Giải đáp phụng vụ: Có được làm diễn nguyện Giáng Sinh sau khi cha giảng không?

Nói thêm về phận vụ của phó tế

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Giáo xứ của chúng con đã thực hiện diễn nguyện Giáng Sinh sau bài giảng của linh mục, nhưng trước lời nguyện tín hữu. Việc này có được phép không? Linh mục của chúng con đã cố gắng tìm câu trả lời năm nay, nhưng gặp khó khăn. Nhưng con nghĩ rằng con đã tìm thấy câu trả lời trong Sách Bài đọc cho Thánh Lễ thiếu nhi, số 52 nói rằng diễn nguyện không nên diễn ra trong Thánh Lễ. Con biết việc này diễn ra ở rất nhiều giáo xứ ở Mỹ, nên câu trả lời của cha sẽ là rất cần thiết cho chúng con! - G. G., Pasadena, California, Hoa Kỳ.


Đáp: Trước hết, việc không tìm thấy một sự cấm đoán rõ ràng trong các tài liệu phụng vụ không có nghĩa là điều gì đó có thể được thực hiện. Nhiều lạm dụng phụng vụ, nếu không nói là đa số, không được gọi tên, bởi vì không ai có thể thấy trước tất cả những gì mà trí tưởng tượng của con người có thể gợi ra. Sự cấm đoán đặc biệt đối với một số lạm dụng chỉ xuất hiện, sau khi chúng được giáo quyền chú ý tới.

Thông thường chỉ là đủ khi nại đến các nguyên tắc chung, để biết nếu liệu sự gì đó được cho phép hay không. Thí dụ, có nguyên tắc cơ bản nói rằng không một linh mục nào có thể thêm hoặc bớt bất cứ điều gì khỏi phụng vụ, theo sáng kiến riêng của mình. Một nguyên tắc khác có thể áp dụng cho trường hợp của chúng ta được tìm thấy trong huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí tích Cứu Độ), số 75:

“Vì một lý do thần học gắn liền với việc cử hành Thánh Thể hay với một nghi lễ đặc biệt, các sách phụng vụ ấn định hay đôi khi cho phép việc cử hành Thánh Lễ cùng với một nghi lễ khác, đặc biệt những nghi lễ của các Bí Tích. Nhưng, Hội Thánh không chấp nhận một sự tương quan như thế trong những trường hợp khác, đặc biệt khi có những tình tiết có vẻ hời hợt” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Nếu có nhiều hạn chế nghiêm trọng về việc nối kết Thánh lễ với các nghi thức khác, bao gồm cả các nghi thức đã được phê chuẩn chính thức, việc loại trừ các yếu tố phi phụng vụ, chẳng hạn diễn nguyện giáng sinh, chắc chắn được bao gồm trong đó.

Sự việc bạn đọc này sử dụng phần Giới thiệu của Sách Bài đọc cho Thánh Lễ thiếu nhi (the Introduction to the Children’s Lectionary) có một tính hợp lệ nào đó, xét theo việc rằng các quy chế cho nghi thức phụng vụ thiếu nhi cho phép các thích ứng rộng rãi, sự việc rằng một cái gì đó bị cấm cho loại cử hành này có nghĩa rằng “một cách tiên thiên” nó là không được phép trong các Thánh lễ thông thường.

Tuy nhiên, chúng ta phải công nhận rằng phần Giới thiệu của Sách Bài đọc cho Thánh Lễ thiếu nhi không phải là một tài liệu phổ quát. Nó được soạn thảo bởi Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, và tôi tin rằng nó vẫn chưa đạt được hình thức dứt khoát của nó. Điều thú vị là Hội đồng Giám Mục Ý cũng đưa ra lệnh cấm diễn nguyện, các buổi trình diễn và các mục tương tự trong Thánh Lễ thiếu nhi, trong hướng dẫn tiêng của Hội đồng Giám Mục này.

Có lẽ một nguồn phổ quát hữu ích hơn sẽ là Hướng dẫn cho Thánh Lễ thiếu nhi (the Directory for Children’s Masses) do Tòa Thánh ban hành vào tháng 11-1973. Các thích nghi quy vào các Thánh lễ, mà trong đó đa số ngưởi tham dự là trẻ em từ 6 đến 9 tuổi. Các quy định này không áp dụng cho các cộng đoàn thiếu nhi lớn tuổi hơn.

Tôi sẽ cung cấp các chọn lọc của những gì mà tôi tin là các văn bản thích đáng. Có thể tìm thấy tài liệu đầy đủ này tại trang web có tên là www.catholicliturgy.com.

“Chương III, Phần I. Phận vụ và thừa tác trong buổi cử hành

“22. Các nguyên tắc tham gia tích cực và có ý thức là, trong nghĩa nào đó, có ý nghĩa hơn đối với Thánh lễ được cử hành với thiếu nhi. Do đó, mọi nỗ lực nên được thực hiện để gia tăng sự tham gia này, và làm cho nó trở nên mãnh liệt hơn. Vì lý do này, càng nhiều trẻ em càng tốt có các phần việc đặc biệt trong buổi lễ: thí dụ, chuẩn bị địa điểm và bàn thờ (xem số 29), đóng vai trò là lĩnh xướng viên (cantor, xem số 24), hát trong ca đoàn, chơi nhạc cụ (xem số 32), công bố các bài đọc (xin xem số 24 và 47), trả lời trong bài giảng (xem số 48), đọc các lời nguyện tín hữu, mang lễ vật đến bàn thờ, và thực hiện các hoạt động tương tự, vốn là phù hợp với việc sử dụng nhiều người khác nhau (xem số 34).

“Để khuyến khích sự tham gia, đôi khi cần có thêm một số việc bổ sung, thí dụ, việc chèn thêm các lý do tạ ơn, trước khi linh mục bắt đầu đối thoại trong kinh tiền tụng.

“Trong tất cả điều này, cần chú ý rằng các hoạt động bên ngoài sẽ là vô ích và thậm chí có hại nữa, nếu chúng không phục vụ sự tham gia nội tâm của thiếu nhi. Vì vậy, sự thinh lặng thánh có tầm quan trọng của nó ngay cả trong Thánh lễ thiếu nhi (xem số 37). Các em không được phép quên rằng tất cả các hình thức tham gia đạt được đỉnh cao của chúng trong việc rước lễ, khi Mình Máu Chúa Kitô được tiếp rước như là sự nuôi dưỡng tinh thần.

“23. Trách nhiệm của linh mục cử hành Thánh lễ cho thiếu nhi là làm cho buổi lễ trở thành lễ hội, có tính gia đình, và chiêm niệm. Thậm chí còn hơn trong Thánh lễ với người lớn, linh mục là người tạo ra loại thái độ này, vốn phụ thuộc vào sự chuẩn bị cá nhân của ngài, và cách thức diễn xuất và nói năng với các người khác.

“24. Bởi vì Thánh Lễ luôn là hành động của toàn cộng đồng giáo hội, sự tham gia của một số người lớn là điều được mong muốn. Họ có mặt, không như người giám sát, nhưng là như người tham gia thật sự, cầu nguyện với thiếu nhi và giúp các em trong những gì cần thiết…

“Ngay cả trong Thánh lễ thiếu nhi, cần chú ý đến sự đa dạng của các thừa tác, sao cho Thánh lễ có thể nổi bật rõ ràng như là Thánh lễ của cả cộng đồng. Thí dụ, người đọc sách và lĩnh xướng, cho dù là thiếu nhi hoặc người lớn, nên được sử dụng đúng. Bằng cách này, nhiều giọng nói khác nhau sẽ làm cho các em không bị chán.

. “Chương III, Phần 5. Cử chỉ

“33. Xét bản chất của phụng vụ như một hoạt động của toàn thể con người và xét theo tâm lý học của thiếu nhi, sự tham gia qua các cử chỉ và tư thế nên được khuyến khích mạnh mẽ trong Thánh lễ thiếu nhi, nhưng cần phù hợp với độ tuổi các em và phong tục địa phương. Phần lớn phụ thuộc, không chỉ vào các hành động của linh mục, mà còn [29] vào cách thức mà các em tự hành xử như một cộng đồng….

“34. Trong số các hành động được xem xét trong phần 5 này, cuộc rước và các hoạt động khác, vốn liên quan đến sự tham gia thể lý, xứng đáng được quan tâm đặc biệt.

“Việc các em tham gia đoàn rước đi vào nhà thờ cùng với linh mục có thể giúp các em cảm nghiệm một cảm thức của sự hiệp thông đang được tạo ra. Sự tham gia của ít nhất một số trẻ em trong đoàn rước với Sách Tin Mừng làm cho rõ ràng sự hiện diện của Chúa Kitô đang công bố lời Chúa cho dân Ngài. Đoàn rước thiếu nhi với chén thánh và lễ vật diễn tả rõ ràng hơn giá trị và ý nghĩa của việc chuẩn bị lễ vật. Việc lên rước lễ trong đoàn rước, nếu được bố trí đúng cách, sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển lòng đạo đức của thiếu nhi.

“Chương III, Phần 6. Các yếu tố trực quan

“35. Phụng vụ Thánh Lễ chứa đựng nhiều yếu tố trực quan, và chúng rất là nổi bật đối với trẻ em. Điều này là đặc biệt đúng với các yếu tố trực quan đặc biệt trong quá trình của năm phụng vụ, thí dụ, tôn kính cây thánh giá, cây nến Phục Sinh, ánh sáng trong lễ Dâng Chúa vào Đền Thờ, và sự đa dạng màu sắc và các nghi thức phụng vụ.

“Ngoài các yếu tố trực quan, vốn thuộc về buổi lễ và địa điểm cử hành, cũng là thích hợp khi đưa thêm các yếu tố khác, để cho phép trẻ em cảm nhận trực quan các công trình tuyệt vời của Thiên Chúa trong sáng tạo và cứu chuộc, và do đó giúp các em cầu nguyện. Phụng vụ không nên xuất hiện như một thứ gì đó khô khan và chỉ đơn thuần là trí thức.

“36. Vì lý do tương tự, việc sử dụng tác phẩm nghệ thuật do chính trẻ em tự chuẩn bị có thể là hữu ích, thí dụ minh họa cho bài giảng, các diễn tả trực quan cho lời nguyện tín hữu, hoặc như là gợi ý cho suy tư.

“45. Trong các bản văn Kinh thánh, “Thiên Chúa đang nói với dân của Ngài… và Chúa Kitô hiện diện với các tín hữu qua lời Ngài”. Vì vậy, các quãng diễn Kinh thánh nên được tránh. Mặt khác, việc sử dụng các bản dịch, vốn có thể đã tồn tại cho huấn giáo thiếu nhi, và đã được huấn quyền chấp nhận, nên được khuyến khích.

“46. Các câu thánh vịnh, được lựa chọn cẩn thận phù hợp với sự hiểu biết của trẻ em, hoặc hát theo hình thức thánh vịnh hoặc Alleluia với một câu đơn giản, nên được hát giữa các bài đọc. Các em nên luôn có phần mình trong ca hát này, nhưng đôi khi một sự thinh lặng suy tư có thể thay thế cho ca hát….

Sau bài trả lời ngày 16-11-2010 của chúng tôi về việc phục vụ của các thầy phó tế, có người hỏi thêm như sau:

“Chúng con có một giáo xứ lớn ở ngoại ô với sáu Thánh lễ ngày Chúa Nhật. Mỗi Chúa Nhật thứ tư của tháng là ‘ngày giảng của các phó tế’, một sự kiện mà chúng con là các phó tế thường xuyên mong muốn với sự háo hức và nhiều niềm vui.

“Khi chúng con có ba phó tế, mỗi người giảng trong hai Thánh lễ. Điều này là rất tốt cho chúng con. Tuy nhiên, gần đây, Giám mục đã thuyên chuyển một phó tế qua giáo xứ khác. Chỉ còn lại hai phó tế giảng cho sáu Thánh lễ. Vấn để nổi lên là về cơ chế cho một phó tế phụ lễ trong ba Thánh lễ. Theo chúng con hiều, chúng con không nên phụ lễ, như là phó tế, hơn hai Thánh lễ trong một tuần lễ.

“Giải pháp mà chúng con đưa ra là chúng con phục vụ như là phó tế trong hai Thánh lễ, và chỉ giảng trong một Thánh lễ khác mà thôi. Chúng con xin nêu câu hỏi: Khi không phục vụ như là phó tế, ngoài việc giảng, chúng con được phép đọc bài Tin Mừng không? Hay là chủ tế công bố bài Tin Mừng? Hình như có sự trái ngược và kỳ dị trong trao đổi vai trò. Một linh mục – cha phó – nhấn mạnh cách thức này. Người bạn phó tế của con nói rằng chữ đỏ là rõ ràng: thầy phó tế, nếu có mặt, phải công bố bài Tin Mừng.

“Nếu phó tế không phải là phó tế phụ lễ, nhưng là phó tế giảng lễ, liệu phó tế này có 'hiện diện' theo đúng nghĩa của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) không?”

Đáp: Mặc dù câu hỏi này nói đến một tình huống đặc biệt, tôi sẽ nói như sau.

Tôi cho rằng nguyên tắc chung, nói không ai có thể Rước lễ nhiều hơn hai lần trong một ngày, cũng áp dụng cho các phó tế.

Trên cơ sở này, sẽ có khó khăn cho một phó tế phụ ba Thánh lễ trong một ngày. Đúng là không buộc phải rước lễ trong Thánh lễ thứ ba, nhưng sẽ thật kỳ lạ khi thực hiện tất cả các thừa tác phó tế mà lại không Rước lễ.

Tuy nhiên, không có lý do tại sao thầy không phục vụ trong một lễ tối ngày thứ Bảy và hai Thánh lễ ngày Chúa Nhật, hoặc ngược lại. Sự việc rằng cùng một phụng vụ được tuân giữ trong ngày thư Bảy và ngày Chúa Nhật, không vi phạm quy định, vốn cho phép không rước lễ quà hai lần trong một ngày.

Do đó, tôi tin rằng giả thiết của bạn đọc này, khi nói phó tế không phục vụ quá hai Thánh Lễ vào cuối tuần, là không đứng vững.

Đồng thời, tôi sẽ nói rằng nói chung sẽ là không phù hợp với các quy định cho một phó tế đọc bài Tin Mừng hay giảng thuyết, nếu thẩy không hoạt động tích cực trong Thánh lễ. Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 66, nói: “Người diễn giảng thông thường là chính vị chủ tế hay một trong các vị đồng tế được vị chủ tế nhờ, hay đôi khi, tuỳ nghi, là phó tế, nhưng không bao giờ là giáo dân. Trong những trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng, một Giám Mục hay một linh mục hiện diện trong buổi cử hành mà không đồng tế có thể đảm trách việc giảng” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang)

Vì vậy, trong khi Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma cho phép một trường hợp ngoại lệ, mà trong đó một Giám mục hoặc linh mục không đồng tế có thể giảng trong Thánh lễ, nhưng không ngoại lệ nào như vậy được nhắm cho một thầy phó tế cả. (Zenit.org 30-11-2010)

Nguyễn Trọng Đa