PHẦN III: MỘT GIÁO HỘI TIÊN TRI TẠI AMAZON: CÁC THÁCH THỨC VÀ HY VỌNG

“Phải chi toàn dân của Chúa đều được làm tiên tri! Ước chi Chúa ban Thần khí của Người xuống trên họ” (Ds 11:29)

105. Việc tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô và việc được gặp gỡ sâu sắc với Người qua hoán cải và kinh nghiệm đức tin giả định một Giáo hội biết chào đón và có tinh thần truyền giáo được nhập thể vào các nền văn hóa. Giáo Hội này phải lưu ý các bước đã thực hiện để đáp ứng các chủ đề đầy thách thức về tính trung tâm của sứ điệp sơ truyền (kerygma) và của sứ mệnh trong khu vực Amazon. Mô hình này của hành động Giáo Hội truyền cảm hứng cho các thừa tác vụ, giáo lý, phụng vụ và thừa tác mục vụ xã hội ở cả nông thôn lẫn thành thị.

106. Những nẻo đường mới cho thừa tác mục vụ ở Amazon đòi hỏi “phải tái phát động ... một cách trung thành và táo bạo” sứ mệnh của Giáo Hội (DAp. 11) tại lãnh thổ và làm sâu sắc thêm “diễn trình hội nhập văn hóa” (EG 126) và tính liên văn hóa (x. LS 63, 143, 146). Điều này đòi hỏi những đề xuất “mạnh bạo” của Giáo hội tại Amazon; ngược lại, Giáo Hội này giả thiết phải có can đảm và đam mê, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu chúng ta. Truyền giảng Tin Mừng tại Amazon là một tập hợp các thử nghiệm cho Giáo hội và cho xã hội [46].



Chương I: Một Giáo Hội với khuôn mặt Amazon và truyền giáo

“Hãy để khuôn mặt Ngài tỏa sáng trên tôi tớ Ngài” (Tv 31 [30]: 17)

Một khuôn mặt biểu cảm phong phú

107. Bộ mặt Amazon của Giáo hội được biểu lộ rõ qua sự đa dạng của các dân tộc, nền văn hóa và hệ sinh thái của nó. Sự đa dạng này đòi hỏi Giáo hội phải quyết định trở thành một Giáo hội đi ra ngoài và truyền giáo, được nhập thể vào mọi hoạt động, cách diễn đạt và ngôn ngữ của nó. Các Giám mục ở Santo Domingo đề nghị với chúng ta mục tiêu của một việc truyền giảng Tin Mừng hội nhập văn hóa “sẽ luôn là sự cứu rỗi và giải thoát toàn diện một dân tộc hoặc một nhóm người đặc thù; nó cũng sẽ củng cố bản sắc và niềm tin của họ vào tương lai chuyên biệt, chống lại quyền lực sự chết” (DSD, Kết luận 243). Và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phát biểu rõ ràng nhu cầu phải có một Giáo hội hội nhập văn hóa và liên văn hóa này: “chúng ta cần các dân tộc bản địa lên khuôn nền văn hóa của các Giáo hội địa phương ở Amazon” (Fr.PM).

108. Sự hòa nhập và tính liên văn hóa không đối nghịch lẫn nhau; chúng bổ túc cho nhau. Như Chúa Giêsu nhập thể vào một nền văn hóa đặc thù (hội nhập văn hóa) thế nào, các môn đệ truyền giáo của Người cũng dấn bước theo chân Người như vậy. Vì lý do này, các Kitô hữu từ một nền văn hóa này đi ra ngoài để gặp gỡ những người từ các nền văn hóa khác (tính liên văn hóa). Điều này xảy ra từ buổi đầu của Giáo hội khi các Tông đồ người Do Thái mang Tin mừng đến các nền văn hóa khác nhau, chẳng hạn như văn hóa Hy Lạp, phát hiện ở đó “nhiều hạt giống của Lời Chúa” [47]. Những nẻo đường mới của Chúa Thánh Thần xuất hiện từ cuộc gặp gỡ và đối thoại ấy giữa các nền văn hóa. Ngày nay, trong cuộc gặp gỡ và đối thoại với các nền văn hóa Amazon, Giáo hội tiếp tục tìm kiếm những nẻo đường mới.

109. Theo Tài liệu Aparecida, việc ưu tiên chọn người nghèo là tiêu chuẩn giải thích để phân tích các đề nghị xây dựng xã hội (501, 537, 474, 475) và tiêu chuẩn để Giáo hội tự hiểu chính mình. Đây cũng là một trong những đặc điểm theo qui luật tự nhiên rất đặc trưng cho Giáo hội Châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean (391, 524, 533) và mọi cơ cấu của nó, từ giáo xứ đến các trung tâm giáo dục và xã hội (176, 179, 199, 334 , 337, 338, 446, 550). Khuôn mặt Amazon là khuôn mặt của một Giáo hội với việc rõ ràng lựa chọn người nghèo (và với người nghèo) [48] và sự chăm sóc sáng thế. Từ người nghèo, và từ thái độ chăm sóc của cải Thiên CHúa ban, những nẻo đường mới được mở ra cho Giáo hội địa phương và từ đó hướng tới Giáo hội hoàn vũ.

Một khuôn mặt địa phương với chiều kích hoàn vũ

110. Một Giáo Hội với khuôn mặt Amazon cố gắng trở thành một Giáo Hội “đi ra ngoài” (EG 20-23), bác bỏ truyền thống chỉ có một nền văn hóa, giáo sĩ trị và thực dân tự áp đặt lên chính mình, và biết cách biện phân và không sợ hãi ủng hộ các biểu thức văn hóa đa dạng của các dân tộc. Khuôn mặt này cảnh cáo rằng quả thật là nguy hiểm “khi chúng ta phải thốt ra một thông điệp thống nhất và đưa ra một giải pháp có giá trị phổ quát” (x. OA 4; EG 184). Chắc chắn thực tại xã hội văn hóa phức tạp, đa nguyên, mâu thuẫn và mờ đục ngăn cản việc áp dụng “một bộ học thuyết độc khối được bảo vệ bởi mọi người và không chừa chỗ nào cho các sắc thái” (EG 40). Do đó, tính phổ quát hay Công Giáo của Giáo hội được làm phong phú “bởi vẻ đẹp trên khuôn mặt đa dạng của Giáo hội” (NMI 40) trên đó các biểu hiện khác nhau của các giáo hội đặc thù và các nền văn hóa của họ tạo nên một Giáo hội đa diện (xem EG 236).

Một khuôn mặt thách thức đối đầu với các bất công

111. Lên khuôn một Giáo hội với khuôn mặt Amazon bao gồm một chiều kích giáo hội, xã hội, sinh thái và mục vụ, thường xung đột nhau. Thực thế, tổ chức chính trị và pháp lý không phải lúc nào cũng lưu ý đến bộ mặt văn hóa của nền công lý riêng của các dân tộc và định chế của họ. Giáo hội không xa lạ gì với sự căng thẳng này. Đôi khi nó có xu hướng áp đặt một nền văn hóa xa lạ đối với Amazon khiến chúng ta không thể hiểu được các dân tộc của nó và đánh giá được thế giới quan của họ.

112. Thực tại của các giáo hội địa phương đòi một Giáo hội biết tham gia tự làm cho mình hiện diện trong đời sống xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa và sinh thái của cư dân; một Giáo hội biết chào đón hiếu khách đối với sự đa dạng văn hóa, xã hội và sinh thái để có thể phục vụ các cá nhân hoặc các nhóm mà không kỳ thị; một Giáo hội có óc sáng tạo biết đồng hành cùng người dân của mình trong việc đưa ra các đáp ứng cho những nhu cầu mới mẻ; và một Giáo hội hòa hợp biết phát huy các giá trị hòa bình, thương xót và hiệp thông.

Một khuôn mặt hội nhập văn hóa và truyền giáo

113. Sự đa dạng về văn hóa đòi hỏi một sự nhập thể mạnh mẽ hơn để đón nhận những cách sống và các nền văn hóa khác nhau. “Nguyên tắc nhập thể được Thánh Irênê phát biểu vẫn còn hiệu lực trong trật tự mục vụ: 'Điều gì không được tiếp nhận thì không được cứu chuộc'”[49]. Những thúc đẩy và cảm hứng quan trọng cho việc hội nhập văn hóa hằng mong muốn này được tìm thấy trong huấn quyền Giáo hội và trong tiến trình của các Hội đồng Giám mục của Giáo Hội Châu Mỹ Latinh (Medellín, 1968, Puebla, 1979, Santo Domingo, 1992, Aparecida, 2007), của các cộng đồng, các vị thánh và các vị tử đạo của nó [50]. Một thực tại quan trọng của diễn trình này là sự xuất hiện của nền thần học Mỹ Latinh, nhất là nền thần học Thổ dân.

114. Xây dựng một Giáo hội truyền giáo với khuôn mặt địa phương có nghĩa là tiến bộ trong việc xây dựng một Giáo hội hội nhập văn hóa, biết cách làm việc và ăn khớp (như các dòng sông trong lưu vực sông Amazon) với những gì có sẵn về mặt văn hóa, trong mọi lĩnh vực nơi nó hiện diện và hoạt động. “Làm Giáo Hội có nghĩa làm dân Thiên Chúa” (EG 114), được nhập thể “vào các dân tộc trên trái đất” và vào nền văn hóa của họ (EG 115).

Chương II: Những thách thức của việc hội nhập văn hóa và tính liên văn hóa [51]

“Trong sự đa dạng của các dân tộc đang trải nghiệm ơn phúc của Thiên Chúa, mỗi dân tộc theo văn hóa riêng của mình, Giáo hội phát biểu tính Công Giáo chân chính của mình và cho thấy ‘vẻ đẹp khuôn mặt đa dạng của mình’” (EG 116).

Trên nẻo đường dẫn đến một Giáo Hội với khuôn mặt Amazon và bản địa

115. Sứ mệnh của Giáo hội là loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu thành Nadarét, Người Samaria nhân hậu (Lc 10: 25-36), Đấng có lòng cảm thương đối với nhân loại bị thương và bị bỏ rơi. Giáo hội công bố mầu nhiệm sự chết và sự phục sinh của Người cho mọi nền văn hóa và mọi dân tộc, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (Mt 28:19). Theo gương của Thánh Phaolô, người đã muốn trở thành người Hy Lạp với người Hy Lạp, cố gắng tự thích nghi: “để giành chiến thắng càng nhiều càng tốt ... Tôi đã trở thành mọi mọi thứ cho mọi người (xem 1 Cr 9: 19- 22), Giáo hội đã làm một cố gắng lớn để truyền giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc trong suốt lịch sử. Giáo Hội đã cố gắng thi hành mệnh lệnh truyền giáo này bằng cách nhập thân và phiên dịch sứ điệp Tin Mừng trong các nền văn hóa khác nhau, giữa những khó khăn đủ loại - chính trị, văn hóa, địa lý. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.

116. Giáo hội đã cố gắng trong nhiều thế kỷ để chia sẻ Tin Mừng với các dân tộc Amazon, nhiều dân tộc trong số này đã tham gia cộng đồng Giáo Hội. Các người đàn ông và đàn bà truyền giáo có một lịch sử liên hệ sâu xa với khu vực này. Họ đã để lại dấu vết sâu thẳm trong tâm hồn của người Công Giáo Amazon. Giáo hội đã đi một chặng đường dài, nhưng việc đào sâu và cập nhật vẫn cần thiết để trở thành một Giáo hội vớ khuôn mặt bản địa và Amazon.

117. Tuy nhiên, như đã được tiết lộ trong các cuộc tham khảo khu vực của chúng ta, vẫn còn một vết thương toang hóac do các lạm dụng trong quá khứ. Thực thế, vào năm 1912, Đức Giáo Hoàng Piô X đã nhìn nhận ra sự tàn ác mà người dân bản địa bị đối xử trong Thông điệp Lacrimabili Statu Indorum (tình thế đầy nước mắt của người thổ dân). Các giám mục Châu Mỹ Latinh ở Puebla đã chấp nhận sự hiện hữu của “một diễn trình thống trị khổng lồ”, đầy “các mâu thuẫn và nước mắt” (DP 6). Ở Aparecida, các giám mục kêu gọi “phi thực dân hóa các tâm trí” (DAp 96). Trong cuộc gặp gỡ với các dân tộc Amazon ở Puerto Maldonado, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc lại những lời của Thánh Toribio de Mogrovejo: “không những trong thời quá khứ, các sai lầm lớn và các hành động cưỡng chế đã được thực hiện đối với những người khốn khổ này, mà trong chính thời đại của chúng ta, nhiều người tìm cách làm điều y hệt” [52]. Xét vì não trạng thuộc địa và cha chú vẫn còn tồn tại, một diễn trình hoán cải và hòa giải sâu sắc hơn là điều cần thiết [53].

Các gợi ý

118. Các cộng đồng được hỏi ý kiến mong muốn Giáo hội cam kết chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và cư dân của nó, “[...] bảo vệ các lãnh thổ, giúp các dân tộc bản địa tố cáo những gì gây ra chết chóc và đe dọa các lãnh thổ” [54]. Một Giáo hội tiên tri không thể ngừng biện hộ cho những người bị vứt bỏ và cho những người đau khổ (xem Fr.PM).

119. Lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong tiếng khóc than của các dân tộc Amazon và trong huấn quyền của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đòi hỏi một diễn trình hóan cải mục vụ và truyền giáo (x. EG 25). Để đạt được mục đích này, có những gợi ý sau đây:

a) Tránh đồng nhất hóa văn hóa để nhìn nhận và phát huy giá trị của các nền văn hóa ở Amazon.

b) Bác bỏ liên minh với nền văn hóa thống trị và với quyền lực chính trị và kinh tế để cổ vũ các nền văn hóa và quyền lợi của người bản địa, của người nghèo và của lãnh thổ.

c) Vượt qua mọi hình thức giáo sĩ trị; sống tình huynh đệ và phục vụ như các giá trị Tin Mừng vốn làm sinh động mối liên hệ giữa thẩm quyền và các thành viên của cộng đồng.

d) Loại bỏ các chủ trương cứng ngắc không lưu ý đến cuộc sống cụ thể của con người và thực tại mục vụ, để thay vào đó thỏa mãn các nhu cầu thực sự của các dân tộc và văn hóa bản địa.

Truyền giảng Tin Mừng trong các nền văn hóa [55]

120. Thánh Thần Tạo Dựng, Đấng lấp đầy vũ trụ (Kn 7: 1), là Đấng đã nuôi dưỡng nền linh đạo của các dân tộc này trong nhiều thế kỷ, trước cả lúc công bố Tin Mừng, và đã thúc đẩy họ chấp nhận nó từ bên trong các nền văn hóa và truyền thống của họ. Việc công bố này phải lưu ý đến các “hạt giống Lời Chúa” [56] hiện diện trong chúng. Nó cũng nhìn nhận rằng hạt giống đã mọc lên và sinh hoa trái ở nhiều nền văn hóa và truyền thống này. Nó giả định việc lắng nghe đầy tôn trọng, không áp đặt các công thức đức tin đã được phát biểu với các tham chiếu (referents) văn hóa khác, những công thức không đáp ứng với thực tại sống của họ. Trái lại, hãy lắng nghe “tiếng Chúa Kitô nói qua toàn thể dân Chúa” (EC 5).

121. Điều cần thiết là phải nắm bắt những gì Thánh Thần của Chúa đã dạy cho các dân tộc này trong suốt nhiều thế kỷ: đức tin vào Thiên Chúa Cha-Mẹ Tạo Dựng; hiệp thông và hòa hợp với trái đất; liên đới với các bạn đồng hành của mình; phấn đấu để ‘sống tốt’; túi khôn của các nền văn minh đã tồn tại hàng ngàn năm mà người cao niên vốn sở hữu và ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống chung, giáo dục, canh tác đất đai, mối liên hệ sống động với thiên nhiên và “Mẹ Đất”, các khả năng đề kháng và phục hồi nữ giới nói riêng, các nghi thức và biểu thức tôn giáo, các mối liên hệ với tổ tiên, thái độ chiêm niệm, cảm thức cho không, cử hành và lễ hội, và ý nghĩa thánh thiêng của lãnh thổ.

122. Việc hội nhập văn hóa của đức tin không phải là một diễn trình từ trên xuống dưới hay một áp đặt từ bên ngoài, mà là việc làm phong phú lẫn nhau của các nền văn hóa trong đối thoại (liên văn hóa) [57]. Các chủ thể tích cực của việc hội nhập văn hóa chính là các dân tộc bản địa. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẳng định, “ơn thánh giả thiết văn hóa” (EG 115).

Các gợi ý

123. Điều thích đáng là:

a) Bắt đầu từ nền linh đạo được sống bởi những các dân tộc bản địa khi tiếp xúc với thiên nhiên và văn hóa của họ, để chúng được soi sáng bởi tính mới mẻ của Chúa Kitô đã chết và sống lại và đạt được sự nên trọn nơi Người.

b) Nhìn nhận nền linh đạo bản địa như nguồn phong phú cho kinh nghiệm Kitô giáo.

c) Xét vì tính tự sự là một đặc điểm của các dân tộc nguyên thủy và là các phương tiện để họ truyền đạt túi khôn lâu đời của họ, nên hãy thực hiện một thứ giáo lý mang ngôn ngữ và ý nghĩa của các câu chuyện trong các nền văn hóa bản địa và hậu duệ Châu Phi hòa hợp với các trình thuật Kinh Thánh.

d) Theo cùng một đường hướng trên, cách giảng các bài giảng phải đáp ứng các kinh nghiệm sống và với thực tại xã hội môi trường của người ta (EG 135-144) trong một văn phong kể chuyện thích hợp. Hy vọng rằng điều này sẽ khơi dậy sự quan tâm và tham gia của các tín hữu và ăn khớp với thế giới quan bản địa toàn diện, kích thích một sự hóan cải mục vụ ủng hộ hệ sinh thái toàn diện.

e) Trước sự xâm chiếm thực dân của các phương tiện truyền thông đại chúng, các cộng đồng đã kiên quyết yêu cầu các lối truyền thông thay thế, đặt cơ sở trên các ngôn ngữ và nền văn hóa của chính họ. Để đạt mục đích này, chính các chủ thể bản địa nên có mặt trên các phương tiện truyền thông đương thời [58].

f) Cũng sẽ thuận lợi khi tạo ra các đài phát thanh mới của Giáo hội nhằm cổ vũ Tin Mừng và các nền văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ nguyên thủy [59].

Kỳ tới: Phần III, các chương 3-4