Giải đáp phụng vụ: Thánh lễ Đức Mẹ trong Mùa Chay và Mùa Vọng được quy định như thế nào?

Nơi cử hành Tam Nhật Vượt Qua.

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Các Thánh Lễ cho các ngày trong tuần (kể cả thứ Bảy) của Mùa Chay và Mùa Vọng là các Thánh lễ được chỉ định sẵn. Tuy nhiên, có các Thánh Lễ trong Bộ sưu tập các Thánh Lễ của Đức Trinh Nữ Maria dành cho Mùa Chay và Mùa Vọng. Vậy khi nào được phép sử dụng các phụng vụ từ Bộ sưu tập Thánh lễ này trong Mùa Chay và Mùa Vọng? - J. M., Washington, D.C., Hoa Kỳ.


Đáp: Như số 21 của Phần Giới thiệu Bộ sưu tập Thánh Lễ của Đức Trinh Nữ Maria cho biết, bộ sưu tập này được dành trước hết cho các Đền thánh Đức Mẹ.

Các Đền thánh này thường có sự cho phép của Tòa Thánh để cử hành các Thánh Lễ của Đức Bà vào các ngày, vốn thường không được phép theo các quy chế của Lịch Rôma Tổng quát, chẳng hạn trong Mùa Vọng và Mùa Chay.

Sự nhượng bộ này thường được áp dụng cho tất cả các ngày, trừ những gì được nêu ra trong các số 1-6 của danh sách các ngày phụng vụ, được tìm thấy trong hầu hết các phiên bản của Sách Lễ Rôma.

Quyền dâng lễ này thường dành riêng cho các linh mục trong cuộc hành hương, hoặc cho các buổi lễ cho các nhóm người hành hương, và với yêu cầu là sử dụng bình thường các bài đọc theo mùa, chứ không phải các bài đọc của Sách bài đọc lễ Đức Mẹ (Phần Giới thiệu, số 31).

Vì lý do này, các Thánh Lễ được chỉ định cho Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh thường không được phép trong các cơ sở như giáo xứ, vốn không được hưởng bất kỳ sự miễn trừ nào từ các quy tắc của Lịch Tổng Quát. Lịch cấm hầu hết các Thánh lễ ngoại lịch trong các mùa này.

Tuy nhiên, Quy chế Tổng Quát Sách lễ Rôma (GIRM), số 376, nói: "Trong các ngày có lễ nhớ bắt buộc hay các ngày Mùa Vọng cho đến 16 tháng 12, Mùa Giáng Sinh từ 2 tháng giêng, và Mùa Phục Sinh sau Bát Nhật Phục Sinh, thì cấm các lễ cho các nhu cầu khác nhau và lễ ngoại lịch. Tuy nhiên, nếu có nhu cầu thực sự và lợi ích mục vụ đòi hỏi, thì trong cử hành với giáo dân có thể dùng lễ đáp ứng với nhu cầu hay lợi ích ấy, tuỳ theo sự phán đoán của vị giám quản thánh đường hay của chính vị chủ tế" (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Do đó, khi có một nhu cầu thực sự cho việc cử hành Thánh lễ Đức Mẹ trong các thời kỳ kể trên, cha xứ có thể chọn một trong các Thánh Lễ thích hợp từ Sách Lễ Rôma hoặc bộ sưu tập Thánh Lễ của Đức Trinh Nữ Maria.

Ngoài ra, còn có các trường hợp ngoại lệ vốn cho phép sử dụng hai trong số các công thức này, ngoài mùa được chỉ định, trong mùa thường niên. Số 28 của Phần Giới Thiệu nói rằng công thức Giáng sinh "Đức Bà Maria thành Nazareth (số 8)" có thể được sử dụng, nếu một nhóm tín hữu mong muốn tưởng nhớ lối sống gương mẫu của Đức Mẹ tại Nazareth. Tương tự như thế, công thức Mùa Chay "Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hòa Giải (số 14)" có thể được sử dụng khi Thánh Lễ được cử hành trong bối cảnh tìm kiếm sự hòa giải và hòa hợp.

Sau khi tôi trả lời như trên, một bạn đọc đã yêu cầu làm rõ về địa điểm thực sự cho việc cử hành Tam Nhật Vượt Qua.

Hỏi: Con nhớ rằng con đã đọc, hoặc trong Bộ giáo luật hoặc trong Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, rằng các buổi cử hành Tam nhật Tuần Thánh chỉ có thể được cử hành trong các giáo xứ được thừa nhận, chứ không trong các nhà nguyện (chapel) và/hoặc nhà nguyện nhỏ (oratory), nơi mà không có giáo xứ. Xin cha cung cấp cho con lời hướng dẫn của Hội Thánh về chủ đề này: nơi nào có thể cử hành Tam Nhật Vượt Qua?.

Đáp: Có lẽ bạn đọc này đã nhắc đến Thư Luân Lưu liên quan đến việc Chuẩn bị và Cử hành Tam Nhật Vượt Qua, do Tòa Thánh công bố năm 1988. Số 43 của tài liệu này nêu rõ:

"Thật là thích hợp khi các cộng đoàn tu sĩ nhỏ, cả giáo sĩ và giáo dân, và các nhóm giáo dân khác nên tham dự vào việc cử hành Tam Nhật Vượt Qua ở các nhà thờ chính lân cận.

"Tương tự như vậy, khi số lượng người tham dự và các thừa tác viên là quá ít, đến nỗi không thể cử hành Tam Nhật Vượt Qua với nghi lễ trang trọng, các nhóm tín hữu này nên tập hợp trong một nhà thờ lớn hơn.

"Ngoài ra, nơi nào có các giáo xứ nhỏ với chỉ một linh mục, các giáo xứ này nên được khuyên tập hợp nhau lại, càng nhiều càng tốt, vào một nhà thờ chính và tham dự buổi cử hành ở đó.

"Theo nhu cầu của tín hữu, nơi nào một linh mục chịu trách nhiệm cho hai hoặc nhiều giáo xứ, mà ở đó các tín hữu tập hợp thành nhóm đông hơn nhiều, và ở đó việc cử hành có thể diễn ra trong trang trọng và chu đáo cần thiết, các buổi cử hành Tam Nhật Vượt Qua có thể được lặp lại theo các quy định đã có".

Một chú thích cho đoạn đầu tiên nêu rõ trường hợp của các cộng đoàn dòng kín: "Trong đan viện của các nữ đan tu, cần phải cố gắng hết sức để cử hành Tam Nhật Vượt Qua với nghi thức trang trọng lớn nhất có thể, nhưng trong nhà thờ của đan viện".

Do đó, không phải là quá nhiều khi nói rằng Tam Nhật bị cấm bên ngoài các nhà thờ giáo xứ, nhưng đúng hơn Hội Thánh khuyến nghị rằng, trong chừng mực có thể, Tam Nhật Vượt Qua không được cử hành trong các nhóm nhỏ, nhưng trong các cuộc tụ họp đông đảo của các tín hữu.

Các cộng đoàn tu sĩ đông người có thể cử hành Tam Nhật Vượt Qua trong cộng đoàn của họ, đặc biệt trong các cộng đoàn mà theo truyền thống họ đi cùng với Chúa Kitô suốt cả đêm giữa Thứ Năm Tuần Thánh và Thứ Sáu Tuần Thánh.

Sự tôn trọng tập tục lâu đời này sẽ là không thể có trong thực tế, nếu không cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly và rước Thánh Thể sang nhà tạm trước đó. Điều này cho phép tôn thờ công khai Chúa Kitô trong nhà tạm cho đến nửa đêm, và cầu nguyện riêng sau đó. (Zenit.org 26-2 và 11-3-2008)

Nguyễn Trọng Đa