Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sau khi Tòa Thánh công bố những sửa đổi trong Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo về án tử hình, Đức Cha Frank J. Dewane của giáo phận Venice, Florida, Chủ tịch Ủy ban Công lý Quốc nội và Phát triển nhân văn, đã lên tiếng hoan nghênh sự thay đổi này và lặp lại lời kêu gọi kết thúc án tử hình tại Hoa Kỳ.
Toàn văn tuyên bố của ngài như sau:
“Hôm nay, chúng tôi hoan nghênh quyết định của Đức Thánh Cha sửa đổi Giáo Lý và giải thích giáo huấn của Giáo Hội về án tử hình. Tất cả mọi người đều được tạo ra theo hình Thiên Chúa, và phẩm giá Tạo Hóa ban cho họ không thể bị dập tắt, ngay cả bởi những tội lỗi nghiêm trọng. Vì thế mà tất cả mọi người, từ khi thụ thai cho đến cái chết tự nhiên đều có phẩm giá và giá trị bất khả xâm phạm là những điều chỉ ra nguồn gốc của họ là con cái Thiên Chúa.
Điều khoản mới này trong Sách Giáo Lý Công Giáo nhất quán với giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô về án tử hình, bao gồm cả trong diễn từ của ngài trước Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 2015, cũng như trong các phát biểu của những vị tiền nhiệm của ngài.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhận xét rằng “Ngay cả kẻ sát nhân cũng không mất đi nhân phẩm của mình, và chính Thiên Chúa cam kết bảo đảm điều này.”
“Trong nhiều thập kỷ qua, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã kêu gọi chấm dứt án tử hình ở Hoa Kỳ. Như bản văn Giáo lý đã sửa đổi khẳng định “các hệ thống giam giữ hiệu quả hơn đã được phát triển, bảo đảm sự bảo vệ thích đáng các công dân nhưng, đồng thời, không cần phải dứt khoát tước mất khả năng chuộc lỗi của can phạm.”
Chúng tôi hy vọng rằng thông báo hôm nay của Tòa Thánh sẽ mang lại sự chú ý mới cho vấn đề quan trọng này, và đẩy nhanh tốc độ kết thúc thực hành này, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói trong ánh sáng của Tin Mừng, rằng “án tử hình là không thể chấp nhận được vì nó là một cuộc tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của người đó”
2. Đức Thánh Cha cám ơn các giám mục Chí Lợi vì những nỗ lực có tính 'quyết định' chống lạm dụng tính dục
Trong một lá thư viết tay gửi cho các Giám Mục Chí Lợi, Đức Thánh Cha Phanxicô hoan nghênh những nỗ lực của các giám mục Chí Lợi suy tư về những thất bại của các ngài trong việc lắng nghe các nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi hàng giáo sĩ.
Ngài ca ngợi các giám mục Chí Lợi đã đưa ra các biện pháp “thực tế và cụ thể” chống lại cuộc khủng hoảng lạm dụng đang đè nặng lên Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này.
Ngài cảm ơn Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Chí Lợi về “ví dụ điển hình” của một cộng đồng Giáo Hội đoàn kết. Đức Thánh Cha cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với những phản ánh của các giám mục Chí Lợi về sự thất bại của họ trong việc đối phó với một cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài đánh giá cao “những suy tư, nhận thức và quyết định” được thực hiện để tạo ra một tài liệu, mang tên “Tuyên bố, Quyết định và Cam kết của Hội đồng Giám mục Chí Lợi” được viết bằng tiếng Tây Ban Nha.
“Xin Chúa ân thưởng cho các chư huynh đệ một cách dồi dào trong nỗ lực mục vụ chung này”
Đức Thánh Cha đã được gởi cho Đức Giám Mục Santiago Silva. Vị Giám Mục cám ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô và nói những lời của ngài “an ủi chúng ta hôm nay và khuyến khích chúng ta trên con đường sửa chữa, chữa lành, và hoán cải” này.
Các giám mục Chí Lợi đã gặp nhau tuần trước để thảo luận về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục.
Trong tài liệu chung, các giám mục nói các ngài nhận ra “thất bại và thiếu sót” của mình và hứa sẽ hỗ trợ các công tố viên trong việc điều tra các cáo buộc lạm dụng tình dục.
Các Giám Mục cũng cầu xin sự tha thứ vì đã thất bại trong việc giúp đỡ và tháp tùng những nạn nhân đã bị gây hại bởi “những tội lỗi nghiêm trọng và bất công do các linh mục và giáo sĩ gây ra.”
3. Bộ trưởng ngoại giao Nicaragua sang Vatican để tố cáo các Giám Mục
Bộ trưởng ngoại giao Nicaragua đã đến Vatican với chiêu bài tìm kiếm sự giúp đỡ của Tòa Thánh trong việc “tái cấu trúc” cuộc đối thoại quốc gia do các giám mục nước này làm trung gian.
Denis Moncada nói rằng chỉ có các giám mục đã thể hiện thái độ “công bằng” đối với chế độ Ortega, và những người không ủng hộ phe đối lập, mới nên được phép tham gia vào cuộc đối thoại.
Vào tháng Tư, chính phủ của Tổng thống Daniel Ortega yêu cầu các giám mục làm trung gian cho một cuộc đối thoại quốc gia giữa chế độ và các thành phần đối lập. Hội Đồng Giám Mục đã chọn ra một số giám mục tham gia vào những nỗ lực này. Việc Ortega mời các giám mục làm trung gian trong các cuộc đối thoại hòa giải quốc gia chỉ là một động tác giả để hắn ta có thời giờ điều động bọn công an Sandinista từ địa phương này sang địa phương khác cải trang thành côn đồ thân chính phủ.
Điều quân xong, Ortega phỉ báng các Giám Mục là “những kẻ mưu toan đảo chính” và sai bọn công an giả danh côn đồ tấn công các nhà thờ. Các linh mục và cả các Giám Mục cũng bị tấn công.
Cuộc đối thoại do đó đã sụp đổ vào tháng Sáu.
Đáp lại lời bình luận của Moncada, Đức Hồng Y Leopoldo Brenes của Managua nói rằng Vatican sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp từ bên ngoài.
Trong diễn từ với các đại diện ngoại giao của 80 quốc gia vào sáng ngày 26 tháng 7, phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã lên tiếng tố cáo chế độ Ortega tấn Công Giáo Hội Công Giáo. Ông nói:
“Danh sách các kẻ vi phạm tự do tôn giáo rất dài; tội ác và sự áp bức của chúng kéo dài trên toàn thế giới chúng ta. Ở đây, trong bán cầu này của chính chúng ta, ở Nicaragua, chính phủ Daniel Ortega hầu như đang tiến hành một cuộc chiến chống lại Giáo Hội Công Giáo. Trong nhiều tháng qua, các giám mục Nicaragua đã tìm cách làm trung gian cho một cuộc đối thoại quốc gia sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ bùng lên xuyên suốt đất nước hồi đầu năm nay. Nhưng đám côn đồ do chính phủ hậu thuẫn được trang bị dao phay, và thậm chí cả vũ khí hạng nặng, đã tấn công các giáo xứ và các nhà thờ, và cả các giám mục và linh mục cũng đã bị cảnh sát tấn công.
4. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, người đã chết cách đây 40 năm đã nhấn mạnh tới đâu là trọng tâm của con người.
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Người đã chết cách đây 40 năm đã nhấn mạnh tới đâu là trọng tâm của con người.
Đức Thánh Cha Phaolô VI đã an nghỉ vào ngày 6 tháng 8 năm 1978, sẽ được phong hiển thánh vào ngày 14/10 tới đây. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ngài qua đời, vị cáo thỉnh viên phong thánh của ngài là linh mục Antonio Marrazzo đã chia sẻ với Đài Vatican về di sản của vị Giáo hoàng này.
Nhìn lại 15 năm triều đại giáo hoàng của Ngài, Linh mục Thỉnh cáo viên phong thánh cho Đức Giáo Hoàng Phaolô VI là cha Antonio Marrazzo, linh mục dòng Cứu Thế nói với đài Vatican rằng Đức Phaolô VI đã mở ra cho thế giới một hướng đi mới về cuộc lữ hành của Giáo Hội trên trần thế. Vị linh mục người Ý này cho hay rằng trong các tác phẩm và di chúc của Đức Thánh Cha Phaolô VI cho hay Đức Phaolô VI có một sự hiểu biết sâu sắc về con người, đặc biệt con người là hình ảnh của Thiên Chúa.
Cha Antonio cho hay dù Đức Phaolô VI đã qua đời 40 năm rồi, thế mà tư tưởng của Ngài vẫn được Giáo hội tiếp tục khai triển trong ánh sáng của Công đồng Vatican thứ hai, trong đó con người là trung tâm, không phải trên bình diện nhân chủng học mà là hình ảnh của Thiên Chúa - con người được Chúa ban cho chính sự sống giống như Ngài, là một con người có giá trị và nhân phẩm”.
Theo Đức Phaolô VI, chúng ta phải nhìn con người theo ý của Thiên Chúa - với lòng thương xót dịu hiền và tình yêu siêu việt. Cha Marrazzo cho hay rằng Đức Phaolô VI được bầu chọn lên ngôi Giáo hoàng hầu tiếp tục Công đồng Vatican thứ hai và hướng dẫn Công đồng với đôi tay vững chắc hầu xây dựng một Giáo hội với lòng nhân hậu của người “Samaritanô”.
Trước khi đắc cử Giáo Hoàng, Ngài làm việc trong ngành ngoại giao của Tòa Thánh, nên Ngài biết lắng nghe và xây dựng hòa bình. Về giới trẻ, Ngài tập trung vào việc xây dựng một niềm tin sáng tạo và tự do, xây đắp một nền văn hóa khao khát sự thật và rộng mở bằng đối thoại.
Là tổng giám mục của Milan, Ngài đã có một kinh nghiệm vững mạnh về một Giáo hội của đại chúng, gần gũi với mọi người đương đại...
Thông điệp đánh dấu một bước ngoặt của triều đại Giáo hoàng của Ngài là Tông huấn “Humanae Vitae” (Sự sống của Con người) được phát hành cách đây 50 năm, nói lên mối liên hệ mật thiết giữa tình yêu vợ chồng, rộng mở tới một sự sống mới.
Về vấn đề này cha Marrazzo nêu rằng hai phép lạ xảy ra qua sự can thiệp của Đức Phaolô VI đều liên quan đến thai nhi, tức là sự sống của thai nhi dù chưa được sinh ra chào đời. Về phương diện này, Đức Phaolô VI có thể được coi là người bảo vệ sự sống của những thơ nhi chưa được sinh ra.
Cha Marrazzo giải thích rằng phép lạ được cứu xét cho tiến trình phong thánh của Đức Phaolô VI liên quan đến một thiếu phụ thành Verona đang mang thai, nhưng thai nhi có nguy cơ, có thể bị chết do việc nước ối bị bể!
Bác sĩ sản khoa lo cho bà, đề nghị với gia đình hãy cầu nguyện cùng Đức Phaolô VI, lúc ấy Ngài đang được chuẩn bị phong chân phước vào tháng 10 năm 2014. Cháu bé gái được sinh vào đúng ngày Giáng sinh năm đó khỏe mạnh. Phép lạ này, Cha Marrazzo cho hay đã minh chứng minh bào thai dù chưa được chào đời đi nữa đã được coi là một con người trước mặt Thiên Chúa.
5. Các bối cảnh đa dạng về giới trẻ trước Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên
Tòa Thánh vừa công bố Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng năm 2018 với chủ đề “Giới Trẻ, Đức Tin và Biện Phân Ơn Gọi, Giáo Hội Lắng Nghe Thực Tại”
Nhận định về các bối cảnh đa dạng về giới trẻ trên thế giới, tài liệu cho biết như sau:
“Có khoảng 1.8 tỷ người ở độ tuổi từ 16 đến 29 trên thế giới, tương ứng với gần một phần tư nhân loại, mặc dù các dự đoán cho thấy sự giảm dần về phần trăm người trẻ trong tổng dân số nói chung. Các tình huống cụ thể của người trẻ thay đổi rất nhiều giữa các quốc gia, như các câu trả lời từ các Hội đồng Giám mục đã làm nổi bật. Ở một số quốc gia, người trẻ chiếm một phần khá lớn dân số (trên 30%), trong khi tỷ lệ này thấp hơn nhiều ở một số quốc gia khác (khoảng 15% hoặc ít hơn); có những quốc gia mà tuổi thọ trung bình không tới 60 và những quốc gia khác có thể vượt quá 80, xét về trung bình. Các cơ hội giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường, văn hóa và kỹ thuật, hoặc tham gia vào đời sống dân sự, xã hội và chính trị, thay đổi đáng kể giữa các vùng. Ngay trong cùng một quốc gia, chúng ta cũng có thể tìm thấy nhiều dị biệt, đôi lúc rất đáng kể, giữa các khu vực thành thị và nông thôn.
Diễn trình tham vấn trước THƯỢNG HỘI ĐỒNG làm nổi bật tiềm năng mà thế hệ trẻ vốn có, và các niềm hy vọng và mong muốn họ vốn ấp ủ: người trẻ là những người chính đi tìm kiếm ý nghĩa, và được hấp dẫn và thúc đẩy hành động bởi bất cứ điều gì đồng điệu với việc họ tìm cách đem lại giá trị cho đời sống của họ. Các nỗi sợ hãi của họ cũng xuất hiện, cùng với một số động lực xã hội và chính trị nào đó, với cường độ khác nhau ở các nơi khác nhau trên thế giới, cản trở việc họ tiến đến chỗ phát triển đầy đủ và hài hòa, dẫn đến tính dễ bị tổn thương và kém lòng tự trọng. Các điển hình của hiện tượng này là: những bất bình đẳng về kinh tế và xã hội đáng kể tạo ra bầu khí bạo lực phổ biến và đưa đẩy một số người trẻ vào thế giới tội phạm và buôn bán ma túy có tổ chức; một hệ thống chính trị bị thống trị bởi sự tham nhũng, làm suy yếu niềm tin vào các định chế của chúng ta và hợp pháp hoá thuyết định mệnh và chủ trương rút lui; các tình huống chiến tranh và nghèo đói cùng cực khiến mọi người phải di cư để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn. Ở một số vùng, giới trẻ thù ghét sự kiện này: các quyền tự do căn bản và tự chủ bản thân không được Nhà nước công nhận, trong đó có tự do tôn giáo; trong khi đó, ở các khu vực khác, việc loại trừ về phương diện xã hội và lo lắng về hiệu suất khiến một số người trẻ phải trải qua các chu kỳ nghiện ngập (ma túy và rượu chè nói riêng) và cô lập xã hội. Ở nhiều nơi, nghèo đói, thất nghiệp và bị cho ra rìa đang gia tăng số người trẻ sống trong điều kiện bấp bênh, cả về mặt vật chất, xã hội và chính trị.”
6. Đức Thánh Cha chia sẻ trong giờ Kinh Truyền Tin: 'Tin vào Chúa Giêsu giúp chúng ta thực hiện những công việc của Thiên Chúa'
Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời các tín hữu hãy từ bỏ chính mình cho niềm vui và chương trình của Thiên Chúa trong cuộc sống và hãy tìm kiếm nuôi dưỡng tinh thần để thăng tiến trong hành trình đức tin của họ.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi tín hữu hãy vun trồng tình liên đới của họ với Thiên Chúa, bởi vì chính nhờ niềm tin nơi Chúa Giêsu cho phép chúng ta nuôi dưỡng tinh thần và thực hiện tốt đẹp các hoạt động vì lợi ích của anh chị em chúng ta.
Đức Thánh Cha nói với đám đông tụ tập tại Quảng Trường Thánh Phêrô vào giời kinh truyền tin trưa Chúa Nhật. Đức Thánh Cha đã chia sẻ về Tin Mừng trong ngày, Ngài mời gọi tất cả hãy nhớ tới Đức Giáo Hoàng Phaolô VI dấu, vì vào chính ngày này 40 năm trước Ngài đang trải qua những giờ phút cuối đời của Ngài.
Suy ngẫm về lời Chúa Giêsu về bánh nuôi dưỡng chúng ta, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng đối với Chúa Giêsu, mọi người không chỉ tìm kiếm Ngài, nhưng Ngài muốn mọi người biết và xác tín rằng Ngài đến không chỉ để mang lại cho chúng ta sự no thỏa vật chất, mà còn nâng cuộc sống của chúng ta về một chân trời rộng lớn hơn, siêu việt lên những lắng lo thường ngày về của ăn, áo mặc, công ăn việc làm vân vân.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh “Chúa Giêsu là bánh trường sinh” làm no thỏa xác thân mà còn có thể khỏa lấp được những khát vọng sâu thẳm của tâm hồn”.
Giảng giải câu nói của Chúa “đừng tìm kiếm của ăn chóng qua, nhưng hãy tìm kiếm của ăn cho sự sống đời đời”, Đức Thánh Cha cho hay “một cám dỗ chung chung là hay giản lược tôn giáo vào việc thực hành lề luật” và cho đó là làm đẹp lòng Thiên Chúa rồi.
Chúa Giêsu đã đề ra một điều kiện bất ngờ: “Đây là công việc của Thiên Chúa, là hãy tin vào Người con mà Ngài sai đến”.
Đức Thánh Cha tiếp tục: “Chúa Giêsu cho chúng ta hay các công việc của Thiên Chúa là nếu chúng ta tham dự vào mối quan hệ yêu thương và tín thác nơi Chúa Giêsu là chúng ta đang thực hiện những công việc thích hợp với Tin Mừng, và vì lợi ích cho anh chị em chúng ta.
Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận và mời gọi chúng ta “đừng quên rằng, nếu cần thiết phải quan tâm đến nhu cầu vật chất, thì điều quan trọng hơn vẫn là vun trồng mối quan hệ của chúng ta với Chúa, củng cố đức tin của chúng ta trong Chúa vì Ngài là” bánh trường sinh”, làm no thỏa cơn đói của chúng ta trong sự thật, chân lý và yêu thương.
Đức Thánh Cha kết thúc giờ giáo lý của mình với lời cầu nguyện hướng về Đức Trinh Nữ Maria, nhân dịp kính nhớ sự thánh hiến đền thờ Đức bà Cả ở Rome, Xin Mẹ cầu bàu cho chúng ta giữ vững niềm tin vào chương trình yêu thương của Thiên Chúa chúng ta.
7. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Úc Đại Lợi lo lắng về dự luật phá thai tại Queenland
Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane, kêu gọi các thành viên của quốc hội hãy nhìn xa hơn “tư tưởng hư hỏng và ngôn từ xảo quyệt” đằng sau dự luật cho phép phá thai ở Queenland.
Trong phần bình luận tường trình bởi tờ báo của giáo phận, The Catholic Leader, Đức Tổng Giám Mục Coleride nói rằng “Khi quý vị nói về phá thai, quý vị đang nói về hai cuộc sống, bà mẹ và đứa con, và cả hai cuộc sống đều quan trọng. Nói về các quyền của phụ nữ là điều quan trọng, nhưng còn những quyền của em bé chưa sinh ra, hay là các em không có tư cách là một con người thực sự?”
Đức Tổng Giám Mục phản ứng lại một đề nghị ở Queenland để hợp pháp hóa việc phá thai theo yêu cầu lên tới thai kỳ 22 tuần, và việc phá thai có thể thực hiện ngay cả cho tới ngày sinh với sự cho phép của hai bác sĩ riêng biệt.
Luật cũng cấm những người phản đối tụ tập trong phạm vi 150 mét từ một cơ sở phá thai.
Các bác sĩ sẽ được phép từ chối thực hiện việc phá thai nếu họ cảm thấy không ổn về mặt đạo đức để làm thế, nhưng phải giới thiệu bệnh nhân cho bác sĩ khác.
Hiện nay, phá thai là bất hợp pháp ở Queenland trừ trường hợp bác sĩ tin rằng sức khỏe thể lý hay tinh thần của bà mẹ bị nguy hiểm nghiêm trọng.
Đề nghị hợp pháp hóa phá thai dự trù sẽ được đưa ra vào tháng này, dựa vào bản tường trình Tháng Sáu của Ủy Ban Cải Tổ Luật Pháp Queenland, đề nghị bỏ phần phá thai khỏi Luật Hình Sự.
Theo truyền thông địa phương, không rõ luật này có được ủng hộ đủ để thông qua tại quốc hội hay không.
Những người chống đối dự luật lý luận rằng trong khi đề nghi luật được trình bày như là một vấn đề sức khỏe, nhưng thực ra nó sẽ hợp thức hóa phá thai căn cứ vào những lý do như tài chánh, xã hội và thuyết ưu sinh.
Tổng Giám Mục Coleridge nói với tờ The Catholic Leader rằng “Theo như bản dự luật, việc phá thai sẽ được phép thực hiện cho tới ngay giờ sinh con nếu có hai bác sĩ cho rằng “trong mọi tình huống, sự phá thai cần phải thực hiện,”.
“Vì vậy đây không phải là vấn đề sức khỏa. Nó là một vấn đề đạo đức cần thiết liên quan đến lợi ích của xã hội nói chung bởi vì nó đụng chạm đến những vấn đề sự sống và cái chết.”
Ngài cảnh báo rằng nhiều bà mẹ chọn phá thai trong tuyệt vọng, tin rằng họ không còn cách nào khác nữa, bởi vì những người ủng hộ phá thai không giới thiệu cho họ những sự chọn lựa nào khác.
Đức Tổng Giám Mục nói rằng “Những thành viên quốc hộ ủng hộ phá thai nên cho biết tại sao họ lại có thể chấp thuận rằng ở Queenland này những em bé đã được tới 40 tuổi tuần thai vẫn có thể bị phá thai khi sức khỏe không là một yếu tố.”
8. Nicaragua rút khỏi việc tổ chức các hoạt động Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới vì bất ổn chính trị
Các giám mục Công Giáo Nicaragua nói rằng quốc gia này sẽ không đứng ra tổ chức cho các bạn trẻ hành hương tham dự “Những ngày ở giáo phận”, hướng tới Ngày Giới Trẻ Thế Giới (WYD) vào năm 2019 tại Panama do tình hình chính trị xã hội hiện nay của đất nước.
Quyết định trên đã được Phó Thư ký của Phòng Thanh Niên của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Nicaragua là cha Jhader Hernandez gởi ra và đã báo cho Đức Ông Jose Domingo Ulloa, Chủ tịch Ủy Ban Tổ Chức WYD năm 2019.
Trong thư, cha Hernandez đã cám ơn ban tổ chức đã chọn nước Nicaragua để đứng ra tổ chức sự kiện này, nhưng giải thích rằng vì tình hình chính trị hiện nay của đất nước nên sẽ không an toàn cho các bạn trẻ hành hương đến thăm viếng nước này.
Ngày Giới Trẻ Thế giới, trước đây đã từng được tổ chức tại Dever, Manila, Paris, Toronto, Madrid, Rio de Janeiro and Krakow. Năm nay sự kiện này sẽ được tổ chức tại thành phố Panama, thuộc Panama.
Trước buổi cử hành chính của WYD, thường quy tụ khoảng 3 triệu người trẻ trên khắp thế giới, là một sự kiện kéo dài 14 ngày trước đó gọi là “Những ngày ở Giáo Phận”. Hai tuần lễ này là cơ hội để cho các bạn trẻ hành hương sinh hoạt tại các giáo phận nơi quốc gia đứng ra tổ chức dẫn tới WYD.
Đây là lần đầu tiên, những ngày của các giáo phận sẽ được tiến hành tại nhiều quốc gia. Năm nay Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu Những ngày trong các Giáo Phận được mở rộng cho các giáo phận ở Panama, Cost Rica và Nicaragua – vì ngài mong mỏi Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ bao trùm toàn bộ vùng Trung Mỹ.
Trong thư gởi cho Đức Ông Ulloa, Cha Jhader Hernandez nói rằng Hội Đồng Giám Mục Công Giáo đã có một quyết định rất đáng tiếc là rút lui khỏi việc tổ chức Những ngày trong Giáo Phận vì sự an toàn cho các bạn trẻ hành hương và các nhân viên mục vụ tại Giáo Hội ở đây.
Ngài kết thúc lá thư với lời cám ơn Panama về những thông điệp và sự giúp đỡ thường xuyên mà họ đã dành cho nhân dân Nicaragua trong thời gian khó khăn này.
Trong một thông cáo báo chí có tên là “Nicaragua trong trái tim của WYD”, Ủy Ban Tổ Chức Panama đã kêu gọi các bạn trẻ hành hương hãy sống với kinh nghiện “Những ngày ở Giáo Phận” tại Costa Rica và Panama. Họ nói rằng hai quốc gia này đang chuẩn bị để chào đón và cùng sống hai tuần với các bạn trẻ hành hương và rằng sự kiện này là một trong những sự kiện phong phú đánh dấu, trong một cách đặc biệt, đời sống của những người trẻ.
Nicaragua đang trải qua thương đau của một cuộc khủng hoảng, sau khi cả nước nổ ra cuộc chống lại Tổng Thống Daniel Ortega và vợ của ông là, Phó Tổng ThốngRosaria Murillo. Ortega đang bị cáo buộc làm xói mòn nền dân chủ và quyền con người. Những người chống đối nói rằng ông này đã trở thành một loại vua chúa tàn bạo và đồi bại giống như chính quyền Somaza Cánh Hữu đã bị lật đổ, một thể chế mà trước đây ông đã từng tham gia chống lại trong cuộc cách mạng Sandinista.