Ký giả Cindy Wooden, của Catholic News Service, ngày 12 tháng Bẩy qua cho hay các tài liệu của Văn Khố Mật của Tòa Thánh và của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã chứng minh rằng việc cho rằng Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đích thân tự tay và một mình soạn thảo thông điệp Sự Sống Con Người (Humanae vitae) chỉ là một huyền thoại.

Để chuẩn bị mừng 50 năm Thông Điệp trên, Đức Phanxicô đã ban phép cho Đức Ông Gilfredo Marengo, một giáo sư tại Viện Giáo Hoàng Thần Học Gioan Phaolô II về Các Khoa Hôn Nhân và Gia Đình được sử dụng các Văn Khố Mật nói trên.



Kết quả cuộc nghiên cứu của Đức Ông Marengo là cuốn sách mới được xuất bản trong tháng Bẩy này tựa là “Việc Hạ Sinh Một Thông Điệp: ‘Sự Sống Con Người’ dưới Ánh Sáng Văn Khố Mật Tòa Thánh”

Trong một nhận định với các ký giả, Đức Ông Marengo nói rằng việc tìm tòi của ngài cho thấy 4 sự kiện ít ai biết đến: Đức Phaolô VI từng chấp thuận một thông điêp dưới tên “De Nascendae Prolis” (“Về việc sinh hạ một đứa con”) vào đầu tháng Năm năm 1968, nhưng rồi được các thông dịch viên của Phủ Quốc Vụ Khanh cho hay nó cần được hoàn chỉnh; một bản thảo khác đã được chính Đức Phaolô sửa lại; Đức Giáo Hoàng tương lai Gioan Phaolô II, nhiều dịp, đã đóng góp nhiều gợi ý, kể cả những lời bàn sâu rộng về chính chủ đề, nhưng không có chứng cớ nào cho thấy các gợi ý này đã được tích nhập vào văn kiện cuối cùng; và Đức Phaolô VI đã yêu cầu 199 giám mục tham dự thượng hội đồng giám mục năm 1967 gửi cho ngài các suy nghĩ về chủ đề điều hòa sinh sản.

Đức Ông Marengo nói rằng lời yêu cầu gửi tới các thành viên của thượng hội đồng là điều gây ngạc nhiên. Nó không được nhắc gì đến trong bất cứ tường trình nào về chính thượng hội đồng. Ngài nói: “Tin tức về việc Đức Giáo Hoàng muốn tham khảo mọi thành viên tham dự thượng hội đồng là điều rất quan trọng vì một trong các lời tố cáo nhất xưa nay sau khi công bố Sự Sống Con Người là: Đức Giáo Hoàng quyết định soạn thảo một mình, một cách không hề có tính hợp đoàn”.

Đức ông Marengo cho Catholic News Service biết: Đức Giáo Hoàng chỉ nhận được 25 câu trả lời trong thời kỳ từ 9 tháng Mười năm 1967 và 31 tháng Năm năm 1968. Và có lẽ còn đáng ngạc nhiên hơn nữa là trong số các câu trả lời này, chỉ có 7 giám mục xin Đức Phaolô nhắc lại giáo huấn của Giáo Hội chống lại việc dùng thuốc ngừa thai. Các câu trả lời khác, trong đó, có câu trả lời chung từ Hoa Kỳ của các Đức Hồng Y Lawrence Shehan của Baltimore, John Krol của Philadelphia, Tổng Giám Mục John Dearden của Detroit và Giám Mục John Wright của Pittsburgh – cho thấy có sự cởi mở đối với việc dùng các phương tiện ngừa thai nhân tạo trong một số hoàn cảnh, tuy nhiên “không một gợi ý nào nói rằng việc dùng thuốc viên ngừa thai là một điều tốt cả”.

Đức Cha Fulton J. Sheen của Rochester, New York, và Đức Hồng Y Karol Wojtyla của Krakow, Balan, tức đức Gioan Phaolô II trong tương lai, là các vị trong số 7 giám mục thúc giục Đức Giáo Hoàng nhắc lại giáo huấn của Giáo Hội ngăn cấm việc dùng các phương tiện ngừa thai.

Đức Ông Marengo viết: “Đức Giáo Hoàng không bao giờ nghĩ đến việc làm việc một mình, đóng ngoặc khuôn mạo hợp đoàn của thừa tác vụ Phêrô”.

Nhưng tham khảo không hề là một việc y hệt như lấy phiếu bầu. Và các giám mục không phải là những người được yêu cầu đóng góp nhập lượng. Trước khi có thượng hội đồng đã lâu và trước khi Đức Phaolô được bàu làm Giáo Hoàng, Thánh Gioan XXIII từng đã cử một ủy ban nhỏ để nghiên cứu vấn đề điều hòa sinh sản.

Đức Phaolô mở rộng ủy ban này để bao gồm cả các cặp vợ chồng. Việc làm của ủy ban kết thúc vào năm 1966 với việc rì rỏ bản phúc trình của đa số thành viên cho rằng việc ngừa thai nhân tạo không xấu xa từ trong nội tại; các phúc trình của phe thiểu số, nhằm quả quyết rằng ngừa thai nhân tạo là điều sai trái về luân lý, cũng đã được rì rỏ để trả lời.

Đức Ông Marengo cho rằng: sau khi đọc các bản tường trình trên của Ủy Ban, Đức Phaolô “thấy mình rơi vào một tình huống không dễ dàng. Việc phán đoán của ngài đã chín mùi, và ngài cảm thấy từ lương tâm nghĩa vụ phải nói nó ra dựa vào thừa tác vụ tông truyền của mình, dù biết rất rõ rằng đi theo hướng của mình là tự đặt mình vào một khoảng cách đoán trước và đau đớn đối với nhiều giới trong cộng đồng Giáo Hội không hẳn đứng bên lề”.

Thực vậy, non một tuần sau ngày thông điệp được công bố, Đức Phaolô VI đã tổ chức một buổi yết kiến chung, trong đó ngài nói tới gánh nặng ngàn cân của quyết định trên. Ngày 31 tháng Bẩy năm 1968, ngài nói: “Chưa bao giờ trước đó, ta lại cảm thấy nặng nề đến thế, như trong trường hợp này, gánh nặng chức vụ của ta. Ta đã nghiên cứu, đã đọc và thảo luận bao nhiêu có thể; và ta cũng đã cầu nguyện rất nhiều cho việc này”.

Đối với Đức Ông Marengo, ta sẽ không thể hiểu được diễn trình soạn thảo Sự Sống Con Người, nếu không thừa nhận các thay đổi trong Giáo Hội do Công Đồng Vatican II thúc đẩy, trong đó, có chủ đề hôn nhân và việc làm cha mẹ.

Ngài nói với Catholic News Services rằng: “Từ ngày Công Đồng, trong hiến chế Gaudium et Spes, thừa nhận ‘việc làm cha mẹ có trách nhiệm’ như một giá trị, một việc làm thay đổi quan điểm về hôn nhân từ nền tảng, ý nghĩ của nhiều người vẫn cho rằng công đồng đòi có sự thay đổi trong cả nền luân lý tính dục của Giáo Hội nữa”.

Nhưng theo Đức Ông, “Đối với Đức Phaolô VI, điều khó khăn là làm thế nào giải thích được việc sử dụng các phương pháp ngừa thai là trái phép, nhưng phải làm thế dưới ánh sáng một quả quyết về việc làm cha mẹ có trách nhiệm.

Việc thông điệp nhấn mạnh tới “sự nối kết không thể tách biệt nhau” giữa các phẩm tính “kết hợp và sinh sản”của tình yêu vợ chồng, theo ngài, đã đánh dấu một thay đổi quan trọng trong giáo huấn của Giáo Hội thời tiền công đồng Vatican II; trước đây, Giáo Hội vốn dạy rằng mục đích đệ nhất đẳng của hôn nhân là sinh sản.

Việc Đức Phaolô đích thân viết lại “các chỉ thị mục vụ” của thông điệp cũng phản ảnh giáo huấn của Vatican II. Trước đây, “trách vụ huấn quyền là giải thích, và trách vụ mục vụ là bảo người ta chấp nhận”.

Đức Ông Marengo nhấn mạnh rằng “’bạn phải vâng lời’ là phương thức mục vụ cổ điển”.

Nhưng theo Đức Ông, “Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã phá bỏ sơ đồ trên vì cho rằng ‘tôi sẽ giải thích giáo huấn và nếu anh chị em cố gắng hiểu nó, anh chị em sẽ thấy nó chân thật và là điều tốt hơn cả cho chính anh chị em”.