Hạn từ Giáo Phụ được người Công Giáo và nhiều hệ phái Kitô Giáo khác sử dụng để chỉ các bậc thầy nổi tiếng về đức tin Kitô Giáo cổ thời. Ý tưởng đứng đàng sau việc gọi các vị này là “Phụ” (Cha) là: thầy dậy Đức Tin Kitô Giáo quả là người cha thiêng liêng giúp hạ sinh những đứa con thiêng liêng vốn tiếp nhận giáo huấn của ngài. Thánh Phaolô, chẳng hạn, cũng từng cho mình là cha thiêng liêng của những ai tiếp nhận Tin Mừng qua lời giảng dậy của ngài: “Tôi không viết điều này để anh em phải xấu hổ, nhưng để khuyên nhủ anh em như những người con qúy yêu của tôi. Vì dù anh em có vô vàn các người hướng dẫn trong Chúa Kitô, nhưng anh em không có nhiều người cha đâu. Vì tôi đã trở thành cha của anh em trong Chúa Giêsu Kitô nhờ Tin Mừng” (1Cr 4:14-15). Thánh Irênê (khoảng các năm 125 – 202 CN), vốn là một Giáo Phụ, đã giải thích ý niệm làm cha thiêng liêng này trong tác phẩm nổi danh của ngài là Chống Các Ly Giáo như sau: “Vì khi một người được dạy dỗ từ cửa miệng một người khác, họ được gọi là con của người dậy dỗ họ, và người dạy dỗ này [được gọi] là cha của họ” (IV, 41, 2).



Thực sự, có hàng trăm Giáo Phụ mà tác phẩm của các ngài, một mình chúng, có thể chiếm trọn cả một thư viện. Nói chung, các ngài được phân thành hai nhóm chính: Các Giáo Phụ Hy Lạp hay Đông Phương, và các Giáo Phụ La Tinh hay Tây Phương. Các Giáo Phụ Hy Lạp hay Đông Phương là các tác giả Kitô Giáo nổi danh sống ở miền Đông của thế giới Kitô Giáo cổ thời. Phần lớn các vị này viết bằng chữ Hy Lạp, dù có một số Giáo Phụ Đông Phương viết bằng tiếng Syriac, Coptic hay Armenian. Các Giáo Phụ Đông Phương nổi danh nhất là Thánh Irênê, Thánh Clêmentê thành Alexandria, Thánh Anatasiô, Thánh Gioan Kim Khẩu, và 3 Giáo Phụ Cappadocian: Thánh Basilêô Cả, Thánh Grêgôriô Nazianzen và Thánh Grêgôriô thành Nyssa. Các Giáo Phụ La Tinh hay Tây Phương là các Giáo Phụ sống tại miền Tây thế giới Kitô Giáo, tất cả các vị này trước tác bằng tiếng La Tinh. Các giáo Phụ Tây Phương nổi danh nhất là Thánh Ambrôsiô, Thánh Augustinô, Thánh Giêrônimô, và Thánh Grêgôriô Cả. Phần lớn các Giáo Phụ là giám mục (như các Thánh Augustinô và Thánh Gioan Kim Khẩu), nhưng cũng cò một vài vị giáo hoàng (như các Thánh Clêmentê thành Rôma, Thánh Lêô Cả, Thánh Grêgôriô Cả), một số vị là linh mục (như Thánh Giêrônimô), phó tế (như Thánh Êphrem người Syria) và thậm chí là giáo dân (như Thánh Giustinô Tử Đạo).

Ba Lý Do

Có 3 lý do thực sự hữu lý khiến ta nên đọc các Giáo Phụ. Thứ nhất, quả là việc có giá trị to lớn khi ta đọc các trước tác của các tác giả sống ở một thời và một nơi khác với chúng ta. Tác giả Kitô Giáo vĩ đại là C.S. Lewis, trong bài dẫn nhập của ông vào tác phẩm nổi danh của Thánh Giáo Phụ Anatasiô, Về Việc Nhập Thể, đã khuyên mọi người nên thường xuyên đọc một số “sách cổ” để quân bình hoá việc đọc các tác phẩm hiện đại. Như Lewis giải thích, mọi thời đại đều đặc biệt thích đáng để nhìn ra một số sự thật, và mỗi thời đại đều có một sự mù quáng đặc trưng nào đó khiến họ không nhìn thấy sai lạc hay lỗi lầm của mình. Ông viết “Biện pháp giải quyết duy nhất là giữ cho làn gío biển trong lành của các thế kỷ thổi qua tâm trí ta, và điều này chỉ có thể thực hiện bằng cách đọc các sách cổ”. Khi đọc “các sách cổ”, ta có thể tiếp nhận được kiến thức và túi khôn của những thời đi trước, giúp ta vừa nắm được các sự thật bị quên bỏ vừa nhận ra một cách tốt hơn các sai lầm của thời ta. Như một luật chung, Lewis cho rằng: sau khi đọc một tác phẩm đương thời, đừng bao giờ đọc thêm một tác phẩm đương thời nào khác cho tới khi đã đọc một một cuốn “sách cổ”. Nhưng luật đọc sách cổ này áp dụng cho mọi loại sách có giá trị của những thời xa xưa. Vậy tại sao lại đặc biệt phải đọc các Giáo Phụ?

Lý do thứ hai, và là lý do chuyên biệt hơn, khiến bạn nên đọc các Giáo Phụ là để được trang bị tốt hơn trong cuộc chiến đấu bảo vệ đức tin Công Giáo, chống lại những người phỉ báng nó. Là người Công Giáo, chúng ta có bổn phận nặng nề phải biết đức tin của mình, chia sẻ nó với người khác, và, khi cần, bảo vệ nó khỏi bị bóp méo, trình bầy sai, và nhiều hình thức tấn phá khác: “Luôn sẵn sàng đưa ra lời bênh vực đối với bất cứ ai yêu cầu anh em giải thích niềm hy vọng hiện hữu trong anh em” (1 Pr 3:15). Bạn có muốn chỉ cho một người bạn thấy rằng Thánh Lễ Công Giáo, trong yếu tính, vốn cùng là hình thức thờ phượng đã được thực hành bởi các Kitô hữu tiên khởi không? Bạn hãy đọc rồi chia sẻ với bạn bè lời giải thích của Thánh Giustinô Tử Đạo trong cuốn Hộ Giáo Thứ Nhất (khoảng năm 155 CN) của ngài gửi Hoàng Đế Rôma Antoninus Pius, giải thích để ông ta hiểu các Kitô Hữu đã thực sự thờ phượng như thế nào bằng cách cử hành Thánh Lễ (I, 65–67). Còn nếu có ai phản đối tín lý Công Giáo về ngôi vị giáo hoàng, coi nó như một thoái hóa sau thời Constantinô thì sao? Bạn hãy đọc rồi chia sẻ với họ Thư Thứ Nhất Gửi Tín Hữu Côrintô (khoảng năm 92-101 CN) của Thánh Clêmentê Thành Rôma, trong đó, với tư cách Giám Mục Rôma và là giáo hoàng thứ tư, thuộc thế kỷ thứ nhất, đã trả lời thỉnh nguyện của Giáo Hội Côrintô muốn ngài can thiệp vào cuộc tranh luận ở đó về việc liệu các giáo dân có thể thay thế các linh mục trong việc cử hành Thánh Thể hay không (xin lưu ý: ngài đã trả lời Không). Nếu điều đó không thuyết phục được ai, thì bạn nên đọc và chia sẻ tác phẩm Chống Lạc Giáo của Thánh Irênê thành Lyons, trong đó, ngài nhấn mạnh rằng nền chính thống của Kitô Giáo tùy thuộc việc hợp nhất với Giáo Hội Rôma, “Vấn đề cần thiết là mọi Giáo Hội nên nhất trí với Giáo Hội này, vì thế giá ưu việt của nó” (III. 3). Về một ai đó cho rằng niềm tin Công Giáo vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Thánh Thể chỉ là một tạo hoẹt thời Trung Cổ thì sao? Trước nhất, bạn hãy đọc rồi chia sẻ với họ Thư Gửi Tín Hữu Philadelphia (khoảng năm 117 CN) của Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, trong đó, ngài viết cho một cộng đồng Kitô hữu tiên khởi về cuộc hành trình tiến tới phúc tử đạo của ngài ở Rôma, “cho nên, anh em hãy ý tứ khi tham dự Phép Thánh Thể, vì ở đấy có thịt của Chúa Giêsu Kitô và chén thánh dẫn tới hiệp nhất nhờ máu Người (số 4), hay một lần nữa, chia sẻ cuốn Hộ Giáo Thứ Nhất của Thánh Giustinô Tử Đạo, trong đó, ngài giải thích cho Hoàng Đế Rôma về niềm tin Kitô Giáo vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Phép Thánh Thể, “Của ăn này được chúng tôi gọi là Phép Thánh Thể... Vì chúng tôi tiếp nhận những thứ này không phải như bánh và đồ uống thông thường; mà cùng một cách như Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế của chúng tôi, sau khi trở thành xác thịt bằng Lời Thiên Chúa, có cả thịt lẫn máu cho phần rỗi chúng tôi, nên, tương tự như thế, chúng tôi cũng được dạy rằng của ăn đã được chúc phúc bởi lời cầu nguyện bằng chính lời của Người, và từ đó, máu và thịt chúng tôi được nuôi dưỡng nhờ sự chuyển hóa, chính là thịt và máu của Chúa Giêsu Đấng đã trở thành xác thịt” (I, 66).

Dù đúng là các tín lý Công Giáo về ngôi vị giáo hoàng, Thánh Thể, lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria và các thánh, Thánh Truyền, Phép Rửa cho trẻ sơ sinh, sự cần thiết của đức tin và việc làm, và những điều tương tự, không ở dạng phát triển trọn vẹn như vào các thời sau này, nhưng các yếu tố thiết yếu của mỗi điều này đã có ngay từ buổi ban đầu, chỉ chờ cái nhìn thông sáng sâu sắc hơn, sự hiểu biết đầy đủ hơn, và phát triển hơn nữa của Giáo Hội. Như Chân Phúc John Henry Newman đã nhận xét trong công trình bậc thầy của ngài tựa là An Essay on the Development of Christian Doctrine (Một Khảo Luận Về Việc Phát Triển Tín Lý Kitô Giáo), như một hạt giống mọc thành một cây lớn và một đứa trẻ phát triển thành một người lớn theo thời gian, nhưng mỗi yếu tính vẫn y như cũ thế nào, thì các tín lý Kitô giáo cũng lớn lên và phát triển qua nhiều thế kỷ trong khi vẫn bảo tồn được thứ yếu tính nguyên thủy của chúng như vậy. Thật vậy, đối với Chân Phúc Newman, chính việc đọc các Giáo Phụ đã dẫn đến việc ngài trở lại Đạo Công Giáo từ Anh giáo: “Tôi vẫn không xấu hổ giữ vững lập trường của tôi về các Giáo Phụ, và không có có ý định nhúc nhích. … Các Giáo Phụ đã khiến tôi trở thành một người Công Giáo ”(Những Khó Khăn Mà Những Người Anh Giáo Cảm Thấy Trong Giáo Huấn Công Giáo, trang 357, 376).

Lý do thứ ba cần đọc các Giáo Phụ có lẽ là lý do quan trọng hơn cả: để đào sâu và làm phong phú thêm đức tin của bạn. Các Giáo Phụ, cùng với các Tông Đồ, đã được xem đúng là “Những Người Cha Sáng Lập” của Giáo Hội, những người đã giúp đặt nền móng cho Kitô Giáo ngay từ đầu bằng cách giảng dạy, giải thích, bảo vệ và truyền bá các sự thật cứu rỗi của Tin Mừng. Tiến Sĩ David Tamisiea nhớ lại khi ông bắt đầu đọc các Giáo Phụ một cách say sưa tại trường đại học, như thể cả một thế giới hoàn toàn mới mẻ được mở ra cho ông. Và ông tin điều này cũng có thể xẩy ra với mọi người. Bằng cách đọc các Giáo Phụ, bạn chắc chắn sẽ trở thành một người Công Giáo được thông tri, hiểu biết và trung thành hơn nhiều. Thánh Gioan Phaolô II giải thích lý do tại sao các Giáo Phụ lại quan trọng như thế đối với đức tin của Giáo Hội: “Giáo Hội hôm nay vẫn sống bằng sự sống đã nhận được từ các Giáo Phụ của mình và trên nền tảng được xây nên bởi những người xây dựng đầu tiên của mình, Giáo Hội ngày nay vẫn đang được xây dựng trong niềm vui và nỗi buồn của cuộc hành trình và sự sống hàng ngày của mình. … Được hướng dẫn bởi các điều chắc chắn này, Giáo hội không bao giờ mệt mỏi trong việc quay trở lại với các trước tác của các ngài – các trước tác đầy khôn ngoan và không thể già cỗi - và liên tục canh tân ký ức của họ ”(Patres Ecclesiae 1).

Bắt đầu từ đâu

Phải bắt đầu từ đâu? Ta có thể dễ dàng tìm thấy các trước tác của các Giáo Phụ trên internet hoặc thông qua những nơi bán sách trực tuyến. Bạn hãy để cho sở thích hoặc nhu cầu riêng của bạn hướng dẫn bạn. Nếu bạn thích tiểu sử, bạn có thể đọc cuốn Hạnh Thánh Bênêđictô của Thánh Grêgôriô Cả trong cuốn II tác phẩm Đối Thoại (The Dialogues) của ngài, hoặc cuốn nổi tiếng Hạnh Thánh Antôn của Thánh Atanasiô, một cuốn bán chạy nhất trong thế giới cổ đại về vị Thánh này, một trong các Giáo Phụ Sa Mạc vĩ đại ở Ai Cập, một cuốn sách đã giúp truyền bá ý niệm đơn tu Kitô giáo qua Châu Âu và xa hơn nữa. Nếu là một người mê lịch sử, bạn hãy xem xét việc đọc cuốn Lịch Sử Giáo Hội của Eusêbiô, một trình thuật của thế kỷ thứ tư về 300 năm đầu tiên của Giáo Hội. Bạn thích bắt đầu với một cuốn sách ngắn ư? Vậy bạn hãy đọc cuốn Didache (“Giảng dạy”) được một người ẩn danh viết ra. Đây là một cuốn giáo lý cổ xưa nhất còn lại tới ngày nay (khoảng năm 96 CN), với tiểu luận nổi tiếng về Đường Sự Sống đối với Đường Sự Chết. Nếu bạn đang tìm kiếm nguồn linh hứng, bạn có thể đọc bất kỳ bài giảng nào của Thánh Gioan Chrysostom (“Kim Khẩu”), người vẫn còn nổi tiếng vì tài thuyết giảng tuyệt vời của ngài. Nếu bạn cảm thấy can đảm và muốn nghiên cứu các chủ đề thần học khó khăn, thì bạn hãy xem xét việc đọc bất cứ số lượng tác phẩm nào của Thánh Augustinô, người được coi là nhà thần học vĩ đại nhất trong số các Giáo Phụ.

Tuy nhiên, nếu phải giới thiệu một tác phẩm của các Giáo Phụ trên tất cả các tác phẩm khác, tưởng bạn nên đọc cuốn Tự Thú của Thánh Augustinô. Đức Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđictô XVI, trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi hai cuốn sách nào ngài sẽ mang theo đến một hòn đảo hoang vắng, đã trả lời: Kinh Thánh và Tự Thú. Trong tác phẩm này, Thánh Augustinô đã đưa ra một tự truyện về sự hoán cải của ngài từ một kẻ có tội không chịu ăn năn qua một người hoàn toàn dấn thân cho Thiên Chúa. Trước tác của ngài nhấn mạnh cuộc đấu tranh nội tâm của ngài với tội lỗi, thói hư, và sai lầm, và khám phá cuối cùng của ngài ra sự thật về Thiên Chúa, giải phóng khỏi thói hư, và cuối cùng hoán cải qua đức tin Công Giáo. Cuộc đời của Thánh Augustinô, được thuật lại trong Tự Thú, chứng thực cho sự thật của câu châm ngôn, “Mọi tội nhân đều có một tương lai, và mọi vị thánh đều có một quá khứ,” và cung cấp cho ta một ví dụ mạnh mẽ rằng không ai nằm ngoài quyền lực cứu chuộc của Chúa Kitô. Trong Tự Thú, Thánh Augustinô cũng đưa ra lời bình luận sâu sắc và những thông sáng sâu xa về thân phận con người, được viết bằng một văn xuôi đẹp đẽ của một nhà văn có cách phát biểu không thua Cicero: “Chúa đã dựng nên chúng con cho chính Chúa, Lạy Chúa, và trái tim của chúng con không ngừng thổn thức cho đến lúc được nghỉ ngơi trong Chúa ”(Sách 1, Chương 1). “Sự náo động trong lòng con đẩy con vào [khu vườn], nơi không ai ngăn được trận chiến hoành hành mà con đã khởi động chống lại chính bản thân con, cho đến khi nó kết thúc như Chúa biết, nhưng cho tới lúc này con vẫn chưa biết. Con bị một sự điên loạn có sứ mệnh đem lại sự khỏe khoắn, và con đang ở trong một cơn hấp hối gần chết có sứ mệnh đem lại sự sống ”(Sách VIII, Chương 8). “Con đã yêu Chúa quá muộn, ôi vẻ đẹp quá cổ xưa và quá mới mẻ, con đã yêu Chúa quá muộn!. .. Chúa đã tỏa mùi thơm, và con đã hít thở vào, và con khao khát Chúa. Con đã được nếm Chúa, và con đói khát Chúa. Chúa đã chạm vào con, và con khao khát bình an của Chúa”(Sách X, Chương 27).

Trong một hoạt cảnh nổi tiếng tại một khu vườn, vốn là đỉnh điểm đầy cảm kích của cuốn sách, Thánh Augustinô kể lại việc ngài quỳ xuống nài xin Chúa giúp ngài thay đổi cuộc sống của ngài (Sách VIII, Chương 12). Đúng lúc đó, ngài nghe thấy giọng nói của một đứa trẻ vang lên, “Hãy cầm lấy và đọc, hãy cầm lấy và đọc”. Nghĩ rằng đây là một thông điệp Thiên Chúa gửi cho ngài, Thánh Augustinô đã cầm lấy cuốn Sách Thánh và đọc các câu đầu tiên mà mắt ngài gặp phải, và những câu này đã thay đổi cuộc sống của ngài: “Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13: 13–14).

Bạn hãy cầm lấy và đọc các tác phẩm của các Giáo Phụ, chắc chắn đời bạn sẽ không bao giờ còn như xưa.