Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin khẳng định đây là vấn đề đã được quyết định một cách chung cuộc, miễn bàn cãi
Hôm 5 tháng 12, tại thủ đô của Đức đã có cuộc thảo luận chủ đề về “Tính dục của con người - Ta nên thảo luận điều này về mặt khoa học và thần học và đánh giá nó về mặt giáo hội học như thế nào?”. Tham dự cuộc họp này có Đức Tổng Giám Mục Heiner Koch, cùng với các giám mục Franz-Josef Bode của giáo phận Osnabrück, Wolfgang Ipolt của Görlitz, Peter Kohlgraf của Mainz, và một vài Giám Mục Phụ Tá từ ủy ban Đức tin và Gia đình của Hội Đồng Giám Mục Đức, cùng các chuyên gia, các nhà thần học và các luật sư về giáo luật.
Kêu gọi một “cuộc thảo luận vững chắc được hỗ trợ bởi khoa học và thần học về con người”, các vị đã đưa ra ba đề xuất chính. Thứ nhất, các ngài xem đồng tính luyến ái là một “hình thái bình thường” của căn tính tình dục con người. Thứ hai các ngài cho rằng quan hệ tình dục của các cặp vợ chồng ly dị và tái hôn không thể bị đánh giá là tội lỗi nghiêm trọng, và do đó, việc loại trừ “khỏi việc tiếp nhận Bí tích Thánh Thể” đối với những cặp vợ chồng như thế không thể biện minh được. Cuối cùng, các ngài cũng đề nghị xét lại việc phong chức linh mục cho phụ nữ.
Tờ National Catholic Register ghi nhận rằng tuyên bố của các vị này đã làm dấy lên một cao trào mới trong chiến dịch đòi phong chức linh mục cho phụ nữ tại Đức.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng: Một phong trào phụ nữ Công Giáo tại Đức chịu ảnh hưởng bởi các ý thức hệ cực đoan đã khởi xướng một cuộc biểu tình kéo dài trong một tuần từ ngày 11 đến 18 tháng Năm. Họ từ chối không bước vào nhà thờ và không tham dự các Thánh lễ trong suốt thời gian biểu tình phản đối. Phong trào cực đoan này đang gây xôn xao trong Giáo Hội tại Đức.
Tự gọi mình là nhóm “Maria 2.0”, nhóm này đã gửi một bức thư ngỏ tới Đức Thánh Cha Phanxicô, kêu gọi phong chức cho phụ nữ, và tuyên bố rằng ngoài Đức Mẹ ra, những người nam trong Giáo hội không đánh giá đúng mức bất cứ một người phụ nữ nào khác.
Trong các cuộc biểu tình, họ mang theo một bức ảnh của Đức Mẹ bị bịt miệng.
Những đòi hỏi cực đoan và thái độ thiếu tôn kính với Đức Mẹ đã vấp phải những chỉ trích đáng kể từ người Công Giáo Đức. Một số người Đức đã ra mắt một trang web lấy tên “Maria 1.0”, nói rằng Mẹ của Thiên Chúa không cần bất kỳ cập nhật nào và không nên bị sử dụng như một công cụ đấu tranh cho các yêu sách mang đầy mầu sắc ý thức hệ.
Các cuộc biểu tình của nhóm phụ nữ Công Giáo Đức này đã gây chia rẽ trong Giáo Hội tại Đức. Hầu hết, các giáo dân người Đức chống đối lại các cuộc biểu tình quá khích này. Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo Giáo hội tại Đức lại công khai ủng hộ nhóm này.
Trang Web chính thức của Giáo Hội Công Giáo ở Đức đăng tải các tin tức sâu rộng về hoạt động và những lời kêu gọi biểu tình của họ, và tường thuật rằng Đức Cha Franz-Josef Bode của Osnabrück hỗ trợ chiến dịch.
Đi xa hơn nữa, sáng Chúa Nhật 22 tháng Chín, 800 phụ nữ đã biểu tình trước nhà thờ chính tòa tổng giáo phận Köln để chống báng Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki. Ngài là một trong số 8 Giám Mục tại Đức kiên quyết chống lại cái gọi là tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc” nhằm tiến đến việc phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục, và chúc lành cho các kết hiệp đồng tính.
Hãng thông tấn Đức DPA đưa tin rằng những người biểu tình, chủ yếu là từ nhóm Maria 2.0, đã nắm tay nhau tạo thành một chuỗi người xung quanh nhà thờ chính tòa thành phố Köln.
Theo như thường lệ, những người biểu tình của nhóm Maria 2.0 đã nêu vấn đề cần giải quyết minh bạch các vụ lạm dụng tình dục trẻ em liên quan đến giáo sĩ. Đó chỉ là tấm bình phong che đậy một nghị trình đòi thay đổi hàng loạt các giáo huấn và kỷ luật truyền thống của Giáo Hội.
Trong đoạn video này quý vị và anh chị em có thể thấy các phụ nữ ăn mặc phẩm phục khi dâng lễ của các linh mục. Đó mới chính là điều họ muốn nhắm đến.
Đoạn video sau đây ghi được từ một buổi lễ phong chức linh mục tại giáo phận Regenburg của Đức Cha Rudolf Voderholzer, một đồng minh thân cận của Đức Hồng Y Woelki. Nhiều phụ nữ giơ cao các biểu ngữ gạch chéo chữ Vatikan như một hình thức chống báng các chỉ trích gần đây của Tòa Thánh đối với cái gọi là tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc” tại Đức.
Như thế, để đạt được mục đích của mình, nhiều người xưng mình là “Công Giáo” nhưng không ngại phá vỡ sự hiệp nhất của Giáo Hội và cổ vũ cho một cảm thức sai lầm rằng các giáo huấn về luân lý và thần học, cũng như các kỷ luật của Giáo Hội có thể được thay đổi dưới các áp lực chính trị của các cuộc biểu tình.
Những người chủ trương tiến trình công nghị này đang lật tung mọi thứ như thể các giáo huấn lịch sử và chính thống của Giáo Hội phải luôn luôn bị chất vấn trong bối cảnh của các “nhu cầu mục vụ” mới. Các giáo huấn lịch sử và chính thống bị chỉ trích là “lạc hậu” so với những thực tế mới đầy chông gai. Họ cho rằng giáo huấn của Giáo Hội luôn luôn là một điều gì đó có thể “thương lượng” khi đưa vào cuộc đối thoại với các xu hướng văn hóa đang ở thế thượng phong.
Trong khi đó, Đức Hồng Y Woelki nhấn mạnh rằng đức tin, và tín lý theo Kinh Thánh và Tông Truyền không thể bị thay đổi. Cả các bí tích và kỷ luật của Giáo Hội cũng không thể bị đổi thay. Chẳng hạn, chức tư tế dành cho phụ nữ là điều không thể được vì điều đó không thuộc về thẩm quyền của Giáo Hội. Đức Hồng Y Woelki nhắc nhớ rằng Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra “quyết định chung cuộc cho vấn đề này” với tất cả hiệu lực ràng buộc trên toàn thể Giáo Hội vào năm 1994 - và nhiều lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng khẳng định như thế.
Ngài nhấn mạnh rằng:
“Một Giáo Hội tìm cách thích nghi đức tin của mình cho phù hợp với thế giới, thì công việc điều chỉnh ấy không phải là hoạt động của Chúa Thánh Thần, nhưng đơn thuần là do tinh thần con người của chúng ta mà ra xuất phát từ nỗi sợ hãi không được thế giới đó nhận.”
Về phản ứng chính thức của Tòa Thánh đối với việc phong chức linh mục cho phụ nữ, chúng tôi xin lặp lại ở đây rằng Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin là Đức Hồng Y Luis Ladaria đã khẳng định nhiều lần là Giáo Hội không thể phong chức linh mục cho phụ nữ. Đó là chung cuộc, miễn bàn cãi.
Chỉ có người nam mới có thể được lãnh nhận chức tư tế là một sự thật, và là một phần của đức tin Công Giáo và điều này sẽ không bao giờ có thể thay đổi được, Đức Hồng Y Luis Ladaria, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã khẳng định như trên.
“Ngày càng có những mối lo nghiêm trọng khi chứng kiến ở một số nước vẫn có những tiếng nói nghi ngờ bản chất chung cuộc của giáo huấn này”, Đức Hồng Y viết như trên hôm 29 tháng 5 trên tờ Quan Sát Viên Rôma.
Thánh Gioan Phaolô II, khi xác nhận giáo huấn và thực hành liên tục của Giáo Hội, đã chính thức tuyên bố vào năm 1994 rằng “Giáo Hội không có thẩm quyền để phong chức linh mục cho phụ nữ và phán quyết này được tất cả tín hữu của Giáo Hội tuân giữ một cách chung cuộc.”
Đức Hồng Y Ladaria cho biết một số người tiếp tục đặt vấn đề về tính bất khả ngộ trong lời tuyên bố của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được nêu trong tài liệu “Ordatio Sacerdotalis” vì “văn kiện này không được xác định là ‘ex cathedra’ nghĩa là chưa chính thức, và long trọng tuyên bố là không thể sai lầm được. Lập luận này nói rằng “một quyết định sau đó của một giáo hoàng hoặc một công đồng trong tương lai có thể phủ nhận văn kiện đó.”
Nhưng, Đức Hồng Y cảnh cáo rằng: “gieo những nghi ngờ này là tạo ra sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa các tín hữu không chỉ về bí tích truyền chức thánh như một phần của hiến chế thánh thiện của Giáo Hội, nhưng còn làm cho người ta hoang mang về cách thức mà các thẩm quyền huấn giáo có thể dạy các giáo huấn Công Giáo một cách không thể sai lầm được.”
Đức Hồng Y giải thích như sau:
Giáo huấn của Giáo Hội không thể sai lầm khi được tuyên bố long trọng bởi một công đồng hay bởi một giáo hoàng khi tuyên bố “ex cathedra”. Đó là trường hợp của các học thuyết mới. Một giáo huấn cũng được công nhận là không thể sai lầm khi đã từng được “thẩm quyền giáo huấn địa phương và hoàn vũ của các giám mục loan truyền khắp thế giới, trong sự hiệp thông giữa các ngài với nhau và với Đức Giáo Hoàng, các giáo huấn Công Giáo được công bố như thế được tuân giữ một cách chung cuộc.”
Đó là những gì Thánh Giáo Hoàng đã làm, Đức Hồng Y Ladaria viết. “Ngài không tuyên bố giáo điều mới, nhưng với thẩm quyền ban cho ngài trong tư cách là người kế nhiệm của Thánh Phêrô, ngài chính thức xác nhận và xác quyết rõ ràng - để đánh tan bất kỳ nghi ngờ nào – về điều mà thẩm quyền giáo huấn địa phương và hoàn vũ của các giám mục đã coi là thuộc về kho tàng đức tin trong suốt lịch sử của Giáo Hội.”
“Chúa Kitô đã có ý ban bí tích này cho 12 Tông Đồ - tất cả đều là nam giới – là những vị đến lượt mình truyền lại cho những người nam khác. Giáo hội luôn thấy mình phải ràng buộc với quyết định này của Chúa, trong đó loại trừ khả năng chức tư tế có thể được ban một cách hợp lệ cho phụ nữ.”
Đức Hồng Y Ladaria nhấn mạnh rằng để đáp lại những câu hỏi liên quan đến chủ đề này Bộ Giáo Lý Đức Tin “đã liên tục lặp lại rằng đây là một sự thật thuộc về kho tàng đức tin.”
Ứng viên cho chức tư tế phải là một người nam. Điều này thuộc về “bản chất của bí tích này” và không thể thay đổi vì bí tích truyền chức thánh được thiết định bởi chính Chúa Kitô.
Sự kiện phụ nữ không thể được thụ phong linh mục, không ngụ ý “tùng phục, nhưng nên hiểu là một sự phong phú hóa lẫn nhau.”
Vai trò cao quý của Đức Maria trong Giáo Hội, mặc dù Mẹ không phải là một trong 12 tông đồ, cho thấy tầm quan trọng của cả nữ tính lẫn nam tính trong Giáo Hội. Một thách thức đối với văn hóa hiện đại là phải “cố gắng hiểu được ý nghĩa và sự tốt lành trong sự khác biệt giữa nam và nữ.”
Đức Hồng Y Ladaria ghi nhận rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã tái khẳng định giáo huấn theo đó chức tư tế chỉ dành cho người nam.
Trong tông huấn “Niềm vui của Phúc Âm” được công bố vào năm 2013, Đức Thánh Cha viết: “Việc dành riêng chức tư tế cho nam giới, như một dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Kitô, Đấng đã tự hiến trong bí tích Thánh Thể, không phải là một vấn đề mở ngỏ cho các cuộc thảo luận.”
Và, khi trả lời câu hỏi của một phóng viên trong chuyến đi Thụy Điển vào năm 2016, Đức Thánh Cha đã nói: “Về khả thể phong chức cho phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo, lời cuối cùng, rõ ràng đã được đưa ra bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và điều này vẫn còn hiệu lực.”
Đức Hồng Y Brandmüller, người Đức, nguyên là chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Lịch sử, nói những ai kêu gọi phong chức linh mục cho phụ nữ là “lạc giáo” và “tuyệt thông” với Giáo Hội
Những người thúc đẩy việc phong chức linh mục cho phụ nữ “có đủ các yếu tố của tội lạc giáo” và đương nhiên tuyệt thông với Giáo Hội, Đức Hồng Y Walter Brandmüller đã nói như trên khi bình luận về những nhận xét gần đây của một chính trị gia người Đức.
Đức Hồng Y Brandmüller, một trong bốn vị Hồng Y “dubia”, đã chỉ trích mạnh mẽ Annegret Kramp-Karrenbauer, Tổng thư ký Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo Đức, sau khi bà này kêu gọi Giáo Hội Công Giáo phong chức linh mục cho phụ nữ.
Kramp-Karrenbauer, là người được coi là dẫn đầu trong danh sách các ứng viên thay thế cho thủ tướng Angela Merkel, đã nói trong một cuộc phỏng vấn với Die Zeit rằng: “Điều rất rõ ràng: phụ nữ phải nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong Giáo hội.”
Bà nói thêm rằng bà muốn thấy có các nữ linh mục, nhưng hiện tại Giáo hội nên tập trung vào “mục tiêu thực tế hơn, là phong chức phó tế cho phụ nữ”.
Tuy nhiên, Đức Hồng Y Brandmüller cho biết ý tưởng phong chức thánh cho nữ giới đã bị Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II loại trừ một cách dứt khoát, và vì thế bất cứ ai khăng khăng thúc đẩy ý tưởng này đã “rời bỏ nền tảng của đức tin Công Giáo” và “có đủ các yếu tố lạc giáo, và hệ quả là, tuyệt thông với Giáo Hội”
Đức Hồng Y nói thêm rằng Giáo hội không phải là một “tổ chức trần thế”, nhưng sống theo “các hình thức, cấu trúc và luật lệ được trao ban cho mình bởi người Sáng lập Chí thánh mà không ai có quyền lực để thay đổi – cả các giáo hoàng lẫn các công đồng cũng không thể thay đổi.”
Đức Hồng Y nhận xét rằng thật “đáng kinh ngạc” khi thấy tại Đức người ta vẫn cứ nằng nặc tranh cãi về các chủ đề nhất định “luôn luôn giống nhau: nữ linh mục, tình trạng độc thân cuả các linh mục, cho người Tin Lành được rước lễ, cho người ly dị và tái hôn được rước lễ. Mới gần đây lại có thêm chuyện ‘đồng ý’ với cái gọi là hôn nhân đồng tính”
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cũng tham gia vào cuộc tranh luận về giáo lý, kêu gọi Giáo Hội Công Giáo “chia sẻ” việc rước lễ với người Tin Lành.