1. Gia đình trong trật tự tạo dựng
Tin mừng gia đình trở về với thuở ban đầu khôi nguyên của nhân loại. Đấng Tạo Hóa đã ban nó cho nhân loại làm cuộc hành trình của họ. Như thế, lòng quí mến định chế hôn nhân và gia đình hiện diện trong mọi nền văn hóa của loài người. Nó được hiểu như một hợp tác (partnership) suốt đời giữa một người đàn ông và một người đàn bà cùng với con cái họ. Truyền thống của nhân loại này hiện diện trong mọi biểu hiện của nhiều nền văn hóa khác nhau. Thoạt đầu, gia đình được lồng vào đại gia đình hay vào dòng tộc. Bất chấp mọi dị biệt về chi tiết, định chế gia đình là tổ chức nguyên khởi trong nền văn hóa nhân bản.

Mọi nền văn hóa nhân bản cổ xưa đều hiểu các phong tục và luật lệ liên quan tới trật tự gia đình như là các lệnh truyền của thần thánh. Sự hiện hữu, phúc lợi, và tương lai người ta tùy thuộc việc tuân giữ chúng. Trong bối cảnh của Thời Kỳ Trục (Axial Age, từ năm 800 tới năm 200 trước Công Nguyên), người Hy Lạp không còn nói chuyện theo lối huyền thoại nữa nhưng theo một lối thông sáng về một trật tự từng được thiết dựng trong bản nhiên con người. Thánh Phaolô tiếp nối lối suy nghĩ này và nói tới luật luân lý tự nhiên, vốn được Thiên Chúa ghi vào tâm hồn mọi người (Rm 2:14 tt). Mọi nền văn hóa, dưới hình thức này hay hình thức khác, đều biết Khuôn Vàng Thước Ngọc, dạy ta phải xử sự với người khác như chính mình. Chúa Giêsu xác nhận Khuôn Vàng Thước Ngọc này trong Bài Giảng trên Núi (Mt 7:12; Lc 6:31). Trong đó, giới răn yêu người lân cận của ta, yêu người khác như yêu chính mình (Mt 22:39 tt), đã được đặt để trong trứng nước. Khuôn Vàng Thước Ngọc được coi như tóm lược luật tự nhiên và những gì lề luật cùng các tiên tri vốn dạy (Mt 7:12; 22:40; Lc 6:31) (6). Luật tự nhiên, được phát biểu trong Khuôn Vàng Thước Ngọc, giúp ta đối thoại với mọi người có thiện chí. Nó cho ta một tiêu chuẩn để phán đoán đa hôn, hôn nhân cưỡng ép, bạo lực trong hôn nhân và gia đình, tính vũ phu, kỳ thị phụ nữ, và đĩ điếm, cũng như một tiêu chuẩn để phán đoán các điều kiện kinh tế hiện đại và các hoàn cảnh làm việc và trả lương không phò gia đình. Câu hỏi có tính quyết định trong mỗi trường hợp là: liên hệ tới người đàn ông, người đàn bà và con cái, điều gì phù hợp với lòng kính trọng đối với phẩm giá từng con người nhân bản.

Dù luật tự nhiên rất hữu ích, nó vẫn chỉ có tính tổng quát và hàm hồ tối nghĩa khi đụng tới các vấn đề cụ thể. Trong tình huống này, Thiên Chúa cung cấp cho chúng ta sự thích ứng bằng cách mạc khải. Mạc khải giải thích cách cụ thể những điều ta có thể nhìn nhận theo luật tự nhiên. Cựu Ước diễn tiến từ sự khôn ngoan truyền thống của Đông Phương xưa vào thời ấy, rồi từ từ thanh tẩy và hoàn hảo nó, qua một diễn trình phát triển lâu dài, dưới ánh sáng niềm tin của họ vào Chúa Giavê. Bảng thứ hai của Thập Điều (Xh 20:12-17; Đnl 5:16-21) là kết quả của diễn trình này. Chúa Giêsu đã xác nhận nó (Mt 19:18 tt) và các giáo phụ đều xác tín rằng các giới răn trên bảng thứ hai của Thập Điều trùng hợp với các giới điều phát sinh từ ý thức chung của mọi người. Các giới răn của bảng thứ hai của Thập Điều, do đó, không phải là luật luân lý của riêng Do Thái Giáo và Kitô Giáo. Chúng là truyền thống được cụ thể hóa của nhân loại. Nơi chúng, các giá trị nền tảng của đời sống gia đình đã được đặt dưới sự che chở của Thiên Chúa: lòng tôn kính sâu xa đối với cha mẹ và chăm sóc cha mẹ già, sự bất khả vi phạm của hôn nhân, sự che chở sự sống mới của con người phát khởi từ hôn nhân, và tài sản làm nền tảng cho cuộc hiện sinh của gia đình và xử sự hợp sự thật với nhau, không có điều này, không một cộng đồng nào có thể hiện hữu.

Với những giới răn này, nhân loại đã được thông ban cả một bộ các nguyên tắc hướng dẫn và, có thể nói, một la bàn để tiến trên đường đi của mình. Vì thế, Thánh Kinh không hiểu các giới răn này như gánh nặng đặt lên và giới hạn tự do; nó hân hoan trong các giới răn của Thiên Chúa (Tv 1:2; 112:1). Chúng là các cột mốc trên đường tiến tới hạnh phúc và một cuộc đời thành tựu. Ta không thể áp đặt chúng lên bất cứ ai, nhưng có thể đề xuất chúng với mọi người, với những lý do đàng hoàng, làm đường tiến tới hạnh phúc.

Tin mừng gia đình trong Cựu Ước đã tiến tới kết luận của nó trong hai chương đầu của Sách Sáng Thế. Chúng cũng chứa đựng gia bảo khởi nguyên của nhân loại, được giải thích và thâm hậu một cách có phê phán dưới ánh sáng đức tin vào Giavê. Khi hoàn thành qui điển Thánh Kinh, chúng được đặt lên hàng đầu, một cách có bài bản (programmatically), làm trợ huấn cụ cho việc đọc và giải thích. Nơi chúng, ta được trình bày kế hoạch tạo dựng nguyên thủy của Thiên Chúa liên quan tới gia đình. Ba tuyên bố nền tảng đã xuất hiện:

"Do đó, Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Người,
Theo hình ảnh Người, Người đã dựng nên họ;
Người đã dựng nên họ có nam có nữ (St 1:27)".



Con người, với hai giới tính, là tạo vật tốt lành, thực ra, rất tốt lành, của Thiên Chúa. Con người không được dựng nên như một thực thể đơn nhất. “Con người ở một mình không tốt; Ta sẽ dựng cho nó một người trợ lực làm kẻ hợp tác” (St 2:18). Bởi thế, Ađam đã chào đón người đàn bà bằng những lời chào hết sức hân hoan (St 2:23). Người đàn ông và người đàn bà đã được ban cho nhau và vì nhau như một hồng phúc từ Thiên Chúa. Họ nên bổ túc cho nhau và nâng đỡ nhau và trải nghiệm được niềm hân hoan và sảng khoái nơi nhau.

Là hình ảnh của Thiên Chúa, cả hai, đàn ông cũng như đàn bà, có cùng một phẩm giá. Không có chỗ cho sự kỳ thị phụ nữ. Nhưng đàn ông và đàn bà không y như nhau (identical). Sự bình đẳng của họ về phẩm giá, cũng như sự khác biệt của họ, có cơ sở ngay trong sáng thế. Cả bình đẳng lẫn dị biệt đã được ban cho họ không phải bởi họ, cũng không bởi bất cứ ai khác. Người ta không trở thành đàn ông hay đàn bà nhờ diễn trình xã hội hóa của nền văn hóa đương thịnh, như một số hình thức duy nữ vốn chủ trương (7). Là đàn ông hay là đàn bà, về phương diện hữu thể học, có cơ sở ngay trong sáng thế. Phẩm giá bình đẳng trong dị biệt của họ thiết dựng nên sự lôi cuốn giữa họ với nhau, một sự lôi cuốn vốn được tán dương trong các huyền thoại và thi ca vĩ đại của nhân loại, như trong Diễm Ca của Cựu Ước. Việc san bằng có tính ý thức hệ đối với sự dị biệt giữa họ đã tiêu diệt tình yêu gợi dục nơi họ. Thánh Kinh hiểu tình yêu này như việc trở nên một thân xác, nghĩa là, một hùn hạp (partnership) suốt đời bao gồm cả tính dục và gợi dục và tình bằng hữu nhân bản (St 2:24). Theo nghĩa tổng hợp này, người đàn ông và người đàn bà được dựng nên để yêu nhau và do đó là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng vốn là tình yêu (1Ga 4:8). Vì phản ảnh Thiên Chúa, tình yêu con người là một điều cao cả và tươi đẹp, nhưng tự nó, không thần thánh gì.
Thánh Kinh đã phi huyền thoại hóa chủ trương tầm thường hóa tính dục cổ xưa của Đông Phương qua việc đĩ điếm tại đền thờ và lên án việc trác táng như là thờ ngẫu tượng. Nếu người bạn đời ngẫu tượng hóa người kia và hy vọng họ chuẩn bị cho mình một thiên đàng ở hạ giới, thì người này tất nhiên sẽ bị áp đảo và chỉ làm mình thất vọng. Nhiều cuộc hôn nhân thất bại vì niềm hoài mong này. Cuộc hùn hạp suốt đời của người đàn ông và người đàn bà, cùng với con cái họ, chỉ có thể hạnh phúc nếu được hiểu như một hồng phúc dẫn họ tới những điều vượt quá họ. Do đó, việc tạo dựng con người nhân bản đã dẫn vào ngày thứ bẩy của tạo thế, dẫn vào cuộc cử hành mừng vui của ngày Sabát. Con người nhân bản không được dựng nên làm lao động như trâu như ngựa, mà được dựng nên cho ngày Sabát. Ngày Sabát được giả thiết là ngày dành sẵn cho Thiên Chúa, và cũng là ngày dành sẵn cho tiệc tùng và mừng vui với nhau, một ngày nhàn tản với nhau và cho nhau (xem Xh 20:8-10); Đnl 5:12-14). Ta nên học như mới từ bằng hữu Do Thái của ta rằng ngày Sabát, tương đương như Chúa Nhật, là một ngày dành cho gia đình.

“Thiên Chúa chúc lành cho họ, và nói với họ: hãy sinh sôi nẩy nở” (St 1:28).

Tình yêu giữa người đàn ông và người đàn bà không đơn thuần chỉ xoay quanh nó; nó tự vượt lên và đối tượng hóa nơi con cái, vốn phát sinh từ tình yêu của họ. Tình yêu giữa người đàn ông và người đàn bà và việc truyền sinh thuộc về nhau. Điều này đúng không những vì hành vi sinh sản, mà trải dài quá cả việc này nữa. Việc sinh sản đầu tiên theo sinh học được tiếp nối qua việc sinh sản thứ hai, tức việc sinh sản có tính xã hội và văn hóa, qua việc dẫn nhập vào đời và qua việc truyền thụ các giá trị của đời sống. Muốn thế, con trẻ cần một không gian che chở và một an toàn xúc cảm trong tình yêu của mẹ cha; đàng khác, con trẻ cũng củng cố và phong phú hóa sợi dây nối kết yêu thương giữa cha mẹ. Con cái là niềm vui, không hề là một gánh nặng.

Đối với Thánh Kinh, sinh nở không phải là một thực tại chỉ có tính sinh học. Con cái là hoa trái phúc lành của Thiên Chúa. Phúc lành này là quyền năng của Thiên Chúa trong lịch sử và trong tương lai. Phúc lành tạo thế tiếp diễn trong lời hứa hậu duệ cho Ápraham (St 12:2 tt; 18:18; 22:18). Theo cách này, sức mạnh chủ yếu của sinh nở, một sức mạnh từng được thần hóa trong thế giới cổ thời, đã được tổng nhập vào hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử. Thiên Chúa đặt tương lai con người và sự hiện hữu liên tục của nhân loại trong bàn tay người đàn ông và người đàn bà. Nói đến việc làm cha mẹ có trách nhiệm có một ý nghĩa sâu xa hơn là bình thường. Nó có nghĩa: Thiên Chúa tận tay trao điều quí giá nhất Người có thể trao ban, tức sự sống nhân bản, cho trách nhiệm của người đàn ông và người đàn bà. Họ có thể quyết định một cách có trách nhiệm con số và nhịp độ những lần sinh con của họ. Họ được giả thiết sẽ thực hiện việc này trong tinh thần trách nhiệm đối với Thiên Chúa và trong lòng kính trọng đối với phẩm giá và phúc lợi của người phối ngẫu, trong tinh thần trách nhiệm đối với phúc lợi con cái, trong tinh thần trách nhiệm đối với tương lai xã hội, và trong lòng kính trọng sâu xa đối với bản nhiên những con người nhân bản (GS 50). Từ đó, không có chuyện giải nghi học (casuistry), mà chỉ có chuyện ý nghĩa tâm học (gestalt) mà việc thể hiện cụ thể được trao phó cho trách nhiệm của người đàn ông và người đàn bà (8). Trách nhiệm đối với tương lai được trao phó cho họ. Tương lai nhân loại được tỏ lộ ra vì gia đình và với gia đình. Không có gia đình, không có tương lai, mà đúng hơn chỉ là sự già cỗi cho xã hội, một nguy cơ mà các xã hội Tây Phương đang đương đầu.

“Hãy tràn đầy mặt đất và hãy thống trị nó” (St 1:28).

Các chữ “khuất phục” và “thống trị” đôi khi bị hiểu theo nghĩa khuất phục và khai thác một cách bạo động, và đôi khi Kitô Giáo bị qui lỗi đối với các vấn đề môi sinh. Các học giả Thánh Kinh vốn cho thấy: ta không nên hiểu các chữ này theo nghĩa khuất phục hay thống trị bằng bạo lực. Trình thuật thứ hai về tạo dựng nói tới việc trồng cấy và chăm nom (St 2:15). Điều ta đang xử lý ở đây, nếu nói theo ngày nay, là sứ mệnh văn hóa của nhân loại. Con người giả thiết phải chăm nom và trân quí trái đất như một thửa vườn; ta được giả thiết trở thành những người chăn chiên của thế giới, lên khuôn nó thành môi trường nhân bản. Sứ mệnh này được ủy nhiệm chung cho người đàn ông và người đàn bà. Không phải chỉ là sự sống nhân bản, mà trái đất trong cái toàn diện của nó đã được ủy thác cho họ chăm nom và chịu trách nhiệm.

Với sứ mệnh văn hóa này, liên hệ của người đàn ông và của người đàn bà, một lần nữa, vượt trên chính họ. Tình yêu của họ không phải là một hình thức cảm tính xoay quanh chính họ; tình yêu của họ không tự đóng khung trong chính họ, mà nên mở rộng thành sứ mệnh đối với thế giới. Gia đình không phải chỉ là một cộng đồng tư riêng, có tính cách bản thân. Nó là tế bào nền tảng và sống động của xã hội (GS 47, 52). Nó chủ yếu đối với việc xuất hiện của nền văn minh tình yêu (9), và đối với việc nhân bản hóa và nhân vị hóa xã hội, mà nếu không có nó, xã hội sẽ trở nên một khối vô danh. Theo nghĩa này, người ta có thể nói tới sứ mệnh xã hội và chính trị của gia đình (FC 44).

Gia đình, như một định chế nguyên khởi của nhân loại, lâu đời hơn nhà nước và là một định chế có quyền riêng của nó so với nhà nước. Trong trật tự tạo thế, không hề có một từ ngữ đơn nhất nào chỉ nhà nước cả. Nhà nước được giả thiết phải hỗ trợ và phát huy gia đình tới hết các khả năng của nó; tuy nhiên, nhà nước không được xâm phạm vào các quyền riêng của gia đình. Các quyền của gia đình, được kể rõ trong Hiến Chương Các Quyền Gia Đình, có cơ sở trong trật tự tạo thế (FC 46). Gia đình, trong tư cách tế bào căn bản của nhà nước và xã hội, đồng thời, cũng là kiểu mẫu nền tảng cho xã hội và cho nhân loại như một gia đình nhân loại (10). Từ đó, phát sinh các hậu quả cho một thứ trật tự gia đình cần thiết đối với việc phân phối của cải và hòa bình thế giới (EG 176-258). Tin mừng gia đình, đồng thời, cũng là một tin mừng đối với phúc lợi và hòa bình của nhân loại.

Kỳ sau: 2. Cơ cấu tội lỗi trong đời sống gia đình