Theo nữ ký giả Claire Giangravè của tờ Crux, trong bối cảnh của việc cho là mở đường mục vụ đối với những ngừơi đồng tính luyến ái, được kích thích bởi các nhận định “phi bản văn” (unscripted) của Đức Phanxicô ngỏ cùng một nạn nhân người Chile, bị lạm dụng tình dục nổi như cồn hiện nay, và đang hết mình vận động cho một thái độ gọi là chào đón và không phê phán đối với người đồng tính, một tác giả và diễn giả Công Giáo đồng tính, hôm thứ Tư, 23 tháng 5, đã cổ vũ “một lối khác”.



Thực vậy, Daniel C. Mattson, tác giả cuốn Why I Don’t Call Myself Gay (Tại Sao Tôi Không Gọi Mình Là Người Đồng Tính), cuốn sách mà ông giới thiệu ấn bản tiếng Ý tại Đại Học Thánh Giá ở Rôma, nói rằng: “Tôi không bao giờ hiểu được tại sao người ta là Công Giáo mà lại bác bỏ giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo”.

Ông nói thêm: “những người muốn thay đổi giáo huấn của Giáo Hội, hãy để tôi chỉ cho qúy vị sự thật!”

Trong cuốn sách của ông, Mattson trình bầy kinh nghiệm riêng của ông về lúc ông hiểu ra mình đồng tính và cuộc vật lộn của ông để tiết dục trong cuộc sống. Ông bác bỏ những tuyên bố có tính trùm phủ về thương xót nhằm cổ vũ thứ “cảm thương được sự thật điều hướng” mà theo ông, đã kêu gọi ông trở về với Giáo Hội.

Mattson nhìn một cách hoài nghi đối với các nhận định ứng khẩu (off-the-cuff) của Đức Phanxicô về các cặp đồng tính, kể cả tiết lộ gần đây của một nạn nhân bị lạm dụng người Chile cho rằng Đức Giáo Hoàng nói riêng với anh rằng Thiên Chúa dựng nên anh đồng tính và anh như thế nào, Thiên Chúa yêu thương anh như vậy.

Trước một nhóm nhỏ phóng viên sau cuộc họp báo, Mattson nói rằng “Một điều tôi luôn đánh giá cao về Đức Giáo Hoàng khi ngài nói về điều này là ngài đã nói ‘tôi là một người con của Giáo Hội, và tôi tin những gì Giáo Hội truyền dạy’. Những lời đó có ghi chép trong sách vở”.

Tác giả nhấn mạnh sự kiện này: các nhận định của Đức Phanxicô trong các tình thế chính thức đã và đang hết sức rõ ràng bằng cách phản ảnh tín lý Công Giáo, bác bỏ khả thể hôn nhân đồng tính, và nhấn mạnh đức khiết tịnh.

Mattson nói “Tôi nghĩ điều xẩy ra là báo chí đã thao túng điều ngài nói nhằm cứu vãn nghị trình riêng của họ. Chúng ta phải đứng ra bảo vệ Đức Giáo Hoàng chống lại những cuộc thao túng điều ngài nói. Người ta đã lợi dụng ngài và các nhận định ứng khẩu của ngài một cách bất hạnh”.

Ông cũng quả quyết rằng ông mong có dịp được đích thân gặp Đức Giáo Hoàng để trình bầy kinh nghiệm của ông và cho ngài thấy giáo huấn của Giáo Hội đã gợi hứng và hướng dẫn ông ra sao trong cuộc sống.

Trong căn phòng đầy các linh mục, giáo dân và các phương tiện truyền thông, Mattson kể lại kinh nghiệm của ông: “Khi tôi là một cậu bé và khám phá ra mình bị lôi cuốn bởi các cậu trai khác, tôi chưa bao giờ nghĩ Thiên Chúa lại muốn tôi viết một cuốn sách về kinh nghiệm của mình”.

Là một trong 4 người con, Mattson được giáo dục trong một gia đình chủ yếu theo Thệ Phản. Ông nói rằng kinh nghiệm bị lôi cuốn đồng tính đầu tiên của ông là đội trưởng đội túc cầu, người hiện thân cho các phẩm tính nam giới và tiêu biểu đàn ông mà ông cảm thấy mình rất thiếu.

“Tôi nhớ tìm đủ mọi cách để rờ cho được các bắp thịt ở cánh tay anh ta”, ông nói thế và thêm rằng lúc ấy, ông vẫn tin vào Thiên Chúa và Kế Hoạch của Người dành cho hạnh phúc của ông, dù năng bị bắt nạn và chế giễu ở trường.

Ông giải thích “tôi cảm thấy mình nằm ngoài tư cách anh em với bọn con trai. Lúc ở lớp 5, tôi không ngừng tự so sánh mình với những đứa con trai khác, tôi thèm bắt chước chúng vì tôi không nghĩ mình biết phải thực hiện việc ấy như thế nào”.

Ông nói, ở tuổi thiếu niên, “sự thèm muốn bắt chước trở thành tính dục hóa”. Ông bị lôi cuốn bởi các thanh niên rất lực lưỡng và bị ghiền văn hóa khiêu dâm. Ông nói thêm, ông vẫn bị lôi cuốn bởi con gái và có dự định một ngày nào đó sẽ kết hôn và thành lập một gia đình giống cha mẹ ông.

Nhưng việc hẹn hò rất khó khăn đối với Mattson lúc còn ở trung học, và vì thế ông tìm nơi trú ẩn trong âm nhạc. Ông có tài chơi “trombone” và thậm chí còn trở thành trưởng lớp. Ông nói: “tôi muốn mọi người thích tôi”.

Là một thiếu niên lớn lên tại Michigan, đến chữ “gay” có nghĩa gì Mattson cũng không biết, cho mãi tới năm 16. Ông cho biết ông luôn bám lấy câu trong Sách Giêrêmia 29:11: “ ‘Ta biết các kế hoạch Ta đã dành cho con’ Chúa phán thế, ‘các kế hoạch làm con thịnh vượng chứ không làm hại con, các kế hoạch đem lại cho con hy vọng và một tương lai’”.

Ông sử dụng ảnh hưởng làm trưởng lớp để cho vẽ lên tường câu trích dẫn trên, hiển hiện phía sau các lực sĩ chơi túc cầu tại phòng thể thao của trường.

Rời cao đẳng, ông nhận được việc làm mùa hè như một nhạc sĩ và cuối cùng hẹn hò được với một cô gái. Mối liên hệ này vắn vỏi và kết thúc khi cô gái bỏ rơi ông để đi với một người đàn bà khác.

Mattson nhận định “Điều ấy càng củng cố mối sợ sệt của tôi. Tôi cảm thấy mình bất xứng đến nỗi một người đàn bà lại thích một người đàn bà khác hơn mình. Tôi thật sự ghét bản thân mình”.

Biến cố trên đánh dấu một bước ngoặt đối với chàng nhạc sĩ trẻ tuổi, người bắt đầu nghi vấn không biết quả Thiên Chúa có kế hoạch nào dành cho mình hay không. Ông nói: lúc 32 tuổi, ông có kinh nghiệm đồng tính lần đầu tiên.

Ông bảo: “Chúng ta luôn muốn trái cấm cho dù đã được Thiên Chúa ban cho cả một khu vườn. Nhưng sau khi ăn trái cấm, ta chỉ cảm thấy có tội và trống rỗng”.

Mattson có mối liên hệ kéo dài 1 năm với một người đàn ông; sau đó, ông kết thúc khi ước muốn lúc còn trẻ được kết hôn đã tái xuất hiện. Khi cả việc này cũng thất bại, ông rời bỏ gia đình, lúc ấy đã trở lại Đạo Công Giáo và rất tích cực tham gia sáng kiến Courage, một hình thức tông đồ của Công Giáo hoàn cầu dành cho các người đồng tính.

Ngày nay, Mattson cũng đã gia nhập sáng kiến Courage và xuất hiện trong một cuốn phim tài liệu mô tả cuộc sống của những người đồng tính sống một cách khiết tịnh.Việc trở lại Công Giáo của ông diễn ra trong một Thánh Lễ dự chung với gia đình. Ông cho các tham dự viên của cuộc họp báo ra mắt sách biết cái đẹp của xông hương, của phụng vụ và nghi thức trong Thánh Lễ Công Giáo làm lu mờ các kinh nghiệm của ông trong các siêu thánh đường Thệ Phản thời tuổi trẻ.

Ông cho hay: “giáo huấn của Giáo Hội nhận diện bạn như người con qúy yêu của Thiên Chúa, đó là điều bạn chính là và là điều giải thoát đối với tôi”. Ông nói thêm: cuốn sách của ông được viết ra “cho những ai nghĩ bạn có thể làm ngơ các giáo huấn của Giáo Hội” và nhằm trình bầy một lối sống thay thế dành cho người đồng tính, lối sống mà chính ông sống hằng ngày trong da thịt mình. Ông nói: “tôi vẫn còn bị đàn ông lôi cuốn, tôi nghĩ tôi sẽ mãi như thế cho tới chết. Vấn đề là ta phải làm gì đối với các lôi cuốn này”.

Đức Phanxicô có chủ trương nào đối với đồng tính luyến ái?

Trên đây, Mattson có đề cập đến giáo huấn rõ ràng của Đức Phanxicô đối với đồng tính luyến ái khi ngài dạy dỗ chính thức. Đó mới thực sự là giáo huấn của ngài, chứ không phải các phát biểu “ứng khẩu”.



Phil Lawler, một nhà bình luận Công Giáo bảo thủ, trong bài báo gần đây, tựa là “Could Pope Francis be shifting his stand on gay influence?” (Có phải Đức Giáo Hoàng Phanxicô thay đổi chủ trương của ngài về ảnh hưởng đồng tính hay không?), cũng nghĩ như thế.

Tác giả này nói rằng trái với nhận định ngỏ với một nạn nhân bị lạm dụng tình dục, Đức Phanxicô vừa tái khẳng định chính sách của Giáo Hội loại bỏ các chủng sinh đồng tính một cách tích cực ra khỏi các chủng viện.

Việc tái khẳng định trên được Đức Giáo Hoàng đưa ra liên tiếp trong hai tuần vừa qua. Lần đầu trong lá thư mật gửi các giám mục Chile, lá thư không được Tòa Thánh chính thức công bố. Trong lá thư này, ngài liệt kê các dấu hiệu thối nát trầm trọng trong hàng ngũ giám mục Chile, trong đó, có sự kiện này “người ta tin một số giám mục hay bề trên... đã trao phó các chủng sinh cho các linh mục bị hoài nghi là hoạt động đồng tính”.

Lần thứ hai là trong hội nghị toàn thể của Hội Đồng Giám Mục Ý, ngài nói rõ hơn và rất cương quyết rằng các ngài không được nhận vào chủng viện các thanh niên nào “nếu qúy hiền huynh hơi một chút hồ nghi” rằng họ có thể đồng tính một cách tích cực.

Cả hai lần đều hội đủ điều kiện để coi đó là giáo huấn chính thức của Đức Phanxicô và đồng thời là giáo huấn xưa nay của toàn thể Giáo Hội Công Giáo, chứ không phải là những lời “ứng khẩu” không hề có trong văn bản.