Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tham dự phiên toàn thể thứ 12 và cuối cùng của Thượng hội đồng Giám mục vào chiều thứ Ba. Có 173 nghị phụ hiện diện. Vào sáng thứ Tư, các nghị phụ sẽ trở lại làm việc trong các nhóm ngôn ngữ nhỏ. Việc làm của họ sẽ được trình bày trước phiên họp toàn thể vào chiều thứ Năm, ngày 17 tháng Mười.



Thế giới Amazon muốn một Giáo hội liên minh với nó. Các tham dự viên của Thượng hội đồng được nhắc nhở rằng Giáo hội không thể nói về người nghèo trong khi quên rằng người ta đang bị đóng đinh. Đó sẽ là tội thờ ơ, quên sót. Giáo hội được kêu gọi đảm nhiệm tiếng khóc của người ta và của trái đất, lấy Tin Mừng làm điểm xuất phát của mình. Đây là cách duy nhất để Giáo Hội mặc lấy diện mạo của người Samaritanô tốt lành, trở thành nhà truyền giáo, có khả năng bảo vệ những người bé nhỏ nhất, mà không sợ khả thể tử đạo. Một vị mạnh dạn tuyên bố “thà chết khi chiến đấu cho sự sống, hơn là sống cho cái chết”. Do đó, Thượng hội đồng tiếp tục cuộc hành trình của mình với lời nhắc nhở từng được đưa ra trong một số can thiệp phải dành chỗ cho sự tuôn đổ dồi dào của Chúa Thánh Thần thay vì tự đóng khung bằng các giải pháp có tính chức năng.

Nói không với việc biến người khác thành nạn nhân, cùng chịu trách nhiệm nhiều hơn

Dân ở một số vùng dễ bị tổn thương hơn của Amazon thấy mình thường xuyên bị bỏ rơi. Một điển hình là trẻ em đường phố. Giáo hội được kêu gọi giúp họ nâng cao lòng tự trọng, ngăn họ trở thành nạn nhân. Xét cho cùng, điều này cũng là một nguy cơ vì nó không giải quyết được các vấn đề tiềm ẩn. Không thể phủ nhận vùng này là nạn nhân của lạm dụng. Có ghi nhận cho rằng điều thực sự cần thiết là giúp chính người ta cảm thấy cùng chịu trách nhiệm đối với việc xây dựng số phận của chính họ. Do đó, các tín hữu nên đi đầu trong việc đòi lại quyền lợi của mình và đảm nhận nghĩa vụ sống đơn giản và đầy hy vọng khi họ đang trên đường về Nước Trời như Thiên Chúa từng hứa ban cho con cái của Người.

Đóng góp căn bản của khoa học đối với việc chăm sóc sáng thế

Tiếng kêu cứu phát sinh cả từ người dân lẫn trái đất đòi một đáp ứng của mọi người. Các tín hữu được kêu gọi nhìn nhận giá trị của mọi tạo vật. Thực thế, chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta bắt nguồn từ ơn gọi Kitô giáo. Hành động là điều bắt buộc đối với các cá nhân, cộng đồng và thế giới. Một đáp ứng hững hờ là điều không thể. Tương lai của toàn bộ các thế hệ đang bị đe dọa. Bảo vệ Amazon khỏi sự hủy diệt do con người tạo ra là trách nhiệm của toàn nhân loại. Do đó, đã có lời kêu gọi phải có một đáp ứng hoàn cầu đối với việc thay đổi khí hậu qua việc tạo ra một thực thể nhằm phối hợp các nhà khoa học và các nhà học thuật ở bình diện quốc tế với Giáo hoàng Hàn lâm viện Khoa học. Cũng có hy vọng cho rằng sẽ có nhiều điều hơn nữa được thực hiện trong lĩnh vực giáo dục để công chúng mẫn cảm đối với việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Thậm chí có vị còn đề nghị rằng phải thêm phần giáo luật mới, tức giáo luật sinh thái, vào Bộ Giáo luật hiện nay để xử lý các nghĩa vụ của Kitô hữu đối với môi trường.

Ra chỗ biển sâu để có được một hoán cải sinh thái sâu sắc

Lời kêu gọi của Giáo Hội là ra khơi, tiếp nhận lời kêu gọi bước vào một sự hoán cải sinh thái sâu sắc, đồng nghị và hoàn toàn hướng về Chúa Kitô và Tin Mừng của Người. Cùng bước đi với nhau như một gia đình hoàn vũ là lời mời đang được đưa ra, trong niềm xác tín rằng vùng Amazon không thuộc về các chính phủ hoặc những người cai trị các chính phủ này. Đúng hơn, họ là các quản trị viên và họ phải giải trình trách nhiệm về những gì họ đang làm.

Qua việc hiến mình hàng ngày của hàng ngũ giáo dân, cả người thánh hiến lẫn người có gia đình, Giáo hội như “bí tích” sẽ thực sự được hình thành ở Amazon, và sẽ biểu lộ sự hiện diện của Chúa Kitô tại vùng đó. Có vị nói đến nhu cầu phải có một nền linh đạo và một nền thần học bí tích có khả năng cho phép mình được thách thức bởi kinh nghiệm sống của các cộng đồng và các ơn phúc họ đã nhận được. Về phương diện này, việc thực hiện sự phối hợp các nỗ lực ở bình diện Giáo Hội địa phương (như REPAM) đã được khuyến khích.

Sự cân xứng trong các mối tương quan

Một cuộc đối thoại liên văn hóa được Chúa Thánh Thần của Lễ Ngũ Tuần linh hứng cũng được được nhấn mạnh. Lời mời là từ bỏ thói quen áp đặt hoặc chiếm đoạt để tiếp nhận, điều vốn được gọi là, sự “cân xứng trong các mối tương quan” (symmetry of relations). Đức khiêm nhường đã được nêu ra như một thái độ cần thiết cho một cuộc đối thoại như vậy, đặt nền tảng trên niềm tin chung rằng chúng ta cùng chịu trách nhiệm trong việc chăm sóc ngôi nhà chung. Điều không thể làm một mình có thể được làm cùng với nhau. Điều này đòi hỏi phải xây dựng khẩn cấp một thứ “chúng ta” có tính bao gồm, trong đó mọi người, dù mỗi người một khác nhau, đều cần thiết chính vì sự khác nhau đó. Do đó, có đề nghị thiết lập các diễn trình đào tạo trong cuộc đối thoại liên văn hóa, trong đó lý thuyết có thể được thử nghiệm bằng thực hành.

Bi kịch của các cộng đồng không có linh mục

Một lần nữa, các tham dự viên Thượng Hội Đồng đã được nhắc nhở về bi kịch có thực của nhiều cộng đồng, ước tính lên tới 70% ở vùng Amazon, chỉ được một linh mục đến thăm một hoặc hai lần mỗi năm. Họ bị tước mất các bí tích, Lời Chúa, các cử hành rất quan trọng đối với đời sống Kitô hữu, như lễ Phục sinh, lễ Hiện xuống, lễ Giáng sinh. Một số người chọn đi lại với các giáo phái Kitô giáo khác để không ở mãi trong tình trạng “chiên không người chăn”. Giáo hội hoàn vũ không thể mãi thờ ơ với tình huống này. Các lựa chọn can đảm, cởi mở với tiếng nói của Chúa Thánh Thần, cần phải được thực hiện. Cũng có vị nhấn mạnh rằng việc cầu nguyện với “Chúa mùa gặt” là điều căn bản xiết bao để Người sai các lao công vào mùa thu hoạch của Người. Một nghị phụ quả quyết, việc chăm sóc mục vụ cho dân Chúa “đầu tiên và trên hết là mối quan tâm của Chúa”. Vì vậy, chúng ta phải cầu xin Người ban cho các giải pháp.

Truyền giáo: theo chân Chúa Giêsu

Với một số người, dường như niềm đam mê truyền giáo đã phai mờ ở những vùng xa xôi nhất. Một số vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hậu quả gây ra từ các dự án khai mỏ lớn lao, không bền vững: bệnh tật (một số không thể chữa trị), buôn bán ma túy, mất bản sắc. Cộng đồng quốc tế cần được khuyến cáo không đầu tư vào các dự án kỹ nghệ gây tác hại và bệnh tật cho dân cư xung quanh. Ngoài ra, Amazon cần các nhà truyền giáo, vì họ là những người duy nhất mà dân cư địa phương còn tin tưởng.

Một trong những nỗ lực truyền giáo được nói đến là sự đóng góp quý báu của các nhóm truyền giáo lưu hành được Chúa Giêsu linh hứng đã đến thăm hết làng này sang làng khác mà không dừng lại, thậm chí không có nơi để ở lại. Điều này cung cấp mô hình cho một Giáo hội luôn luôn “ở thế di chuyển”, để lại phía sau một thừa tác mục vụ chỉ nhằm duy trì quá khứ thay vì một thừa tác có tính sáng tạo. Có vị nhận xét rằng một số cơ cấu đã lỗi thời và rất cần được cập nhật hóa. Chúng ta không còn có thể “lỗi thời” nữa trong khi phần còn lại của thế giới đang tiến lên phía trước. Thực thế, Tin Mừng luôn có điều mới mẻ nào đó để nói. Đây cũng là một phần của việc hoán cải sinh thái. Việc cởi mở đối với các hình thức thừa tác vụ mới có nghĩa là phải kết nhập phụ nữ và những người trẻ tuổi.

Di dân trong vác thành phố, bị tách khỏi các lãnh thổ của họ

Giáo hội được mời gọi đi vào đời sống hàng ngày của các người nam nữ. Một lần nữa, chủ đề những người di cư - những người bị bứng rễ và đem trồng trong các thành phố - đã được trình bầy để kéo chú ý của mọi người trong Hội trường. Ở đó, tại các thành phố, họ buộc phải đương đầu với những tình huống tương phản mạnh mẽ: chính trị, xã hội, kinh tế, khoảng trống hiện sinh, chủ nghĩa cá nhân trầm trọng hơn. Làm cho Tin mừng hiện diện ở đó là một bổn phận, và nhờ cách này, thành phố sẽ trở thành nơi truyền giáo và thánh hóa.



Do đó, có khuyến nghị rằng một thừa tác vụ chuyên biệt cần được cổ vũ trong bối cảnh này, một thừa tác vụ coi di dân bản địa như những người chủ đạo. Sự nối kết lãnh thổ với một dân tộc đặc thù, như đã được phát biểu trong Kinh Thánh, giúp hiểu được sự trầm trọng của việc tách một người ra khỏi lãnh thổ của họ. Bảo vệ lãnh thổ của họ là điều vô cùng quan trọng đối với quần thể sinh vật Amazon và đối với lối sống của người dân địa phương. Theo nghĩa này, việc “bảo vệ không khoan nhượng” các dân tộc bản địa đã được khuyến nghị. Điều này bao gồm quyền có nền văn hóa của chính họ, nền thần học của chính họ, tôn giáo của chính họ - đây là những kho tàng cần được bảo vệ vì lợi ích của toàn nhân loại.

Cuối cùng, vấn đề thực phẩm đã được nêu lên. Với nước ngọt của nó, Amazon có thể góp phần vào việc giảm đói trên thế giới. Thực thế, 26% nguồn nước ngọt trên thế giới phát xuất từ vùng này. Do sự kiện này, một vị gợi ý cho rằng các dự án bền vững nên được khuyến khích.

Vào cuối phiên họp toàn thể thứ 12, ngay trước phần dành riêng cho các can thiệp tự phát, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được yêu cầu phát biểu. Khi ngài kết thúc, các vị hiện diện trong Hội trường đã xem một bộ phim về bệnh viện nổi được đặt theo tên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được khánh thành vào tháng 8 vừa qua. Bệnh viện này phục vụ hai mục đích: đó là mang Tin Mừng và chăm sóc sức khỏe đến hàng trăm ngàn người sống ở bang Parà của Ba Tây dọc theo sông Amazon, những người chỉ có thể được tiếp xúc bằng đường sông.