Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Brazil bàng hoàng trước vụ tấn công nhắm vào một linh mục trong thánh lễ truyền hình trực tiếp

Hôm Chúa Nhật 14 tháng Bẩy, một linh mục người Brazil rất được ưa chuộng tại quốc gia này vì những bài giảng sôi nổi và lôi cuốn của ngài đã bị một phụ nữ hất mạnh từ một sân khấu văng xuống đất trong một thánh lễ tại Cachoeira Paulista, São Paulo.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là thánh lễ với sự tham dự của hơn 50,000 bạn trẻ và được trực tiếp truyền hình.

Hàng triệu người đã chứng kiến cảnh cha Marcelo Rossi bị một người đàn bà to con xô văng xuống từ trên khán đài trong khi ngài đang say sưa giảng cho các bạn trẻ vừa kết thúc một tuần linh thao vào dịp hè. Người ta có thể nghe rõ tiếng kêu vì đau đớn của cha Marcelo khi ngài bị té xuống đất.

Biến cố tấn công bạo lực một linh mục như thế gây ra những xúc động mạnh tại quốc gia này. Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro, đã bày tỏ tình liên đới với cha Marcelo trong một tweet ngay sau đó. Ông viết: “Tất cả chúng ta bày tỏ tình đoàn kết với Cha Marcelo Rossi, và xin Chúa che chở cho Brazil.”

Vụ việc xảy ra lúc gần 3 giờ chiều sau khi người phụ nữ 32 tuổi này vượt qua được hàng rào an ninh và chạy băng ngang qua khán đài, cố ý hất cho cha Marcelo Rossi té xuống.

Cha Marcelo Rossi được thông tấn xã AP mệnh danh là một “linh mục ngôi sao nhạc pop”, đã được thụ phong linh mục vào năm 1994. Ngài nổi tiếng có tài thuyết giảng. Các sách đạo đức của ngài được bán ra hàng triệu bản.

Người phụ nữ, đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ, được tường thuật là bị bệnh tâm thần. Sau khi xô được cha Marcelo, cô ta nở một nụ cười rất khó hiểu.

2. Đức Thánh Cha ngậm ngùi về một chuyện diễn ra ở quê hương 25 năm trước

“25 năm đã trôi qua kể từ sau thảm kịch, cứ đến ngày 18 tháng 7, tôi lại ngậm ngùi nhớ đến trong tâm hồn mình gia đình các nạn nhân, cả người Do Thái và các tín hữu Kitô.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết như trên trong bức thư gửi đến một trung tâm Do Thái ở Á Căn Đình nhân kỷ niệm 25 năm một vụ đánh bom khủng bố khiến 85 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Trung tâm Do Thái Asociación Mutual Israelita Argentina, nghĩa là Hiệp Hội Do Thái Á Căn Đình, viết tắt là AMIA, có trụ sở tại Buenos Aires, đã bị phá hủy bởi một cuộc tấn công khủng bố vào ngày 18 tháng Bảy năm 1994, giết chết 85 người và làm bị thương hơn 200 người khác.

Trong lá thư vừa được Vatican News công bố, Đức Thánh Cha đã chỉ trích “sự điên rồ khi nhân danh tôn giáo phá hủy cuộc sống và hy vọng”. Ngài xem đó như một sự “báng bổ danh thánh Thiên Chúa”.

“Chúng ta biết rõ rằng tôn giáo không xúi giục bạo lực và đưa đến chiến tranh, nhưng chính là bóng tối trong trái tim của những kẻ thực hiện các hành vi vô lý này mới là thủ phạm”, ngài nói.

Trong thư, Đức Thánh Cha bảo đảm với gia đình các nạn nhân rằng ngài luôn cầu nguyện cùng Chúa cho phần rỗi đời đời của những người thiệt mạng trong hành động điên rồ này, Đức Thánh Cha cũng nói rằng: “Tôi cũng cầu nguyện cho những người sống sót sau vụ nổ làm tổn thương cơ thể và tâm hồn họ”.

Đề cập đến “chiến tranh thế giới thứ ba đang diễn ra từng phần trên thế giới,” Đức Thánh Cha nói sự điên rồ này chắc chắn không chỉ giới hạn ở Á Căn Đình, nhưng “nó chà đạp cuộc sống và tương lai ở khắp mọi nơi”.

Đức Thánh Cha than thở rằng:

“Nó không biết đến một giới hạn nào và cho thấy khuôn mặt tàn nhẫn của nó từ Đông sang Tây; nó biến cô dâu thành góa phụ, con trai và con gái thành trẻ mồ côi - và tất cả điều này nhân danh tôn giáo, lợi dụng và báng bổ danh thánh Thiên Chúa”.

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi tất cả các tín hữu nuôi dưỡng tình huynh đệ, như một ơn gọi mà Thiên Chúa kêu gọi mỗi người chúng ta:

“Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta sống với nhau như anh em, và tình huynh đệ này liên kết chúng ta vượt qua bất kỳ giới hạn địa lý hay tư tưởng. Chúng ta cùng nhau tạo nên đại gia đình nhân loại; chúng ta phải truyền lại nhận thức về việc trở thành anh em với nhau, cùng với các giá trị của sự tôn trọng và khoan dung, cho các thế hệ tương lai. Thiên Chúa đã tạo ra chúng ta bình đẳng về quyền lợi, nhưng cũng bình đẳng trong bổn phận và phẩm giá. Đối với Thiên Chúa, hòa bình không chỉ là quyền của chúng ta, việc xây dựng hòa bình cũng phải là nghĩa vụ của chúng ta. Trong ngày kỷ niệm lần thứ 25 cuộc tấn công này tôi hiệp nhất với các bạn và tôi cầu nguyện với các bạn”.

3. Tuyên bố của Phòng Báo Chí Tòa Thánh về việc anh Vincent Lambert bị buộc phải chết đói

Ngày 11 tháng Bẩy, Ông Alessandro Gisotti, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã ra thông báo sau:

“Chúng tôi đã nhận được với nỗi buồn về cái chết của anh Vincent Lambert. Chúng tôi cầu nguyện xin Thiên Chúa đón nhận anh vào nhà của Người và bày tỏ sự gần gũi với những người thân yêu của anh và những người, cho đến phút cuối cùng, đã dấn thân giúp đỡ anh với tình yêu và sự tận tụy.

Chúng tôi nhắc nhớ và lặp lại những lời của Đức Thánh Cha liên quan đến câu chuyện đau đớn này: Thiên Chúa là chủ nhân duy nhất của cuộc sống từ lúc đầu cho đến cái chết tự nhiên, và nghĩa vụ của chúng ta là phải luôn luôn bảo vệ cuộc sống, chứ không phải chiều theo nền văn hóa vứt bỏ.”

Trong cuộc họp báo hôm thứ Năm 11 tháng Bẩy, Ông Gisotti cho biết Đức Thánh Cha rất đau buồn trước tin tức bi thảm này. Ngài cầu nguyện nhiều cho anh và gia đình trong câu chuyện quá bi thảm này.

Trong một tweet trên Twitter, Đức Thánh Cha viết:

“Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người bệnh bị bỏ rơi và để mặc cho chết. Một xã hội là nhân bản nếu nó bảo vệ cuộc sống, mọi cuộc sống, từ đầu đến kết thúc tự nhiên, mà không chọn ai xứng đáng để sống và ai không xứng đáng để sống. Bác sĩ nên phục vụ cuộc sống, chứ không phải là tước mất nó đi.”

4. Vài nét về trường hợp của anh Vincent Lambert

Anh Vincent Lambert, sinh ngày 20 tháng Chín, 1976, năm nay gần 43 tuổi, bị chấn thương não vì tai nạn lưu thông vào ngày 29 tháng Chín, 2008. Ngoài ra, anh bị tàn tật nặng nề, tứ chi bị liệt. Sau khi được cấp cứu ở Berck-sur-Mer, từ năm 2009, anh đã được điều trị tại bệnh viện Reims.

Tình trạng của anh gần giống với trường hợp nhà vô địch Michael Schumacher, bị chấn thương não, rơi vào tình trạng giảm thiểu trí năng.

Tuy nhiên, khác với trường hợp của Schumacher là người vẫn được hưởng trị liệu chuyên môn trong một bệnh viện tư, anh Vincent Lambert chịu nhiều áp lực, và cuộc sống của anh tùy thuộc các quyết định vượt quá khả năng của chính mình. Cách nay mấy năm, anh đã bị buộc ngưng ăn uống nhưng lạ thay vẫn sống.

Theo ghi nhận y học, hai mắt anh vẫn còn mở, hít thở bình thường, tình trạng ổn định, hoàn toàn không phải là giai đoạn cuối đời.Anh chỉ cần một y tá và y công chăm sóc, thay đổi vị trí chỗ nằm, một chuyên viên trị liệu vật lý để tránh tế bào khỏi bị chết. Việc nuôi dưỡng và hydrat hóa được thực hiện thông qua ống dẫn qua mũi.

Nhưng tòa án Pháp đã nhiều lần buộc anh phải chết. Từ hôm Chúa Nhật 7 tháng Bẩy, việc nuôi dưỡng và hydrat hóa cho anh bị ngưng hoàn toàn.

Anh đã qua đời lúc 8g24 ngày thứ Năm 11 tháng Bẩy, theo giờ địa phương Reims.

5. Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz, nguyên chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ bị ung thư, xin cầu nguyện

Hôm thứ Tư 10 tháng Bẩy, Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của tổng giáo phận Louisville, nguyên chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cho biết ngài đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư bàng quang và sẽ sớm được điều trị. Đức Tổng Giám Mục cho biết thêm ngài sẽ phải rời khỏi tổng giáo phận trong vòng ba tháng trong khi được điều trị tại bệnh viện.

“Tôi đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư biểu mô đường tiết niệu ở bàng quang và tuyến tiền liệt và sẽ tham gia vào một kế hoạch điều trị bao gồm liệu pháp miễn dịch và hóa trị trong ít nhất 12 tuần,” Đức Tổng Giám Mục Kurtz nói.

Các bác sĩ cho biết sau khi trải qua hóa trị, họ sẽ phẫu thuật cắt bỏ bàng quang và tuyến tiền liệt của ngài. Chẩn đoán này được đưa ra sau vài tháng Đức Tổng Giám Mục gặp vấn đề về sức khỏe và đã trải qua nhiều xét nghiệm y tế.

Đức Tổng Giám Mục Kurtz từng là chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ từ năm 2013 đến 2016. Đức Cha nói ngài rất biết ơn bác sĩ ung thư của mình, bác sĩ Dan George, và các nhân viên y tế tại Viện Ung thư Đại học Duke, là những người nói ngài còn nhiều lý do tốt để lạc quan.

Ngài nói: “Tôi cảm thấy an tâm, và với sự khuyến khích của bác sĩ George, tôi đã duy trì các hoạt động thường lệ trong thời gian này.”

Tuy nhiên, trong thời gian tới ngài sẽ phải ở lại Bắc Carolina trong suốt quá trình điều trị. Ngài sẽ cố gắng liên lạc với các viên chức của tổng giáo phận khi ngài đi vắng.

Đức Cha Kurtz nói thêm rằng Đức Tổng Giám Mục Christoph Pierre, Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, đã được thông báo về bệnh tình của ngài và sự vắng mặt sắp xảy ra tại tổng giáo phận. Đức Sứ Thần Tòa Thánh ủng hộ kế hoạch điều trị của Đức Tổng Giám Mục Kurtz.

“Không cần phải nói, tôi sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội được đến thăm các giáo xứ và nói chuyện với rất nhiều anh chị em trong các sự kiện sắp tới vào mùa hè và mùa thu này. Xin anh chị em nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện. Tôi cũng sẽ nhớ đến anh chị em trong kinh nguyện của mình.”

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ung thư biểu mô tiết niệu là dạng ung thư bàng quang phổ biến nhất. Tỷ lệ sống sót trên 5 năm cho tất cả các giai đoạn của ung thư bàng quang là 77 phần trăm.

6. Chuyện không tin cũng xảy ra: Chính Thống Giáo Nga tranh cãi gay gắt về việc làm phép các vũ khí hạt nhân

Trong một diễn biến gây bàng hoàng cho nhiều người, Religion News Service cho biết Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa đang trah cãi về việc có nên tiếp tục thực hiện việc làm phép các vũ khí giết người hàng loạt, bao gồm cả các tên lửa hạt nhân. Tin tức này thật sự gây chóng mặt và kinh hoàng cho nhiều người: làm sao lại có thể làm phép cho những thứ kinh khủng như thế vì nó đối kháng triệt để với giới răn cấm giết người.

Một ủy ban về giáo luật đã họp tại Mạc Tư Khoa và đề nghị chấm dứt thực hành ban phép lành cho các hỏa tiễn và các đầu đạn hạt nhân, và đề nghị các linh mục chỉ nên ban phép lành cho từng binh sĩ và cùng lắm là vũ khí cá nhân của họ.

Đức Cha Savva Tutunov, chủ tịch ủy ban giáo luật của Thánh Công Đồng Mạc Tư Khoa nói rằng sẽ phù hợp hơn khi các linh mục chỉ ban phép lành cho các chiến binh đang bảo vệ đất nước và vũ khí cá nhân của họ.

“Ta có thể nói về việc ban phép lành cho một chiến binh đang thi hành quân dịch nhằm bảo vệ tổ quốc,” Đức Cha Tutunov nói.

“Vào cuối nghi thức tương ứng, vũ khí cá nhân cũng có thể được làm phép - chính xác là vì nó được liên kết với cá nhân người đang nhận được phép lành. Còn những thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt thì không nên được thánh hóa,” ngài nhấn mạnh.

Đề nghị chấm dứt việc ban phép lành cho những thứ vũ khí giết người hàng loạt vẫn chưa được Đức Thượng Phụ Kirill chấp thuận.

Các hệ thống vũ khí, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol, thường được các giáo sĩ Chính thống Nga ban phép lành trong các cuộc diễn hành quân sự và các sự kiện khác. Những phép lành này được coi là một cách bảo vệ đất nước một cách siêu nhiên.

Vào năm 2007, vũ khí hạt nhân của Nga đã được thánh hiến trong một buổi lễ tại Nhà thờ Chúa Cứu thế ở Mạc Tư Khoa. Trong Chính thống giáo Nga, người ta còn đặt Thánh Seraphim là vị thánh bảo trợ các vũ khí hạt nhân của Nga.

Quan điểm của Đức Cha Tutunov không được tán thành rộng rãi trong Giáo hội Chính thống. Linh mục Vsevolod Chaplain, nguyên phát ngôn viên của Đức Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, nói rằng kho vũ khí hạt nhân của Nga giống như các “thiên thần hộ mệnh” của đất nước và là cần thiết để bảo vệ Chính thống giáo.

“Vũ khí hạt nhân là phương thế duy nhất bảo vệ Nga khỏi sự nô lệ phương Tây,” linh mục Chaplin nói với một tờ báo Nga.

7. Quan điểm của Giáo Hội Công Giáo về các vũ khí giết người hàng loạt

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ngược lại với quan điểm của Chính Thống Giáo Nga mà chúng tôi vừa nêu, Giáo Hội Công Giáo mạnh mẽ phản đối vũ khí hạt nhân, và hỗ trợ các quốc gia tháo dỡ kho vũ khí của họ.

Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII từng kêu gọi cấm vũ khí hạt nhân. Trong thông điệp Pacem In Tetris, nghĩa là Hòa Bình Tại Thế, được công bố năm 1963, ngài viết rằng, “một thỏa thuận chung phải đạt được trong một chương trình giải giáp phù hợp, với một hệ thống kiểm soát lẫn nhau có hiệu quả.”

Giáo lý Giáo Hội Công Giáo mô tả các hành động chiến tranh nhằm phá hủy bừa bãi toàn bộ một thành phố hoặc các khu vực rộng lớn như một tội ác chống lại Thiên Chúa và con người.

“Một mối nguy hiểm của chiến tranh hiện đại là nó mang đến cơ hội cho những người sở hữu các vũ khí hiện đại - đặc biệt là vũ khí nguyên tử, sinh học hoặc hóa học – khả năng thực hiện những tội ác đó.”

Tháng 11 tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ đến Nagasaki và Hiroshima – là hai thành phố đã gánh chịu hai quả bom nguyên tử của Hoa Kỳ trong Thế chiến II. Tại đó, ngài sẽ đưa ra các thông điệp chống chiến tranh.

8. Các phương tiện truyền thông rộ lên những đồn đoán bất lợi sau vụ khai quật 2 ngôi mộ tại nghĩa trang Vatican

Các phương tiện truyền thông tại Ý đã rộ lên những đồn đoán sau vụ khai quật 2 ngôi mộ tại nghĩa trang Vatican diễn ra hôm thứ Năm 11 tháng 7 vừa qua.

Như chúng tôi đã đưa tin cuộc khai quật tại nghĩa trang Teutonic trong nội thành Vatican đã diễn ra vào sáng sớm và kết thúc mau chóng vào lúc 11:15 sáng với một kết quả hoàn toàn bất ngờ.

“Không có hài cốt, không có quan tài, không có bình và xương trong hai ngôi mộ được xây cất từ thế kỷ 19 trong nghĩa trang Teutonic bên trong Vatican, nơi các chuyên gia pháp y đang tìm kiếm hài cốt của Emanuela Orlandi.”

Vụ khai quật đã được thực hiện bởi các nhân viên Fabbrica di San Pietro trước sự chứng kiến của luật sư gia đình và anh trai của Emanuela Orlandi. Các viên chức tư pháp và hiến binh Vatican cũng có mặt tại hiện trường.

Tại ngôi mộ của Công chúa Sophie thành Hohenlohe, qua đời năm 1836, người ta tìm thấy một hầm mộ rộng lớn dưới lòng đất rộng khoảng 4 mét chiều dài, 3.70 mét chiều rộng nhưng hoàn toàn trống rỗng. Sau đó, ngôi mộ thứ hai, của Công chúa Charlotte Federica thành Mecklemburg, qua đời năm 1840, cũng đã được khai quật. Như trong ngôi mộ thứ nhất, hoàn toàn không có thi hài nào được tìm thấy bên trong ngôi mộ thứ hai.

Một thư nặc danh báo cho gia đình Emanuela Orlandi là hãy tìm kiếm nơi mà một thiên thần đang chỉ tay xuống trong nghĩa trang Teutonic. Điều đó đã dẫn họ đến ngôi mộ của hai Công chúa người Đức.

Ba mươi sáu năm trước, cô con gái tuổi 15 của một nhân viên làm việc tại quốc gia Thành Vatican đã biến mất trên đường phố Rôma khi đang trên đường về nhà, bắt đầu một trong những bí ẩn lâu dài nhất của Ý: Trong nhiều năm, các báo cáo đã liên kết số phận của cô với bọn Mafia ở Sicilia, mạng lưới tình báo K.G.B của Nga và âm mưu ám sát Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Thông qua luật sư của gia đình, tháng Hai năm nay, ông Orlandi đã chính thức yêu cầu Vatican mở lăng mộ của hai Công chúa. Gia đình đã nhận được sự chấp thuận của Tòa Thánh vào tháng trước.

Sau khi các ngôi mộ bị phát hiện trống rỗng, ông Orlandi nói với chi nhánh Sky News của Ý, rằng ông cảm thấy nhẹ nhõm vì Emanuela không ở đó và biết ơn Tòa Thánh đã nhanh chóng nhận lời thỉnh cầu của gia đình.

Tuy thế, giờ đây, nhiều chuyện đồn thổi lại tiếp tục nổi lên.

9. Con số các vụ tấn công vào các nhà thờ Công Giáo ở Pháp tăng gấp 4 lần trong thập niên qua

Tờ Real Clear Investigations số ra ngày 10 tháng Bẩy vừa qua, cho biết số vụ tấn công phá phách nhắm vào các nhà thờ Công Giáo tại Pháp đã lặng lẽ tăng lên gấp 4 lần trong thập niên qua, khiến Pháp trở thành quốc gia Âu châu nơi các nhà thờ Công Giáo bị tấn công nhiều nhất.

Cảnh sát Pháp đã ghi nhận 129 vụ trộm và 877 hành vi phá hoại tại các địa điểm Công Giáo - chủ yếu là tại các nhà thờ và nghĩa trang - vào năm 2018, và năm nay không có dấu chỉ nào cho thấy có sự thuyên giảm. Hội đồng Giám mục Pháp đã báo cáo 228 hành vi chống Kitô giáo một cách bạo lực, và nghiêm trọng tại Pháp trong ba tháng đầu năm 2019, diễn ra ở mọi vùng miền của đất nước. Nghiêm trọng nhất là tại vùng tây nam với 45 vụ.

Bộ Nội vụ Pháp đưa ra con số 875 vụ phá hoại vào năm 2018, và ghi nhận rằng các cuộc tấn công vào các cơ sở Công Giáo đã tăng gấp bốn lần từ năm 2008 đến 2019. Điều này đã gây ra một báo động sâu sắc nơi nhiều người Công Giáo và cả những người không Công Giáo. Nhiều người lo lắng rằng sự thù địch đối với Công Giáo - người Pháp thường gọi Christianophobia - đang càn quét đất nước họ.

Các vụ trộm cắp và phá hoại tại các cơ sở Công Giáo cũng đã gia tăng trên khắp Âu châu. Trung tâm quan sát về sự không khoan dung và phân biệt đối xử với các Kitô hữu, có trụ sở tại Vienna, đã ghi nhận 275 sự kiện chống Công Giáo ở châu Âu vào năm 2017, năm trước đó là 250 vụ.

10. Đức Giám Mục Colombia thực hiện nghi thức thánh hiến để giúp thành phố thoát cảnh bạo lực

Đức Cha Rubén Darío Jaramillo Montoya là Giám mục Buenaventura đã thực hiện việc thánh hiến và ban phép lành khắp thành phố hôm thứ Bảy 13 tháng Bẩy, với hy vọng chống lại bạo lực cực đoan, bao gồm cả bắt cóc, tống tiền và giết người.

Buenaventura là cảng chính của Colombia trên Thái Bình Dương, và đây là điểm then chốt trong buôn bán ma túy quốc tế.

Trong những năm gần đây, Tổ chức Human Rights Watch cho biết các khu dân cư của thành phố nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm bán quân sự cha truyền con nối, trong các hoạt động tống tiền và bạo lực.

Quân đội Colombia ủng hộ kế hoạch này của Đức Cha Jaramillo và ban đầu họ định dùng một trực thăng để đưa ngài đi quanh thành phố ban phước lành từ trên không. Tin tức này đã được một số phương tiện truyền thông đưa tin sai lệch là một lễ trừ tà.

Đức Cha Jaramillo nói với ACI Prensa, hôm 10 tháng 7 rằng các nghi thức ban phép lành được thực hiện vào ngày thứ Bẩy 13 tháng Bẩy, nhưng không phải từ một máy bay trực thăng để anh chị em giáo dân có thể tham gia tích cực hơn vào biến cố này.

“Chúng tôi sẽ tạo thành một dòng xe với một chiếc xe cứu hỏa và một xe hoa trên đó có bức tượng Thánh Bonaventura. Chúng tôi sẽ đi đến tất cả các địa điểm, đặc biệt là những khu vực khó khăn nhất, nơi mọi người đã bị giết trong những năm gần đây.

Đoàn xe và những người chờ đợi trong toàn thành phố đã tạo thành một người nhằm biến những nơi chết chóc thành các vùng dân cư,” Đức Cha Jaramillo nói.

Tại mỗi nơi đoàn lữ hành dừng lại, Đức Cha dâng lời cầu nguyện, cộng đoàn cùng hát một bài thánh ca và nghe một lời chứng, sau đó cộng đoàn cùng cầu nguyện cho các nạn nhân và cuối cùng Đức Cha ban phước lành.

“Nơi mà máu chảy, thì giờ đây chúng tôi sẽ rót nước thánh như một dấu hiệu đền tạ Thánh Tâm Chúa và cầu nguyện cho những người chết bị bạo hành.”

Tháng trước, Đức Cha Jaramillo nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc rằng “Từ đầu năm đến nay giáo phận của ngài đã phải chứng kiến 54 cái chết vì bạo lực, bên cạnh đó rất nhiều người đã bị mất tích. Không ai dám báo cáo. Vấn đề là vẫn chưa có văn hóa báo cáo vì có quá nhiều sợ hãi. Chúng tôi có một xã hội sợ báo cáo.”

Đức Cha cũng tố cáo sự tồn tại của những căn nhà được gọi là phòng “tra tấn”, nơi bọn tội phạm tra tấn và giết hại những người bị bắt cóc vì họ cản trở hoặc không ủng hộ các băng đảng và các nhóm tội phạm có tổ chức. Năm 2015, chính phủ Colombia nói những căn nhà như thế đã biến mất. Nhưng thực tế chúng vẫn tiếp tục tồn tại.

11. Xét xử Tư Lệnh cảnh sát và Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka về vụ tấn công khủng bố hôm Chúa Nhật Phục sinh

Một chánh án tại Colombo đã bác bỏ yêu cầu của công tố viện gán tội mưu sát cho Tư Lệnh cảnh sát và Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka về vụ tấn công khủng bố hôm Chúa Nhật Phục sinh.

Trong phiên tòa sơ khởi hôm 11 tháng Bẩy, một chánh án nói rằng hai viên chức cao cấp này chỉ đáng bị tội lơ là trách nhiệm được giao hơn là có âm mưu muốn mượn tay khủng bố giết hại các tín hữu Kitô như lời công tố viên buộc tội.

Tướng Pujith Jayasundara, Tư Lệnh cảnh sát và Bộ trưởng Quốc phòng Hemasiri Fernando đã bị bắt giữ hôm 2 tháng Bẩy theo lệnh của tổng thống Maithripala Sirisena. Hai viên chức này bị cáo buộc đã nhận được các tin tình báo nhưng không báo cho các cơ quan an ninh, và do đó, đã để xảy ra các vụ thảm sát hôm Chúa Nhật Phục sinh tại ba nhà thờ và ba khách sạn ở Colombo. Vụ thảm sát tai hại này gây ra cái chết của 258 người và làm 500 người khác bị thương.

Sau cuộc thảm sát ngày 21 tháng Tư, các cơ quan tình báo Ấn Độ cho biết họ đã đưa ra tất cả là ba cảnh báo khủng bố trong những tuần trước các cuộc tấn công, nhưng đã bị các nhà lãnh đạo Sri Lanka phớt lờ. Cảnh báo đầu tiên được đưa ra hôm 4 tháng Tư; và cảnh báo cuối cùng được gởi đến chỉ vài giờ trước vụ nổ.

Trong các cảnh báo này Ấn Độ thông báo cho chính quyền Colombo về các hoạt động của Zahran Hashim, lãnh đạo nhóm chính trị quốc gia Thowheed Jamath, là tác giả của các vụ tấn công. Theo cơ quan tình báo ở Delhi, kẻ khủng bố, là người đã chết trong vụ thảm sát này, từ lâu đã cố gắng tạo ra một nhánh của bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại Nam Ấn Độ và Sri Lanka.

Sau các cuộc tấn công, chính Tổng thống Maithripala Sirisena đã buộc phải thừa nhận, một cách bối rối, rằng ông đã không nhận được bất cứ một cảnh báo nào từ phía cảnh sát. Vì thế, ông đã yêu cầu nhiều nhân vật quan trọng từ chức và đã mở cuộc điều tra dẫn đến việc bắt giữ hai nhân vật vừa nêu.

Hai quan chức cao cấp vừa bị bắt tuyên bố đã cảnh báo phủ tổng thống, nhưng tổng thống Sirisena không bao giờ “coi các mối đe dọa này là nghiêm trọng”. Trong khi đó, Tổng thống khẳng định ông chưa bao giờ nhận được bất cứ một thông báo nào.