Thủ tướng Tân Gia Ba, Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) đã tạt gáo nước lạnh vào đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam khi ông chính thức nói Việt Nam đã “xâm lược” và “chiếm đóng” Cao Miên từ ngày 13/12/1978 đến tháng 06/1989.

Đáng chú ý là nhà lãnh đạo Tân Gia Ba không chỉ một lần dùng chữ “xâm lược” để nói về cuộc hành quân vào Cao Miên của Việt Nam mà hai lần liên tục trong vòng chưa đầy 24 giờ.

Lần thứ nhất diễn ra vào tối ngày 31/05/2019 khi Thủ tướng Lý Hiển Long đọc diễn văn khai mạc diễn đàn Đối thoại Shangri-La lần thứ 18, tổ chức tại Tân Gia Ba để thảo luận về an ninh Á châu-Thái Bình Dương.

Có khoảng 20 Bộ trưởng Quốc phòng, kể cả Hoa Kỳ, Trung Cộng, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (The Association of South East Asia Nations, ASEAN), Nhật, Nam Hàn, Pháp, Úc, Tân Tây Lan, Gia Nã Đại, đại diện Liên Hiệp Châu Âu và hàng trăm chuyên gia quân sự và các nhà nghiên cứu của 50 quốc gia tham dự cuộc họp quan trọng này.

Thủ tướng Lý nói :”After the Cold War ended, the US became the sole superpower. Southeast Asia entered a new phase. The Indochinese wars finally ended, and the communist countries opened up. Earlier, Vietnam had invaded Cambodia, thus posing a serious threat to its non-communist neighbours. But now Vietnam joined ASEAN, together with Cambodia, Laos and Myanmar.”

(Diễn văn khai mạc Đối thoái Shangri-La thứ 18)

(Tạm dịch: “Sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, Hoa Kỳ trở thành cường quốc duy nhất. Đông Nam Á đi vào kỷ nguyên mới. Cuối cùng cuộc chiến ở Đông Dương cũng chấm dứt, các nước Cộng sản mở cửa. Trước đó, Việt Nam đã xâm lược Cao Miên (hay còn gọi là Kampuchia, hoặc Kampuchea), đe dọa nghiêm trọng đối với các nước láng giềng không Cộng sản. Nhưng bây giờ Việt Nam đã gia nhập ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á), cùng với Cao Miên, Lào và Myanmar (tên cũ là Burma, Miến Điện).”

Phái đoàn Việt Nam do Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch dẫn đầu đã có mặt tại buổi lễ khai mạc, nhưng không thấy báo chí Việt Nam đưa tin về tuyên bố của Thủ tướng Lý, cũng không có phản ứng của phía Việt Nam tại Tân Gia Ba.

Sau đó, ngày 01/06 (2019), trong bức thư chia buồn gửi Thủ tướng Thái Lan, Prayut Chan-o-Cha, về sự qua đời của nguyên Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Quốc gia, Preme Tinsulanonda, nhà lãnh đạo Tân Gia Ba đã ca tụng sự nghiệp chính trị và tài lãnh đạo lỗi lạc của cố Thủ tướng Thái, đồng thời nhắc lại cuộc “xâm lược Cao Miên” của Việt Nam.

Báo The Straits Times trích lời Ông Lý viết:” Mr Lee said the region also benefited from Mr Prem's leadership, noting that Mr Prem's time as premier coincided with the five countries of Asean coming together decisively to resolutely oppose Vietnam's invasion of Cambodia.

"General Prem was resolute in not accepting this fait accompli. Supported by his able Foreign Minister, Air Chief Marshal Siddhi Savetsila, General Prem worked with Asean partners to support the resistance forces of the Coalition Government of Democratic Kampuchea from Thai territory, and to oppose the Vietnamese occupation in international forums.

"This effective collective resistance prevented a military invasion and regime change from being legitimised, and protected the security of other Southeast Asian countries. Eventually the invasion forces withdrew, a peace settlement was signed, and internationally supervised elections were held to elect a new Cambodian government.”

"This decisively shaped the subsequent course of Southeast Asia. It paved the way for Vietnam, Cambodia and Laos to join ASEAN, as partners in promoting the region's peace and development.”

(theo The Straits Times, ngày 01/06/2019)

(Tạm dịch:” Ông Lý nói rằng, khu vực cũng được hưởng sự nghiệp lãnh đạo của Ngài Preme. Trong thời gian ông giữ chức Thủ tướng cũng trùng hợp với việc năm Quốc gia của ASEAN đã cùng nhau khẳng định và quyết liệt chống cuộc xâm lược Cao Miên của Việt Nam.

“Tướng Preme cương quyết không chấp nhận như là việc đã rồi. Được hậu thuẫn bởi Bộ trưởng Ngoại giao, Tư lệnh Không quân Hòang gia Siddhi Savetsila, Tướng Preme đã làm việc với các Lãnh đạo của ASEAN để ủng hộ lực lượng kháng chiến của Chính phủ Liên hiệp Dân chủ Kampuchea từ lãnh thổ Thái, và chống lại cuộc chiếm đóng của người Việt Nam trên các diễn đàn Quốc tế.”

(Note: 5 nước nguyên thủy của tổ chức ASEAN gồm : Indonesia (Nam Dương), Malaysia (Mã Lai Á) , Singapore (Tân Gia Ba), the Philippines (Phi Luật Tân) và Thailand (Thái Lan).

“Hiệu quả của sự chống đối tập thể đã ngăn chặn cuộc xâm lược quân sự và sự thay đổi thể chế trở thành hiện thực, đồng thời bảo vệ an ninh cho các nước trong vùng Đông Nam Á. Lần hồi, lực lượng xâm lược phải rút lui, một giải pháp hòa bình được ký kết, và cuộc bầu cử có Quốc tế kiểm soát đã được tổ chức để bầu lên một Chính phủ Cao Miên mới.”

“Biến cố này đã mặc định hướng đi cho Đông Nam Á. Nó mở đường cho Việt Nam, Cao Miên và Lào gia nhập ASEAN, như là những thành viên cổ võ hòa bình và phát triển của khu vực.”

VIỆT NAM PHẢN ỨNG

Đây là lần đầu tiên, sau 30 năm kể từ khi Việt Nam rút quân khỏi Cao Miên là điều kiện bắt buộc của Trung Cộng, để được bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, một Nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã quay lại lịch sử để phơi ra sự thật mà đảng CSVN không bao giờ dám thừa nhận.

Vì vậy, Bộ Ngoai giao Việt Nam đã phải gấp rút phản ứng vào tối ngày 04/06 (2019), nguyên văn như sau:

“Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam trước phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Đối thoại Shangri-La và trên trang mạng cá nhân ngày 31-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam lấy làm tiếc đã có một số nội dung phát biểu phản ánh không khách quan thực tế lịch sử, gây tác động không tốt đến dư luận.

Bà Thu Hằng cho biết thêm Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao đổi với Bộ Ngoại giao Singapore về vấn đề này.” (theo Tuổi Trẻ Online, ngày 04/06/2019

Các báo của nhà nước CSVN cũng đồng loạt đăng lời tuyên bố của bà Hằng, dựa theo Bộ Ngoại giao rằng:"Đóng góp và hi sinh của Việt Nam trong việc cùng nhân dân Campuchia chấm dứt tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ là sự thật đã được thừa nhận rộng rãi. Ngày 16-11-2018, Toà án đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) đã ra phán quyết về tội ác diệt chủng chống nhân loại của Khmer Đỏ. Phán quyết đã phản ánh khách quan sự thật lịch sử, thực thi công lý, trả lại công bằng cho các nạn nhân, được Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế hoan nghênh"

Tuy nhiên, trong tuyên bố của mình, Thủ tướng Lý Hiển Long đã không đề cập đến lực lượng Khmer Đỏ và chế độ Pol Pot mà chỉ nêu lên sự thật của lịch sử là Việt Nam đã “xâm lược” và “chiếm đóng” Cao Miên trong 10 năm.

CHIẾN TRANH HỦY DIỆT

Đầu nằm nay (2019), đảng và nhà nước CSVN đã tổ chức kỷ niệm 40 năm “Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân, dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (07/01/1979- 07/01/2019)”

Dấu mốc lịch sử 40 năm cuộc chiến Cao Miên bắt đầu từ ngày 23/12/1978, khi khoảng 200,000 quân Việt Nam vượt biên giới để tấn công mở đường và yểm trợ lực lượng 20,000 lính của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, do Heng Samrin lãnh đạo và được Việt Nam yểm trợ, chiếm Thủ đô Nam Vang ngày 07/01/1979.

Mười ngày sau, 17/01/1979, quân Việt Nam là chính, đã kiểm soát gần hết lãnh thổ xứ Chùa Tháp. Pol Pot và Khmer đỏ, dù có Trung Cộng đứng sau lưng, đã phải rút quân về cố thủ dọc biên giới Thái Lan.

Để trả đũa thay cho Pol Pot, ngày 17/02/1979, lãnh tụ Trung Cộng Đặng Tiểu Bình, đã tung 600,000 quân vượt biên giới đánh vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái) và Lai Châu. Họ Đặng gọi cuộc hành quân là “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Ngày 14/3/1979, Trung Cộng rút hết quân về nước, nhưng sau đó lại mở mặt trận đẫm máu thứ hai ở vùng biên giới, đặt trọng tâm vào Vỵ Xuyên (Tỉnh Hà Tuyên) từ 1984 đến 1990 để chiếm hai vị trí chiến lược núi Lão Sơn (Laoshan, điểm cao 1059, Việt Nam gọi là núi Đất) và Giả Âm Sơn (điểm cao 1250,Việt Nam gọi là đồi 722) và các điểm cao chiến lược khác dọc biên giới hai nước. Việt Nam đã mất vĩnh viễn phần lãnh thổ quan trọng này kể từ ngày 14/07/1984.

Không có số lính và thường dân Việt Nam bị tử thương hay mất tích trong cuộc chiến biên giới Việt-Trung được Việt Nam công bố, nhưng từ lâu, nhiều nguồn tin phỏng định từ 28,000 đền 45,000 quân và dân đã thiệt mạng và mất tích. Riêng tại mặt trận Vỵ Xuyên (Hà Tuyên), con số binh sỹ tử thương đã ở lại vĩnh viễn nơi chiến trường khoảng từ 3,000 đến 5,000 người.

NGHĨA VỤ CHO AI, VÌ AI ?

Trong khi đó tại chiến trường Cao Miên, ngược với trông đợi Việt Nam sẽ rút quân sau khi đánh bật Pol Pot ra khỏi Nam Vang, quân Việt Nam đã sa lầy ở đó đến 10 năm. Cho đến khi sức cùng lực kiệt Việt Nam đã buộc phải rút quân từ tháng 06 năm 1989, trước áp lực cấm vận của Quốc tế và là điều kiện bắt buộc của Bắc Kinh nếu Hà Nội muốn nối lại bang giao.

Vậy Việt Nam đã được gì sau cuộc chiến gọi là “nghĩa vụ quốc tế” của lực lượng “tình nguyện” ở Cao Miên ? Hà Nội chẳng được gì, dù đã tổn thất khoảng 100,000 mạng sống gồm chết, bị thương và mất tích. Đất nước Cao Miên ngày nay, tuy quyền hành nằm trong tay cựu Trung đoàn trưởng Hun Sen, người được quân Việt Nam cứu và đưa trở lại Nam Vang nắm quyền sau Heng Samrin, đã nằm gọn trong tay Trung Cộng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Trung Hoa Hoa Tập Cận Bình đã có ảnh hưởng chính trị tuyệt đối với Cao Miên hơn cả Hoa Kỳ.

Ông Hun Sen đã nắm quyền lãnh đạo Campuchia 33 năm, sẽ tiếp tục được Bắc Kinh ủng hộ để thực hiện kế hoạch bành trướng “một vành đai, một con đường” của ông Tập Cận Bình, nhưng đồng thời cũng bao vây Việt Nam ở phía tây.

Một bài viết phổ biến trên Internet cho biết:”Là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Campuchia, Trung Quốc đã hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á này 11 triệu USD để tổ chức các cuộc bầu cử địa phương trong năm nay. Ở chiều ngược lại, chính phủ Campuchia mở cửa cho làn sóng đầu tư chưa từng có của các doanh nghiệp Trung Quốc. Hiện đã có 30 sòng bạc của doanh nghiệp Trung Quốc đi vào hoạt động ở Campuchia và 70 sòng bạc khác đang trong quá trình xây dựng.

Số lượng khách du lịch Trung Quốc đổ tới Sihanoukville, thành phố vốn chỉ có 90.000 dân, tăng gấp đôi trong vòng hai năm 2016-2017. Mọi nhà hàng, khách sạn, ngân hàng, cửa hàng mua sắm miễn thuế, siêu thị và ngân hàng ở Sihanoukville đều trưng biển hiệu viết bằng tiếng Trung Quốc.”

Theo thống kê, năm 2017 Việt Nam đã dầu tư ở Cao Miên 184.5 triệu Mỹ kim, so với 501.5 triệu của Trung Cộng.

Ngoài mất ảnh hưởng chính trị vì không có khả năng kinh tế và tài chính bao bọc cho Hun Sen bằng Trung Cộng, đảng cầm quyền CSVN còn phải đối phó với mối hiềm khích lịch sử dai dẳng với Cao Miên về tranh chấp lãnh thổ và chủng tộc. Dù ngoài mặt thân thiện, nhưng trong thâm tâm, người Miên vẫn lạnh nhạt với người Việt Nam. Nó giống hệt như mối thù tiềm ẩn không bao giờ ra khỏi máu người Việt đối với Trung Quốc mỗi khi người Việt nhớ đến cuộc tấn công vào 6 Tỉnh biên giới của Đặng Tiểu Bình năm 1979 để không quên rằng Việt Nam đã từng bị người Tầu đô hộ 1,000 năm trong nhiều Thế kỷ trước.

Do đó, khi tổ chức kỷ niệm chiến thắng Pol Pot-Khmer đỏ tại Hà Nội ngày 05/01/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam đã ngụ ý kỷ niệm chiến thắng quân Khmer đỏ ở mặt trận biên giới Tây Nam là chính, sau đó mới đến chuyện đánh bật Pol Pot và Khmer đõ khỏi Thủ đô Nam Vang ngày 07/01/1979.

Ông Phúc muốn lồng 2 hành động vào một khung là muốn tránh mở lại vết thương xung đột với Trung Cộng vì Bắc Kinh đã để mất quân bài Pol Pot trước cuộc tấn công của quân Việt Nam.

Hơn nữa khi Thủ tướng Việt Nam gọi lễ kỷ niệm là “Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân, dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (07/01/1979- 07/01/2019)” còn ngụ ý muốn thanh minh quân Việt Nam vượt biên vào Cao Miên 40 năm trước không phải là hành động “xâm lược chiếm đóng” như đã có lần bị chính Nhà vua Norodom Sihanouk tố cáo tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Ông Phúc muốn mọi người hiểu rằng Việt Nam chỉ phản công hành động đánh phá của Pol Pot-Khmer đỏ, và tình nguyện giúp người Miên thoát khỏi chế độ diệt chủng.

Ông Phúc nói:”Sau khi đập tan chiến tranh xâm chiếm biên giới Tây Nam - Việt Nam của Tập đoàn phản động Pôn Pốt, theo yêu cầu của cách mạng Campuchia, Việt Nam đã đưa quân tình nguyện sang giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng dân tộc khỏi nạn diệt chủng, khôi phục, xây dựng đất nước. Đến ngày 7/1/1979 thủ đô Phnôm Pênh đã được giải phóng. Đây là Chiến thắng có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại, từ đó nhân dân Campuchia hoàn toàn thoát khỏi chế độ diệt chủng, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, dựng xây đất nước.”

Nhóm chữ “cách mạng Campuchia” mà ông Phúc nhắc đến là tổ chức “Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia” được Việt Nam yểm trợ thành lập do Heng Samrin lãnh đạo và Hun xen là Ủy viên.

Báo chí Việt Nam, theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo đảng và Bộ Thông tin và Truyền thông, đã viết bài ca tụng quân đội Việt Nam đã “hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang.”

Nhưng trong khi kỷ niệm 40 năm chiến thắng mặt trận biên giới Tây Nam và giải phóng Cao Miên khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot được tổ chức cấp nhà nước thì trong 39 năm qua, những hy sinh cao cả và đẫm máu của quân-dân 6 tỉnh biên giới trong cuộc chiến chống quân Tầu xâm lược 1979-1990 đã bị đảng cầm quyền CSVN cố tình làm ngơ.

Chính phủ Việt Nam còn ra lệnh chống phá, ngăn cấm mọi cố gắng tự phát của cựu chiến binh và người dân muốn tổ chức truy điệu và dâng hương ghi ơn quân-dân đã nằm xuống trong cuộc chiến hào hùng này.

Đảng và nhà nước CSVN còn kỳ thị và cấm tổ chức ghi công và truy điệu 74 Chiến sỹ Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã bỏ mình trong cuộc chiến chống quân Tầu xâm chiến Hoàng Sa tháng 01/1974.

Như vậy, với biến cố Thủ tướng Lý Hiển Long của Tân Gia Ba nói về “xâm lược” và “chiếm đóng” Cao Miên của đảng CSVN, sẽ chẳng ngạc nhiên nếu có ngày cái gọi là “giải phóng miền Nam” hay “chống Mỹ cứu nước” bị rơi mặt nạ trước lịch sử “xâm lăng” Việt Nam Cộng hòa. -/-

Phạm Trần

(06/019)