Chúa Nhật XXIX Thường Niên C
Xh 17,8-13a, 2 Tm 3,14-4,2; Lc 18,1-8

Lời Chúa của Chúa Nhật này dạy chúng ta phải kiên trì cầu nguyện.

1- Kiên trì cầu nguyện

Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1). Có một bà góa nhiều lần chạy đến quan tòa để xin ông minh xét cho bà vì những người làm hại bà. Vì bà cứ kêu mãi, nên ông nói: “Dẫu rằng ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ góa này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.” Và đây là kết luận của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nghe quan tòa bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu vớt Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ.”

Cầu nguyện cũng là chủ đề chính của bài đọc I. Trình thuật này nói về hình ảnh Môsê ở trên núi, khi giao chiến với Amalếch, ông Môsê giơ tay lên, thì dân Ítraen thắng thế. Môsê đối thoại với Thiên Chúa để xin Người trợ giúp khi gặp khó khăn và thử thách.

2- Sự cần thiết phải cầu nguyện

Quả thế, cầu nguyện rất cần thiết đối với mỗi người Kitô hữu. Cầu nguyện là hơi thở của đời sống người Kitô hữu. Nếu ngừng thở, chúng ta sẽ chết. Cũng thế, nếu không cầu nguyện, đời sống tâm linh chúng ta cũng sẽ chết.

Cầu nguyện là nhịp cầu đưa chúng ta tới hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và hiệp thông với mọi loài thụ tạo, với anh chị em đồng loại. Cầu nguyện mang lại cho chúng ta sức mạnh, bình an và nghị lực để sống xứng đáng với nhân phẩm và địa vị của mình.

Cầu nguyện cũng giúp biến đổi xã hội và cuộc sống vốn đang bị sa mạc hóa tâm linh. Có một linh mục người Pháp là tuyên úy của các sinh viên ở Đại Học Sorbone. Sau tuổi 68, ngài sang sa mạc Sahara và hai năm sống trong một túp lều tự mình làm, ngài chỉ mang theo cuốn Kinh Thánh và Thánh Thể. Ở đây, Chúa làm cho ngài hiểu một điều: sa mạc đích thực hôm nay là những thành phố lớn, nơi đó, Thiên Chúa bị lãng quên, con người sống trong nỗi cô đơn còn tồi tệ hơn sự cô đơn ở sa mạc Sahara. Trở lại Pháp, ngài bắt đầu thành lập Cộng Đoàn Đan Tu Giêrusalem ở Paris, được gọi là “những đan viện trong thành phố.” Có nhiều đến đây sống cầu nguyện như những đan tu. Đây là một hình thức giúp cho những ai muốn cùng nhau cầu nguyện mỗi ngày.

Theo một định nghĩa cổ điển, cầu nguyện là “một cuộc đàm thoại đạo đức với Thiên Chúa.” Theo thánh Angela thành Foligno, cầu nguyện là nâng tâm hồn lên và dìm mình trong sự vô biên là Thiên Chúa.” Kinh Thánh thường dùng từ “nâng tâm hồn lên” để nói về cầu nguyện: “Lạy Chúa, con nâng tâm hồn con lên cùng Ngài...” Như thế, cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa, như Thánh Vịnh diễn tả: “Con kêu lên Ngài, lạy Thiên Chúa, vì Ngài đáp lời con. Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu. Xin biểu lộ tình thương diệu kỳ của Chúa, Ngài cứu ai trú ẩn dưới cánh tay Ngài khỏi quân thù xông đánh. Xin giữ gìn con như thể con ngươi, dưới bóng Ngài, xin thương che chở” (Tv 17,6-8).

Người ta thường bỏ cầu nguyện khi cho rằng: Thiên Chúa biết hết rồi và Người đã sắp đặt mọi sự rồi: như thế, làm sao chúng ta có thể thay đổi quyết định vĩnh viễn của Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện của mình được?

Thánh Tôma Aquinô trả lời: “Chúng ta không cầu nguyện để xin thay đổi quyết định đời đời của Thiên Chúa, nhưng để xin điều mà Thiên Chúa quyết định ban cho chúng ta, khi nhậm lời chúng ta cầu nguyện. Thiên Chúa không chỉ quyết định ban vì những hiệu quả nào đó, nhưng còn ban với những nguyên nhân và cần có điều kiện nào đó. Có những điều Người ban khi chấp nhận lời cầu nguyện của chúng ta, theo cách mà con người xứng đáng đón nhận điều mà quyền năng thần linh đời đời muốn ban cho họ, nhờ lời cầu nguyện của họ (x. Somma teologica II-IIae, q.83, a.2).

Hơn nữa, cầu nguyện là rất hiệu nghiệm. Cầu nguyện có sức mạnh đến mức không thể tin được. Như Pascal tự vấn: “Tại sao Thiên Chúa đã dạy chúng ta cầu nguyện?” Ông trả lời: “Để thông ban cho thụ tạo của Người phẩm chất cao cả nhất” (Tư tưởng, 513). Cầu nguyện là quản lý chính vận mệnh cách ý nghĩa nhất. Khác với điều mà Nietzsche cho rằng “cầu nguyện là một nỗi xấu hổ, là một việc làm của những người nô lệ.”

3- Thiên Chúa sẽ nhậm lời

Hơn là một sự bó buộc, cầu nguyện là một đặc ân cao quý, một sự nối kết với Thiên Chúa. Trong dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu nói rằng Thiên Chúa không để cho chúng ta phải chờ lâu, nhưng Người sẽ mau chóng đáp trả cho những ai cầu khẩn Người. Nhưng chúng ta tự hỏi rằng tại sao nhiều lần chúng ta cầu nguyện mà không được lắng nghe? Đây là vấn đề nghiêm túc và nhức nhối đối với người tín hữu và cần phải cẩn trọng với những câu trả lời dễ dãi và ngây thơ. Chúa Giêsu biết rõ rằng đôi lúc Thiên Chúa không chấp nhận hoặc chưa nhận lời cầu xin của chúng ta. Bởi thế, Người kể dụ ngôn về bà góa, để khuyến dụ chúng ta “hãy cầu nguyện luôn, mà không được nản chí.”

Đôi khi chúng ta không hiểu tại sao Thiên Chúa không nhận lời cầu xin chính đáng của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta xin ơn gì, Người ban ơn đó, thì quả thật là khốn cho chúng ta. Nhiều người sau đó đã tạ ơn Chúa vì Người đã không chấp nhận lời cầu xin của họ. Có một người trẻ, giờ rất hạnh phúc với người vợ của mình, khi còn sinh viên, anh đã tán tỉnh nhiều cô gái khác như các chàng trai thường làm, anh đã cầu nguyện và nhờ người khác cầu nguyện cho anh có được một người vợ phù hợp. Sau khi đã cầu nguyện, nhưng anh thấy Chúa không nhận lời anh cầu xin, anh cảm thấy Chúa bỏ rơi mình và anh kết luận rằng những lời cầu nguyện đó là vô ích. Sau này, anh mới nghiệm ra rằng anh không thể có được người vợ như anh đang có, nếu Thiên Chúa đã nhận lời anh như anh cầu nguyện lần đầu hoặc lần thứ hai.

Như vậy, Thiên Chúa là Cha tốt lành, nhân hậu, sẵn sàng ban những ơn lành cần thiết cho chúng ta. Tuy nhiên, vì là một người Cha tốt lành, nên không phải bất cứ điều gì chúng ta xin, Người đều ban. Bởi lẽ, Người biết điều gì tốt và điều gì có ích để ban cho chúng ta. Bổn phận của chúng ta là hãy tin tưởng, kiên trì và siêng năng cầu nguyện. Chúng ta hãy cầu nguyện mỗi ngày, trước khi đi ngủ, khi thức dậy, khi đi làm, trước khi ăn cơm. Hãy cầu nguyện liên lỉ và đừng bao giờ nản chí. Amen.

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/