Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Hai khu rừng nhiệt đới tiếp theo, ở Congo và Indonesia, kết hợp lại cũng không bằng.
Lưu vực Amazon bao gồm 7 triệu cây số vuông, trong đó có 5.5 triệu cây số vuông được rừng nhiệt đới bao phủ. Khu vực này bao gồm lãnh thổ thuộc 9 quốc gia, trong đó 60% rừng Amazon nằm trong lãnh thổ Ba Tây, 13% thuộc Peru, 10% thuộc Colombia, và phần còn lại thuộc về Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Suriname và Guiana thuộc Pháp.
Đây là một vài hình ảnh giúp ta hình dung rừng Amazon lớn đến cỡ nào: Diện tích rừng Amazon có thể bao phủ 40 tiểu bang lớn nhất của Hoa Kỳ; hay là 40% lục địa Nam Mỹ.
Sông Amazon là con sông lớn nhất thế giới. Nó có hơn 1,100 nhánh, trong số đó 17 nhánh dài hơn 1600 km. Những nhánh này sẻ ngang, sẻ dọc khu rừng Amazon.
Vấn nạn lớn nhất trong khu vực này là tình trạng khai thác thiên nhiên bừa bãi, gây ra những thiên tai nghiêm trọng mà chung cuộc là những người nghèo trong khu vực phải lãnh đủ. Bên cạnh đó còn có tệ nạn cướp bóc đất đai của người nghèo và bóc lột nhân công, đặc biệt là nhân công trẻ em.
Ngày 12 tháng 2 năm 2005, nữ tu Dorothy Mae Stang, người Mỹ, là một thành viên của dòng nữ Notre Dame de Namur bị sát hại tại Anapu, một thành phố thuộc bang Pará, thuộc lưu vực sông Amazon của Brazil. Sơ Dorothy đã nỗ lực đấu tranh cho người nghèo và môi trường, và trước đó đã nhận được những lời dọa giết từ những người khai thác gỗ và các chủ đất. Nhiều bộ phim đã được làm để ca ngợi chị; và án phong thánh tử vì đạo cho chị đang được tiến hành tại Bộ Tuyên Thánh của Vatican.
2. Tu sĩ là: “những thành phần thiết yếu của Giáo Hội Công Giáo tại Amazon”
Theo thông tấn xã Fides từ Tabatinga cho hay: “Các dòng tu đang hoạt động tại Amazon là một yếu tố quan yếu cho đời sống tôn giáo ở vùng đất châu Mỹ La tinh truyền giáo này”. Hãng thông tấn xã Fides tường thuật những hoạt động của sơ Luz Valencia, một thành viên của Hội dòng nữ thánh Têrêsa Hài Dồng Giêsu và là thư ký điều hành Hội nghị các dòng tu nam nữ của vùng châu Mỹ Latinh và vùng Ca-ri-bê (CLAR) tại Tabatinga, một thị trấn nằm ở phía tây vùng Amazonas, ở Brazil. Đại hội năm ngày này do Tòa Thánh vatican triệu tập để bàn thảo về các chương trình cho Amazon vừa kết thúc vào ngày 24/4. Khoảng chín mươi tham dự viên, bao gồm nam cũng như nữ tu và đại diện các linh mục thuộc các giáo phận giáo phận và giáo dân làm việc truyền giáo trong vùng Amazon, đại hội xoay quanh đề tài “công việc truyền giáo Pan-Amazon trong viễn cảnh bảo tồn sinh thái toàn vùng”.
Cuộc họp được tổ chức bởi CLAR và mạng lưới pan-Amazon Công Giáo (REPAM), được tổ chức tại thành phố Tabatinga nước Brazil, nơi tiếp giáp biên giới với Peru và Colombia
“Nhiều Giáo hội địa phương nhìn nhận tại Amazon có một thách đố đặc biệt như vị thư ký CLAR, Sr Luz Marina đã đề cập tới: Để cho sự hiện diện tại Amazon có ý nghĩa đáp ứng được sự tín nhiệm của nhiều Giáo hội khác nhau, “vì hầu hết các vị khai sáng của chúng tôi khi thành lập các cộng đoàn nơi đây với mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của Giáo hội địa phương, cho nên những lúc chúng tôi hiện diện tại Amazonia không chỉ là đáp ứng một thách đố của Giáo Hội Công Giáo mà còn những thách đố của xã hội, của toàn cầu vì nó đòi hỏi phải bảo tồn và phát triển các dân tộc bản địa nữa”.
Tầm quan trọng của đời sống tôn giáo ở Amazon thật quan yếu vì như ông Mauricio López, Tổng thư ký của REPAM, nói với hãng Fides rằng: “không có sự hiện diện của các dòng tu thì ‘sự hiện diện của chương trình Liberator United cũng không thể có!’”. Đối với ông López thì “nếu đời sống tôn giáo không hiện diện ở Amazonia, REPAM sẽ không tồn tại”, thêm vào đó “chắc chắn trong khi người dân sinh sống ở đây nhờ những giúp đỡ của tổ chức Liberator United, một sự chăm sóc được cung cấp thông qua Giáo Hội Công Giáo ở đây và được thực hiện qua chính những sinh hoạt của Giáo hội”. Theo những góc nhìn này, ông Lopez nhấn mạnh “sự sống còn của sự hiện diện pan-amazon là nhờ các cộng đoàn tu sĩ”.
Trong thực tế CLAR và REPAM “thành đạt được một sức mạnh tổng hợp” như thầy João Gutemberg, dòng Marist cho đại diện của tổ chức CLAR và REPAM hay: “CLAR và REPAM là hai tổ chức tương tự, cả hai làm việc cho các mối tương quan của đời sống tôn giáo trong Khu vực Pan-Amazon và công việc này cũng là những nhân chứng của cuộc sống “, do đó “các nhiệm vụ thể chế và cá nhân được kết nối liên quan tới các nhân viên đang cam kết tìm kiếm ra một con đường mới với nhiều khả năng hướng về những kỳ vọng tốt đẹp hơn.”
3. Tòa Thánh kêu gọi bảo vệ quyền lợi của người dân bản xứ vùng Amazon
Đức Tổng Giám Mục Bernadito Auza, Sứ thần Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc đã kêu gọi bảo vệ và phát huy nhân quyền và phẩm giá của những người dân bản xứ tại vùng Amazon.
Ngài nhấn mạnh rằng các dân tộc bản địa phải luôn được coi là những đối tác quan trọng trong mọi công cuộc phát triển, với một sự đồng ý không miễn trừ nào trước bất cứ một thông báo quan trọng nào có liên quan đến họ. “Trong thực tế, điều này có nghĩa là duy trì quyền tập thể của người dân bản địa gắn liền với đất đai và tài nguyên của họ”, Đức Tổng Giám Mục Bernadito Auza là Khâm sứ và Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc ở New York đã phát biểu như trên vào thứ Năm 18/4/2018 vừa qua.
Đức Tổng Giám Mục đã đưa ra quan điểm trong bài phát biểu khai mạc một Đại Hội đặc biệt về Amazone được Tòa Thánh tổ chức với chủ đề “Những Vi phạm Nhân quyền ở Amazon: Phương cách ứng phó và giải quyết!”.
Đức Tổng Giám Mục Auza đã bày tỏ những lo ngại của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với những người dân bản địa, đặc biệt những người gốc châu Mỹ Latinh với văn hóa, quyền lợi và phẩm giá của học, chủ quyền đất đai, đang bị bỏ qua hoặc thậm chí bị chà đạp vì lợi ích kinh tế hẹp hòi của một số thiểu số. Điều này đang xảy ra tại Amazon, một khu vực rừng nhiệt đới rộng lớn nhất thế giới, nơi có 2,8 triệu người dân bản xứ với những nét văn hóa đa dạng và phong phú của họ.
Trong chuyến viếng thăm Brazil năm 2013, Đức Tổng Giám Mục Auza lưu ý, Đức Thánh Cha đã ca ngợi sự hiện diện của Giáo Hội ở Amazon, không giống như những người khác đến đây để vơ vét những gì có thể! Ngài đặc biệt kêu gọi khuyến khích công việc của Giáo hội qua việc đào tạo những nhân lực của Giáo hội như các giáo viên bản xứ, các giáo sĩ hãy xây dựng “một diện mạo Giáo hội cho vùng đất Amazon”. “Đây là lý do tại sao Đức Thánh Cha đã mời gọi triệu tập một Thương Hội Đồng các Giám mục Giám mục về Amazon sẽ được nhóm họp tại Rome vào tháng 10 năm 2019.
Đức Tổng Giám Mục đã nhắc lại chuyến thăm ngày 19/1/2018 vừa qua của Đức Thánh Cha Phanxicô tại trung tâm Amazon ở Puerto Maldonado giữa rặng núi Andes trong đất nước Peru, nơi đó Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ lên án việc khai thác đất đai và tài nguyên vì những lợi ích kinh doanh dẫn đến tình trạng đàn áp người bản địa thay vì bảo vệ và tôn trọng tài nguyên bao la của khu rừng này.
Đối diện với những vấn nạn này, Đức Tổng Giám Mục Auza nêu lên hai biện pháp:
- Thứ nhất, người ta cần phải đánh đổ “ý đồ mang tính chất lịch sử lâu đời thường coi vùng Amazon này là nguồn cung cấp vô tận cho thế giới mà không cần quan tâm đến người dân bản địa tại đây.”
- Thứ hai, thế giới phải nhận ra rằng bản thân người dân và cộng đồng ở đây mới chính là những người bảo vệ đất đai và cần bảo tồn những văn hóa của họ.
Ngài kêu gọi người dân bản địa phải được đảm bảo qua việc duy trì ngôn ngữ của họ và tôn trọng những lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội cần thiết thuộc về họ và quyền làm chủ trước những phát triển hầu đảm bảo cho vận mệnh của chính họ.
4. Cộng Hòa Tiệp long trọng đón tiếp di hài vị Hồng Y đã từng chiến đấu với chủ nghĩa cộng sản
Đức Hồng Y Josef Beran, được xem như một biểu tượng thách thức chế độ cộng sản, đã bị nhà cầm quyền buộc phải sống lưu vong tại Vatican. Đức Hồng Y đã chết cách đây 49 năm, và được chôn cất trong khu hầm mộ của các vị Giáo Hoàng nhưng ngài luôn muốn được chôn cất ở quê hương của mình. Nguyện vọng cuối cùng của ngài đã được thực hiện.
Hôm thứ Sáu 20 tháng Tư, di hài của ngài đã được đưa từ Đền Thờ Thánh Phêrô về sân bay Kbely của thủ Prague và được đón tiếp long trọng với hàng quân danh dự và đông đảo các vị đại diện cho chính quyền và giáo quyền của Cộng Hòa Tiệp.
Trong bài phát biểu cảm động tại sân bay, ông Ilja Šmíd, bộ trưởng Văn Hóa Tiệp đã ca ngợi tấm gương bất khuất của Đức Hồng Y Beran, người đã trở thành Tổng Giám Mục thủ đô Prague vào năm 1946 sau khi sống sót trở về từ trại tập trung Dachau của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai.
Sau cuộc đảo chính của cộng sản vào năm 1948, Đức Tổng Giám Mục Beran đã công khai phản đối chế độ mới.
Ngài bị quản thúc tại gia và sau đó bị công an Tiệp bắt và di chuyển bí mật từ làng này sang làng khác trong mưu toan muốn cắt đứt mối quan hệ giữa ngài và đàn chiên của mình.
Chế độ cộng sản cũng đã bỏ tù hàng ngàn linh mục Công Giáo, nam nữ tu sĩ và anh chị em giáo dân. Cộng sản cũng tịch thu tài sản và phá hủy các nhà thờ và tu viện vì trong nhãn quan của họ Giáo Hội là kẻ thù không đội trời chung với cộng sản.
Năm 1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI quyết định nâng Đức Tổng Giám Mục Beran lên hàng Hồng Y. Nhà cầm quyền cộng sản cho phép ngài đi Rôma dự lễ tấn phong; nhưng không cho quay lại Tiệp.
Ngài qua đời vào ngày 17 tháng Năm năm 1969 ở tuổi 80 và được chôn cất trong Đền Thờ Thánh Phêrô trong khu hầm mộ thường chỉ dành riêng cho các vị Giáo Hoàng.
Phát ngôn viên tổng giáo phận Prague là ông Stanislav Zeman cho biết nguyện vọng cuối cùng của Đức Hồng Y là được chôn cất ở quê nhà.
Ông nói với Đài phát thanh Prague:
“Vì chí nguyện cuối cùng của Đức Hồng Y Josef Beran là muốn được chôn cất ở Prague, Đức Hồng Y Dominik Duka đương kim Tổng Giám Mục, đã xin Tòa Thánh cho được thực hiện ước nguyện này của Đức Hồng Y Beran. Theo tinh thần này, đã có một số cuộc đàm phán cụ thể với Vatican.”
Di hài của Đức Cố Hồng Y đã được rước đi trên các đường phố của thủ đô Prague trước khi được đưa về nhà thờ chính tòa Thánh Vitus nơi anh chị em giáo dân kính viếng cho đến ngày thứ Hai khi thi hài của ngài được chôn cất trong khu hầm mộ dành cho các vị Tổng Giám Mục tại nhà thờ này.
5. Đức Thánh Cha khích lệ ban giảng huấn và sinh viên Học Viện Anh Quốc tại Rôma
Sáng thứ Bẩy 21 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với ban giảng huấn và sinh viên Học Viện Anh Quốc tại Rôma. Trong diễn từ của ngài, Đức Thánh Cha khích lệ mọi người tăng cường lòng mến Chúa, yêu người, xua tan những nỗi sợ hãi và xaây dựng tình bạn. Đó là những đá tảng xây dựng cuộc đời chúng ta.
Học Viện Anh Quốc tại Rôma được thành lập năm 1579 như một chủng viện đào tạo các linh mục cho Anh và xứ Wales. Đức Thánh Cha Phanxicô ghi nhận năm nay là năm đánh dấu “một loạt các lễ kỷ niệm quan trọng trong đời sống của Giáo Hội ở Anh và xứ Wales”. Đáng kể nhất là lễ kỷ niệm 900 năm ngày sinh của Thánh Thomas Becket, việc thành lập chủng viện Anh quốc đầu tiên tại Douai vào năm 1568, và sự phục hồi của chính Học Viện Anh Quốc tại Rôma này 200 năm trước.
Tình yêu dành cho Thiên Chúa
Nhắc nhở các chủng sinh rằng “mối quan hệ sâu sắc với Chúa” phải là ưu tiên hàng đầu của họ, Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận rằng yêu cầu này “khó thực hiện hơn đối với các bạn so với tôi”. Đức Thánh Cha giải thích rằng đó là vì ảnh hưởng của “nền văn hóa tạm bợ” ngày nay. Và đây chính là lý do tại sao điều rất quan trọng là chúng ta phải “nuôi dưỡng cuộc sống nội tâm, học cách đóng cánh cửa nội tâm của mình từ bên trong”. Như thế, “sự phục vụ của các bạn cho Thiên Chúa và Giáo Hội sẽ được củng cố”.
Tình yêu dành cho người lân cận
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói thêm rằng chúng ta phục vụ những người khác “không phải chỉ đơn thuần vì cảm tình, nhưng là vì vâng lời Chúa”, và luôn hợp tác với những người khác. Đức Thánh Cha xác nhận rằng yêu thương người lân cận với mình không phải lúc nào cũng là chuyện dễ dàng, nhưng ngài đề nghị chúng ta cần phải đặt nền tảng “vững chắc nơi Thiên Chúa, Đấng yêu thương và nâng đỡ chúng ta”. “Sức mạnh bên trong” này là những gì đặc trưng cuộc sống của các vị tử đạo xuất thân từ Học Viện Anh Quốc này hồi thế kỷ 16. Tất cả lên đến bốn mươi bốn vị từ chính Học Viện Anh Quốc này đã đổ máu đào minh chứng cho đức tin.
Xua tan nỗi sợ
Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ ra rằng “sợ hãi” là một trong những trở ngại chính mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống, bao gồm cả nỗi sợ hãi của chính mình. Liên hệ đến Tông huấn Gaudete et Exsultate – Mừng rỡ hân hoan – vừa được công bố gần đây Đức Thánh Cha nói thêm rằng “chúng ta có thể vượt qua sự sợ hãi bằng tình yêu, lời cầu nguyện, và một cảm thức hài hước”
Đề cao tấm gương của Đấng bảo trợ của nhà trường, là Thánh Thomas thành Canterbury, Đức Thánh Cha khẳng định rằng, khi chúng ta thành công trong việc vượt qua nỗi sợ của chính mình, chúng ta cũng có thể giúp đỡ người khác vượt qua nỗi sợ của họ.
Xây dựng tình bạn
Để kết luận, Đức Thánh Cha nói rằng những lời khích lệ sau cùng của ngài là những lời “của một người cha, bộc bạch từ con tim”, và là một lời mời gọi các chủng sinh nuôi dưỡng “những mối quan hệ tốt lành và lành mạnh nhằm nâng đỡ các bạn trong sứ vụ tương lai của mình”. Bạn bè không chỉ bao gồm những người đồng ý với chúng ta, họ là những ân sủng “để giúp chúng ta trên hành trình hướng đến những gì là đúng, cao quý và tốt lành”.
6. Ba nữ giáo dân được bổ nhiệm làm tham vấn cho Bộ Giáo Lý Đức Tin
Đức Phanxicô đã bổ nhiệm 5 tham vấn mới cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, trong đó, có 3 nhà nữ học thuật và 2 linh mục.
Các vị nữ lưu trên là Tiến Sĩ Linda Ghisoni, giáo sư giáo luật tại Giáo Hoàng Đại Học Gregorian; Tiến Sĩ Michelina Tenance, giáo sư thần học tại Giáo Hoàng Đại Học Gregorian và tiến sĩ Laetitia Calmeyn, giảng sư thần học tại Collège des Bernardins ở Paris.
Hai tham vấn khác là Cha Sergio Paolo Bonanni, giáo sư thần học tại Giáo Hoàng Đại Học Gregorian, Cha Manuel Jesús Arroba Conde, Dòng Claretian, khoa trưởng Institutum Utriusque Iuris tại Giáo Hoàng Đại Học Lateran.
Phát ngôn viên Tòa Thánh nói rõ họ từng là nhân viên tại Thánh Bộ này.
Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin là thánh bộ chịu trách nhiệm việc bảo vệ và phát huy tín lý của Giáo Hội Công Giáo. Hiện thánh bộ này đặt dưới sự điều khiển của Đức Tổng Giám Mục Luis Ladaria Ferrer, và các tham vấn bao gồm các Hồng Y, giám mục, linh mục, luật sư giáo luật và thần học gia giáo dân.
7. Ngày Sách Thế giới: Ðức Thánh Cha nêu bật những lợi ích của việc đọc sách.
Nhân “Ngày Sách và Bản quyền Thế giới”, 23 tháng Tư năm 2018. Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh những lợi ích của việc đọc sách để xây dựng “một xã hội công bình hơn và huynh đệ hơn”.
Vatican News bản tiếng Ý cho biết, Ðức Thánh Cha mong muốn ngày này là “cơ hội nhận thức rõ hơn về ý nghĩa của sách, và nói chung là của việc đọc sách, để xây dựng một thế giới và một xã hội công bình hơn, huynh đệ hơn”.
Ông Romano Montroni, chủ tịch Trung tâm Sách và Ðọc sách của Italia, người được Ðức Thánh Cha Phanxicô gửi đến một sứ điệp - qua Ðức Hồng Y Quốc vụ khanh Toà thánh Pietro Parolin - nhận định rằng “cần phải có những chứng nhân sáng giá, có uy tín về nhân bản lẫn xã hội, làm cho chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc đọc sách. Và Ðức Thánh Cha Phanxicô là một người trong số ấy”.
Ngày Sách và Bản quyền Thế giới được thành lập trong phiên họp khoáng đại của UNESCO tại Paris vào năm 1995 để “khuyến khích mọi người, đặc biệt là người trẻ, khám phá niềm vui đọc sách”. Ngày Sách và Bản quyền Thế giới được cử hành vào ngày 23 tháng Tư hằng năm, để kỷ niệm ngày qua đời của Miguel de Cervantes, William Shakespeare và Inca Garcilaso de la Vega (năm 1616).
Theo một thông cáo của Liên hiệp quốc, mỗi năm, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), Hiệp hội Xuất bản Quốc tế (IPA), Liên đoàn Sách quốc tế (IBF) và Liên đoàn Quốc tế các Hội và Cơ quan Thư viện (IFLA) chỉ định một “Thủ đô Sách Thế giới” trong thời gian một năm. Và năm 2018 Thành phố Athens của Hy Lạp đã được chọn; thành phố này đang nỗ lực làm cho mọi người dân tại đây, kể cả người di cư và người tị nạn, dễ dàng đến được với sách.
8. Triển vọng có một nhà thờ ở Ả Rập Saudi
Ðức Hồng Y Jean-Louis Tauran hiện đang viếng thăm Ả Rập Saudi, cái nôi của chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo Wahhabi, nơi mà tất cả các tôn giáo khác ngoài Hồi giáo đều bị cấm.
Ðã có nhiều người lên tiếng đòi quyền xây dựng nhà thờ ở một quốc gia hiện có gần hai triệu Kitô hữu đang sống một cách thầm lặng.
Sắp có một nhà thờ ở Riyadh chăng? Những dấu hiệu khơi mào của Thái tử Ả Rập Saudi là Mohammed ben Salmane, người đã tiến hành những cải cách xã hội trong Vương quốc -nơi mà tất cả các tôn giáo khác ngoài Hồi giáo theo chủ nghĩa Wahhabi cực kỳ bảo thủ đều bị cấm tuyệt đối-, đã nhen nhóm lại niềm hy vọng nơi các cộng đoàn Kitô hữu ở Ðông phương.
Trong những ngày này, Ðức Hồng Y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Toà thánh về Ðối thoại Liên tôn, đã được “Trung tâm quốc tế đấu tranh chống ý thức hệ cực đoan “ (ETIDAL, viết tắt theo tiếng Ả Rập) đặc biệt tiếp đón. Ðược coi là một người kiên trì thúc đẩy cuộc đối thoại giữa Giáo Hội Công Giáo và Hồi giáo, ngài cũng đã gặp Quốc vương Salman hôm thứ Tư 18-04 tại Riyadh.
Giáo Hội Công Giáo ở bán đảo Ả Rập chia thành hai giáo phận: giáo phận Bắc Ả Rập (gồm Qatar, Bahrain, Ả Rập Saudi) dưới quyền coi sóc của Ðức giám mục Camillo Ballin, có Toà giám mục đặt tại Bahrain - nơi đây một nhà thờ đang được xây dựng; giáo phận Nam Ả Rập (gồm Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Oman, Yemen), với Toà giám mục đặt tại Abu Dhabi, do Ðức Giám mục Paul Hinder coi sóc.