Suy Niệm Chúa Nhật V Phục Sinh – Năm B
Tin mừng hôm nay nhắc tới hình ảnh cây nho, một loài cây rất quen thuộc với người Do Thái. Một trong những nguyên lý phát triển của nó là cành phải gắn liền với cây. Cành gắn liền với cây thì mới có thể sinh hoa trái. Đức Giêsu muốn dùng hình ảnh này để nói lên sự hiệp thông giữa mỗi người chúng ta với Ngài và giữa mỗi người chúng ta với nhau.
1. Sự hiệp thông giữa mỗi người chúng ta với Đức Giêsu
Cành nho phải gắn kết với cây nho thì mới hút được nhựa sống, nhờ đó mới có thể sinh hoa trái. Cũng vậy, mỗi người kitô hữu chúng ta phải gắn kết với Đức Giêsu thì mới có thể sống và sinh hoa trái thiêng liêng. Ngài nói: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì.”(Ga 15,5). Còn khi cành nho không gắn kết với cây nho thì sẽ bị vứt ra ngoài, sẽ khô héo, bị quăng vào lửa và bị đốt đi. Đó cũng là thân phận của những kitô hữu không hiệp thông với Đức Giêsu. Ngài nói tiếp: “Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi.”(Ga 15,6). Cho nên, để có sự sống thiêng liêng, để sinh được nhiều hoa trái, chúng ta cần phải sống hiệp thông với với Đức Giêsu.
Nhưng chúng ta có thể sống hiệp thông với Đức Giêsu bằng cách nào?
Thứ nhất, chúng ta sống hiệp thông với Đức Giêsu bằng đời sống cầu nguyện: Vì cầu nguyện là hơi thở của linh hồn. Cầu nguyện là sống, không cầu nguyện là chết;
Thứ hai, chúng ta sống hiệp thông với Đức Giêsu bằng cách đọc, suy gẫm và sống Lời Chúa: Vì Lời Chúa là lẽ sống. Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước là ánh sáng chỉ đường con đi. Người ta sống không nguyên bởi bánh những còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra;
Thứ ba, chúng ta sống hiệp thông với Đức Giêsu bằng cách siêng năng lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Giao hòa và Bí tích Thánh Thể: Vì mỗi lần chúng ta sa ngã phạm tội trọng, chúng ta mất ơn nghĩa Chúa, mất sự sống siêu nhiên. Để lấy lại ơn nghĩa Chúa, để có sự sống siêu nhiên, chúng ta cần phải thống hối ăn năn tội và lãnh nhận Bí tích Giao hòa. Còn khi dọn mình sốt sắng lãnh nhận Bí tích Thánh Thể chúng ta được sống hiệp thông mật thiết với Đức Giêsu;
Thứ tư, chúng ta sống hiệp thông với Đức Giêsu khi chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, thương yêu nhau và đặc biệt là tuân giữ các giới răn của Ngài. Trong bài đọc II, Thánh Gioan Tông đồ cho biết khi chúng ta làm như vậy là chúng ta sẽ ở trong Người và Người ở trong chúng ta. Ngài nói: “Chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, và phải thương yêu nhau, như Người đã ban giới răn cho chúng ta. Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ. Do điều này mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta, đó là Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta.”(1 Ga 3,23-24)
2. Sự hiệp thông giữa các kitô hữu với nhau
Khi chúng ta sống hiệp thông với Đức Giêsu là Đầu thì chúng ta dễ dàng sống hiệp thông với các kitô hữu khác là những chi thể của Đầu. Nhưng làm thế nào để sống hiệp thông với nhau?
Thứ nhất, để sống hiệp thông với nhau, chúng ta cần phải bắt chước cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên: “không ai coi bất cứ cái gì có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung”(Cv 4,32). Không những họ lấy của cải vật chất làm của chung, mà họ còn cắt tỉa những suy nghĩ, những quan niệm hiệp hòi để chung một lòng một ý với nhau. Thánh Phaolô Tông đồ quả quyết: “Không còn chuyện phân biệt Dothái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà ; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô”(Gl 3,28).
Thứ hai, để sống hiệp thông, chúng ta cũng được mời gọi tôn trọng, cộng tác và chia sẻ với nhau, tránh mọi hình thức phân biệt đối xử như tâm tình của Thư Mục Vụ Năm Tân Phúc Âm hoá Giáo xứ 2015 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mời gọi: “Giáo xứ còn là cộng đoàn ‘luôn luôn hiệp thông với nhau’, giữa linh mục và giáo dân cũng như giữa giáo dân với nhau. Sự hiệp thông trong cộng đoàn được thể hiện qua sự tôn trọng, cộng tác và chia sẻ. Thật vậy, trên nền tảng bí tích Rửa Tội, mọi tín hữu đều bình đẳng với nhau về phẩm giá, cho nên phải tôn trọng lẫn nhau, tránh mọi hình thức phân biệt đối xử.” (Số 4).
Thứ ba, để sống hiệp thông với nhau cần phải biết dẹp bỏ những chia rẽ, dẹp bỏ những hận thù, dẹp bở những loại trừ lẫn nhau từ trong gia đình đến các cộng đoàn lớn nhỏ, nhất là trong cộng đoàn Giáo xứ. Cần có sự hy sinh ý riêng vì việc chung. Cần có sự hy sinh của cải tiền bạc để xây dựng tình hiệp thông trong gia đình, trong cộng đoàn và nơi mọi môi trường sống.
Thứ tư, để sống hiệp thông với nhau cần phải có tinh thần tha thứ cho nhau. Thư thứ không chỉ một lần mà tha thứ mãi mãi. Vì thế, trước khi đến với thánh lễ, đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta cần phải đến với người anh em của chúng ta trước đã, nhất là những người đang có vấn đề với chúng ta. Chúa Giêsu đã đòi hỏi điều đó một cách hết sức quyết liệt khi Ngài nói rằng : “Khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó, trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”(Mt 5,23).
Lạy Chúa Giêsu là cây nho đích thực, xin cho mỗi người chúng con luôn sống liên kết với Chúa qua đời sống cầu nguyện, sống Lời Chúa, tuân giữ các giới răn, lãnh nhận các Bí tích. Xin cho mỗi người chúng con biết sống hiệp thông với nhau để yêu thương và giúp nhau nên thánh. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành
Tin mừng hôm nay nhắc tới hình ảnh cây nho, một loài cây rất quen thuộc với người Do Thái. Một trong những nguyên lý phát triển của nó là cành phải gắn liền với cây. Cành gắn liền với cây thì mới có thể sinh hoa trái. Đức Giêsu muốn dùng hình ảnh này để nói lên sự hiệp thông giữa mỗi người chúng ta với Ngài và giữa mỗi người chúng ta với nhau.
1. Sự hiệp thông giữa mỗi người chúng ta với Đức Giêsu
Cành nho phải gắn kết với cây nho thì mới hút được nhựa sống, nhờ đó mới có thể sinh hoa trái. Cũng vậy, mỗi người kitô hữu chúng ta phải gắn kết với Đức Giêsu thì mới có thể sống và sinh hoa trái thiêng liêng. Ngài nói: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì.”(Ga 15,5). Còn khi cành nho không gắn kết với cây nho thì sẽ bị vứt ra ngoài, sẽ khô héo, bị quăng vào lửa và bị đốt đi. Đó cũng là thân phận của những kitô hữu không hiệp thông với Đức Giêsu. Ngài nói tiếp: “Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi.”(Ga 15,6). Cho nên, để có sự sống thiêng liêng, để sinh được nhiều hoa trái, chúng ta cần phải sống hiệp thông với với Đức Giêsu.
Nhưng chúng ta có thể sống hiệp thông với Đức Giêsu bằng cách nào?
Thứ nhất, chúng ta sống hiệp thông với Đức Giêsu bằng đời sống cầu nguyện: Vì cầu nguyện là hơi thở của linh hồn. Cầu nguyện là sống, không cầu nguyện là chết;
Thứ hai, chúng ta sống hiệp thông với Đức Giêsu bằng cách đọc, suy gẫm và sống Lời Chúa: Vì Lời Chúa là lẽ sống. Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước là ánh sáng chỉ đường con đi. Người ta sống không nguyên bởi bánh những còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra;
Thứ ba, chúng ta sống hiệp thông với Đức Giêsu bằng cách siêng năng lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Giao hòa và Bí tích Thánh Thể: Vì mỗi lần chúng ta sa ngã phạm tội trọng, chúng ta mất ơn nghĩa Chúa, mất sự sống siêu nhiên. Để lấy lại ơn nghĩa Chúa, để có sự sống siêu nhiên, chúng ta cần phải thống hối ăn năn tội và lãnh nhận Bí tích Giao hòa. Còn khi dọn mình sốt sắng lãnh nhận Bí tích Thánh Thể chúng ta được sống hiệp thông mật thiết với Đức Giêsu;
Thứ tư, chúng ta sống hiệp thông với Đức Giêsu khi chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, thương yêu nhau và đặc biệt là tuân giữ các giới răn của Ngài. Trong bài đọc II, Thánh Gioan Tông đồ cho biết khi chúng ta làm như vậy là chúng ta sẽ ở trong Người và Người ở trong chúng ta. Ngài nói: “Chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, và phải thương yêu nhau, như Người đã ban giới răn cho chúng ta. Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ. Do điều này mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta, đó là Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta.”(1 Ga 3,23-24)
2. Sự hiệp thông giữa các kitô hữu với nhau
Khi chúng ta sống hiệp thông với Đức Giêsu là Đầu thì chúng ta dễ dàng sống hiệp thông với các kitô hữu khác là những chi thể của Đầu. Nhưng làm thế nào để sống hiệp thông với nhau?
Thứ nhất, để sống hiệp thông với nhau, chúng ta cần phải bắt chước cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên: “không ai coi bất cứ cái gì có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung”(Cv 4,32). Không những họ lấy của cải vật chất làm của chung, mà họ còn cắt tỉa những suy nghĩ, những quan niệm hiệp hòi để chung một lòng một ý với nhau. Thánh Phaolô Tông đồ quả quyết: “Không còn chuyện phân biệt Dothái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà ; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô”(Gl 3,28).
Thứ hai, để sống hiệp thông, chúng ta cũng được mời gọi tôn trọng, cộng tác và chia sẻ với nhau, tránh mọi hình thức phân biệt đối xử như tâm tình của Thư Mục Vụ Năm Tân Phúc Âm hoá Giáo xứ 2015 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mời gọi: “Giáo xứ còn là cộng đoàn ‘luôn luôn hiệp thông với nhau’, giữa linh mục và giáo dân cũng như giữa giáo dân với nhau. Sự hiệp thông trong cộng đoàn được thể hiện qua sự tôn trọng, cộng tác và chia sẻ. Thật vậy, trên nền tảng bí tích Rửa Tội, mọi tín hữu đều bình đẳng với nhau về phẩm giá, cho nên phải tôn trọng lẫn nhau, tránh mọi hình thức phân biệt đối xử.” (Số 4).
Thứ ba, để sống hiệp thông với nhau cần phải biết dẹp bỏ những chia rẽ, dẹp bỏ những hận thù, dẹp bở những loại trừ lẫn nhau từ trong gia đình đến các cộng đoàn lớn nhỏ, nhất là trong cộng đoàn Giáo xứ. Cần có sự hy sinh ý riêng vì việc chung. Cần có sự hy sinh của cải tiền bạc để xây dựng tình hiệp thông trong gia đình, trong cộng đoàn và nơi mọi môi trường sống.
Thứ tư, để sống hiệp thông với nhau cần phải có tinh thần tha thứ cho nhau. Thư thứ không chỉ một lần mà tha thứ mãi mãi. Vì thế, trước khi đến với thánh lễ, đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta cần phải đến với người anh em của chúng ta trước đã, nhất là những người đang có vấn đề với chúng ta. Chúa Giêsu đã đòi hỏi điều đó một cách hết sức quyết liệt khi Ngài nói rằng : “Khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó, trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”(Mt 5,23).
Lạy Chúa Giêsu là cây nho đích thực, xin cho mỗi người chúng con luôn sống liên kết với Chúa qua đời sống cầu nguyện, sống Lời Chúa, tuân giữ các giới răn, lãnh nhận các Bí tích. Xin cho mỗi người chúng con biết sống hiệp thông với nhau để yêu thương và giúp nhau nên thánh. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành