Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con mới hỏi cha xứ là liệu con có thể đặt một chén thủy tinh, để các thừa tác viên ngoại thường dùng cho việc hòa tan các Bánh thánh, vốn đã được tiêu thụ một phần bởi các người trong một trung tâm chăm sóc người cao tuổi, mà chúng con chịu trách nhiệm chăm sóc không. Sau đó, chén nước hòa tan này được đổ vào giếng thánh. Cha xứ thẳng thừng bác bỏ ý kiến này, và khi con hỏi ngài là ngài sẽ làm như thế nào, ngài nói ngài sẽ chôn bánh thánh bên ngoài nhà thờ. Dường như ngài muốn các thừa tác viên khác cũng làm như vậy. Thưa cha, cha bình luận gì chăng và đề nghị gì chăng? - J. P., New Jersey, Hoa Kỳ.


Đáp: Giáo phận Salt Lake City ở Hoa Kỳ có các hướng dẫn nhạy bén sau đây, vốn phản ánh các quy chế phổ quát và sự thực hành chung: "Cách đúng đắn để xử lý một Bánh Thánh hoặc Máu Thánh”.

“A. ‘Nếu bánh thánh hay phần bánh thánh bị rơi vải, phải kính cẩn nhặt lấy, nếu có chút Máu Thánh rớt xuống chỗ nào, thì phải rửa nơi đó bằng nước, và sau đó đổ nước ấy vào giếng thánh’ (Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, GIRM, số 280; Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

“B. Nếu Bánh thánh rơi xuống nền nhà, khi cho Rước lễ, người rước lễ hoặc thừa tác viên phải lượm lên và rước vào miệng ngay.

“C. Khi cho người già hoặc người bệnh Rước lễ, nếu người ấy không thể nuốt được (Bánh thánh có thể bị nhổ ra, hoặc nhả ra từ miệng), Bánh thánh phải được cất vào một miếng vải, và đưa về giáo xứ để được xử lý đúng như mô tả dưới đây.

"D. Quá trình hòa tan Bánh thánh trong nước có thể được sử dụng trong các điều kiện đặc biệt, chẳng hạn Bánh thánh được tiêu thụ một phần và rơi ra từ miệng người rước lễ, hoặc Bánh thánh bị rơi vô tình xuống nền nhà không sạch.

“E. Để xử lý một Bánh thánh, linh mục, phó tế hay thừa tác viên cho Rước lễ phải hòa tan Bánh thánh trong nước, cho đến lúc Bánh thánh không còn hình dạng bánh mì nữa. Điều này có thể đòi hỏi rằng Bánh thánh có thể được bẻ ra thành nhiều mảnh nhỏ, trước khi đặt nó trong nước. Cần phải chờ cho Bánh thánh được hoàn toàn ngâm trong nước, nhằm tôn kính vật đã chứa sự hiện diện của Chúa Kitô, và để tránh bất kỳ nguy cơ nào hoặc sự xuất hiện nào của một Bánh thánh bị bỏ đi hoặc tục hóa. Tuy nhiên, một khi Bánh thánh đã được bão hòa (trong vòng một giờ), nó phải được xử lý ngay lập tức trong giếng thánh, hoặc trong đất như được mô tả trong đoạn F dưới đây.

“F. Chất lỏng phải được đổ xuống giếng thánh (một bồn rửa đặc biệt với một ống đi trực tiếp vào đất, chứ không vào ống cống). Nó không nên được đổ xuống một bồn rửa thông thường. Nếu như không có sẵn, chất lỏng phải được đổ xuống mặt đất tại một vị trí không ai qua lại, chẳng hạn như đằng sau một dàn hoa dọc theo một bức tường, dưới chân một bức tượng, hoặc các nơi tương tự.

"G. Tôn trọng sự hiện diện của Chúa Kitô, hầu hết các nhà thần học chủ trương rằng, mặc dù Bánh thánh bề ngoài vẫn còn nguyên vẹn, sự hiện diện thực sự của Chúa sẽ ngưng ngay, sau khi Bánh thánh bị hoàn toàn ngâm với nước, bởi vì kể từ khi ấy, hình bánh không còn là độc quyền hình bánh mì nữa.

Điều này sẽ bao phủ hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, có thể rằng bạn đọc trên đây của chúng ta đang xem xét một trường hợp hơi khác. Nhiều người cao tuổi gặp khó khăn khi nuốt Bánh thánh, và thừa tác viên phải bẻ bánh làm hai hoặc làm bốn, để có thể cho người ấy Rước lễ. Do đó, chúng tôi sẽ không bàn đến việc xử lý một Bánh thánh, vốn đã rơi hoặc hoặc chạm vào miệng của một người cao tuổi hay người tàn tật, nhưng nói về một mảnh lớn của một bánh thánh bị hỏng.

Trong các trường hợp này, việc chỉ đơn giản hòa tan Bánh thánh không phải là một lựa chọn hợp pháp, và một giải pháp khác cần được tìm thấy, mà trong đó Bánh thánh được tiêu thụ đúng cách.

Thí dụ, nếu thừa tác viên sẽ Rước lễ, người ấy có thể tiêu thụ các bánh vụn vào lúc ấy. Cũng thế, nếu một số nhân viên cũng sẽ Rước lễ, nên giải thích cho họ rằng thừa tác viên sẽ cho họ Rước nhiều phần Bánh thánh. Trong trường hợp này, việc Rước lễ trên lưỡi sẽ được ưa thích hơn, để tránh bẻ ra nhiều mảnh.

Nếu các mảnh còn lại là rất nhỏ, các mảnh này nên được tiêu thụ trong bối cảnh của việc tráng chén, vì chén này được sử dụng để cho Rước lễ.

Trong khi việc chôn và việc đốt là thuộc trong các cách có thể xử lý Bánh thánh hoặc vật dụng thánh, như sách lễ cũ, lễ phục cũ, ...việc này không phải là một lựa chọn hợp lệ cho các mảnh của Bánh thánh, và trong mọi trường hợp Bánh thánh không được chôn.

Giáo luật là rất nghiêm ngặt về điểm này. Như huấn thị Redemptionis sacramentum (Bí tích Cứu độ) nói rõ:

“107. Theo giáo luật, “ai ném bỏ Mình Máu Thánh, lấy hoặc giữ với mục đích phạm thánh, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae) dành riêng cho Toà Thánh ; hơn nữa, giáo sĩ còn có thể bị phạt bằng một hình phạt khác, kể cả việc khai trừ khỏi hàng giáo sĩ”. Cũng phải thêm vào trường hợp này mọi hành vi khinh bỉ, cố ý và nghiêm trọng, đối với Mình Máu Thánh Chúa. Vậy, ai hành động nghịch lại với các quy định trên đây, thí dụ, như ném Mình Máu Thánh Chúa vào trong giếng của phòng thánh hay trong một nơi bất xứng, hoặc ném xuống đất, thì bị những hình phạt ấn định về chuyện này. Vả lại, mọi người phải nhớ rằng, khi cử hành Thánh Lễ, lúc cho rước lễ xong, phải tuân thủ các quy định của Sách Lễ Rôma. Đặc biệt, Máu Thánh Chúa Kitô có thể còn lại phải được chính linh mục hay, theo quy tắc, một thừa tác viên khác rước ngay lúc ấy. Cũng vậy, Mình Thánh Chúa có thể còn lại, phải được linh mục rước tại bàn thờ, hay được đem cất vào một nơi dành để lưu giữ Mình Thánh Chúa” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam). (Zenit.org 24-7-2018)

Nguyễn Trọng Đa