Sáng 08/04, trong Thánh lễ Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót cử hành tại Giáo Xứ Paris, cộng đoàn đã mừng : 20 năm Phó tế vĩnh viễn của Thầy Phạm Bá Nha và 15 năm Phó tế của Thầy Tạ Đình Chung

Là giáo dân, thầy Phêrô Phạm Bá Nha tham gia công việc mục vụ ở Giáo Xứ Việt Nam Paris từ năm 1983. Theo đề nghị của Đức Ông Giám Đốc Mai Đức Vinh, thầy được Tổng Địa Phận Paris nâng lên hàng giáo sĩ, được Đức Hồng Y Lustiger phong chức Thầy Sáu Vĩnh Viễn ngày 28.03.1998, và qua văn thư ngày 29.03.1998, thầy đã được bổ nhiệm làm việc ở GXVN Paris.

Hai mươi năm phục vụ giáo xứ, 1998-2018, Chúa Nhật 08.04.2018 vừa qua, Giáo Xứ VN Paris đã tổ chức thánh lễ tạ ơn các Phó Tế, đặc biệt là thầy Phạm Bá Nha, 20 năm Phó tế vĩnh viễn, chủ bút báo Giáo Xứ kiêm Trưởng ban Tu thư ; và thầy Phạm Đình Chung, 15 năm Phó tế, đặc trách mục vụ giáo dục. Vào cuối thánh lễ, Cha Giám đốc Nguyễn Kim Sang đã tán dương công đức của thầy Phạm Bá Nha và thầy Tạ Đình Chung. Trong thời gian qua, hai thầy đã tận tụy chăm lo công việc mục vụ văn hóa và giáo dục của Giáo xứ.

Thực ra thầy Nha không chỉ là một giáo sĩ với chức bậc thầy sáu vĩnh viễn, mà trước đó, còn là một giáo sư và cả đời là một nhà văn hóa.

GIÁO SƯ Ở VIỆT NAM, 1968-1975

Giáo sư Phạm Bá Nha sinh ngày 17.02.1938 tại xã Quyết Bình, một giáo xứ toàn tòng Công Giáo thuộc huyện Chất Thành, quận Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Sinh trưởng trong một gia đình đạo đức, có 4 anh chị em, hai trai, hai gái, chú Nha đã nhập tu vào Trường Thử ở Trì Chính, rồi Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc, Phát Diệm (1951-1954). Đất nước chia đội, chú Nha theo Tiểu Chủng Viện di cư vào Nam, ở Phú Nhuận, Sài Gòn (1954-1960). Từ 1960 đến 1962, thầy Nha đã được nhập học hai năm triết học tại Đại Chủng Viện Phát Diệm Di Cư ở số 98 Chi Lăng, Gia Định. Sau đó, vào cuối năm 1962, vì lý do sức khoẻ, thầy đã rời Đại Chủng Viện. Thầy Nha được cha Thu mời dậy học cho trường Trí Đức ở Chí Hòa.

Năm 1963, đậu bằng tú tài ban C, văn chương. thầy được thâu làm công chức Phủ Tổng Thống, khởi đầu với chức vụ nhân viên, rồi được thăng bậc chủ sự, và được bổ nhiệm Phụ Tá Chánh Sở, Đồng thời thầy được bổ nhiệm làm giáo sư trường Văn Hóa Quân Đội ở đường Lê Văn Duyệt, từ 1963 đến 1974. Vào năm 1968, thầy theo học khóa 3/68 Sỹ Quan Thủ Đức trong 10 tháng, được tốt nhiệp cấp bậc Chuẩn Úy Trừ Bị ngày 23.11.1968.

Năm 1970 thầy lập gia đình với cô Trịnh Thị Thu, và hai năm sau, ngày 10.10.1972, sinh được một cậu trai đặt tên là Phạm Bá Cường.

Ghi tên học Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, tốt nghiệp cử nhân Giáo Khoa Nhân Văn. Năm 1975, được thăng cấp bậc Trung Úy Trừ Bị, vừa làm công chức Phủ Tổng Thống, vừa làm giáo sư trường Văn Hóa Quân Đội.

Ngoài ra thầy còn là giáo sư một số trường tư thục Công Giáo, như trường Trung Học Thánh Mẫu đệ I và đệ II cấp ở Gia Định, trường Mai Khôi ở Chí Hòa. Cử nhân giáo khoa Nhân Văn, thầy Nha chính yếu dậy bốn môn : Việt Văn, Lịch sử, Địa lý và Công Dân Giáo Dục.

Từ năm 1975, cộng sản chiếm toàn thể đất nước Việt Nam, như bao nhiêu công chức và quân nhân sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, thầy Nha phải đi học tập cải tạo đến 1982 tại Quảng Ninh, và Thanh Hóa.

Ngày 14.01.1982 (tức ngày 20.12.1981 âm lịch) thầy được thả tự do. Gia đình xum họp và cư ngụ tại số 27/27 Huỳnh Tịnh Của, Tân Định, Sài Gòn.

THẦY SÁU VĨNH VIỄN Ở GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS TỪ 1998

Bà Trịnh thị Thu, phu nhân của thầy Nha là y tá, hành nghể tại nhà thương GRALL của Pháp, có quốc tịch Pháp, được chính phủ Pháp cho nhập cảnh vào Pháp, mang theo cả gia đình. Ngày 07.09.1983, Thầy Nha cùng vợ và con trai đến Paris và được tạm trú một tuần ở trại tiếp cư L’Hay-Les-Roses ở Val-De-Marne, 94240. Sau đó, từ 15.09.1983 đến 15.04.1984, được chuyển về Foyer AFTAM, địa chỉ 128 rue D’Orroire, NOYON 60402. Rồi được chuyển về 4, rue des Ecoles, 93300 Aubervilliers. Ở đây, Bà Thu, vợ thầy Nha được thâu nhận làm y tá ở nhà thương Roseraie, Aubervilliers từ tháng 10 năm 1983. Và thầy Nha được thâu làm việc cho hãng Intermarché, Sa Sadrac, 93200 La Courneuve từ năm 1984. Ngày 11.01.1988, thầy Nha mua nhà ở số 06, rue des Cités, 93300 Aubervillier, và liên tục ở đó cho đến ngày nay. Ngày 03.12.1993, hãng Intermarché đóng cửa vĩnh viễn, thầy Nha bị thất nghiệp.

Từ khi về ở Aubervilliers vào năm 1984, thầy Nha tham gia một cách rất tích cực vào các công việc mục vụ của giáo xứ :

1. 1983, tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, thầy Nha tham dự các nhóm Học hỏi Thánh Kinh với cha Hoằng và cha Nghiệp, rồi nhóm Thần Học Giáo Dân với cha Vinh và Gs Cảnh, thầy Nha là thành viên Hội Đồng Mục Vụ.

2. 1984 : Tại giáo xứ Tây Aubervilliers, thầy Nha gia nhập làm thành viên nhóm Rosaire, lần chuỗi tại nhà thơ vào tháng 05 và tháng 10, do một Sơ đứng đầu.

3. 1984, khởi đầu viết bài cho Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris,

4. 1994 tham dự khóa 3 Phong trào Cursillo

5. 1995, được Giáo Xứ gửi theo học khóa Phó Tế Vĩnh Viễn 3 năm trong trường Ecole Cathédrale, 8, rue Massillon, 75004-Paris, từ ngày 27.09.1995

6. Ngày 07.03.1997 : lãnh chức Đọc Sách và Giúp Lễ ; Và ngày 12.12.1997 : được chính thức công nhận là ứng viên phó tế vĩng viễn do ĐC phụ tá Eric Aumonier chủ tế.

7. Ngày 28.03.1998, lãnh chức phó tế vĩnh viễn cùng với 8 phó tế khác do ĐHY J.M. Lustiger chủ phong.

8. Ngày 29.03.1998, được ĐC phụ tá Jean Michel di Falgo gửi văn thư bổ nhiệm làm việc cho GXVN Paris.

Về làm việc ở Giáo Xứ Việt Nam Paris, thầy phó tế Phêrô Phạm Bá Nha được trao những công tác mục vụ chính yếu sau đây :

1. Linh giám tiểu đội Legio Mariae Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành

2. Linh giám tiểu đội Legio Mariae Đức Mẹ Fatima

3. Linh giám tiểu đội Legio Mariae Đức Mẹ An Ủi Kẻ Âu Lo

4. Đồng hành nhóm Doanh Thương LĐNN

5. Giáng viên lớp Dự Bị Hôn Nhân, 1995-2003

6. Phụ trách Hội Yểm Trợ Ơn gọi cùng với cha Nguyễn Văn Cẩn, 2000-2001

7. Thành viên Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam, từ 1995

8. Phụ trách hành hương cùng với cha Dũng,

9. Chủ bút Nguyệt San Giáo xứ Việt Nam Paris từ 1998.

MỘT NHÀ VĂN HÓA CẢ CUỘC ĐỜI

Văn hóa là một từ mang nhiều nghĩa khác nhau. Trong ngôn ngữ thường ngày, chữ Văn Hóa có thể bao gồm 4 ý nghĩa chính sau đây : 1- là trình độ học hành, theo nghĩa cấp học hay học vị. 2- là mức độ hiểu biết, trình độ suy lý, giá trị lễ giáo, mức độ sáng tạo… được biểu lộ qua cách cư xử, ăn nói, hay các công trình thực hiện, tác phẩm sáng tác,.. 3- là mức độ văn minh, kỷ thuật, tổ chức, tân tiến, phát triển, kỹ nghệ của một dân tộc. 4- là những công việc liên hệ đến nghệ thuật, văn chương, văn học, sách vở, báo chí, kiến trúc, kịch ảnh,..của tổ chức hành chánh thuộc bộ văn hóa, giáo dục, thông tin,..

Trong ngôn ngữ chuyên biệt khoa học văn hóa Việt Nam, từ « văn hiến » được xử dụng hơn là từ văn hóa, có nghĩa chung là « Các tư liệu thành văn từ xưa còn để lại » có thể được hiểu theo 4 ý nghĩa khác nhau của 4 tác giả : 1- theo Nguyễn Trãi (1384-1442), văn hóa hàm ý văn vật, là người tài giỏi bảo vệ quốc gia, là quốc gia có lịch sử, có tổ chức và biên cương, có nhân nghĩa để trị dân, có quân đội để trừ bạo. 2- theo Lê Quí Đôn (1726-1781), « Nước ta gọi là nước văn hiến (nghĩa là nước có văn hóa, có sách vở), trên từ vua chúa, dưới đến các quan cùng nhân dân, đều có biên soạn sách vở ». 3- theo Phan Huy Chú (1782-1840), « Nước Việt Nam ta được gọi là nước giữ lễ đã hơn ngàn năm nay, vốn có sách vở đã từ lâu lắm. Kể từ Đinh, Lê dựng nước ngang hàng với Trung Hoa, mệnh lệnh từ chương dần dần rõ rệt. Đến Lý, Trần nội trị, văn vật mở mang ». 4- theo Đào Duy Anh (1904-1988), « Hai tiếng văn hóa chẳng qua là chỉ chung tất cả các phương diện sinh hoạt của loài người cho nên ta có thể nói rằng Văn hóa là sinh hoạt ».

Cả đời mình, Giáo sư Thầy sáu Phêrô Phạm Bá Nha đã làm văn hóa, cả theo ý nghĩa hàng ngày và cả theo ý nghĩa khoa học văn hóa chuyên biệt, bởi vì Giáo sư Phạm Bá Nha :

1. Có học lực cao, đậu bằng Cử Nhân Giáo Khoa Nhân Văn Đại Học Văn Khoa Sài Gòn,

2. Đã theo học khóa Sỹ Quan Thủ Đức, tốt nghiệp Chuẩn Úy Trừ Bị, rồi được thăng cấp Trung Úy Trừ Bị

3. Đã thực hiện những công việc văn hóa với những chức vụ và trách nhiệm rõ rệt văn hóa : giáo sư ở nhiều trường trung học, công cũng như tư, Công chức Phủ Tổng Thống, Chủ bút báo Giáo Xứ Việt Nam Paris

4. Có mức độ hiểu biết rộng lớn, trình độ suy lý cao sâu, giá trị lễ giáo vững chắc và những tác phẩm khảo cứu văn hóa, văn học giá trị

5. Có kỹ thuật và tổ chức cao

6. Đã viết rất nhiều bài báo, từ 34 năm nay, 1984-2018, trong báo Giáo Xứ Việt Nam Paris và những báo khác. Và phát hành nhiều sách về phó tế, về mục vụ, về văn học

7. Đã tham dự và thực hiện nhiều sinh hoạt, từ công chức Phủ Tổng Thống, Giáo sư trung học, qua buôn bán ở chợ Intermarché, đến những công trình mục vụ ở Giáo Xứ Việt Nam Paris, như một giáo dân, rồi như một giáo sĩ.

8. Đã được nhiều học sinh, giáo dân kính mến và ngưỡng mộ. Nhiều giáo dân đã chỉ đến tham dự các lễ mà thầy Phó Tế Phạm Bá Nha giảng, vì theo họ, thầy Nha có tâm hồn đạo đức và giảng hay, giảng với con tim có cảm kích sống thật, chứ không phải là đọc bài hời hợt bề ngoài.

LỜI KẾT

Có dịp làm việc với giáo sư Phạm Bá Nha tứ năm 1983, khi chuẩn bị lập Hội Đồng Mục Vụ, tôi rất quí mến ông, vì nhận ra ông là một người đơn sơ, khiêm nhường, ngay thật, lương chính, có tinh thần trách nhiệm, có đức tin vững mạnh, có con tim đạo đức, mến Chúa, thương người.

Đặc biệt tôi rất cảm kích và mừng thầm về lời mà ông Phạm Bá Nha nói với tôi sau giờ hội thảo trong ngày 04.05.1997, ngày lễ Giáo Xứ ở Boissonnade, quận 14, mừng Kim Khánh, 50 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam Paris, 1947-1997. Ông nói nguyên văn thế này : « Các ông làm việc tốt đẹp quá. Tôi xin được nhận là người nối tiếp chung với đông đảo người có mặt vận động thêm con cháu đến với Giáo Xứ và quả quyết : viết tiếp những trang sử Giáo Xứ từ năm thứ 51, nếu không đẹp hơn thì ít ra cũng bằng những trang sử trước. Ông Nha còn xác tín không có xứ đạo nào có ban giám đốc và Hội Đồng Mục Vụ tận tụy hy sinh cho bằng cộng đoàn Giáo Xứ Việt Nam Paris ».

Từ năm 1998, khi được tin ông sẽ lãnh nhận chức thầy sáu vĩnh viễn, tôi lại nhìn thấy những khía cạnh mới : ông là một thầy sáu có khả năng lãnh đạo, dám dấn thân, biết tổ chức công việc, có nhiều ảnh hưởng.

Từ 20 năm nay, 1998-2018, Ban Giám Đốc Giáo Xứ Việt Nam Paris đã được tăng cường hùng hậu với một lực lượng mới, cũng tận tâm, cũng đạo đức, nhưng trẻ hơn, mới hơn. Đó là lực lượng của một hàng giáo sĩ mới là các thầy sáu vĩnh viễn. Nếu không có các thầy sáu, thì có lẽ 7 chương trình phát triển của Giáo Xứ Việt Nam Paris đã chẳng thâu được những kết quả tốt đã đạt được trong 37 năm 1980-2017 nhiệm kỳ của Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh !

Xin cám ơn thầy sáu vĩnh viễn Phạm Bá Nha, và toàn thể các thầy sáu vĩnh viễn khác ở Giáo Xứ Việt Nam Paris : François-Xavier Girard, Nguyễn Văn Thạch, Phạm Đình Chung, Nguyễn Sơn, Cao Trọng Nghĩa, Giang Minh Đức.

Xin cám ơn Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh, không quên gốc mình là con do các giáo dân sinh ra, đã kính trọng giáo dân và có sáng kiến thành lập hàng giáo sĩ thầy sáu vĩnh viễn ở Giáo Xứ, nhờ vậy, những trang sử của giáo xứ đã được viết đẹp hơn, đầy đủ hơn !

Paris, ngày 19.04.2018

Trần Văn Cảnh