Thứ Ba, 26/11 là ngày cuối cùng trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Nhật Bản. Lúc 7g45 sáng, Đức Thánh Cha có thánh lễ riêng buổi sáng với các tu sĩ Dòng Tên tại nhà nguyện của đại học Sophia.

Sau đó, lúc 9g40, Đức Thánh Cha đã thăm các linh mục đau yếu và lớn tuổi trong trường đại học này. Cuối cùng, ngài gặp gỡ các giáo sư và sinh viên của trường đại học với một bài huấn dụ dành cho những người tham dự.

Trong diễn từ với giới học thuật Nhật Bản, Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến,

Thật là một niềm vui lớn đối với tôi khi có thể dành một vài phút với anh chị em khi kết thúc chuyến tông du của tôi, ngay trước khi rời Nhật Bản trở về Rôma. Đã đến lúc nói lời tạm biệt.

Thời gian lưu trú của tôi ở đất nước này rất ngắn và rất bận rộn, nhưng tôi muốn cảm ơn Chúa và tất cả các anh chị em vì đã có cơ hội đến thăm đất nước này mà Thánh Phanxicô Xaviê rất mong muốn được biết, và là nơi có rất nhiều vị tử đạo làm chứng cho đức tin Kitô của mình. Bất chấp thực tế Kitô hữu chỉ là thiểu số tại quốc gia này, sự hiện diện của anh chị em có thể cảm nhận được. Bản thân tôi đã chứng kiến lòng kính trọng chung dành cho Giáo Hội Công Giáo, và tôi hy vọng rằng sự tôn trọng lẫn nhau này có thể tăng lên trong tương lai. Tôi cũng quan sát thấy rằng, dù xã hội Nhật nổi bật với tất cả sự hiệu quả và trật tự, tôi cũng đã cảm nhận được một khao khát lớn hơn: đó là một mong muốn sâu sắc để tạo ra một xã hội nhân bản hơn, nhân ái hơn, và thương xót hơn.

Học tập và suy tư là một phần của mọi nền văn hóa, và văn hóa Nhật Bản của anh chị em rất tự hào về di sản cổ kính và phong phú của nó về vấn đề này. Nhật Bản đã có thể tích hợp tư duy và các tôn giáo của Á châu nói chung, để tạo ra một nền văn hóa với bản sắc được xác định rõ. Trường Ashikaga, mà Thánh Phanxicô Xaviê rất ngưỡng mộ, là một ví dụ về khả năng tiếp thu và truyền đạt kiến thức của Nhật Bản. Các trung tâm học tập, thiền định và nghiên cứu tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa ngày nay. Vì lý do này, điều quan trọng là các trung tâm được bảo vệ quyền tự chủ và tự do của họ, vì lợi ích của một tương lai tốt hơn. Vì các trường đại học tiếp tục là nơi đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai, nên cần phải có kiến thức và văn hóa truyền cảm hứng cho mọi khía cạnh cuộc sống của các tổ chức giáo dục, khiến họ trở nên toàn diện hơn và có khả năng tạo ra những cơ hội và tiến bộ xã hội.

Trường Đại Học Sophia. Để quản lý tài nguyên của chúng ta theo cách xây dựng và hiệu quả, chúng ta luôn cần một sophia thực sự, nghĩa là sự Khôn ngoan thực sự. Trong một xã hội cạnh tranh và định hướng công nghệ như Nhật Bản ngày nay, trường đại học này không chỉ là một trung tâm hình thành trí tuệ, mà còn là nơi mà một xã hội tốt hơn và một tương lai tràn đầy hy vọng hơn có thể được hình thành. Theo tinh thần của thông điệp Laudato Si của tôi, tôi muốn nói thêm rằng tình yêu thiên nhiên, là điển hình của các nền văn hóa Á châu, phải tìm được sự thể hiện ở đây trong mối quan tâm sâu sắc và có tầm nhìn xa đối với việc bảo vệ trái đất, là ngôi nhà chung của chúng ta. Đó là một mối quan tâm có thể kết hiệp với sự thúc đẩy một “episteme” mới [nghĩa là một nhận thức mới – chú thích của người dịch] có thể mang đến một tầm nhìn rộng lớn hơn đối kháng với não trạng giản lược hóa phát sinh ra từ mô hình kỹ trị (x Nos. 106-114). Chúng ta đừng quên rằng “một tình nhân loại đích thực, đòi phải có một tổng hợp mới, dường như đang lưu lạc giữa nền văn hóa công nghệ của chúng ta, và hầu như không được chú ý đến, giống như một màn sương thấm nhẹ nhàng bên dưới một cánh cửa khép kín. Liệu bất chấp tất cả những gì xảy ra, hứa hẹn cho một tình nhân loại như thế có dài lâu được không, và liệu tất cả những gì là chân thực có thể tiếp tục trỗi dậy trong sự kháng cự đến cùng hay không?” (Ibid., 112).

Đại học Sophia luôn được đánh dấu bởi một bản sắc nhân văn, Kitô và quốc tế. Từ khi được thành lập, trường đại học đã trở nên phong phú nhờ sự hiện diện của các giáo sư từ nhiều quốc gia khác nhau, thậm chí đôi khi từ các quốc gia có xung đột với nhau. Tuy nhiên, tất cả đã được hiệp nhất bởi mong muốn cống hiến những gì tốt đẹp nhất cho giới trẻ Nhật Bản. Tinh thần tương tự như thế tiếp tục theo nhiều cách mà anh chị em trao ra giúp cho những người có nhu cầu lớn nhất, ở đây và ở nước ngoài. Tôi tin tưởng rằng khía cạnh này trong bản sắc của trường đại học của anh chị em sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn, để những tiến bộ công nghệ tuyệt vời ngày nay có thể được đưa vào phục vụ một nền giáo dục nhân văn hơn, công bằng hơn và có trách nhiệm hơn về mặt sinh thái. Truyền thống Y Nhã, là nền tảng của Sophia, phải truyền cảm hứng cho các giáo sư và sinh viên để tạo ra một bầu không khí thúc đẩy sự suy tư và phân định. Không có sinh viên nào của trường đại học anh chị em có thể tốt nghiệp mà chưa biết cách lựa chọn, một cách có trách nhiệm và tự do, những gì người ấy biết theo lương tâm mình là tốt nhất. Trong mọi tình huống, ngay cả những trường hợp phức tạp nhất, cầu xin cho họ biết quan tâm xem hành vi của mình có công bằng và nhân đạo không, có phù hợp với lương tâm và có trách nhiệm không, và thể hiện mình là những người bảo vệ kiên quyết cho những người dễ bị tổn thương. Xin cho họ được biết đến với tính liêm khiết là điều rất cần thiết trong những thời điểm khi lời nói và hành động thường gây hiểu lầm hoặc lừa dối.

Các Ưu tiên Tông đồ Phổ quát mà Dòng Tên đề xuất và tôi đã phê duyệt trong năm nay cho thấy rõ rằng việc đồng hành cùng những người trẻ là một ưu tiên quan trọng trên toàn thế giới và tất cả các tổ chức Y Nhã phải khuyến khích sự đồng hành đó. Như có thể thấy rõ trong Thượng Hội Đồng về giới trẻ và các tài liệu của Thượng Hội Đồng này, Giáo hội hoàn vũ cũng nhìn với hy vọng và quan tâm đến những người trẻ trên toàn thế giới. Toàn bộ trường đại học của anh chị em nên tập trung vào giới trẻ, là những người không chỉ nhận được nền giáo dục xuất sắc mà còn là một phần của nền giáo dục đó, cung cấp những hiểu biết của họ và chia sẻ tầm nhìn và hy vọng cho tương lai. Cầu xin cho trường đại học của anh chị em được biết đến với một mô hình chia sẻ như vậy, cùng với sự phong phú và sức sống mà nó tạo ra.

Truyền thống Kitô giáo và nhân văn của Đại học Sophia hoàn toàn phù hợp với một Ưu tiên khác mà tôi đã đề cập, đó là đồng hành với người nghèo và những người bị ruồng bỏ trong thế giới của chúng ta. Các trường đại học, trong khi tập trung vào sứ mệnh của mình, nên luôn luôn sẵn sàng để tạo ra một “quần đảo” có khả năng kết nối những thực tại có thể bị xem xét một cách tách biệt về mặt văn hóa và xã hội. Những người bị gạt ra ngoài lề nên được kết hợp một cách sáng tạo vào cuộc sống và chương trình giảng dạy của trường đại học, trong nỗ lực mang lại một phương pháp giáo dục nhằm giảm bớt khoảng cách và những tách biệt. Phẩm chất giáo dục đại học không nên là đặc quyền của một thiểu số, nhưng phải liên tục được định hướng bởi những nỗ lực phục vụ công lý và thiện ích chung. Đó là một sự phục vụ được thực hiện bởi mỗi người trong lĩnh vực mà người đó được mời gọi để làm việc. Đây là một mối quan tâm liên quan đến tất cả mọi người. Lời khuyên của thánh Phêrô dành cho thánh Phaolô vẫn đúng cho đến ngày nay: đó là chúng ta không được quên người nghèo (xem Ga 2:10).

Anh chị em trẻ thân mến, các giáo sư thân yêu và tất cả những người làm việc tại Đại học Sophia: cầu xin cho những suy tư này và cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay sinh hoa kết quả cho cuộc sống của anh chị em và cho cuộc sống của cộng đồng học thuật này. Chúa và Giáo hội của Ngài đang trông cậy vào anh chị em để chia sẻ trong sứ mệnh tìm tòi, học hỏi và truyền bá sự Khôn ngoan thiêng liêng, và do đó, mang lại niềm vui và hy vọng cho xã hội ngày nay. Xin hãy nhớ cầu nguyện cho tôi và cho tất cả những ai cần sự giúp đỡ của chúng ta.

Và bây giờ, khi tôi chuẩn bị rời khỏi Nhật Bản, tôi cảm ơn anh chị em, và thông qua anh chị em, toàn thể người dân Nhật Bản đã hiếu khách tiếp và chào đón tôi trong chuyến tông du này. Tôi bảo đảm với anh chị em rằng tôi sẽ nhớ đến tất cả anh chị em trong tâm hồn mình và trong những lời cầu nguyện của tôi. Cảm ơn anh chị em.


Source:Libreria Editrice Vaticana