III. “Một khai mở nhỏ”

Tuy nhiên, sự kiện Vatican II đã xảy ra, ngược với mọi chống đối mạnh mẽ như trên, đủ để chứng thực niềm hy vọng, cả nửa thế kỷ sau, rằng Giáo hội có thể sống sót cơn suy sụp đạo đức hiện thời của giai cấp lãnh đạo của nó. Đó là niềm hy vọng được khơi dậy bởi sự xuất hiện vào năm 2013 của vị giáo hoàng xuất thân từ Á Căn Đình. Chúng ta sẽ cố gắng quên đi các thất bại rõ ràng của Đức Phanxicô, sáu năm sau khi làm giáo hoàng của ngài, và nhớ lại những gì làm cho những khả thể ban đầu đó trở nên hấp dẫn đến thế, không những chỉ đối với các tín hữu mà còn đối với nhiều người đã từ bỏ tôn giáo.

Với tôi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, lúc đầu, dường như giống một người đến để giải cứu. Tôi nghĩ đến những lời đầu tiên đơn giản đến ngạc nhiên của ngài từ ban công Nhà Thờ Thánh Phêrô ngay sau khi được bầu: “Fratelli e sorelle, buonasera!” (anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi tối!). Ngài không sử dụng đôi giầy nhung đỏ hay cung điện giáo hoàng. Ngài ôm và hôn đôi chân phồng rộp của một tù nhân Hồi giáo trong nhà tù Rôma và hành hương tới biên giới Hoa Kỳ-Mễ Tây Cơ. Ngài mở cánh cửa vào Cuba và đóng lại thứ xung lực Công Giáo cổ xưa muốn cải đạo người Do Thái. Ngài từng lập luận rằng tôn giáo không phải là một doanh nghiệp có tổng số bằng số không (zero-sum enterprise), nghĩa là sự thật của một đức tin phải gây thiệt hại cho sự thật của các tín ngưỡng khác. (ngài nói với một nhà báo “Chủ nghĩa cải đạo là điều vô nghĩa long trọng”). Ngài đã ban hành một thông điệp thúc đẩy việc chăm sóc môi trường hoàn cầu, và mang lại một nền tảng thần học cho nỗ lực này.

Đức Giáo Hoàng khởi đầu như một nhà khoa học, cố gắng giải quyết các giả định cũ về cuộc đụng độ giữa niềm tin tôn giáo và cuộc tìm tòi thuần lý. Nhà hóa học trở thành tu sĩ Dòng Tên có lẽ đã quen thuộc với nguyên tắc thay đổi mô hình (paradigm shift) - tức việc lật ngược bằng chứng mới của khuôn khổ khoa học đang thịnh hành. Các ý tưởng đã thành hình mãi mãi ở trên con đường trở nên bất ổn. Tôn giáo cũng vậy. Đức Phanxicô tin các “điều nền tảng” của truyền thống, đây là lý do tại sao một số lượng lớn người sùng đạo truyền thống nhìn nhận ngài là người của họ. Nhưng ngài tin các điều nền tảng một cách khá lỏng lẻo. Trong cuốn sách “Tên của Thiên Chúa là Lòng thương xót”, Đức Phanxicô khám phá mối liên kết giữa các ý tưởng chuyên biệt có tính tôn giáo và các mối quan tâm mà mọi con người nhân bản đều có chung. Bằng cách công khai đo lường những gì ngài nói, làm và tin so với tiêu chuẩn đơn giản của lòng thương xót – vốn là “thẻ căn cước của Thiên Chúa - Đức Phanxicô luôn vượt qua các giới hạn trong chủ trương của ngài.

Có một chân trời chưa được xác định – ta hãy gọi nó bằng cái tên cũ – của thể thánh thiêng, thể mà con người nhân bản vẫn hướng tới theo bản năng. Nhưng ngày nay niềm khao khát siêu việt như vậy hiện hữu ở bên ngoài các phạm trù duy thần và vô thần. Đức Phanxicô phần nào làm hiệu hướng về phía chân trời đó với một tài hùng biện bẩm sinh. Ngài đưa ra ít thông điệp giải thích hơn là một lời mời khám phá. Đối với Đức Phanxicô, việc hiểu vai trò của ngài không phát xuất từ ý thức hệ (ngài không phải là một người “cấp tiến”) mà từ những mối liên hệ lâu dài và mật thiết với người nghèo và người vô gia cư. Nơi những người bị loại bỏ ở Buenos Aires, ngài đã nhận ra, như chính ngài nói, “mọi người bị bỏ rơi trên thế giới của chúng ta”.

Các nhà phê bình Đức Phanxicô đã tìm thấy nhiều lý do để đẩy lùi các sáng kiến của ngài. Ngài từng bị tấn công bởi những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản thị trường tự do không giới hạn và bởi những người cuồng tín khinh miệt việc ngài đánh giá cao Hồi giáo. Steve Bannon, cựu cố vấn của Tổng thống Donald Trump, đã tấn công Đức Phanxicô vì ngài đã chỉ trích chủ nghĩa dân túy duy quốc gia (và Đức Phanxicô gây phẫn nộ nơi một số giới; ngài bị họ coi như hiện thân của xác tín chống Trump). Nhưng bên trong Giáo hội, sự chống đối quyết liệt nhất phát xuất từ những người bảo vệ chủ nghĩa giáo sĩ trị - cột sống của quyền lực nam giới và là thành lũy chống lại bất cứ sự nới lỏng nào đối với các thực hành tình dục vốn bảo vệ nó. Trong cộng đồng Công Giáo rộng lớn hơn, vấn đề gây chia rẽ là vấn đề cho phép những người ly dị tái hôn được Rước lễ. Vấn đề này đã chia rẽ hàng giáo phẩm một cách nghiêm trọng, và Đức Phanxicô đã đứng về phía những người muốn thay đổi quy luật. Ngài từng nói, “Giáo hội không hiện hữu để kết án người ta, nhưng mang đến một cuộc gặp gỡ với tình yêu thâm căn hay thương xót của Thiên Chúa. Không cho những người đang bị vây khốn niềm an ủi của rước lễ vì một tín lý trừu tượng là tiến gần đến sự tàn nhẫn. Có lần, Đức Phanxicô từng giải thích rằng “Ngay cả khi tôi thấy mình trước một cánh cửa khóa kín, tôi vẫn luôn cố gắng tìm một chỗ nứt, một khe hở nhỏ xíu, để tôi có thể cạy mở cánh cửa đó ra”.

Nhưng cánh cửa đặc thù này - việc rước lễ dành cho người ly dị và tái hôn - đã mở toang hàng loạt các vấn đề được cuộc cách mạng tình dục đặt ra, một cuộc cách mạng đã làm to chuyện các giới hạn của nền thần học luân lý của Giáo Hội cả một thế kỷ nay. Khi trí tưởng tượng Công Giáo, dưới ảnh hưởng của thánh Augustinô, đã quỉ quái hóa sự bồn chồn náo nức tình dục vốn được xây dựng trong thân phận con người, tiết dục (self-denial) được đề xuất như một cách đạt hạnh phúc. Nhưng việc từ bỏ tình dục như một tiêu chuẩn đạo đức đã sụp đổ nơi người Công Giáo, không phải vì các áp lực từ chủ nghĩa duy hưởng lạc của “thế tục” hiện nay mà vì sức nặng vô nhân đạo và phi lý của nó. Cuộc tranh cãi trong hàng giáo phẩm của Giáo hội về ly dị và tái hôn đã dẫn đến một nỗ lực muộn màng muốn bắt nhịp với số lượng lớn lao các giáo dân Công Giáo đã thay đổi suy nghĩ của họ về chủ đề này - bao gồm nhiều người ly dị và tái hôn đơn giản không chịu để mình bị tuyệt thông, bất kể các giám mục nói gì.

Các nhà phê bình Đức Giáo Hoàng, trong số các đồng giáo phẩm của ngài, đã dấn thân vào âm mưu, rao truyền tin đồn, rò rỉ, và công khai thách thức - một cố gắng tập hậu liều lĩnh nhằm làm suy yếu một giáo hoàng bị coi là không đủ cam kết để bảo vệ quyền lực giáo sĩ. Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, trước đây là Khâm sứ Tòa thánh ở Washington, D.C., đã phục kích Đức Phanxicô trong khi ngài đang hành hương ở Ái Nhĩ Lan, công bố một lá thư cho rằng chính Giáo hoàng đã che đậy hành vi lạm dụng của hàng giáo sĩ. Viganò đã phục kích Đức Phanxicô trước đó, trong chuyến ngài viếng thăm Washington năm 2015, bằng cách sắp xếp một cuộc gặp riêng với thư ký tòa án Kentucky, người đã từ chối cấp giấy chứng nhận hôn nhân cho các cặp đồng tính. Viganò được sự hỗ trợ của kẻ thù người Hoa kỳ của Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Raymond Burke, người đã hợp tác với Bannon trong việc cổ vũ một trường cánh hữu nhằm đào tạo “các đấu sĩ” thần học ở Ý. Điềm báo trước các sự kiện này là một bức thư của 13 Hồng Y trước thượng hội đồng năm 2015 gửi cho Đức Giáo Hoàng và sau đó bị rò rỉ; bức thư này cảnh báo chống lại bất cứ thay đổi nào về vấn đề ly dị và tái hôn. Các người chỉ trích giống các vị này lo lắng rằng sự thay đổi trong kỷ luật của Giáo hội đối với vấn đề đơn nhất này sẽ dọn đường – cho hàng loạt thay đổi khác liên quan đến vấn đề tình dục, giới tính, và thực sự toàn bộ thế giới quan Công Giáo. Về điều này, những người bảo thủ đúng.

Một lần nữa, tất cả các điều trên chỉ tay vào chính chức linh mục và nền tảng thần học của nó. Đó là mấu chốt của vấn đề. Trong nhiều năm, tôi đã không chịu từ bỏ đức tin của tôi vì các tha hóa của Giáo hội định chế, nhưng giờ đây, các quan chức và điều tra viên tự phục vụ mình của Vatican không phải là vấn đề nữa. Mà là chính các linh mục.

IV. Nền văn hóa bác bỏ

Cơ thể biết khi nào nó yêu, và cơ thể biết khi nào nó bị mắc kẹt vào một điều gì đó vượt quá sức chịu đựng. Vào mùa hè năm ngoái, cơ thể tôi đã biết, khi các tiết lộ ở Ái Nhĩ Lan kích hoạt cả một sự sụp đổ đức tin đau lòng.

Bị thách thức bởi sự ô nhục của đồng minh thân cận của mình, tức Hồng Y Theodore McCarrick của Washington, hiện đã bị cởi áo dòng; bởi các lời cáo buộc, như của Viganò, về sự đồng lõa của mình trong việc che đậy lạm dụng tình dục; và bởi sự đổ nát luân lý của Giáo hội trên khắp thế giới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đáp ứng bằng cách im lặng, phủ nhận và triệu tập một cách như thường lệ các vị mặc áo đỏ thẫm về Rôma.

Các sự kiện trong các tháng tiếp theo chỉ làm tăng qui mô thất bại của Giáo Hội. Với một sự bình thản làm người ta phát điên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi trả lời câu hỏi của phóng viên đầu năm nay, đã thừa nhận rằng việc các nữ tu bị các linh mục và giám mục hãm hiếp vẫn là một vấn đề Công Giáo chưa được giải quyết hơn cả. Ở Châu Phi, mà trước đây, AIDS trở nên phổ biến, các linh mục bắt đầu ép các nữ tu trở thành người phục vụ tình dục, bởi vì, là trinh nữ, họ có thể sẽ không mang vi khuẩn HIV. Người ta tường trình rằng các linh mục như vậy thường tài trợ việc phá thai khi các nữ tu mang thai. Đức Phanxicô nói một cách bình thản “Đúng là có nhiều linh mục và giám mục đã làm như thế”. Các nữ tu đã lên tiếng ở Ấn Độ để buộc các linh mục tội hiếp dâm. Hồi tháng Tư, một giám mục đã bị buộc tội hãm hiếp và giam cầm bất hợp pháp một nữ tu, người mà ông ta bị cáo buộc đã tấn công thường xuyên trong hai năm, tại tiểu bang Kerala ở miền Nam. (Vị giám mục này đã bác bỏ các cáo buộc). Nữ tu này nói rằng bà chỉ báo cáo giám mục cho cảnh sát sau khi kêu cứu Giáo quyền nhiều lần nhưng bị phớt lờ.

Hồi tháng Hai, một tường trình của Washington Post cho rằng ở đầu triều đại giáo hoàng của ngài, Đức Phanxicô đã biết về việc giáo sĩ lạm dụng có hệ thống các trẻ em đang ở trong các viện dành cho người điếc ở Argentina, nhiều thập niên trước đây. Khởi đầu, việc lạm dụng được đưa ra ánh sáng không phải bởi các viên chức Giáo hội mà bởi các thẩm quyền dân sự. Các nạn nhân bị điếc báo cáo rằng họ không được khuyến khích học ngôn ngữ ký hiệu, nhưng dấu hiệu bằng tay thường được sử dụng bởi các linh mục lạm dụng là ngón trỏ để trên môi: có nghĩa phải im lặng.

Cùng tháng đó, Vatican đã buộc phải thừa nhận rằng họ đã có những qui thức bí mật đã thiết lập từ lâu để xử lý “các đứa con của những người được tấn phong”. Theo các qui thức này, linh mục nào vi phạm lời khấn sống độc thân và làm cha một đứa trẻ, thì được khuyến khích bỏ chức linh mục để “đảm nhận trách nhiệm làm cha của mình, nhưng không hề bắt buộc phải làm như vậy. Một chuyên gia Vatican tuyên bố rằng việc làm cha một đứa con của linh mục không phải là “một tội ác theo giáo luật”.

Về phần McCarrick, vị Hồng Y này đã bị tòa án Vatican thấy là có tội lạm dụng trẻ vị thành niên và bị trừng phạt bằng cách bị tước mất tư cách giáo sĩ. “Việc bị giáng xuống bậc giáo dân”, đối với các giáo sĩ, vốn được mô tả như tương đương với án tử hình. Sự thực, hình phạt được cho là nhục nhã này chỉ có nghĩa là McCarrick giờ đây chia sẻ địa vị thế tục của mọi người không được tấn phong trên hành tinh này. Ở đây, cũng vậy, chủ nghĩa giáo sĩ trị vẫn đang thống trị: Bởi vì một linh mục bị cởi áo dòng vẫn giữ được ưu thế của mình “về phương diện hữu thể học”, nên sự sỉ nhục hệ ở việc người ta làm cho hữu thể ông xuất hiện và sống như mọi người khác, một điều tự nó cho thấy đẳng cấp giáo sĩ tri nhận hàng giáo dân như thế nào.

Một tín hiệu về điều người ta có thể mong đợi từ cuộc họp các giám mục ở Rôma đã phát xuất vào tháng Hai từ chính Đức Phanxicô, người, vào hôm trước cuộc tụ họp, đã tấn công những người bị ngài gọi là “những kẻ tố cáo”. Ngài nói một cách giận dữ “những kẻ suốt đời buộc tội, buộc tội và buộc tội là... đều là bạn, anh em họ và thân nhân của ma quỷ". Lời công kích kịch liệt bắn lia bắn lịa đó dường như nhắm vào cả các nạn nhân tìm kiếm công lý lẫn các nhà phê bình cánh hữu, những người rõ ràng đã nhắm vào ngài. Tại cuộc họp, các giám mục đã ngoan ngoãn sử dụng các khẩu hiệu như minh bạch và thống hối, nhưng lại không thiết lập các cơ cấu phòng ngừa và giải trình trách nhiệm mới. Một sắc lệnh ban hành hồi tháng 3 làm cho việc tường trình các cáo buộc lạm dụng thành bắt buộc, nhưng nó chỉ áp dụng cho các viên chức của thị quốc Vatican và các nhà ngoại giao của nó, và báo cáo không phải cho chính quyền dân sự mà cho các viên chức khác của Vatican. Đức Phanxicô tuyên bố “một trận chiến toàn diện” chống lại việc giáo sĩ lạm dụng và nói rằng Giáo hội phải bảo vệ trẻ em “khỏi những con sói hung dữ”. Nhưng ngài không nói gì về việc ai nuôi dưỡng những con sói như vậy hay ai thả chúng ra. Tồi tệ hơn, ngài làm chệch hướng bản chất chuyên biệt Công Giáo của nỗi kinh hoàng này bằng cách nhận định rằng việc lạm dụng trẻ em và trục trặc tình dục xảy ra ở khắp mọi nơi, như thể tội ác của hàng giáo sĩ Công Giáo không quá tệ. Xuất hiện như một dấu chấm câu, chỉ một ngày sau khi cuộc họp của Vatican ngưng, là một tường trình đầy đủ từ Úc về vấn đề của Đức Hồng Y George Pell. Trước đây là người đứng đầu ngành tài chính của Vatican và là một trong những cố vấn thân cận nhất của Đức Phanxicô, Đức Hồng Y Pell đã bị kết tội xâm phạm tình dục hai cậu bé giúp lễ trong phòng áo ngay sau khi chủ tế Thánh Lễ.

Ở Châu Mỹ và Châu Phi; ở Châu Âu, Châu Á và Châu Úc, bất cứ nơi nào có các linh mục Công Giáo, đều có những đứa trẻ bị làm mồi và bị liệng qua một bên. Nếu không có các nhà báo và luật sư mở cuộc thập tự chinh, việc lạm dụng tình dục trẻ em của các linh mục Công Giáo vẫn sẽ bị giấu kín, và tràn lan. Một cơ cấu quyền lực chỉ phải giải trình trách nhiệm với chính mình sẽ luôn luôn lạm dụng những kẻ vô quyền. Theo một nạn nhân, Hồng Y Law của Boston, trước khi bị buộc phải từ chức vì hỗ trợ các linh mục săn mồi, đã cố gắng làm anh ta câm miệng bằng cách nại đến ấn tòa thánh thiêng: Ấn tay vào đầu người này, Hồng Y Law nói: “tôi buộc anh, bởi quyền lực tòa giải tội, không được nói với bất cứ ai khác về điều này”.

Một linh mục đã làm điều ấy. Đó là sự công nhận có tính quyết định. Việc lạm dụng trẻ vị thành niên xảy ra ở nhiều nơi, đúng, nhưng sự vi phạm như vậy của một linh mục hiện hữu ở một trật tự khác, và không chỉ đơn giản vì tầm mức hoàn cầu của nó. Đối với người Công Giáo, các linh mục là bí tích sống động của sự hiện diện của Chúa Kitô, được ủy quyền trước hết để truyền phép bánh và rượu, một điều vốn xác định ra linh hồn của đức tin. Biểu tượng này của Chúa Kitô đã xuất hiện để đại diện cho một điều hết sức xấu xa. Ngay khi tôi viết câu này, tôi nghĩ tới những người đàn ông tốt lành mà tôi đã phụ thuộc để thi hành thừa tác vụ linh mục trong nhiều năm, và họ có thể coi kết luận của tôi như sự phản bội của một người bạn. Nhưng sự tha hóa định chế của chủ nghĩa giáo sĩ trị vượt quá mối quan tâm đó, và nỗi lo lắng nên được dành cho các nạn nhân của các linh mục. Sự đau khổ của họ phải là thước đo vĩnh viễn mọi đáp ứng của chúng ta.
Trong khi một số lượng nhỏ các linh mục là những kẻ ấu dâm, thì rõ ràng là một số lượng lớn hơn nhiều đã nhìn đi hướng khác. Một phần, đó có thể là do nhiều linh mục đã tự thấy không thể giữ lời thề độc thân, bất kể là thỉnh thoảng hay liên tục. Những người đàn ông như vậy đã thỏa hiệp một cách sâu xa. Đồng tính hay dị tính, nhiều linh mục hoạt động tình dục tán thành một cơ cấu bất trung bí mật, một âm mưu bất toàn chắc chắn làm suy yếu việc họ tuân giữ luân lý.

Ở bình diện sâu xa hơn, các giáo sĩ Công Giáo có thể chần chừ, không phán xét các đồng nghiệp săn mồi của họ, bởi vì một linh mục, ngay cả khi là một người chính trực hoàn toàn, vẫn luôn dễ bị tổn thương đối với cảm giác thiếu sót đối với lý tưởng bất khả thi: là trở thành một “Chúa Kitô khác”. Trong một hệ thống như vậy, đâu là chỗ dành cho con người nhân bản? Tôi nhớ các bậc thầy tĩnh tâm thường trích dẫn Kinh thánh để khích lệ các linh mục chúng tôi trong những ngày ở chủng viện “phải hoàn thiện, thậm chí như Cha trên trời của anh em là Đấng Hoàn thiện”. Chúng tôi được cho biết, sự hoàn thiện về luân lý là một mệnh lệnh của ơn gọi. Việc một lời nói khéo nhằm đề cao như thế phát xuất từ những người đàn ông rõ ràng không hoàn hảo đã không làm gì được để giảm nhẹ gánh nặng trong lời khuyên. Do kinh nghiệm bản thân, tôi biết các linh mục được mớm lời để bí mật cảm thấy mình không xứng đáng như thế nào. Dù nguyên nhân của nó là gì, nền văn hóa mặc cảm tội lỗi của giáo sĩ về sự thiếu sót đạo đức đã khiến tất cả các linh mục đều im lặng che dấu sự rối loạn sâu xa trong thân phận của mình. Nền văn hóa phụ đó đã có giấy phép, được bảo vệ và cho phép những người đàn ông xấu xa mặc áo thầy tu đó sẵn sàng khai thác người trẻ.

Chính chức linh mục là điều độc hại, và nay tôi thấy chính việc phục vụ của riêng tôi cũng thế. Thói quen nhìn đi chỗ khác đủ phổ quát để giữ tôi ở lại hồi đó. Khi tôi còn là tuyên úy tại Đại học Boston, đồng nghiệp cùng làm việc ở khuôn viên đại học với tôi, tuyên úy tại Học Viện Tiểu bang tại Boston, là một linh mục tên là Paul Shanley, người mà hầu hết chúng ta đã xem như một anh hùng vì việc làm của ông trong tư cách người giải cứu các trẻ bụi đời. Trên thực tế, ông là một kẻ lạm dụng tham lam các trẻ bụi đời và nhiều người khác, sau khi bị tờ The Boston Globe vạch trần, đã thụ án 12 năm tù. Nó ám ảnh tôi vì tôi mù quáng trước sự săn mồi của ông, và do đó đồng lõa trong một nền văn hóa cố ý không biết và bác bỏ.

Một cách xảo quyệt, sự cố ý không biết không chỉ phát xuất từ các giáo sĩ mà cả một số lượng lớn tín hữu. Tôi đã lưu ý đến sự coi thường rộng rãi của người Công Giáo đối với các giáo huấn của Giáo hội về ly dị và tái hôn, nhưng về vấn đề ngừa thai nhân tạo, sự bất đồng của người Công Giáo thậm chí còn bi thảm hơn nữa: đối với hai thế hệ trước đây, như sinh suất của người Công Giáo đã cho thấy rõ, đại đa số thành viên của Giáo Hội đã phớt lờ lệnh cấm trang trọng về luân lý của hàng giáo phẩm - không phải trong tinh thần đối kháng tích cực mà như thể lệnh cấm này không hề hiện hữu. Người Công Giáo nói chung quả đã hoàn thiện hóa nghệ thuật nhìn đi chỗ khác.

Kỳ tới: V. "Thầy ở đó"