Chương 5: Giáo hội như người chủ đạo chính của thể thao

Từ đầu cho tới đây, văn kiện đã tìm cách lượng giá và đánh giá thể thao, ý nghĩa và các chiều kích khác nhau của nó, được nhìn trong khuôn khổ cái hiểu của Kitô giáo về con người và xã hội công chính. Trong khi các cơ hội và tiềm năng thể thao to lớn được đánh giá, các nguy hiểm, đe dọa và thách thức mà nó đặt ra cũng được xem xét.

Trong tư cách dân Thiên Chúa, Giáo Hội được nối kết và thực sự quan tâm đến thể thao như một thực tại đương đại của con người. Đương nhiên, Giáo Hội cảm thấy được kêu gọi làm mọi điều có thể làm trong phạm vi ảnh hưởng trực tiếp của mình để bảo đảm thể thao được thực hiện một cách nhân đạo và hợp lý.

“Việc chăm sóc mục vụ thể thao là một thời điểm cần thiết và là một phần không thể thiếu trong việc chăm sóc mục vụ thông thường của cộng đồng. Mục đích đầu tiên và chuyên biệt của Giáo hội trong lĩnh vực thể thao được biểu hiện như một cam kết mang lại ý nghĩa, giá trị và quan điểm cho việc thực hành thể thao như một sự kiện nhân bản, bản thân và xã hội”[65].



5.1 Giáo hội thoải mái trong thể thao

Như đã nhấn mạnh trong chương đầu tiên, Giáo Hội có một mối liên hệ phong phú với nền thể thao hiện đại, từ đầu thế kỷ hai mươi đã quyết định sống trong môi trường này, tự ý can dự vào nó một cách tích cực và chủ động.

Một sự hiện diện có trách nhiệm

Giáo hội không tránh việc cùng chịu trách nhiệm trong việc phát triển thể thao và số phận của nó. Vì thế, Giáo hội mong muốn tham gia cuộc đối thoại với các tổ chức và các cơ quan quản lý thể thao khác nhau nhằm cổ động cho việc nhân bản hóa các môn thể thao đương đại. Giáo Hội tích cực tìm cách cải thiện các thực hành, các hệ thống và thủ tục thể thao qua các hùn hạp đối tác với các tổ chức thể thao. Giáo hội có thể cung cấp một viễn kiến luân lý trong bối cảnh các thực hành sai trái như dùng chất kích thích, tham nhũng, bạo lực khán giả và thương mại hóa lan tràn có thể làm xói mòn tinh thần thể thao.

Giáo Hội hiện diện một cách có tổ chức và định chế trong thế giới thể thao để giúp mình cổ vũ một viễn kiến Kitô giáo về thể thao, qua nhiều hình thức khác nhau ở các bình diện khác nhau. Trong cơ cấu tổ chức riêng của mình, Tòa Thánh có các bộ phận khác nhau quan tâm đến hiện tượng thể thao nhằm theo dõi và cổ vũ thể thao theo quan điểm định chế, mục vụ và văn hóa.

Ở một số quốc gia, các Hội Đồng Giám Mục quốc gia làm việc trong mối tương quan chặt chẽ với các hiệp hội thể thao quốc gia và quốc tế để cổ vũ thể thao. Tại một số nước, các câu lạc bộ thể thao và hiệp hội giáo hội đã hiện hữu hơn một trăm năm và ngày nay can dự vào rất nhiều biến cố thể thao địa phương và toàn quốc. Các tổ chức này, ngược lại, có thể nối kết, lập mạng và tạo thành các cơ quan thể thao lớn hơn ở bình diện quốc gia và quốc tế. Ngoài việc tông đồ của nhiều tín hữu giáo dân, nhiều linh mục can dự vào các nhóm thể thao tài tử tại các giáo xứ, vào các hiệp hội thể thao hoặc phục vụ như là các tuyên úy trong các câu lạc bộ chuyên nghiệp hoặc tại Thế vận hội.

Một Giáo Hội đi ra ngoài

Thể thao là một bối cảnh trong đó việc cảm nghiệm cụ thể lời mời trở thành một Giáo hội đi ra ngoài, không phải để xây dựng các bức tường và biên giới, nhưng các quảng trường và bệnh viện dã chiến.

Hơn nhiều diễn đàn khác, thể thao tập hợp những người bị chà đạp, những người bị gạt ra ngoài, người nhập cư, người bản xứ, người giàu, người quyền thế và người nghèo quanh một sở thích chung và đôi khi trong cùng một không gian. Đối với Giáo Hội, bất cứ thực tại nào như thế đều có dáng dấp một lời mời gặp gỡ người từ nhiều bối cảnh khác nhau và trong các hoàn cảnh sống rất khác nhau. Trong khi chào đón mọi người đến với mình, Giáo hội cũng đi vào thế giới. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, “con đường của Giáo Hội, chính là để bốn bức tường ở lại phía sau và đi ra ngoài để tìm kiếm những người ở xa, những người ở 'ngoại ô' của cuộc sống. […] Không chỉ chào đón và tái hòa nhập, bằng lòng can đảm Tin Mừng, tất cả những người gõ cửa chúng ta, mà còn đi ra ngoài và tìm kiếm, không sợ hãi và không thành kiến, những người ở xa, chia sẻ nhưng không những gì chúng ta đã nhận được cách nhưng không” [66].

Tiền Đình hiện đại của người ngoại giáo

Ở một số nơi trên thế giới hiện đã có một truyền thống mở các cơ sở vật chất của Giáo hội cho giới trẻ - những người thường đến với nhau trong bối cảnh thể thao và trò chơi. Trong môi trường văn hóa đa dạng ngày nay, một không gian như vậy trở thành một trong những đường dẫn tạo điều kiện cho các tương tác hài hòa khắp các cộng đồng, nền văn hóa và tôn giáo. Như đã đề cập, Giáo Hội thấy giá trị lớn trong những tương tác như vậy; chúng có thể phát huy ý thức về sự đơn nhất của gia đình nhân loại. Một không gian như vậy cũng có thể làm thành khả hữu, theo lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, cuộc đối thoại với những người “mà đối với họ, Thiên Chúa chưa được biết tới nhưng họ không muốn để mình mãi vô thần, nhưng đúng hơn, được kéo lại gần Người, dù như Đấng Vô Minh” (67). Ngài nói đến việc Giáo Hội được sai đến với những người như vậy: “Ngày nay, tôi cũng nghĩ rằng Giáo Hội nên mở một loại 'Tiền Đình dành cho dân ngoại' trong đó người ta có thể, một cách nào đó, hé thấy Thiên Chúa, tuy không biết Người và trước khi được tiếp cận với mầu nhiệm về Người; đời sống bên trong của Giáo Hội có đó để phục vụ những người này”[68].

Do đó Giáo hội nhận thức được một loạt các khả thể có thể sử dụng trong bối cảnh thực tại thể thao đương thời. Những điều này đặc biệt có liên quan khi chúng phù hợp với sứ mệnh lớn hơn của Giáo Hội.



5.2 Thể thao thoải mái trong Giáo hội

Viễn kiến thể thao của Huấn Quyền đã được cụ thể hóa trong một đề xuất mục vụ rất tích cực nhờ thể thao; đề xuất này, trong yếu tính, có hình thức một cam kết giáo dục đối với những người, đến lượt họ, họ tạo ra một cam kết xã hội đối với cộng đồng.

Thể thao như một kinh nghiệm giáo dục nhân bản hóa

Con người vì được tạo dựng giống hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa nên quan trọng hơn thể thao. Con người không hiện hữu để phục vụ thể thao, mà đúng hơn, thể thao phải phục vụ con người trong sự phát triển toàn diện của họ.

Như đã đề cập, con người đó là một sự thống nhất gồm thân xác, linh hồn và tinh thần, điều này có nghĩa: những kinh nghiệm mang thể xác của trò chơi và thể thao nhất thiết cũng can dự vào và tác động đến giới trẻ ở bình diện linh hồn và tinh thần. Vì thế, chúng có thể là một phần của việc giáo dục toàn diện con người. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khuyến khích việc xem trò chơi và thể thao như một phần của nền giáo dục toàn diện cả đầu óc, trái tim và bàn tay, hay điều người ta suy nghĩ, cảm nhận và thực hiện. Theo Đức Thánh Cha, việc giáo dục chính thức trong thời đại chúng ta đã trở nên quá gắn liền một cách hẹp hòi với “tính kỹ thuật trí thức và ngôn ngữ đầu óc” [69]. Ngài khuyến khích chúng ta cởi mở chấp nhận các hình thức giáo dục phi chính thức, chẳng hạn như thể thao. Như ngài từng nói, khép kín trong tính độc quyền cứng ngắc của nền giáo dục chính thức "sẽ không có chủ nghĩa nhân bản, và nơi nào không có chủ nghĩa nhân bản, Chúa Kitô không thể bước vào được!" [70]

Giáo dục thể thao và giáo dục Công Giáo

Làm thế nào Giáo hội có thể bắt đầu tích hợp hoạt động thể lý hay thể thao vào khuôn khổ căn bản của mình? Làm thế nào viễn kiến của Giáo hội về thể thao thấm nhiễm vào các hội đồng, các giáo phận và giáo xứ của vị giám mục? Điều này có lẽ nên bắt đầu với việc thành lập hữu hình một ngành hoạt động tông đồ dành cho thể thao. Ngành hoạt động tông đồ như thế sẽ là một biểu hiện cụ thể cho thấy sự cam kết của Giáo Hội đối với con người nhân bản trong thể thao và cũng sẽ trang bị cho các cơ quan khác nhau của Giáo Hội trong việc trực tiếp khởi động các hoạt động liên quan đến thể thao.

Kể từ nguồn gốc của Kitô giáo, thể thao đã xuất hiện như một ẩn dụ hữu hiệu của đời sống Kitô hữu: Thánh Tông Đồ Phaolô không ngần ngại lồng thể thao vào các giá trị nhân bản; điều này được dùng như một điểm hỗ trợ và tham khảo để đối thoại với những người thuộc thời ngài. Có nhiều khả thể giới thiệu các môn thể thao, trò chơi và các hoạt động vui chơi khác để hướng dẫn những người trẻ hướng tới một sự hiểu biết sâu sắc hơn về sách thánh, giáo huấn Giáo Hội hay các bí tích.

Khi thể thao được sống theo cách tôn trọng phẩm giá con người và thoát khỏi các khai thác kinh tế, truyền thông hay chính trị, nó có thể trở thành một mô hình cho mọi lĩnh vực của cuộc sống. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô vốn nói "Khi như thế này, thể thao vượt lên trên bình diện thể lý hoàn toàn và đưa chúng ta vào lãnh vực tinh thần và thậm chí cả mầu nhiệm nữa" [71]. Giáo dục theo Kitô giáo là đào tạo nơi con người các giá trị nhân bản trong toàn bộ thực tại, bao gồm cả siêu việt. Ý nghĩa sâu xa của thể thao là nó có thể giáo dục về sự viên mãn của cuộc sống và sự cởi mở đối với trải nghiệm siêu việt.

Thể thao cũng là một cách để dẫn nhập giới trẻ vào các nhân đức dũng cảm, điều độ, khôn ngoan và công bằng và tạo điều kiện để chúng lớn lên trong họ. Trong lĩnh vực giáo dục thể lý, Thánh Gioan Bosco, năm 1847 chỉ là một tuyên úy tuổi trẻ ở Turin, có lẽ là nhà giáo dục Công Giáo đầu tiên nhận ra tầm quan trọng của việc chuyển động, trò chơi và thể thao đối với sự phát triển toàn diện nhân cách của người trẻ. Đối với Don Bosco, giáo dục bằng thể thao có nghĩa là vun sới việc đích thân đồng hành với người trẻ cũng như tôn trọng lẫn nhau, cả trong lúc thi đua.

Thể thao để tạo ra một nền văn hóa gặp gỡ và hòa bình

Trong một thế giới đầy rẫy các vấn đề về di dân, chủ nghĩa duy quốc gia và căn tính cá nhân, ngày càng có nhiều người phải vật lộn với việc sống chung với những người khác về văn hóa hoặc giữ các hệ thống tín ngưỡng khác với mình. Các biên giới, nhận thức và ranh giới liên tục được vẽ tới vẽ lui. Trong bối cảnh này, chúng ta phải nhớ rằng các môn thể thao là một trong số ít thực tại ngày nay đã vượt lên trên các ranh giới của tôn giáo và văn hóa. Lời kêu gọi của Giáo Hội phổ quát muốn ta làm việc hướng đến sự đơn nhất của gia đình nhân loại có ý nghĩa đặc biệt khi được nhìn trong bối cảnh thể thao. Theo nghĩa này, chính ý tưởng làm ‘Công Giáo’ đã đi đôi với điều tốt nhất trong tinh thần thể thao. Trong thế giới thể thao, Giáo hội có thể đóng một vai trò quan trọng bằng cách giúp xây những cây cầu, mở các cánh cửa và cổ vũ các chính nghĩa chung - thấm nhuần các xã hội như ‘men’.

Thể thao như một việc thương xót

Thể thao cũng có thể trở thành một phương tiện mạnh mẽ bằng cách tự làm cho nó hiện diện đối với những người bị cho ra rìa và bị thiệt thòi. Có rất nhiều cơ quan quản trị thể thao quốc tế, các định chế tư nhân và các tổ chức phi lợi nhuận nhằm cổ vũ và sử dụng các môn thể thao như một công cụ tích cực giúp giới trẻ và thiếu niên đang sống trong các môi trường dễ bị bạo lực băng đảng, lạm dụng ma túy và buôn người biết tham gia. Các cộng đồng Kitô giáo trên khắp thế giới vốn đã can dự vào các sáng kiến biết sử dụng các thực hành, việc huấn luyện và các biến cố thể thao như các công cụ có liên quan để kéo giới trẻ ra khỏi ma túy và bạo lực.

Thể thao để tạo ra một nền văn hóa bao gồm

Vì có những sự thiện nhân bản liên quan đến thể thao, tất cả những ai muốn tham gia đều phải được làm như vậy. Điều này đặc biệt đúng đối với trẻ em nghèo hoặc di tản, người khuyết tật về thể lý hoặc tri thức, người vô gia cư và người tị nạn. Hơn nữa, ở một số nơi trên thế giới, các trẻ gái và phụ nữ bị từ chối quyền tham gia thể thao và do đó không thể cảm nghiệm được niềm vui và lợi ích của các hoạt động này. Mọi người đều có thể được phong phú hóa nhờ cơ hội gia tăng để mọi người có thể tham gia thể thao. Thí dụ, các vận động viên cấp ưu tú, khi xem vận động viên khuyết tật chơi, được nhắc nhở điều gì thực sự là thể thao: niềm vui được tham gia và thi đua đối với đối thủ và chính mình. Những thí dụ như thế giúp tái định hướng mọi người hướng đến việc nhân bản hóa tiềm năng của thể thao [72].

Sự phát triển của Thế Vận Khuyết Tật (Paralympic) và Thế vận đặc biệt là dấu hiệu hữu hình cho thấy thể thao có thể là một cơ hội tuyệt vời của việc hòa nhập(inclusion) ra sao, và có khả năng mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và là một dấu hiệu của hy vọng. Việc tạo ra đội Thế Vận Tị Nạn đầu tiên vào năm 2016 cũng thế và cả việc khai triển ra Giải Bóng Đá Thế Giới Vô Gia Cư là những cách quan trọng để nhận thức ích chung mà thể thao cổ vũ, đã được mở rộng để những người di tản hay đang trải qua các khó khăn liên quan tới nghèo đói cũng có cơ hội tham gia.



5.3 Môi trường của thừa tác mục vụ thể thao

Cam kết thể thao của Giáo hội là bảo đảm để thể thao luôn là một kinh nghiệm có khả năng mang lại ý nghĩa và giá trị cho cuộc sống của người ta, ở bất cứ bình diện nào nó được cổ vũ hoặc thực hành, tại bất kỳ nơi nào hoặc môi trường nào nó được tổ chức. Thể thao phải luôn nhắm vào việc đào tạo tòan diện con người, cải thiện các điều kiện xã hội và xây dựng các mối tương quan liên ngã. Đây là lý do tại sao việc chăm sóc mục vụ đối với thể thao là điều thích hợp trong nhiều môi trường và có thể được cổ vũ trong nhiều bối cảnh.

Cha mẹ là thầy cô đầu tiên

Cha mẹ thường là các thầy cô đầu tiên dạy đức tin và thể thao cho con cái của họ. Nếu cha mẹ không là những người trực tiếp dạy con cái của họ cách ném một trái bóng chày (baseball), thì ít nhất, họ nên đóng vai trò ký kết để chúng tham gia các các đội thể thao giải trí, khuyến khích chúng thử tham gia một đội thi đấu hoặc chuyên chở chúng đến các buổi thực hành và trận đấu của chúng. Chúng thường hiện diện trong đám đông để cổ vũ các vận động viên của chúng trên sân chơi. Những ví dụ này cho chúng ta thấy thể thao thường là nguồn nối kết giữa cha mẹ và con cái như thế nào. Việc nối kết này giúp các cha mẹ giáo dục con cái về các nhân đức và giá trị nhân bản vốn nội tại ngay trong các môn thể thao. Nếu thể thao có nguy cơ trở thành dịp gây chia rẽ gia đình và làm suy giảm tính thánh thiêng của Chúa Nhật như một ngày thánh phải giữ, thì nó cũng có thể giúp kết hợp một gia đình với các gia đình khác trong việc cử hành Chúa Nhật, không chỉ trong phụng vụ mà còn trong cuộc sống của cộng đồng. Điều này không có nghĩa là các trận đấu thể thao không nên diễn ra vào các Chúa Nhật, nhưng đúng hơn, các biến cố như vậy không được miễn chước cho các gia đình việc tham dự Thánh Lễ, trái lại chúng nên cổ vũ cuộc sống của gia đình bên trong bối cảnh cộng đồng.

Giáo xứ (và các nguyện dường hay trung tâm giới trẻ)

Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói, “Quả đẹp đẽ khi một giáo xứ có một câu lạc bộ thể thao và một điều gì đó sẽ thiếu nếu không có một câu lạc bộ như thế” [73]. Tuy nhiên, một câu lạc bộ thể thao trong một giáo xứ cần phải nhất quán với các cam kết đức tin của giáo xứ và được bám vào một dự án giáo dục và mục vụ. Các câu lạc bộ thể thao giáo xứ cũng cung cấp một cơ hội để giới trẻ gặp gỡ nhau ở bình diện giáo phận hoặc quốc gia qua các cuộc thi đấu thân thiện. Ngoài ra, các giáo xứ có thể và nên cổ vũ các hoạt động thể thao không những cho thanh thiếu niên mà còn cho các thành viên cao tuổi của họ nữa.

Bất cứ thực tại nhân bản chân chính nào cũng buộc phải được suy tư trong Giáo Hội. Giáo hội nên luôn sát cánh với thế giới thể thao, đọc các dấu hiệu của thời đại trong lĩnh vực thể thao. Các linh mục nên được khuyến khích hiểu biết một cách hợp lý về các thực tại và xu hướng thể thao đương đại, đặc biệt khi chúng ảnh hưởng đến tuổi trẻ, và nối kết thể thao với đức tin trong các bài giảng khi điều này có ý nghĩa.

Các trường học và đại học

Các trường học và đại học là những nơi lý tưởng để cổ vũ một sự hiểu biết về thể thao nhằm mục đích giáo dục, bao gồm và phát huy con người. Phụ huynh và gia đình đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đối thoại với các thầy cô và ban quản trị nhà trường, trong việc lên khuôn các hoạt động thể thao của trường theo đường hướng chúng sẽ dẫn đến việc phát triển toàn diện học sinh sinh viên. Các đại học ở nhiều nước cũng đã đảm nhận nhiệm vụ nghiên cứu thể thao. Các khóa học và chương trình nghiên cứu tìm cách giáo dục, đào tạo và huấn luyện các nhóm huấn luyện viên, quản lý thể thao, nhà khoa học và quản trị viên thể thao lớp kế tiếp. Bối cảnh này đem lại một cơ hội tuyệt vời để Giáo hội đối thoại với những người có trách nhiệm chuyên biệt trong việc giáo dục các nhà lãnh đạo thể thao hiện tại và tương lai lúc họ giúp phát triển thể thao theo phương hướng phục vụ con người nhân bản và xây dựng một xã hội công chính.

Các câu lạc bộ thể thao và hiệp hội thể thao không chuyên nghiệp

Các huấn luyện viên và quản lý viên thể thao có ảnh hưởng lớn đến các vận động viên của họ, do đó, hành động mục vụ và giáo dục đòi phải liên minh với họ. Trong khi công nhận bản chất chuyên biệt việc làm của các câu lạc bộ và các hiệp hội thể thao, điều quan trọng là tìm cách đối thoại với họ, đặc biệt trong vấn đề đặt kế hoạch về sư phạm và văn hóa.

Nền thể thao chuyên nghiệp

Thể thao ở bình diện ưu tú và chuyên nghiệp là một thực tại quốc tế bao trùm người chơi, khán giả / người hâm mộ, các tổ chức thể thao, các phương tiện truyền thông, tổ chức tiếp thị và thậm chí cả các chính phủ nữa. Nó là một hiện tượng có phạm vi truyền đạt lớn lao, có thể ảnh hưởng sâu xa không những đến thể thao của giới trẻ và người không chuyên nghiệp, mà là lối sống của toàn xã hội.

Vì những lý do này, Giáo Hội phải tiếp tục cải thiện việc khai triển các năng quyền có liên quan và đào tạo các tuyên úy hoặc cố vấn có huấn luyện để trợ giúp việc chăm sóc mục vụ và tâm linh cho các huấn luyện viên và vận động viên tham gia các biến cố thể thao quốc tế như Thế Vận Hội hay Giải Bóng Đá Thế Giới.

Giáo hội nên phát triển các kế hoạch mục vụ thích hợp cho việc đồng hành với các cầu thủ và vận động viên, mà nhiều người gây ảnh hưởng đáng kể trong thế giới thể thao và thế giới nói chung. Một phần trong việc đồng hành này nên dành cho việc giúp các vận động viên ý thức được ý nghĩa nội tại của việc tham gia của họ vào thể thao. “Chiều kích chuyên nghiệp này không bao giờ được đẩy sang một bên ơn gọi khởi thủy của một vận động viên hay một đội: hãy là những nhà tài tử, không chuyên nghiệp. Một vận động viên, kể cả một vận động viên chuyên nghiệp, khi đã nuôi dưỡng được chiều kích làm một 'tài tử' [74] này, thì xã hội sẽ được hưởng lợi và người này sẽ củng cố ích chung bằng các giá trị như đại lượng, tình bạn và cái đẹp”[75]. Giáo Hội nên đồng hành với các vận động viên này trong hành trình bản thân của họ, hỗ trợ họ trong việc hiểu biết và tăng tiến trách nhiệm của họ trở thành các sứ giả của nhân loại.

Việc đồng hành mục vụ và chăm sóc tinh thần phải mở rộng quá bên kia sinh hoạt thể thao tích cực của một cá nhân. Thế giới đã thấy nhiều cầu thủ và vận động viên hàng đầu, những người ở cuối sự nghiệp của họ cảm thấy trống rỗng và trầm cảm, đôi khi rơi vào một cuộc sống lệ thuộc rượu chè hoặc ma túy. Một kế hoạch đồng hành nhất quán có thể giúp những người như vậy khám phá ra căn tính của họ, có thể là lần đầu, ở bên ngoài thể thao. Theo nghĩa căn bản nhất, căn tính và giá trị của họ phát xuất từ việc được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa, Đấng tiếp tục kêu gọi họ, dù theo những cách mới mẻ. Chăm sóc mục vụ với các vận động viên sau khi sự nghiệp của họ đã kết thúc, do đó, cần phải bao gồm việc giúp họ biện phân được cách phải sử dụng ra sao tài năng và thiên phú của họ trong tương lai.

Ngày nay, khán giả tạo thành một phần rất có liên quan của môi trường thể thao chuyên nghiệp. Lan rộng khắp thế giới, các câu lạc bộ hâm mộ, các diễn đàn trực tuyến và bán hàng xoay quanh các khán giả. Những người ủng hộ và hâm mộ thường cảm nghiệm niềm đam mê thể thao một cách tuyệt đối, cách này dẫn người ta đến chỗ quá đáng và sai lệch. Giáo hội, cùng với các nhà lãnh đạo của các truyền thống tôn giáo khác, có thể giúp nhắc nhở mọi người giữ cho thể thao ở trong viễn ảnh của nó. Mặc dù trò chơi và thể thao là những điều tốt và nhằm để được theo đuổi một cách đam mê và vui hưởng, chúng không phải là những điều quan trọng nhất trong đời.

Các phương tiện truyền thông như cây cầu nối

Các phương tiện truyền thông là một đối tác đàm đạo chính của Giáo hội khi nói đến thể thao. Chính các phương tiện truyền thông - đặc biệt là phương tiện truyền thông xã hội – đã lên khuôn hình ảnh thể thao trong con mắt của đa số công chúng. Do đó, Giáo hội với nhiều diễn đàn truyền thông xã hội hết sức tích cực của mình có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tiếp cận với thế giới khán giả và các nhà tạo công luận trong thể thao.

Điều bắt buộc là Giáo Hội phải đáp ứng một cách có ý nghĩa đối với các biến cố và vấn đề thể thao. Thực thế, các tín hữu ít khi nhận thức được việc Giáo Hội chấp nhận và nhìn các môn thể thao một cách tích cực. Những phản ứng như vậy còn lâu mới có thể giúp thế hệ trẻ cảm thấy nối kết với Giáo Hội.

Các khoa học chuyên ngành

Giáo hội cũng nên đối thoại với những người làm việc trong các lĩnh vực khoa học và y học thể thao. Trong cuộc đàm đạo với họ, Giáo Hội có thể thu được kiến thức rộng lớn về thực tại đương đại của thể thao, để các phán đoán của mình thông thạo và chính xác. Tuy nhiên, trên hết, các cuộc đàm đạo hỗn hợp này nên thăm dò cách làm thế nào để lên khuôn việc thực hành thể thao và các môi trường xung quanh của nó theo cách tương ứng với, hoặc đến gần hơn với, nền văn hóa cơ thể nhân bản hóa. Cuộc đàm đạo của Giáo hội với các ngành khoa học khác, như khoa học sự sống, các khoa học văn hóa hay xã hội cũng có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc có ý nghĩa về thể thao và các cách thức chúng có thể trở thành một hoạt động có ích lợi suốt đời.

Kỳ cuối: Chương Năm tiếp theo và hết