Bài giảng lễ an táng các nạn nhân vụ hoả hoạn tại Giáo Xứ Tân Hoà 22 - 3- 2005

Anh chị em thân mến!

Trong những ngày tang tóc vừa qua tôi cảm nhận một điều thật lớn lao từng hiện diện trong lòng dân tộc, đó là tính cách hoà bình của nền văn hoá mẹ, một nền văn hoá lấy triết lý mẹ làm cốt lõi.

Nền văn hóa Mẹ sản sinh ra nền văn hoá bầu bí. Nhắc đến văn hoá Mẹ là giống như mưa lớn gặp lúc triều cường tràn ngập nhiều miền vùng khác nhau. Văn hoá Mẹ là nền văn hoá tình thương, trọng tình hơn trọng lý. Có thể sánh ví Tình Yêu ấy là Tình Yêu Sáng Tạo, chính trong Tình Yêu Sáng Tạo mà các Thọ Tạo tìm thấy hạnh phúc trong yêu thương và được bảo tồn.

Dân gian tin rằng cả một nước là một đại gia đình, cùng chung huyết thống, cùng chung mái nhà Việt Nam. Dù thuộc sắc tộc này hay sắc tộc kia, họ đều có một mái nhà chung Việt Nam, một đất Mẹ nuôi nấng. Họ được gắn kết với nhau bằng dòng sữa Mẹ ngọt ngào ấy, nên rằng, người ta vẫn thường hằng khuyên nhau: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống mà chung một giàn”. Từ tâm lý hướng về Mẹ, người Việt đi đến triết lý Mẹ, Mẹ là người gia trưởng chứ không phải là cha. Luân lý phụ quyền là ảnh hưởng của Nho Giáo sau này.

Theo nguyên lý phát sinh, Mẹ là cội nguồn sinh ra các con cái, mẹ là người nuôi dưỡng, mẹ là người dạy dỗ, là người chăm sóc những đứa con từ mới sanh cho đến khi tới mộ. Không chỉ con người mới có mẹ, những vật vô tri vô giác kia cũng có mẹ: Mẹ đất, mẹ nước, mẹ lúa, mẹ rừng, mẹ sông, mẹ suối…Mẹ hiện diện khắp nơi, có mẹ mới có gia đình, đạo lý dân Việt là ở đó.

Từ văn hoá Mẹ lan rộng và ảnh hưởng sâu xa trong tâm thức dân Việt như ta thấy. Vào buổi sơ khai, những khi chưa có ngành khoa học phát triển để chống lại sự dữ, nguyên lý Mẹ trở thành bảo pháp, che chở, phù trì cho con cái. Mẹ, vì thế mang một uy quyền, sự dữ có mạnh như sóng gió nhưng cũng khép mình với mẹ sông, dã thú dù có hung tàn vẫn phải khép mình với mẹ núi. Chính vì thế mới có những thần sấm của đạo nhân nghĩa được vang lên bên bờ Sông Như Nguyệt: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo”. Triết lý Mẹ sản sinh ra lối sống hài hoà, yêu chuộng hoà bình, lấy nhân nghĩa để xử thế, đem con tim mà cai quản muôn dân. Lịch sử xưa nhiều lần ghi chép, mặc dầu chiến thắng Trung Hoa trên Đất Việt, vẫn đồng ý cống nạp những tượng vàng để đổi lấy an bình cho bờ cõi.

Đã không hằn thù nhưng còn nối những mối tình giao hảo. Đã không trả thù nhưng còn kết mối thâm giao. Tình yêu làm nên những trang sử kỳ vĩ ấy, đúc kết trong thần sấm tại sông Như Nguyệt. Chỉ có khát mong hoà bình là lớn hơn tất cả mọi khát mong.

Mẹ trở thành tín ngưỡng của dân Việt, ngọn nguồn và giáo lý của tín ngưỡng ấy thì mênh mông, không thể liệt kê, bởi vì, người Việt không theo đạo nhưng sống đạo. Sống đạo, chính vì thế mà không thể giới hạn chiều sâu, rộng, tầm cao, thấp nhưng bàng bạc trong đời sống, hình thành nên văn hoá bầu bí.

Bình thường lối xóm sống với nhau, nó có vẻ bình dị, một cuộc sống bình dị mà trong đó có cả những giận hờn, lẫn yêu thương. Đơn giản mà thật thà. Lúc có sóng gió, hoả hoạn như hôm 22 - 3 rồi mới thấy: Sau khi ngọn lửa bùng lên, người làng xóm đứng sững người như cây trồng chết khô, nhưng chỉ là một thời khắc ngắn ngủi, người nhà gọi nhau về, nhà mình không cháy thì lo cho nhà đang cháy. Nhà nhà mang thau chậu lấy hết những bình nước dự trữ để đem đến nơi cháy, không có máy móc hỗ trợ nhưng có tấm lòng để cứu nhau. Thanh nam thanh nữ chuyền tay nhau từng chậu nước, người gia trẻ bé, ai làm gì được cũng mong góp phần vào việc chữa cháy. Ngày thuờng việc ai nấy làm nhưng những khi hoạn nạn mới thấy rõ tình khu xóm, họ dám xả thân cho nhau, quên đi những bất hoà hiềm khích để cứu nhau. Khi đã không cứu nổi, mặt ai cũng man mác nỗi buồn.

Trong cơn hoạn nạn ấy có tất cả 11 căn nhà bị cháy, trong đó 6 căn tiêu rụi hoàn toàn, 3 căn tiêu rụi 50%, 2 căn tiêu huỷ 20%. Những gia đình bị nạn đã không kêu ca, đã không trách móc, mà còn cảm thông với sự mất mát của 4 người ra đi. Tình thương yêu của đất Mẹ một lần nữa sáng lên trong lòng người con Việt. Đã không hằn thù nhưng lại dạt dào tình cảm thông, đã không tức giận mà còn ước mong được chia sẻ mất mát. Họ âm thầm lặng lẽ với gia sản trắng tay mà không oán ghét. Tình thương mến ấy phải chăng như Thánh Vịnh 125 hôm nay nói tới:

“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng”.

Họ ra đi với gia sản trắng tay, nhưng tình thương mến của nhiều tổ chức và những cộng đoàn khác nhau tương trợ cứu giúp. Mất mát nhiều về của cải nhưng đổi lại được nhiều tình thân thương. Tâm hồn người Việt cao quý là vậy.

Có thể hiểu một cách rõ ràng bài Phúc Âm hôm nay, “Thầy ở đâu các con cũng ở đó với Thầy”. Một triết lý của tin mừng tình thương muốn diễn tả: Vui cùng vui khổ cùng chia. Muốn hoà hợp với đau khổ của người khác để chia sẻ cảm thông, muốn hạnh phúc của người khác được dồi dào và phong phú.

Tình thương là che chở là đùm bọc nhau, muốn ở gần mà không xa cách, muốn chia sẻ mà không giữ cho riêng mình.

Chúng ta biết rằng khi chia tay với cụ cố Vinh Sơn cùng với chị Teresa và anh Vinh Sơn hôm nay, chúng ta còn một chặng đường dài để giúp nhau ổn định lại cuộc sống. Ước mong tấm lòng dân Việt, tình làng nghĩa xóm hôm nay cũng mãi tuôn chảy trong lòng chúng ta.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan.