Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Tuần trước chúng tôi đã đưa tin về một luật mới tại lãnh thổ thủ đô Úc Đại Lợi, gọi tắt là ACT. Xin được nhắc lại như sau:
Các linh mục ở Canberra sẽ sớm bị buộc phải vi phạm ấn tín tòa giải tội để báo cáo những kẻ lạm dụng trẻ em, bất kể những lo ngại rằng luật mới này vi phạm quyền tự do tôn giáo.
Cả ba đảng trong quốc hội lập pháp Canberra đã ủng hộ dự luật này bất kể sự chống đối quyết liệt cuả hai chính trị gia tự do đảng Tự Do, là những người đã phát biểu về mối quan tâm sâu xa của họ.
Andrew Wall, người đã theo học tại trường cao đẳng Marist cho rằng việc bắt các linh mục phải báo cáo với cảnh sát những kẻ lạm dụng trẻ em là “quá đáng”.
Ông Andrew Wall nói việc vi phạm ấn tín tòa giải tội về cơ bản sẽ thay đổi và “có ảnh hưởng một cách đáng kể đến quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo”.
Vicki Dunne, một người Công Giáo, cho biết các linh mục vi phạm ấn tín tòa giải tội tự động bị dứt phép thông công và điều này sẽ làm suy yếu niềm tin vào nghi thức “thiêng liêng, bất khả xâm phạm của bí tích này”.
Bà Dunne nói: “Chúng ta cần phải dừng lại và suy nghĩ hai lần trước khi chúng ta thông qua luật đòi hỏi các linh mục Công Giáo phải vi phạm ấn tín tòa giải tội.”
“Đó là lý do tại sao Cha Brennan nói rằng ngài thà vi phạm pháp luật hơn là vi phạm ấn tín tòa giải tội”
Các luật mới sẽ đòi hỏi các tổ chức tôn giáo “báo cáo các hành vi phạm tội liên quan đến trẻ em trong vòng 30 ngày”
Các điều khoản xung quanh việc vi phạm ấn tín tòa giải tội sẽ không được áp dụng cho đến ngày 31 tháng 3 năm 2019, để chính phủ và các giáo sĩ có thể xác định cách thi hành luật.
2. Tại sao luật mới của ACT được thông qua?
Những người ủng hộ luật mới của ACT nói rằng việc buộc các linh mục phải báo cáo những gì nghe thấy trong tòa giải tội đã được nêu rõ trong các khuyến nghị của Ủy ban Hoàng gia về lạm dụng tình dục trẻ em.
Ủy ban này nói các thừa tác viên thi hành các tác vụ “tôn giáo” không được miễn trừ khỏi yêu cầu phải báo cáo những điều được biết rõ, thậm chí khi chỉ là các nghi ngờ, về việc lạm dụng cho dù thông tin đó được thu thập từ một lời thú tội.
Ủy ban này còn khuyến cáo rằng Hội Đồng Giám Mục Úc phải công bố những lời khuyên nhận được từ Vatican về cách đối phó với những tiết lộ về lạm dụng tính dục của trẻ em trong tòa giải tội và từ các nạn nhân. Hàm ý của khuyến cáo này là Vatican chỉ thị cho các Giáo Hội địa phương che dấu các cáo buộc lạm dụng tính dục trong Giáo Hội. Đó là một phán đoán sai lầm được thúc đẩu bởi các thành phần chống Công Giáo trong ủy ban.
Báo cáo của Ủy ban Hoàng gia đã được thông qua vào tháng 12 năm ngoái, bao gồm 409 khuyến cáo, trong đó có cả khuyến cáo yêu cầu Giáo Hội Công Giáo phải bỏ luật độc thân linh mục.
Đức Tổng Giám Mục Denis Hart, lúc ấy là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Úc nói rằng “Tôi tin rằng có những giá trị thực sự trong luật độc thân linh mục”.
Trước những phản ứng quyết liệt của các Giám Mục Úc như Đức Tổng Giám Mục Denis Hart, và Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney, ủy ban này rút lại tuyên bố của mình và nói rằng họ nhận thấy rằng luật độc thân linh mục không phải là nguyên nhân trực tiếp của việc lạm dụng tình dục trẻ em, nhưng là một yếu tố góp phần, đặc biệt là khi kết hợp với các yếu tố có nguy cơ khác.
luật mới này là “thiếu chín chắn và được hình thành từ các phán đoán sai lầm, và dường như bị thúc đẩy bởi khao khát trừng phạt Giáo Hội Công Giáo mà không suy nghĩ chín chắn về những hệ lụy phức tạp của quyết định này”.
3. Phản ứng của Đức Tổng Giám Mục Christopher Prowse trước việc Canberra thông qua luật buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín giải tội
Đức Tổng Giám Mục Christopher Prowse của Canberra và Goulburn đã cảnh báo rằng một luật mới của tiểu bang vừa được thông qua vi phạm tự do tôn giáo, không có hiệu quả, và chung cuộc chỉ trừng phạt các linh mục từ chối vi phạm ấn tín giải tội trong các trường hợp liên quan đến hành vi ngược đãi trẻ em.
Quốc Hội của Australian Capital Territory đã thông qua một luật mới, mở rộng các quy định về trách nhiệm báo cáo các vụ lạm dụng tính dục trẻ em và bị các linh mục phải báo cáo các trường hợp các ngài được biết trong tòa giải tội.
Trong một bài báo đăng trên tờ Thời báo Canberra, Đức Tổng Giám Mục Christopher Prowse, ủng hộ nỗ lực bảo vệ trẻ em nhưng nói rằng “vi phạm ấn tín giải tội sẽ không giúp gì trong việc ngăn ngừa sự lạm dụng”.
Đức Tổng Giám Mục Prowse nói rằng luật mới này sẽ chẳng mang lại một hiệu quả nào, một phần vì những kẻ lạm dụng sẽ không thể thú nhận tội ác của họ “nếu họ nghĩ rằng họ sẽ bị báo cáo”.
Đức Tổng Giám Mục nói thêm: “Chính phủ đe dọa tự do tôn giáo bằng cách tự coi mình như một chuyên gia về các thực hành tôn giáo và bằng cách cố gắng thay đổi Bí tích Giải tội trong khi không có cải thiện nào về sự an toàn của trẻ em.”
Thủ hiến New South Wales, là ông Gladys Berejiklian nói: “Đó là những vấn đề phức tạp cần được cân bằng với những gì mọi người tin là tự do tôn giáo”.
Tổng Giáo phận Canberra và Goulburn có chín tháng để đàm phán với chính phủ trước khi luật này có hiệu lực.
4. Phản ứng của Hội Đồng Giám Mục Úc Đại Lợi đối với luật mới của ACT buộc các linh mục vi phạm ấn tín tòa giải tội trong trường hợp liên quan đến lạm dụng tính dục
Các nhà lãnh đạo Giáo Hội tại Úc Đại Lợi kiên quyết hỗ trợ các linh mục bảo vệ ấn tín tòa giải tội như một quyền “tự do tôn giáo”, mặc dù một luật mới vừa được thông qua tại lãnh thổ thủ đô Canberra, gọi tắt là ACT, yêu cầu các linh mục phải vi phạm ấn tín tòa giải tội để báo cáo với nhà chức trách các trường hợp lạm dụng trẻ em nghe được trong tòa giải tội. Luật mới sẽ được áp dụng tại ACT từ tháng 3 năm 2019.
Đức Cha Mark Coleridge, Giám Mục Brisbane, là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Úc đã mô tả luật mới này là “thiếu chín chắn và được hình thành từ các phán đoán sai lầm, và dường như bị thúc đẩy bởi khao khát trừng phạt Giáo Hội Công Giáo mà không suy nghĩ chín chắn về những hệ lụy phức tạp của quyết định này”.
Luật mới có thể châm ngòi cho các luật lệ tương tự ở các tiểu bang và các vùng lãnh thổ khác.
Các linh mục ở Canberra có thể phải đối mặt với các cáo buộc hình sự khi các ngài bảo vệ ấn tín tòa giải tội trong các trường hợp liên quan đến các lời thú tội lạm dụng tình dục, theo luật bảo vệ trẻ em mới được Quốc Hội ACT thông qua vào ngày 7 tháng Sáu.
Đức Tổng Giám Mục Coleridge, người từng là Tổng giám mục Canberra và Goulburn trong sáu năm cho đến năm 2012, ghi nhận rằng liên quan đến việc bảo vệ trẻ em, cha giải tội nên được đối xử khác biệt vì hối nhân xưng thú tội lỗi mình với Chúa chứ không phải với cha giải tội. Linh mục chỉ là một người trung gian”.
Ngài nói rằng luật mới “được dựa trên một cấu trúc hoàn toàn giả định về bí tích hòa giải, với quá nhiều những hiểu biết lệch lạc về những gì xảy ra giữa linh mục và hối nhân trong bí tích hòa giải”.
“Bên cạnh những vấn nạn quan trọng về tự do tôn giáo, luật này đưa ra nhiều vấn đề thực tiễn về việc thực hiện nó”, Đức Tổng Giám Mục Coleridge nói.
“Đó là thứ luật lệ chỉ có thể được lập ra và thông qua bởi những người biết rất ít hoặc không biết gì về cách thức mà bí tích này hoạt động trong thực tế.”
“Người ta chỉ có thể hy vọng rằng các phán quyết khác sẽ được xem xét thận trọng hơn khi các quan chức đưa ra các quyết định và họ nên có một thái độ sẵn lòng lắng nghe những tiếng nói của các giáo sĩ và giáo dân Công Giáo. Các nhà chức trách tại ACT xem ra đã không hành xử như thế.”
5. Tờ Financial Times nói về những tác hại của luật an ninh mạng của Việt Nam
Luật an ninh mạng Việt Nam nhằm hạn chế Facebook và Google sẽ buộc các nhóm công nghệ thông tin lưu trữ dữ liệu của người dùng tại Việt Nam. Diễn biến này đã gây ra mối quan tâm về quyền riêng tư. Những người biểu tình phản đối một số chính sách của chính phủ, bao gồm luật internet mới, và những bất bình khác của họ tại Sàigòn, Hà Nội và một số lớn các tỉnh thành tại Việt Nam.
Quốc Hội Việt Nam đã thông qua một luật áp chế về an ninh mạng trong đó buộc Google, Facebook và các công ty công nghệ khác lưu trữ dữ liệu của họ trong nước. Các nhà chuyên môn trong ngành công nghiệp này cho biết luật mới của Việt Nam sẽ làm tổn hại đến niềm tin của các nhà đầu tư và ngăn chặn sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số tại đất nước này.
Các nhà hoạt động nhân quyền, là những người tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối luật mới này cũng như các vấn đề khác cuối tuần qua, cho biết các điều khoản trong luật mới sẽ cho phép nhà chức trách cộng sản truy cập dữ liệu cá nhân, bí mật theo dõi người dùng và làm xói mòn các quyền tự do phát biểu của người dân vốn dĩ đã bị hạn chế rất nhiều. Luật mới được thông qua hôm thứ Ba 12 tháng 6 với một tỷ số áp đảo gần 87% tại Quốc hội Việt Nam, nơi 96% đại biểu là đảng viên cộng sản.
Luật được gọi là an ninh mạng cấm người sử dụng Internet tại Việt Nam kêu gọi tổ chức các cuộc biểu tình với “mục đích chống nhà nước”. Luật này, chứa đựng những ngôn từ hàm hồ, cấm người dùng Internet không được “bóp méo lịch sử” hoặc “phủ nhận những thành tựu vĩ đại của cách mạng”, không được xúc phạm tình cảm tôn giáo hoặc phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính hoặc chủng tộc.
Các công ty công nghệ nước ngoài, trong đó có nhiều công ty hoạt động từ các cơ sở điều phối toàn khu vực ở Singapore hoặc Hồng Kông, sẽ buộc phải mở văn phòng tại Việt Nam và lưu trữ dữ liệu của họ tại đó. Họ cũng bị buộc phải trao các dữ liệu cá nhân của người dùng cho bộ Nội Vụ theo yêu cầu của nhà nước Việt Nam khi xảy ra các trường hợp người dùng bị cáo buộc là vi phạm luật.
Asia Internet Coalition, một nhóm trong ngành công nghiệp thông tin đại diện cho Facebook, Google và các công ty công nghệ nước ngoài khác, cảnh báo rằng yêu cầu của Việt Nam đòi nội địa hóa dữ liệu và kiềm chế tự do ngôn luận sẽ làm suy yếu đáng kể khả năng của Việt Nam trong việc gia tăng tổng sản phẩm nội địa, thúc đẩy tăng trưởng công ăn việc làm và gia tăng sản xuất trong “cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư” được hướng dẫn bởi công nghệ thông tin.
“Những điều khoản này sẽ dẫn đến những suy yếu nghiêm trọng đối với nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam”, Jeff Paine, giám đốc điều hành của nhóm cho biết.
Luật mới sẽ có hiệu lực từ đầu năm tới. Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu tại Quốc Hội, Võ Trọng Việt, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc Hội Việt Nam, cho biết ông ta nhận thức được rằng đòi buộc các công ty phải mở các trung tâm lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam sẽ khiến chi phí của các công ty này gia tăng, gây tác hại đến đầu tư nước ngoài, nhưng ông ta vẫn quyết liệt bảo vệ luật này trên cơ sở những lo ngại về an ninh.
Tuy nhiên, những người chống đối luật này nói uy tín của các công ty công nghệ thông tin sẽ gặp thử thách nếu họ cộng tác với chính sách kiểm duyệt của chính phủ Việt Nam.
Với luật mới này “nhà cầm quyền hiện nay có thể yêu cầu các công ty quản lý internet hay các mạng truyền thông xã hội tiết lộ tất cả thông tin về các tài khoản của người dùng”, luật sư Lê Công Định, một nhà hoạt động chính trị cho biết.
Theo các báo cáo của nhà cầm quyền Việt Nam, kinh tế quốc gia này đã tăng 7,4% trong quý đầu tiên, là một trong những mức tăng nhanh nhất ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, tiếng tăm của Việt Nam như là một quốc gia ổn định chính trị trong vùng cần phải được đánh giá lại sau một loạt các vụ biểu tình trên các đường phố ở một số lớn các thành phố vào hôm Chúa Nhật. Điều này đã dẫn đến một sự nhượng bộ hiếm hoi của nhà cầm quyền Việt Nam. Họ đã phải đồng ý trì hoãn các cuộc thảo luận về luật đặc khu kinh tế cho đến tháng Mười.
Những người biểu tình tin rằng luật đặc khu kinh tế sẽ có lợi cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Nhà cầm quyền đã thông qua luật an ninh mạng, cũng là một mục tiêu khác của những người biểu tình, nhằm bịt miệng các công dân của họ. Tổ chức Ân xá Quốc tế cảnh báo trong tuần này rằng luật mới sẽ biến các công ty công nghệ thông tin thành những “chó săn” cho chính phủ Việt Nam. Không giống như ở Trung Quốc, các trang mạng xã hội như Facebook và Twitter không bị cấm ở Việt Nam, nên người dân Việt Nam có chút tự do ngôn luận tương đối hơn so với người Trung Quốc.
Tuy nhiên, các công ty internet phải đối mặt với áp lực từ chính phủ để loại bỏ các nội dung nhạy cảm. Các nhà hoạt động Việt Nam đã viết một bức thư ngỏ cho Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành của Facebook, trong đó họ cáo buộc cơ quan truyền thông xã hội này tội hợp tác với nhà nước Việt Nam trong các vi phạm nhân quyền khi loại bỏ các nội dung và hủy bỏ các trương mục theo yêu cầu của nhà cầm quyền Việt Nam. Facebook nói cơ quan này cam kết bảo vệ quyền lợi của người dùng, nhưng đôi khi nó phải loại bỏ hay hạn chế các nội dung vi phạm luật của một quốc gia cụ thể.
6. Hội Đồng Hồng Y soạn dự thảo cải tổ Giáo Triều
Trong cuộc họp báo lúc 13 giờ ngày 13 tháng 6, Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, ông Greg Burke, đã tường trình về phiên họp thứ 25 của Hội Đồng Hồng Y với Đức Thánh Cha Phanxicô.
Hội đồng này họp trong ba ngày từ ngày 11 tới ngày 13 tháng 6, với sự hiện diện của “mọi thành viên trừ Đức Hồng Y George Pell”. Đức Phanxicô không tham dự buổi họp sáng thứ Tư, 13 tháng 6 vì có cuộc triều kiến chung.
Ông Burke cho hay: đa số công việc của Hội Đồng dành cho việc xem xét bản dự thảo của Tân Tông Hiến về Giáo Triều Rôma, tạm thời có tên là Praedicare Evangelium (Rao Giảng Tin Mừng). Hội Đồng Hồng Y đã soạn thảo một bản văn đầu tiên để đệ trình Đức Giáo Hoàng cứu xét các điểm nào ngài cho là thuận lợi, hữu ích và cần thiết.
Hội Đồng đã cân nhắc những phần nào trong cuộc cải tổ Giáo Triều đang diễn tiến đã được thi hành ra sao, phù hợp với nguyên tắc tiệm tiến, trong 5 năm làm việc vừa qua.
Đức Cha Brian Ferme, Tổng Thư Ký của Hội Đồng Kinh Tế, trình bầy việc cải tổ cơ cấu tài chánh và tổ chức của Tòa Thánh và của Quốc Gia Thành Vatican. Đức Cha Ferme đã minh họa các mục tiêu và nguyên tắc căn bản, trong đó, có việc tránh phí phạm, cổ vũ sự minh bạch, bảo đảm việc áp dụng đúng đắn các nguyên tắc kế toán, tuân thủ nguyên tắc kiểm soát hai lần và các tiêu chuẩn quốc tế.
Cuối cùng, Đức Hồng Y Sean Patrick O’Malley cập nhật việc làm của Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ Các Trẻ Vị Thành Niên.
7. Hạ viện Á Căn Đình thông qua luật phá thai với tỷ số khít khao
Hạ viện Á Căn Đình, quê hương của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã thông qua luật cho phép phá thai với 129 phiếu thuận trên 125 phiếu chống sau một cuộc tranh luận kéo dài 20 giờ.
Luật mới cho phép phá thai theo yêu cầu vì bất kể lý do gì khi thai nhi chưa quá 14 tuần tuổi. Trong trường hợp bị hiếp dâm hay có nguy cơ đến tính mạng của người mẹ hoặc thai nhi có dị tật bất thường thì có thể phá thai ngay cả trước khi sinh.
Luật cho phép phá thai tại Á Căn Đình còn cực đoan đến độ trẻ em dưới 16 tuổi cũng có thể yêu cầu phá thai mà không cần thông báo cho cha mẹ.
Dự luật này còn cần được Thượng viện thông qua trước khi Tổng thống Mauricio Macri phê duyệt. Tổng thống Macri đã nói về mặt cá nhân ông phản đối luật phá thai, nhưng nếu Quốc Hội thông qua ông sẽ ban hành chứ không phủ quyết nó.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tông du 6 lần đến Mỹ Châu La Tinh nhưng chưa trở lại quê hương Á Căn Đình để tránh hình ảnh của ngài bị lợi dụng cho các mục tiêu chính trị đảng phái.
8. Công an Trung Quốc bắt giữ 9 nữ tu, cước bóc tài sản của Giáo Hội
Bitter Winter, một tạp chí về tự do tôn giáo và nhân quyền tại Hoa Lục, trong số ra ngày 13 tháng Sáu đã cho biết như sau:
Công an của cộng sản Trung Quốc đã đột kích một nhà thờ Công Giáo ở thị trấn Helong, huyện Nong'an, thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm và bắt giữ chín nữ tu. Nhà thờ này là một phần của Giáo Hội Công Giáo “hầm trú” trung thành với Vatican. Từ lâu nay, sau pháp lệnh về tôn giáo có hiệu lực từ tháng Hai vừa qua, nhà thờ bị giám sát chặt chẽ, và không một thánh lễ nào có thể được tổ chức ở đây.
Lúc 10 giờ sáng, các nữ tu lên tầng hai của nhà thờ để đọc thánh thư. Đột nhiên, xuất hiện tám tên công an của thị trấn Helong. Chúng bắt giữ tất cả chín nữ tu và đưa họ đến đồn cảnh sát. Các sách kinh trong nhà thờ cũng bị tịch thu.
Tại đồn công an chúng lấy dấu vân tay của họ và quay phim, chụp hình các nữ tu. Khi các tín hữu địa phương được biết về vụ bắt bớ này, họ tập trung đông người trước đồn công an, đấu tranh để giải cứu các sơ. Lúc 8 giờ đêm đó, các nữ tu được thả ra với những lời dọa nạt.
Theo sơ Lan He, sau khi bắt giữ các nữ tu, bọn công an đập phá nhà tạm, quăng Mình Thánh Chúa xuống đất và cướp bóc những tài sản đáng giá trong nhà thờ.
các bảng đã được sử dụng trong các buổi lễ và Thánh Thể của Giáo Hội bị buộc phải loại bỏ. Các viên chức cảnh sát đến nhà thờ vài lần để đảm bảo rằng nhà thờ không tổ chức thêm bất kỳ dịch vụ nào. Một nữ tu khác, chị Mia cho biết công an hỏi chị về cha Shi Zhongyi, 97 tuổi, người đã xây ngôi nhà thờ này và đã bị bắt ba lần và phải chịu 30 năm tù vì niềm tin của mình.
Hai trong số 9 nữ tu bị bắt đã bị buộc phải rời khỏi tỉnh Cát Lâm để trở về quê hương của mình. Công an Trung Quốc vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ ngôi nhà thờ.
9. Đền thờ Lộ Đức không bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong mùa mưa lũ năm nay
Mười ba khu vực ở Pháp đang trong tình trạng báo động cao độ vì mưa lớn và lũ lụt đã gây ra những hỗn loạn trên khắp đất nước.
Nhiều con đường đã bị phá hủy và nhiều đường ray trên nhiều tuyến đường sắt bị cuốn trôi do sạt lở đất.
Các tuyến đường trong vòng đua xe đạp Tour de France có thể phải được xác định lại vì nhiều con đường đã bị thiệt hại nặng.
Đền thờ Lộ Đức cũng bị ảnh hưởng ít nhiều nhưng không đến mức bị ngập lụt như những năm trước đây. Chính quyền phải di tản 200 người hành hương đang cắm trại gần khu vực này khi mực nước sông Gave de Pau đột ngột dâng cao.
Sác các dọn dẹp cần thiết, hôm thứ Năm 14 tháng Sáu, các tín hữu hành hương đã có thể rước kiệu như bình thường.
10. Thủ tướng Ái Nhĩ Lan, Leo Varadkar, buộc các bệnh viện Công Giáo phải thực hiện các dịch vụ phá thai
Thủ tướng của Ái Nhĩ Lan nói rằng các bệnh viện với tôn chỉ Công Giáo sẽ phải thực hiện phá thai sau khi luật mới có hiệu lực.
Ông Leo Varadkar đã nói với hạ viện rằng cá nhân các bác sĩ và y tá, hay các nhân viên chăm sóc sức khoẻ có thể từ chối nhưng các bệnh viện được nhà nước tài trợ không được phép từ chối.
Hai trong những bệnh viện lớn nhất ở Dublin thuộc sở hữu của các nhà dòng. Hệ thống các bệnh viện Thánh Vinh Sơn, bao gồm cả Bệnh Viện Đại Học Thánh Vinh Sơn là thuộc quyền sở hữu của Dòng Nữ Tử Bác Ái. Trong khi đó Dòng Nữ Tử Thừa Sai Đức Mẹ làm chủ bệnh viện Mater.
Chính quyền đang dự thảo các văn bản pháp luật cho phép phá thai theo yêu cầu tới 12 tuần và trong những trường hợp đặc biệt có thể lên tới 24 tuần.
Đó là câu trả lời của Thủ tướng Varadkar đối với câu hỏi được đặt ra bởi Mick Barry, một chính khách thuộc Đảng Xã Hội Đoàn Kết, là một kẻ điền cuồng chống Công Giáo, luôn than phiền rằng Ái Nhĩ Lan có “quá nhiều trường học do Giáo Hội điều hành, quá nhiều bệnh viện của Giáo Hội… Ái Nhĩ Lan tụt hậu và chính quyền thua xa Giáo Hội.”
Varadkar nói rằng “Sẽ không cho phép…các nhà thương được nhà nước tài trợ, cho dù người bảo trợ hay chủ của nó là ai, được từ chối cung cấp những dịch phụ cần thiết này một khi việc phá thai được hợp pháp hóa sau khi các dự luật được thông qya bởi cả lưỡng viện quốc hội.”
“Tôi rất vui mừng để bảo đảm điều đó.”
Ông nói thêm “Đạo luật này sẽ cho phép các cá nhân từ chối dựa trên lương tâm hay niềm tin tôn giáo của họ nhưng không cho phép các cơ sở làm như vậy.”
“Do đó, cũng giống như trường hợp hiện nay trong luật Bảo Vệ Sự Sống Trong Thai Kỳ năm 2013, các bệnh viện như là Holles Street là một bệnh viện tự nguyên tuân theo các tôn chỉ Công Giáo, bệnh viện Mater, bệnh viện Thánh Vinh Sơn và những bệnh viện khác sẽ bị buộc, và được mong đợi sẽ thực hiện bất cứ phẫu thuật nào được coi là hợp pháp trong quốc gia này và đó là mô hình mà chúng ta sẽ theo đuổi.”
11. Hiện tình Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới
Số người Công Giáo trên toàn thế giới đang tăng lên gần 1.4 tỷ, số giám mục tăng tới 5353, số linh mục giữ mức ổn định khoảng 400 nghìn, số phó tế vĩnh viễn cũng tăng với số 46,312.
Ngược lại, số nữ tu lại giảm, chỉ còn khoảng 52 nghìn người, số nam tu sĩ còn khoảng 659 nghìn người, và số chủng sinh 116,160.
Đó là những dữ liệu quan trọng chúng ta có thể đọc thấy trong Annuarium Statisticum Ecclesiae 2016, được xuất bản cùng với Niên giám Giáo Hội Công Giáo năm 2018.
Nói một cách chính xác hơn thì số người Công Giáo trên thế giới đã tăng từ 1285 triệu trong năm 2015 lên 1299 triệu vào năm 2016, tính theo phần trăm thì là 1.1%. Tỷ lệ này thấp hơn mức tăng trung bình hàng năm được ghi nhận trong giai đoạn 2010-2015 là 1.5%; và tăng trưởng ít hơn so với dân số thế giới, do đó tỷ số tương đối của người Công Giáo so với dân số thế giới thì đã giảm đi: từ 17.73 người Công Giáo cho 100 dân vào năm 2015 xuống còn 17.67 trong năm 2016.
Trong bối cảnh này, Châu Mỹ vẫn là lục địa trong đó số người Công Giáo là lớn nhất - chiếm 48.6% - và châu Phi phát triển nhanh nhất - số người Công Giáo đã vượt từ 185 triệu năm 2010 lên hơn 228 triệu vào năm 2016, đạt tới tỷ số tương đối là 23.2%.
Ở châu Á, là lục địa chiếm hơn 60% dân số toàn cầu, đã có sự tăng trưởng vừa phải. 76% người Công Giáo ở Đông Nam Á tập trung ở Philippines (khoảng 85 triệu người Công Giáo vào năm 2016) và ở Ấn Độ (22 triệu).
12. Đức Thánh Cha công bố Thông điệp ngày Thế giới Người nghèo
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng các Kitô hữu được kêu gọi cấp thiết biểu lộ niềm tin qua các “cử chỉ đối với người lân cận và các hoạt động bác ái liên đới dưới nhiều hình thức cho người nghèo” hầu xây dựng thế giới chúng ta đang sống và làm cho thế giới nhận biết Chúa Giêsu đang sống giữa chúng ta.
Trong thông điệp Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ 2, được tổ chức năm nay vào ngày 18 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô nói chúng ta đang sống trong một thế giới “chỉ biết ca ngợi, đua đòi và bắt chước những người có quyền lực và giàu sang mà coi thường người nghèo như là những kẻ đáng xấu hổ và đáng bị xa lánh.”
Chủ đề của Thông điệp năm nay là “Người nghèo đã khóc và Chúa đã lắng nghe”. Tiếp theo tinh thần của Ngày Thế giới người nghèo lần thứ nhất được Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập trong dịp kết thúc Năm thánh Lòng thương xót năm ngoái, ngài đã quyết định chọn ngày Chúa Nhật thứ 33 Mùa Quanh Năm làm ngày Thế giới của người nghèo.
Ngài muốn nêu rõ Ngày Thế giới của Người nghèo “sẽ là một câu trả lời mà toàn thể Giáo hội khắp thế giới trao gửi đến những người nghèo thuộc mọi tầng lớp, và mọi nơi.
Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng Giáo Hội cần “hợp tác với các doanh nghiệp, có thể không dính dáng gì với đức tin nhưng có những quan tâm và liên đới với con người”. Họ là những đối tác mà Giáo hội cần phải dấn thân hỗ trợ.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng trong thế giới chúng ta vấn đề nan giải nhất vẫn là tình trạng nghèo đói mà khả năng giải quyết vấn đề này, ngay cả ở cấp chính quyền, thường rất hạn chế. Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải dấn thân để tìm ra các hình thức giúp đỡ và liên đới với nhau.
Đức Thánh Cha cũng nói về sự cần thiết phải khiêm nhường và bỏ qua tất cả các hình thức cho mình là quan yếu. Ngài nói chúng ta cần “đối thoại với các tổ chức giầu kinh nghiệm; và biết phục vụ khiêm hạ trong việc tự nguyện hợp tác của chúng ta, không tìm vinh quang cho phe nhóm nhưng tìm ra một giải đáp thích ứng đầy đủ và trọn vẹn hơn theo ánh sáng của Tin mừng”.
Trong thông điệp Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến nguồn gốc của nghèo đói. “Đừng nói nghèo đói là điều tất yếu phải có! Nó được phát sinh từ sự ích kỷ, tự kiêu, tham lam và bất công của con người”.
“Đây là những tệ nạn cũ như loài người chúng ta. Tội lỗi khiến cho cả những người vô tội cũng bị vạ lây trong một xã hội đầy rẫy những bất công!”
Đức Thánh Cha cũng nhận xét về những gì Ngài gọi là “nỗi ám ảnh” thời đại đối với người nghèo. Người nghèo bị xã hội khinh chê vì túng thiếu vật chất. Nhưng tâm thức xã hội hiện đại còn xem họ là những “người mang đến bất an và bất ổn cho cuộc sống hàng ngày, và do đó phải bị khước từ và xa lánh”.
Tuy nhiên, theo Đức Thánh Cha Phanxicô “khi chúng ta tìm đến với người nghèo, chúng ta sẽ được Chúa mở rộng tầm mắt và tâm hồn chúng ta và biến đổi con tim chúng ta”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Người nghèo không cần biết đến người giúp họ là ai, “nhưng họ trân quí một tình yêu quảng đại trao ban mà không cần phô trương đòi hỏi phải được mọi người biết đến!”
Đức Thánh Cha xác tín rằng Thiên Chúa “lắng nghe người nghèo”, Ngài lắng nghe những người “bất hạnh nhưng vẫn nêu cao phẩm giá và sức mạnh tìm kiếm ánh sáng mà vươn lên! Chúa lắng nghe những kẻ bị bách hại vì danh Chúa, vì sống công chính chống lại những lầm lạc và bị áp bức bởi chính sách hà khắc, và những ai bị đe doạ vì bạo lực.”
Đức Thánh Cha đã bình luận về cách mà nhiều anh chị em của chúng ta ngày nay đang tiến bước trên những con đường đầy thử thách và bấp bênh: “Họ thiếu phương tiện cơ bản của con người, với những phương tiện giới hạn về y tế để có thể chống lại bệnh tật, và bị áp ức bởi nhiều hình thức khác nhau của các thể chế độc tài, nô lệ người dân phủ nhận những quyền cơ bản mà xã hội tân tiến của xã hội nhân loại phải có”.
Đức Thánh Cha nói các môn đệ của Chúa Kitô được khuyến khích không bao giờ nuôi dưỡng “một thái độ khinh miệt hoặc một chủ nghĩa kẻ cả đối với người nghèo, nhưng họ được mời gọi để phục vụ, trao ban, và từ niềm tin của mình nhìn ra sự hiện thân thực sự của Chúa Giêsu đang sống giữa chúng ta” .
Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận thông điệp của Ngài bằng cách nêu ra rằng chính người nghèo thúc đẩy chúng ta hành động và “tiếng kêu của người nghèo cũng là tiếng kêu của hy vọng dẫn tới cuộc giải phóng toàn diện cho con người”.
13. Tân thủ tướng vô thần Tây Ban Nha bắt đầu gây khó khăn cho Giáo Hội Công Giáo
Khi tân thủ tướng vô thần Tây Ban Nha nhậm chức vào ngày 2 tháng Sáu, Giáo Hội Công Giáo đã cẩn thận nhấn mạnh sự sẵn sàng hợp tác với tân chính phủ. Tuy nhiên, chỉ trong vòng một tuần, căng thẳng đã bắt đầu nổi lên chung quanh các chính sách của Pedro Sánchez. Nhiều người Công Giáo tự hỏi liệu có phải những xung đột trong quá khứ dưới thờ đảng Công nhân Xã hội cầm quyền đang lũ lượt trở về hay không.
Tân thủ tướng, Pedro Sánchez, 46 tuổi, là một giáo sư kinh tế có lập trường thù địch công khai với Giáo Hội Công Giáo, đã tuyên thệ nhậm chức sau một diễn biến chưa từng có liên quan đến những cáo buộc tham nhũng trong nội các của thủ tướng Mariano Rajoy.
Ngày 31 tháng 5, Pedro Sánchez chủ tịch đảng Công nhân Xã hội, đưa ra tuyên bố bất tín nhiệm đảng cầm quyền. Một ngày sau, hôm 1 tháng Sáu, vua Felipe bổ nhiệm ông này làm thủ tướng thay thế cho thủ tướng Mariano Rajoy.
Ngày 2 tháng Sáu, Pedro Sánchez, tuyên thệ trước mặt nhà vua. Ông ta yêu cầu dẹp bỏ Thánh Giá và Thánh Kinh trên bàn. Pedro Sánchez là thủ tướng đầu tiên trong lịch sử của Tây Ban Nha hiện đại đã tuyên thệ không có Thánh Kinh hay Thánh Giá.
Đảng Công nhân Xã hội của Pedro Sánchez, gọi tắt là PSOE, chỉ chiếm được 84 ghế trong tổng số 350 ghế trong Quốc Hội Tây Ban Nha; và phải dựa vào sự hỗ trợ từ những người theo chủ nghĩa dân tộc Catalan và Basque. Sánchez chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện những lời hứa “giải quyết nhu cầu xã hội” và tình trạng kinh tế khó khăn.
Trong thời gian José Luis Rodríguez Zapatero cầm quyền từ năm 2004 đến 2011, PSOE đụng độ nhiều lần với Giáo hội trong nỗ lực hợp pháp hoá an tử và hôn nhân đồng giới bao gồm cả quyền nhận con nuôi. Tháng 2 năm 2010, PSOE thông qua được luật phá thai đến 14 tuần tuổi.
Danh sách các cải cách thế tục nhằm loại trừ ảnh hưởng của Giáo Hội khỏi xã hội và nền văn hóa Tây Ban Nha còn dài. Với số ghế khiêm nhường trong Quốc Hội, Sánchez sẽ gặp nhiều khó khăn hơn Zapatero. Tuy nhiên, trong tư cách là thủ tướng, ngay trong tuần đầu tiên Sánchez vẫn có thể đưa ra một chiến dịch chống lại việc tài trợ cho các trường Công Giáo và các hoạt động bác ái xã hội khác của Giáo Hội; và đòi loại bỏ các biểu tượng tôn giáo như thánh giá khỏi các trường công lập và các trụ sở công cộng.
Ở một đất nước mà tỷ lệ người Công Giáo tham dự Thánh lễ quá ít, và tuổi trung bình của các linh mục lên đến 65, mối thù của Sánchez chắc chắn sẽ gây cho Giáo hội Tây Ban Nha những nguy cơ đáng kể.
14. Đức Giáo Hoàng hy vọng Giải Túc Cầu Thế Giới sẽ là dịp để đối thoại và gặp gỡ
Trong buổi triều kiến chung hôm 13 tháng Sáu, một ngày trước lễ khai mạc Giải Túc Cầu Thế Giới tại Nga, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ hy vọng rằng biến cố thể thao này sẽ cổ vũ tình liên đới và hòa bình giữa các quốc gia.
Ngài hy vọng rằng Giải Vô Địch Túc Cầu Thế Giới sẽ tự chứng tỏ là một dịp cho “cuộc gặp gỡ, đối thoại và tình huynh đệ giữa các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau và nó sẽ cổ vũ tình liên đới và hòa bình giữa các quốc gia”.
Lên tiếng, sau buổi triều kiến chung tại Quảng Trường Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói:
“Tôi muốn gửi lời chào mừng thân ái đến các lực sĩ và các nhà tổ chức, cũng như tới tất cả những ai sẽ theo dõi biến cố này qua các phương tiện truyền thông”, một biến cố, theo ngài, vượt thắng mọi rào cản.
World Cup 2018 là giải vô địch túc cầu thế giới lần thứ 21, được tổ chức 4 năm một lần. Giải Vô Địch Túc Cầu Thế Giới đang diễn ra ở Nga bắt đầu từ ngày 14 tháng 6 và sẽ kết thúc với trận chung kết vào ngày 15 tháng 7 năm 2018.
Đây là Giải Vô Địch Túc Cầu Thế Giới đầu tiên được tổ chức ở châu Âu kể từ World Cup 2006 ở Đức. Lần đầu tiên giải này được tổ chức ở Đông Âu và lần thứ 11 được tổ chức ở châu Âu. Toàn bộ các cuộc thi đấu diễn ra tại các thành phố thuộc về phần Âu Châu của Nga.
Đây được coi là Giải Vô Địch Túc Cầu Thế Giới có chi phí tốn kém nhất trong lịch sử. Chi phí xây dựng các sân bãi tại Nga đã lên đến 11.8 Mỹ Kim. Như thế, tính chung các chi phí giải Túc Cầu Thế Giới tại Nga sẽ vượt xa con số 15 tỷ Mỹ Kim chi phí toàn bộ cho Giải Vô Địch Túc Cầu Thế Giới 2014 tổ chức tại Ba Tây.
Giải chung kết sẽ bao gồm 32 đội tuyển quốc gia, trong đó bao gồm 31 đội thông qua các cuộc thi vòng loại và đội chủ nhà tự động được thêm vào. Trong số 32 đội có cả đương kim vô địch Đức, trong khi Iceland và Panama sẽ xuất hiện lần đầu tiên tại giải Túc Cầu Thế Giới. Trận chung kết sẽ diễn ra vào ngày 15 tháng 7 tại sân vận động Luzhniki ở Mạc Tư Khoa.
15. Đức Hồng Y Charles Maung Bo lên tiếng bênh vực bà Aung San Suu Kyi
Trong bài viết có tựa đề “Sự yên lặng của bà Aung San Suu Kyi nói lên nỗi đau, trách nhiệm và những cố gắng cho hòa bình” được đăng hôm 14 tháng 6 trên thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, Đức Hồng Y Charles Maung Bo của Miến Điện đã lên tiếng bênh vực cho bà Aung San Suu Kyi trước những chỉ trích dữ dội của các phương tiện truyền thông trên thế giới về tình trạng đang diễn ra hiện nay tại quốc gia này.
Theo nhận định của Đức Hồng Y “Hòa bình ở Miến Điện là một cam kết quan yếu không chỉ cho Miến Điện mà còn cho toàn thế giới. Nó có thể trở thành một mô hình mẫu cho toàn thế giới vì đây là một quốc gia có tới 135 nhóm sắc tộc khác nhau cùng sinh tồn sau cả một thời gian dài đầy những mâu thuẫn với nhau”.
Đức Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng giám mục Yangon cho thông tấn xã Fides biết như trên trong chuyến viếng thăm Sydney theo lời mời của Văn phòng Truyền giáo thuộc Hội Đồng Giám Mục Úc Đại Lợi.
Đức Hồng Y nhận xét rằng: “Bà Aung San Suu Kyi là một người Miến Điện yêu nước, có can đảm phi thường dám vượt lên trên các quyền lực chính trị. Bà ấy đã chịu đựng những người của chính dân tộc mình, trước những cắt nghĩa tráo trở gây nên nhiều đau buồn cho bà. Bà ta cam chịu và biến nó thành một sức mạnh tranh đấu cho tự do, với hoài bão làm được một cuộc thay đổi không bạo động! Qua chính những lúc im lặng, và qua những hành động đầy trách nhiệm theo dòng thời gian của lịch sử, bà đã chứng tỏ mình không sợ hãi đương đầu với các chế độ độc tài hay bạo lực.
Đức Hồng Y cho hay: “Chúng tôi đang sống trong giai đoạn lịch sử đầy đau khổ trước những xung đột, đang dần được đưa ra ánh sáng hôm nay: đặc biệt ở bang Rakhine, nơi một thiểu số những người Hồi giáo bị đối xử tàn tệ, hoặc ở bang Kachin, nơi các Kitô hữu đang chịu đau khổ vì bị cấm cách, và hàng trăm nghìn nạn nhân của những cuộc tranh đấu cho một nền dân chủ mới chớm nở giữu lúc quân đội vẫn tiếp tục giữ các vai trò chính trị độc đoán. Chúng tôi cảm kích những nỗ lực của chính quyền dân sự do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo trong việc hồi hương những người Hồi giáo ở Rakhine; quá trình ngừng bắn, quá trình hòa giải và hoà bình tại Hội nghị Panglong trong thế kỷ 21 này. Chính phủ của bà khích lệ các cuộc đối thoại liên tôn và đa nguyên, nhằm đưa tới việc phát triển bền vững và chủ nghĩa liên bang cho toàn đất nước và tự do dân chủ”.
Đức Hồng Y công nhận có “sự hiệp thông sâu sắc giữa bà Aung San Suu Kyi và người dân”, khi nhắc nhớ lại lời phát biểu của bà Aung San Suu Kyi trước quốc dân vào tối ngày 1/4 nhân dịp kỷ niệm đệ nhị chu niên chính phủ của bà. Ngài cho biết bà đã kêu gọi toàn dân hãy hỗ trợ nhau hầu đối phó những thách thức: sự thống nhất giữa chính phủ và người dân, giữa các đảng và xã hội dân sự, giữa các nhóm dân tộc, tôn giáo, ngay cả giữa quân đội với nhau.
Đức Tổng Giám Mục kết luận: “Bà Aung San Suu Kyi là một thông điệp sống về sức mạnh, là mấu chốt đoàn kết, và là một người có trách nhiệm đối với đất nước. Bà không ngừng nghỉ trong sứ mệnh của mình, theo cách thức Miến Điện là đấu tranh trong sự tôn trọng lịch sử, cố che dấu niềm đau hy sinh cuộc sống tư riêng của bà, của gia đình và ngay của cá nhân bà.”
16. Các Giám Mục Hoa Kỳ chỉ trích chính sách mới đối với người tị nạn của chính quyền Trump
Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã bắt đầu cuộc họp mùa xuân hôm 13 tháng 6 với những lời lên án các chính sách nhập cư mới nhất của chính quyền Trump. Đức Hồng Y Daniel DiNardo, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nói rằng quyền tị nạn là “quyền được sống” của con người.
Một số giám mục Hoa Kỳ ủng hộ những lời của Đức Hồng Y Daniel DiNardo bằng cách kêu gọi các cuộc biểu tình, bao gồm cả những hình thức “kỷ luật về giáo luật” dành cho những ai cổ vũ và thực hiện các quy định mới về tị nạn của chính quyền.
Trong vòng vài phút khai mạc sau những lễ nghi khai mạc cuộc họp định kỳ 6 tháng của USCCB tại Fort Lauderdale vào ngày thứ Tư 13 tháng 6, Đức Hồng Y Daniel DiNardo, chủ tịch USCCB và là tổng giám mục Galveston-Houston, đã đọc một lời tuyên bố phê bình sâu sắc thông báo mới đây của Tổng chưởng lý Jeff Sessions liên quan đến chính sách tị nạn mới của Hoa Kỳ.
Tuyên bố của Đức Hồng Y DiNardo có đoạn viết như sau:
“Ở cốt lõi của vấn đề, tị nạn là một công cụ để bảo vệ quyền được sống. Quyết định gần đây của Tổng chưởng lý gợi lên những mối quan tâm sâu sắc vì nó có khả năng ngăn chặn việc xin tị nạn từ nhiều người di dân hoàn toàn đủ điều kiện.”
Đức Hồng Y DiNardo nói tiếp: “Chúng tôi kêu gọi các tòa án và các nhà hoạch định chính sách hãy tôn trọng và nâng cao, chứ đừng xói mòn, tiềm năng của hệ thống tị nạn của chúng ta để bảo tồn và bảo vệ quyền sống.”
Đức Hồng Y DiNardo cũng chỉ trích chính sách “không khoan nhượng” của chính quyền Trump, được công bố vào tháng 5 vừa qua, trong đó đe dọa truy tố tất cả những người vượt biên giới bất hợp pháp và tách trẻ em nhập cư với cha mẹ chúng.
“Chính phủ của chúng ta đã có điều luật bảo đảm rằng trẻ nhỏ không bị tách rời khỏi cha mẹ và gặp phải những nguy cơ tổn thương không thể chữa lành. Gia đình là yếu tố nền tảng của xã hội chúng ta và các người thân phải có khả năng được sống bên nhau”
“Tách trẻ sơ sinh từ mẹ của chúng không phải là câu trả lời và là vô luân”.
Sau khi kết thúc, Đức Hồng Y DiNardo nói: “Xin quý Đức Cha vỗ tay nếu đồng ý với tuyên bố này”. Căn phòng nổ tung với những tiếng vỗ tay vang dội.
Trong phiên hỏi đáp về các vấn đề nhập cư vào cuối ngày, một số giám mục đã đề xuất các chiến lược táo bạo để chống lại các chính sách di dân mới, bao gồm hai chiến dịch vận động từ các tiểu bang dọc biên giới Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ.