Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong giáo xứ của chúng con khoảng 25 năm trước, cha xứ đã quyết định tách Nhà tạm khỏi bàn thờ chính. Ngài cho đặt Nhà tạm ở một bàn thờ phụ. Trong 40 năm, đã có một bàn thờ (bàn đơn giản) với linh mục đối diện với mọi người. Một thành viên của tiểu ban phụng vụ muốn cha xứ chuyển Nhà tạm từ bàn thờ cạnh đến bàn thờ chính, như trước năm 1960. Bởi vì con có bằng cấp về thần học, nên người ấy xin con tìm các lập luận và văn bản chính thức từ Toà Thánh, hoặc từ Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ hoặc Pháp, để giúp biện minh sự thay đổi này. Thưa cha, có văn bản chính thức nào đưa ra một quy định cho vị trí của Nhà tạm không? Đâu là các lợi điểm và điều buộc từ quan điểm thiêng liêng hoặc phụng vụ cho sự thay đổi này? - J. L., Ottawa, Ontario, Canada.


Đáp: Đối với vị trí đặt Nhà tạm, tài liệu mới nhất là Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM). Bản dịch tiếng Anh năm 2011 có một số sửa đổi nhỏ so với các phiên bản trước:

“Chỗ lưu giữ Mình Thánh Chúa

“314. Tùy theo cấu trúc của thánh đường và thể theo các tục lệ chính đáng địa phương, Mình Thánh Chúa được lưu giữ trong nhà tạm, nơi phần trang trọng của thánh đường, có dấu nhận biết, có trang trí và thích hợp cho việc cầu nguyện.

“Theo thói quen, chỉ có một nhà tạm, không thể di chuyển, làm bằng vật liệu vững chắc, không trong suốt, và phải đóng kín để tránh tối đa mọi nguy cơ phạm thánh. Nên làm phép nhà tạm trước khi dùng trong phụng vụ, theo nghi thức mô tả trong Nghi thức Rôma.

“315. Vì lý do dấu chỉ, không nên đặt nhà tạm lưu giữ Mình Thánh Chúa trên bàn thờ nơi cử hành Thánh Lễ.

“Do đó, tuỳ theo quyết định của Giám Mục giáo phận, nên đặt nhà tạm

“a. Hoặc trong cung thánh, ngoài bàn thờ dâng lễ, miễn là tương hợp với hình dáng và nơi chốn, không loại trừ trên bàn thờ cũ không còn được dùng để cử hành.

“b. Hoặc trong một phòng thích hợp cho sự thờ phượng riêng và cầu nguyện của tín hữu, dính liền với nhà thờ và dễ thấy đối với giáo dân.”

Vị trí nhà tạm cũng được nói đến trong tương quan với ghế của vị chủ tế.

“310. Ghế của vị chủ tế phải nói lên vai trò chủ toạ cộng đoàn và điều khiển kinh nguyện. Do đó, chỗ thích hợp nhất là phía đầu cung thánh, hướng về giáo dân, trừ phi lối kiến trúc thánh đường hoặc những hoàn cảnh khác không cho phép, ví dụ: khoảng cách quá xa làm cho việc hiệp thông giữa vị tư tế và giáo dân trở nên khó khăn, hoặc vì nhà tạm chiếm chỗ giữa phía sau bàn thờ. Phải tránh mọi thứ ngai toà. Nên làm phép ghế, trước khi sử dụng trong phụng vụ, theo nghi thức trong sách Nghi Thức Rôma” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang.)

Cũng có giá trị là các hướng dẫn được ban hành bởi tài liệu “Built of Living Stones, Dựng xây từ những viên đá sống động” của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Tài liệu này đi vào chi tiết hơn “Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma” (GIRM) và đưa ra một số gợi ý thiết thực. Về vị trí Nhà tạm, tài liệu nói:

“Sự hiện diện của Chúa Kitô trong Dấu hiệu và Biểu tượng

“§22. Trong cộng đoàn phụng vụ, sự hiện diện của Chúa Kitô được hiện thực hóa trong tất cả các người được rửa tội quy tụ nhân danh Ngài, trong Lời Chúa được công bố trong cộng đoàn, trong con người của linh mục, mà qua ngài Chúa Kitô tự hiến cho Chúa Cha và tập hợp cộng đoàn, trong các nghi thức bí tích, và đặc biệt, trong Bí tích Thánh Thể. Trong việc xây dựng một ngôi nhà cho Hội Thánh, vốn cũng là ngôi nhà của Thiên Chúa trên trái đất, tất cả các biểu hiện của sự hiện diện của Chúa Kitô đều có sự nổi bật của địa điểm, vốn phản ánh đúng bản chất của chúng. Trong số này, hai Hình Bánh Rượu được xem là nổi bật nhất. Ngay từ khi bắt đầu quá trình lập kế hoạch và thiết kế nhà thờ, các giáo xứ sẽ muốn phản ánh mối quan hệ của bàn thờ, giảng đài, nhà tạm, ghế của linh mục chủ tế và không gian của cộng đoàn. […]

“§64. 'Chỗ thích hợp nhất của ghế linh mục chủ tế là phía đầu cung thánh, hướng về giáo dân, trừ phi lối kiến trúc thánh đường hoặc những hoàn cảnh khác [chẳng hạn khoảng cách xa hoặc vị trí nhà tạm] không cho phép’. Ghế này không được sử dụng bởi một giáo dân chủ sự trong buổi phụng vụ Lời Chúa và Rước lễ, hoặc trong cử hành phụng vụ Chúa Nhật khi không có linh mục. (Xem Thánh Bộ Phượng Tự, Hướng dẫn cho các cử hành phụng vụ Chúa Nhật khi không có linh mục [1988], số 40.) […]

“§71. Công đồng chung Vatican II đã dẫn Hội Thánh hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa sự hiện diện của Chúa trong việc cử hành Thánh lễ và trong Thánh Thể được lưu giữ, và trách nhiệm của các tín hữu là cho kẻ đói ăn và chăm sóc người nghèo khổ. Khi các người đã rửa tội lớn lên để hiểu sự tham gia tích cực của họ vào Thánh lễ, họ sẽ được lôi kéo để dành nhiều thời gian hơn cho cầu nguyện thinh lặng trước Thánh Thể được lưu giữ trong Nhà tạm, và được thôi thúc để sống mối quan hệ của họ trong lòng bác ái tích cực. Khi cầu nguyện tôn kính trước Thánh Thể, các tín hữu dâng lời chúc tụng ngợi khen Chúa Kitô vì hồng ân vô giá đã cứu chuộc họ, và vì lương thực thần linh gìn giữ họ trong cuộc sống hàng ngày. Ở đây họ học cách yêu mến quyền lợi và trách nhiệm của họ, để tham gia dâng hiến đời sống của mình vào sự hy sinh tuyệt vời của Chúa Kitô trong Thánh Lễ, và được dẫn dắt đến sự nhìn nhận Chúa Kitô lớn hơn trong họ và trong các người khác, đặc biệt là nơi người nghèo khổ và người túng thiếu. Việc dành một nơi thích hợp cho việc lưu Mình Thánh là sự xem xét nghiêm túc trong bất kỳ dự án nhà cửa hoặc ngôi nhà tân trang nào.

“§72. Luật chung của Hội Thánh cung cấp các chuẩn mực liên quan đến Nhà tạm và nơi lưu giữ Mình Thánh, vốn thể hiện tầm quan trọng mà các Kitô hữu đặt ra cho sự hiện diện của Thánh Thể. Bộ Giáo Luật chỉ đạo rằng Thánh Thể được ‘đặt vào một vị trí cao trọng và dễ nhìn thấy trong nhà thờ hay nhà nguyện; lại phải được trang hoàng đẹp đẽ và thuận tiện cho việc cầu nguyện’. Bộ Giáo luật nói thường chỉ có ‘một nhà tạm’ trong nhà thờ. Nhà tạm này là phải xứng đáng với Thánh Thể - được thiết kế đẹp và hài hòa với lối trang trí tổng thể của phần còn lại của nhà thờ. Để tạo sự an toàn cho Thánh Thể, Nhà tạm cần phải là “bất di dịch”, “làm bằng chất liệu vững chắc”, “không nhìn qua được”, và “phải khóa cẩn thận”. Nhà tạm có thể nằm trên một cột hoặc bệ cố định, hoặc nó có thể được gắn vào hoặc dính chặt vào một bức tường. Một ngọn đèn dầu đặc biệt, hoặc một cây nến có sáp, được thắp sáng liên tục gần Nhà tạm, như là một dấu hiệu của sự hiện diện của Chúa Kitô.

“§73. Nơi lưu giữ Mình Thánh phải là một không gian dành riêng cho Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể, và được thiết kế như thế nào để cho sự chú ý của người cầu nguyện được thu hút đến Nhà tạm, là nơi có sự hiện diện của Chúa. Biểu tượng có thể được chọn từ kho tàng phong phú của ý nghĩa biểu tượng, vốn được liên kết với Thánh Thể.

“Vị trí của Nhà tạm:

“§74. Có thể một số không gian là phù hợp cho việc lưu giữ Mình Thánh. Quy chế Tổng Quát Sách lễ Rôma (GIRM) nói rằng thật là thích hợp hơn khi “không nên đặt nhà tạm lưu giữ Mình Thánh Chúa trên bàn thờ nơi cử hành Thánh Lễ”. Giám mục phải xác định nơi đâu đặt Nhà tạm và đưa ra thêm các hướng dẫn. Giám mục có thể quyết định rằng Nhà tạm được đặt trong cung thánh, tách rời bàn thờ cử hành Thánh lễ, hoặc trong một nhà nguyện riêng thích hợp cho việc chầu Thánh Thể, và cho tín hữu cầu nguyện riêng. Khi quyết định, Giám mục cần xem xét tầm quan trọng khả năng của cộng đoàn về tập trung vào hành động thờ lạy Thánh Thể, lòng mộ đạo của tín hữu, và phong tục của địa phương. Vị trí cũng nên cho phép người ngồi xe lăn và người khuyết tật khác dễ dàng tiếp cận được nữa.

“§75. Khi thực thi trách nhiệm của mình cho đời sống phụng vụ của giáo phận, Giám mục giáo phận có thể ban hành thêm các chỉ thị liên quan đến việc lưu giữ Mình Thánh. Trước khi các giáo xứ và các tư vấn phụng vụ của họ bắt đầu nội dung giáo dục và quá trình thảo luận, điều quan trọng là tất cả các người liên quan phải biết rõ các chỉ thị nào, hoặc hướng dẫn đặc biệt nào, mà Giám mục giáo phận đã công bố. Sự giao tiếp tốt ở giai đoạn đầu của quá trình sẽ giúp tránh nhầm lẫn hoặc xung đột giữa các kỳ vọng của giáo xứ, kinh nghiệm của nhà tư vấn và các chỉ thị giáo phận.

“§76. Cha xứ, hội đồng mục vụ giáo xứ, và ủy ban xây dựng nên kiểm tra các nguyên tắc nằm dưới mỗi sự lựa chọn ấy, xem xét các lợi thế phụng vụ của từng khả năng, và phản ánh về tập tục và lòng đạo của giáo dân. Nhiều văn phòng phượng tự giáo phận hỗ trợ giáo xứ bằng cách tạo thuận lợi cho quá trình nghiên cứu và thảo luận với giáo xứ. Đây cũng là lĩnh vực mà các nhà tư vấn phụng vụ có thể giúp đỡ nhiều cho giáo xứ.

“Nhà nguyện lưu giữ Mình Thánh

“§77. Giám mục giáo phận có thể chỉ đạo giáo xứ lưu giữ Mình Thánh trong một nhà nguyện tách biệt khỏi lòng nhà thờ và cung thánh, nhưng “dính liền với nhà thờ và dễ thấy đối với giáo dân”. Vị trí và thiết kế nhà nguyện này có thể củng cố sự tôn kính, cung cấp sự yên tĩnh và sự tập trung cần thiết cho cầu nguyện cá nhân, và nó cần có ghế quỳ và ghế ngồi cho người đến cầu nguyện.

“§78. Một số giáo xứ đã khởi xướng việc chầu Thánh Thể liên tục. Nếu, vì một lý do tốt nào đó, sự đặt Mình Thánh cho việc chầu liên tục phải diễn ra trong một nhà thờ giáo xứ, Thánh Bộ Phượng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã chỉ đạo rằng việc này phải diễn ra trong một nhà nguyện riêng biệt, 'tách biệt khỏi nhà thờ, sao cho không can thiệp vào các hoạt động bình thường của giáo xứ, hoặc việc cử hành phụng vụ hàng ngày'.

“Nhà tạm trong Cung thánh

“§79. Một khu vực đặc biệt có thể được thiết kế trong cung thánh. Cần lập kế hoạch cẩn thận, sao cho vị trí được chọn không thu hút sự chú ý của các tín hữu khi tham dự Thánh lễ, và không chú ý đến các thành phần của Nhà tạm ấy. Ngoài ra, vị trí phải cho phép người ta tập trung vào Nhà tạm cho các thời kỳ cầu nguyện thinh lặng, ngoài giờ tham dự Thánh lễ.

“§80. Thông thường, thật là hữu ích khi có một khoảng cách giữa Nhà tạm và Bàn thờ. Khi một Nhà tạm nằm trực tiếp ngay sau bàn thờ, cần cân nhắc việc sử dụng khoảng cách, ánh sáng, hoặc một số thiết bị kiến trúc khác, nhằm tách biệt Nhà tạm và khu vực lưu giữ Mình Thánh, nhưng cho phép Nhà tạm được nhìn thấy rõ ràng bởi cộng đoàn thờ phượng, khi phụng vụ Thánh Thể không được cử hành.”

Bởi vì các tài liệu trên là khá rõ ràng, tôi chỉ cần đưa ra các gợi ý sau cho bạn đọc này.

Do Giám mục có toàn bộ thẩm quyền trong vấn đề này, trước tiên bạn nên tìm hiểu liệu có quy định chính thức nào của giáo phận về vấn đề này không. Bất kỳ quy định nào được ban hành chính thức bởi một Giám mục trước đây vẫn còn giữ tư cách pháp lý của chúng, trừ khi chúng bị Giám mục hiện tại thu hồi. Giám mục hiện tại cũng có thể đưa ra các ngoại lệ ad hoc (đặc cử) đối với bất kỳ quy định nào trong số này.

Trong những năm gần đây, đã có một phong trào muốn đưa lại vị trí trung tâm cho Nhà tạm, và một số Giám mục đã ban hành các sắc lệnh về vấn đề này. Sở thích cá nhân của tôi là dành cho một Nhà tạm nằm ở trung tâm trong hầu hết các cơ sở giáo xứ. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng các lý do được đưa ra trong các tài liệu chính thức về các địa điểm khác có thể là rõ ràng, và trong một số trường hợp là đang ưa thích hơn.

Thí dụ, việc phục hồi một Nhà tạm trung tâm cho một cung thánh nhỏ hiện có một bàn thờ có thể là dành đủ chỗ trong các hành động nghi thức trong Thánh lễ, và dẫn đến việc cử hành Thánh lễ ở đó.

Tôi cũng rất khuyến khích bạn rằng nếu đã có một chiếc bàn đơn giản trong 40 năm, thì bất kỳ đề xuất nào để khôi phục Nhà tạm cho cung thánh nên được gắn với một sự đổi mới toàn bộ cung thánh, vốn sẽ có một bàn thờ vĩnh viễn và thật đẹp.

Sau khi tôi trả lời câu hỏi “cần bao nhiều ngọn nến cho giờ chầu Thánh Thể” ngày 23-7-2019, một bạn đọc đã đưa ra các nhận xét như sau:

“Trong khi hỏi câu này, người hỏi muốn thật sự tìm hiểu về tình trạng mà trong đó nhà tạm cửa đôi được dùng. Câu trả lời của cha giả định tính hợp pháp của nhà tạm như vậy, vốn là chủ đề của nhiều cuộc thảo luận trong giáo hạt của chúng con. Mặc dù con rất hiểu rằng ‘chỉ vì việc họ tạo ra nó như thế, không có nghĩa là nó được cho phép’ (thí dụ áo lễ với dây các phép bên ngoài, bánh lễ bằng bột gạo và không có gluten), con tin rằng các Nhà tạm như thế là được phép.

“Một số người bạn của con cho rằng sự mô tả về Nhà tạm là 'mờ và không thể phá vỡ' được tìm thấy trong Tài liệu “Rước lễ và Chầu Thánh Thể ngoài Thánh lễ số 10 ('Mình Thánh Chúa phải được lưu giữ trong một Nhà tạm vững chắc. Nó phải là mờ và không thể phá vỡ... ') và 'rắn chắc, bất khả xâm phạm' trong Huấn thị Eucharisticum Mysterium số 54 (''Mình Thánh Chúa phải được lưu giữ trong một Nhà tạm vững chắc và bất khả xâm phạm... ') loại trừ việc sử dụng nhà tạm hai cửa như được mô tả trong câu hỏi ngày 23-7.

“Theo con hiểu, các tài liệu vừa được trích dẫn có ý định đăng ký sử dụng các Nhà tạm mỏng manh hoặc vách kính, nhưng không phải với cửa sổ nhỏ được che chắn khi cần thiết bằng cửa kim loại hoặc cửa gỗ. Con tin rằng đây là cách Đức Ông (nay là Giám mục) Peter Elliott hiểu, khi ngài viết trong cuốn ‘Ceromonies of the Modern Roman Rite, Nghi thức của Nghi lễ Rôma hiện đại’ số 13: “Tuy nhiên, với sự cho phép của Giám mục, một số Nhà tạm được thiết kế để sử dụng chầu Thánh Thể; hoặc với một cánh cửa bên trong thứ hai, có hình thức của một Mặt nhật, hoặc một Mặt nhật được giữ trong Nhà tạm có thể được nhìn thấy, khi Nhà tạm được mở hoặc xoay ra. Nhưng cánh cửa bên ngoài của nhà tạm không bao giờ là trong suốt, vì điều này sẽ tạo thành một hình thức bất hợp pháp của việc chầu Thánh Thể.’

“Có vẻ như một số quy định giáo phận đặc biệt cấm các Nhà tạm như vậy (thí dụ ở New York), nhưng các quy định của tổng giáo phận chúng con là không rõ ràng, chỉ đơn giản là nhắc lại Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 314: ' Theo thói quen, chỉ có một nhà tạm, không thể di chuyển, làm bằng vật liệu vững chắc, không trong suốt, và phải đóng kín để tránh tối đa mọi nguy cơ phạm thánh’ (Bản dịch, như trên). Thiếu luật đặc biệt chống lại, câu trả lời của cha cho câu hỏi ngày 23-7-2019 (và ngày 8-9-2009) chấp nhận rằng việc sử dụng các Nhà tạm như vậy là được cho phép. Cha biết có tài liệu có thẩm quyền nào về khả năng áp dụng phổ quát (hoặc khả năng áp dụng cho quốc gia như Hoa Kỳ) vốn cho phép tích cực các Nhà tạm như thế không?

“Thứ hai, có điều gì ngăn cản Nhà tạm hai cửa như vậy được làm ban đầu chủ yếu bằng gỗ và kính dày (một lần nữa, vắng mặt luật đặc biệt cho sự ngược lại) không? Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 317 chỉ ra rằng 'Ðừng quên các điều khác do luật quy định về việc lưu giữ Mình Thánh Chúa’, và chú thích của nó nhắc đến Huấn thị Nullo umquam tempore, vốn nói rằng ‘[a] theo luật phụng vụ, vật liệu có thể là gỗ hoặc đá cẩm thạch hoặc kim loại' (4a). Liệu một Nhà tạm bằng gỗ có được phép có một cửa sổ bằng kính dày ‘không thể phá vỡ’ (có thể làm cho thấy một Mặt nhật nhỏ), nếu cửa sổ đó có thể được che bởi cửa lớn bằng gỗ không? Nếu nó làm ra một sự khác biệt, Nhà tạm nên được đặt vào tường.

“Cảm ơn cha xem xét các câu hỏi này. Câu trả lời của cha thể giúp chấm dứt cuộc thảo luận trong giáo hạt của con, và hướng dẫn việc ra quyết định tại một số giáo xứ. Con cũng hỏi vị đặc trách phượng tự của Tổng giáo phận, nhưng ngài chỉ mới làm công tác này (và mới được truyền chức linh mục), và con nghi ngờ phải mất một thời gian trước khi con nhận được câu trả lời, khi ngài ổn định công việc đã”.

Tôi muốn cảm ơn bạn thật nhiều về các hiểu biết có giá trị của bạn, mà tôi hoàn toàn đồng ý.

Tuy nhiên, do sự mô tả Nhà tạm mà bạn đọc trước đây nêu ra trong câu hỏi ban đẩu, tôi không cho rằng nó rơi vào danh mục đã bị cấm rõ ràng.

Nhà tạm mô tả cánh cửa thứ hai nằm sau cánh cửa Nhà tạm, và do đó mờ đục và bất khả xâm phạm ngoại trừ khi chầu Thánh Thể. Điều bị cấm, như tôi muốn đề xuất, là một tấm kính được lắp đặt trong chính cửa Nhà tạm (có lẽ với nắp đơn giản), và do đó không hoàn toàn bất khả xâm phạm cũng không mờ đục.

Theo cách này, tôi đã xem xét rằng nó là tương tự như các Nhà tạm quay, được tìm thấy trong nhiều nhà thờ và nhà nguyện châu Âu, vốn chứa một phần dành phần lưu giữ Mình Thánh Chúa và một phần khác có Mặt nhật đã được trưng ra. (Zenit.org 24-9-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/liturgy-qa-location-of-tabernacle/