêu Chúa. Xin cho chúng con biết dùng lời nói và việc làm để giới thiệu về Chúa cho anh chị em mình. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành