Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con có một câu hỏi về lễ nhớ buộc mới cho Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh. Theo Thánh Bộ Phụng tự và Bí tích, “Bởi vì Lễ Hiện Xuống là một lễ di động, gắn liền với lễ Phục Sinh, nên có thể có trường hợp lễ này trùng với lễ nhớ một vị thánh hay một chân phước khác, thì theo truyền thống về thứ bậc giữa các thánh, lễ nhớ Đức Trinh Nữ Maria phải được kể là ưu tiên”. Câu hỏi của con là: Nếu lễ này trùng với một lễ kính, chứ không trùng lễ nhớ, liệu lễ nào là được ưu tiên? - P. C., Awka, Nigeria.


Đáp: Sắc lệnh giải thích và công bố lễ nhớ mới được ban hành ngày 11-2-2018. Giải thích nguồn gốc của lễ cử hành mới, sắc lệnh nói:

“Bên chân thập giá (x. Ga 19,25), Mẹ đã đón nhận lời trối đầy yêu thương của Chúa Giêsu Con Mẹ, và nơi người môn đệ được Chúa sủng ái, Mẹ đã tiếp nhận mọi người như những người con phải được tái sinh vào đời sống thần linh, và như thế, Mẹ đã trở nên người mẹ từ ái của Hội Thánh đã được tác sinh trên Thánh giá khi Chúa Kitô trao ban Thần Khí. Trong khi đó, cũng nơi người môn đệ yêu dấu, Chúa Kitô muốn tất cả các môn đệ thay mặt Người thể hiện tình yêu thương đối với Đức Maria, Người trao gửi để họ đón nhận Mẹ trong tâm tình thảo hiếu kính yêu.

“Như một người hướng dẫn tận tâm của Hội Thánh vừa được thiết lập, Đức Maria bắt đầu sứ mạng làm mẹ khi hiện diện với các Tông đồ nơi phòng Tiệc ly, cùng cầu nguyện đợi chờ Chúa Thánh Thần (x. Cv 1,14). Trong tâm tình đó, suốt bao thế kỷ, nền đạo đức Kitô giáo đã tôn vinh Đức Maria với những tước hiệu khác nhau, mang ý nghĩa tương tự nhau, chẳng hạn Mẹ các môn đệ, Mẹ các giáo hữu, Mẹ các tín hữu, Mẹ của tất cả những kẻ được tái sinh trong Chúa Kitô, và “Mẹ của Hội Thánh”, tước hiệu này đã xuất hiện trong những tác phẩm của các tác giả tu đức cũng như trong các văn kiện Huấn quyền của Đức Bênêđictô XIV và Lêô XIII.

“Vào ngày 21-9-1964, khi bế mạc kỳ họp thứ ba của Công đồng Vatican II, Đức chân phước Giáo hoàng Phaolô VI đã dựa vào những yếu tố nói trên như cơ sở nền tảng để công bố Đức Trinh Nữ Maria là “Mẹ của Hội Thánh, nghĩa là Mẹ của toàn thể các Kitô hữu, giáo dân cũng như mục tử, những người vẫn gọi Mẹ là Mẹ vô cùng nhân ái”, và Đức Giáo Hoàng xác lập việc “toàn thể đoàn dân Kitô giáo từ nay phải luôn gia tăng lòng tôn kính đối với Mẹ Thiên Chúa dưới tước hiệu vô cùng dịu ngọt ấy”.

“Trong Năm Thánh Hòa giải 1975, Tòa Thánh đã biên soạn và đưa vào Sách Lễ Rôma bản văn lễ ngoại lịch kính Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh; tước hiệu này cũng được thêm vào Kinh cầu Đức Mẹ (1980), một số bản văn khác cũng được phổ biến trong tập sách các lễ kính Đức Trinh Nữ Maria (1986). Theo ý thỉnh nguyện, lễ này đã được phép ghi vào lịch riêng của một số quốc gia, giáo phận và hội dòng.

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sau khi thận trọng cân nhắc hiệu quả của việc sùng kính này có thể giúp nâng cao cảm thức làm mẹ của Hội Thánh, đồng thời cũng gia tăng lòng tôn kính Đức Mẹ nơi các mục tử, tu sĩ và các tín hữu, đã quyết định đưa vào lịch chung của Hội Thánh Rôma, lễ nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh, được cử hành hằng năm vào ngày thứ Hai sau lễ Hiện xuống.

“Việc cử hành lễ này sẽ giúp chúng ta nhớ rằng, sự tăng trưởng của đời sống Kitô hữu phải luôn gắn kết với mầu nhiệm Thánh Giá, với hy tế của Chúa Kitô nơi bàn tiệc Thánh Thể cũng như với tâm tình hiến dâng của Đức Trinh Nữ, Mẹ của Đấng Cứu thế và của những người được cứu chuộc.

“Lễ nhớ này phải được ghi trong lịch và sách phụng vụ để cử hành Thánh lễ và Phụng vụ Giờ kinh. Bản văn phụng vụ liên quan được phổ biến cùng với sắc lệnh này, và các bản dịch sẽ được công bố sau khi đã được các Hội Đồng Giám Mục phê duyệt và Bộ Phụng Tự chuẩn nhận.

“Tại những nơi đã được phép đặc biệt để cử hành lễ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh, vào một ngày khác và với bậc lễ cao hơn, vẫn có thể tiếp tục cử hành như thế. (Bản dịch Việt ngữ của Uỷ ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam).

Đức Hồng Y Robert Sarah, Tổng trưởng Thánh Bộ Phụng tự, khi giới thiệu sắc lệnh đã nói sâu ý nghĩa thiêng liêng của lễ nhớ này như sau:

“Việc cử hành mới này được mô tả ngắn gọn trong chính Sắc lệnh, vốn nhắc lại sự trưởng thành sau cùng của sự tôn kính phụng vụ đối với Đức Maria, theo sau một sự hiểu biết rõ hơn về sự hiện diện của Mẹ ‘trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Hội Thánh’, như được giải thích trong Chương 7 của Hiến chế Lumen Gentium của Công đồng chung Vatican II. Thật vậy, với lý do chính đáng, khi ban hành Hiến Chế Công đồng ngày 21-11-1964, Đức Thánh Cha Phaolô VI muốn long trọng công bố tước hiệu 'Mẹ của Hội Thánh' cho Đức Maria. Cảm thức của các Kitô hữu trong hai thiên niên kỷ lịch sử đã vun quén mối quan hệ hiếu thảo, vốn nối kết không thể tách rời các môn đệ\ của Chúa Kitô với Mẹ của Ngài theo nhiều cách khác nhau. Thánh sử Gioan đã đưa ra nhiều chứng tá rõ ràng về một mối quan hệ như vậy, khi ngài tường trình di chúc của Chúa Giêsu chết trên Thánh giá (xem Ga 19: 26-27). Sau khi phó Thân Mẫu cho các môn đệ và phó các môn đệ cho Thân Mẫu Ngài, 'biết rằng mọi sự đã hoàn tất’, Chúa Giêsu ‘trút hơi thở' cho sự sống của Giáo hội, Nhiệm Thể của Ngài: thực sự là 'chính từ cạnh sườn Chúa Kitô chịu chết trên thập giá, đã phát sinh bí tích nhiệm lạ là Giáo Hội” (Sacrosanctum Concilium, số 5).

“Nước và máu chảy ra từ trái tim của Chúa Kitô trên Thánh giá, như là dấu chỉ cùa sự toàn vẹn của sự dâng hiến cứu chuộc của Ngài, tiếp tục ban sự sống cho Hội Thánh một cách bí tích qua Phép Rửa tội và phép Thánh Thể. Trong sự hiệp thông tuyệt vời này giữa Đấng Cứu Chuộc và các người được cứu chuộc, vốn luôn luôn cần được nuôi dưỡng, Đức Maria có sứ mệnh hiền mẫu của mình để thực hiện. Điều này được nhắc lại trong đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan 19: 25-31, vốn được đề nghị cho lễ nhớ mới, cùng với các bài đọc từ Sáng thế ký 3 và Công vụ Tông đồ 1, trong Thánh lễ Ngoại lịch 'Sancta Maria Ecclesiæ Matre', được chấp thuận bởi Thánh Bộ Phụng tự năm 1973 nhằm cho Năm Thánh Hòa Giải sắp tới là năm 1975 (xem Notitiæ 1973, trg. 382-383).

“Do đó, việc tưởng nhớ phụng vụ cho tình mẹ đối với Hội thánh của Đức Maria đã tìm thấy một vị trí trong số các Thánh Lễ Ngoại lịch của ấn bản chỉnh sửa của Sách Lễ Rôma năm 1975. Sau đó, trong triều đại của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, năng quyền được ban cho các Hội Đồng Giám Mục đưa thêm tước hiệu 'Mẹ của Hội Thánh' vào Kinh Cầu Đức Bà Loreto (xem Notitiae 1980, trang 159); và lễ Ngoại lịch dưới tước hiệu 'Đức Maria, Mẹ và Hình Ảnh Hội Thánh' trong Bộ các thánh lễ của Đức Trinh Nữ Maria (Collectio missarum de Beata Maria Virgine). Theo dòng thời gian, việc đưa lễ "Mẹ của Hội Thánh" vào các lịch thích hợp của một số quốc gia, chẳng hạn như Ba Lan và Argentina, vào ngày thứ Hai sau Lễ Hiện Xuống, cũng được chấp thuận. Trong các trường hợp khác, lễ kỷ niệm được diễn ra ở các nơi đặc biệt như Vương Cung Thánh đường Thánh Phêrô, nơi mà Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI đã công bố tước hiệu, cũng như trong các phần lễ Riêng của một số Dòng và Tu hội.

“Do tầm quan trọng của mầu nhiệm của mẫu tính thiêng liêng của Đức Maria, vốn từ lúc chờ đợi Chúa Thánh Linh trong Lễ Hiện Xuống, chưa bao giờ ngưng đón nhận về cho mình tư cách làm Mẹ của Giáo hội lữ hành xuyên qua mọi thời, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định rằng vào ngày thứ Hai sau Lễ Hiện Xuống, lễ nhớ Đức Maria Mẹ Hội Thánh sẽ là buộc cho toàn thể Hội Thánh theo nghi lễ Rôma. Mối liên hệ giữa sức sống của Hội Thánh với biến cố lễ Hiện Xuống, và sự chăm lo từ mẫu của Đức Maria đối với Hội Thánh nảy, là hiển nhiên. Trong các bản văn của Thánh lễ và Các Giờ Kinh, trình thuật Công vụ 1: 12-14 đưa ánh sáng vào việc cử hành phụng vụ, cũng như đoạn Sáng thế 3: 9-15,20, đọc trong ánh sáng của kiểu thức Bà Evà mới, Đấng đã trở nên Thân Mẫu của tất cả những kẻ được tái sinh (Mater omnium viventium), dưới chân Thánh Gia của Con Mẹ, Đấng Cứu Chuộc trần gian.

“Niềm hy vọng là rằng việc mở rộng lễ cử hành của toàn Hội Thánh sẽ nhắc nhở mọi môn đệ của Chúa Kitô rằng, nếu chúng ta muốn trưởng thành và được tràn đầy tình yêu của Chúa, chúng ta cần phải xây dựng đời sống của mình thật vững chắc trên ba thực tại tuyệt vời: Thánh Giá, Thánh Thể, và Mẹ Thiên Chúa. Đây là các mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã ban cho thế giới để cấu thành, sinh hoa kết quả và thánh hóa đời sống nội tâm của chúng ta, và dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu. Ba mầu nhiệm này cần được suy ngẫm trong thinh lặng. (xem R. Sarah, The Power of Silence, số 57).

Cuối cùng, một thông tri đưa thêm nhiều giải thích đã được công bố một tháng sau đó, vào ngày 24-3-2018:

“Sau khi đã đưa vào Lịch chung Rôma lễ Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh với bậc lễ Nhớ buộc, được cử hành hằng năm vào thứ Hai sau lễ Hiện xuống, chúng tôi thấy cần phải đưa ra một số hướng dẫn sau đây.

“Trong Sách lễ Rôma, sau bản văn lễ Hiện xuống có ghi: “Tại những nơi các tín hữu buộc hoặc có thói quen dâng lễ vào thứ Hai và thứ Ba sau lễ Hiện xuống, có thể lấy bản văn lễ Chúa Nhật Hiện xuống hoặc lễ về Chúa Thánh Thần”, phần chữ đỏ ấy vẫn còn hiệu lực vì vẫn áp dụng đúng thứ tự ưu tiên giữa các ngày phụng vụ cùng với việc cử hành lễ theo ngày, được quy định thống nhất trong Bảng các ngày phụng vụ (x. Quy chế tổng quát về Năm phụng vụ và Niên lịch, số 59). Tương tự như thế, thứ tự ưu tiên của lễ ngoại lịch được quy định như sau: “Không được cử hành lễ ngoại lịch trong những ngày có lễ nhớ bắt buộc, những ngày mùa Vọng cho đến hết ngày 16-12, các ngày trong mùa Giáng sinh từ ngày 2-1, trong mùa Phục sinh sau tuần Bát nhật Phục sinh, nhưng nếu vì lợi ích mục vụ, tùy theo thẩm định của linh mục quản thủ thánh đường hay của chính linh mục chủ tế, có thể cử hành lễ ngoại lịch thích hợp trong thánh lễ có dân chúng

“Tuy nhiên, nếu không có lý do đặc biệt hơn, phải chọn lễ nhớ Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh, và các bản văn phụng vụ kèm theo Sắc lệnh và các bài đọc được chỉ định, phải được xem là phần riêng dành cho lễ này, vì cho thấy rõ nét mầu nhiệm về thiên chức Thánh Mẫu. Trong các ấn bản sau này của tập Mục lục các bài đọc, phần chữ đỏ của số 572bis sẽ ghi rõ các bài đọc ấy là phần riêng, và dù đây là lễ Nhớ, nhưng vẫn phải đọc thay vì các bài đọc theo ngày (x. Sách bài đọc, Những điều cần biết trước, số 83).

“Trong trường hợp lễ Nhớ này trùng với một lễ Nhớ khác, phải giữ các nguyên tắc tổng quát của quy định chung về Năm phụng vụ và Niên lịch (x. Bảng các ngày phụng vụ, số 60). Tuy nhiên, vì lễ Nhớ Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh được gắn liền với lễ Hiện Xuống, giống như lễ Trái Tim vẹn sạch Đức Mẹ gắn liền với lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, nên trong trường hợp lễ này trùng với lễ nhớ một vị thánh hay một chân phước khác, theo truyền thống về thứ bậc giữa các thánh, lễ nhớ Đức Trinh Nữ Maria phải được kể là ưu tiên” (Bản dịch Việt ngữ của Uỷ ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam).

Các tài liệu trên đây không giải quyết cụ thể câu hỏi của bạn đọc này về sự trùng hợp của lễ nhớ Đức Maria Mẹ Hội Thánh với một lễ kính. Tuy nhiên, bởi vì người ta liên lỉ nhắc đến trật tự ưu tiên của các ngày phụng vụ, nên tôi nghĩ rằng nếu rõ ràng có sự trùng hợp ngẫu nhiên xảy ra, thì lễ kính được ưu tiên hơn.

Ngày sớm nhất có thể cho Thứ Hai sau Lễ Hiện Xuống là ngày 11-5 và ngày muộn nhất là ngày 14-6.

Trong khoảng thời gian này, các sự trùng hợp duy nhất có thể xảy ra với các ngày lễ kính là: lễ thánh Matthias, ngày 14-5, và lễ Đức Maria đi viếng bà Elisabeth ngày 31-5. Các sự trùng hợp gần nhất với lễ thánh Matthias là vào các năm 2035, 2046 và 2103, và các sự trùng hợp với lễ Đức Maria đi viếng bà Elisabeth là vào năm 2066, 2077 và 2088.

Lẽ tất nhiên, có thể có các trùng hợp khác với các lễ kính trong lịch của một số nước, khu vực và giáo phận, cũng như lễ kính riêng trong lịch của một số Dòng tu, và lễ trọng và lễ kính của các thánh bổn mạng giáo xứ.

Trong tất cả các trường hợp này, quy tắc chung về quyền ưu tiên của một lễ kính trên lễ nhớ là luôn được áp dụng. (Zenit.org 12-6-2018)